Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy vai trò hậu phương quân đội
1. Về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến
Về vị trí, vai trò của hậu phương đối với kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”(1). Như vậy, hậu phương có một vai trò hết sức to lớn và có vị trí mang tính quyết định thành, bại của kháng chiến. Đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng càng lâu dài, gian khổ ác liệt, vai trò của hậu phương càng trở nên quan trọng. Về sức mạnh của hậu phương, của thế trận lòng dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Dù địch có những vũ khí tối tân, hùng binh ác tướng, nhưng chúng ta lại có những thứ vũ khí mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn chúng - đó là sức mạnh nhân dân, của hậu phương quân đội. Chúng ta có cái chí quật cường không núng của dân tộc, chúng ta có sự đòan kết của tòan quân, tòan dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, chứ không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó.
Mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến là mối quan hệ biện chứng, gắn bó khăng khít, mật thiết với nhau và luôn tác động qua lại. Hậu phương là chỗ dựa, là nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, là nơi cổ vũ niềm tin cho bộ đội. Hậu phương có vững mạnh, được giữ vững mọi mặt thì bộ đội ở chiến trường mới có thêm sức mạnh để đánh thắng giặc. Tiền tuyến càng thắng lớn, tiêu diệt được nhiều địch, giải phóng dân và đất đai thì hậu phương càng được củng cố, mở rộng, nhân dân càng phấn khởi thi đua sản xuất, thi đua động viên con em tòng quân, kháng chiến càng chóng thắng lợi.
Trong mối quan hệ hậu phương - tiền tuyến, thì tiền tuyến giữ vai trò là mặt trận trực tiếp chiến đấu tiêu diệt kẻ thù; hậu phương là hậu thuẫn gián tiếp tạo nên thắng lợi ở mặt trận nhưng lại giữ vai trò có tính quyết định. Ngay từ khi cách mạng vừa giành được chính quyền năm 1945, để củng cố chính quyền và xây dựng quân đội, chuẩn bị bước vào kháng chiến lâu dài, Người nhấn mạnh: “Thực túc” thì “binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “tấc đất, tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó”(2).
“Thực túc” thì “binh cường” - tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một triết lý giản dị nhưng vô cùng sâu xa: muốn xây dựng được quân đội hùng mạnh, đủ sức chiến đấu lâu dài và giành chiến thắng, trước hết phải xây dựng được thực lực - tức là phải có được một hậu phương vững chắc, mạnh về mọi mặt, nhất là kinh tế - quốc phòng, là nguồn dự trữ dồi dào, to lớn về nhân lực, vật lực đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng cao của chiến trường.
2. Một số quan điểm và biện pháp xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh tòan diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuất phát từ vị trí, vai trò của hậu phương quân đội là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi, trong quan điểm chỉ đạo xây dựng hậu phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Phải xây dựng hậu phương vững mạnh tòan diện trên tất cả các mặt chính trị - tư tưởng, kinh tế - quốc phòng, văn hóa - giáo dục; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương cả trong thời bình và thời chiến.
Xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh về chính trị - tư tưởng
Đây là vấn đề có tính cốt lõi và xuyên suốt tòan bộ quá trình cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rằng: Muốn xây dựng được hậu phương vững mạnh, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng lực lượng chính trị, lấy xây dựng chính trị làm nhiệm vụ then chốt. Từ rất sớm, Người đã nhận rõ chỗ dựa vững chắc nhất của cách mạng, của hậu phương quân đội là lòng yêu nước, lòng trung thành vô hạn của nhân dân đã giác ngộ đối với sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người thường nói: “Lòng yêu nước và sự đòan kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”(3).
Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, với đường lối chiến tranh nhân dân, tòan dân, tòan diện, tự lực, tự cường là chính, trong quá trình chỉ đạo cách mạng nói chung, xây dựng hậu phương nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo phát triển tổ chức đảng, tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng. Người yêu cầu tất cả các đảng bộ, chi bộ, các đơn vị địa phương đều phải ra sức chăm lo củng cố tổ chức đảng vững mạnh; mỗi chi bộ thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo, là “pháo đài thép” ở từng cơ sở. Trong xây dựng Đảng ở hậu phương, cần hết sức coi trọng bồi dưỡng cấp ủy, bí thư và cán bộ nòng cốt cả về nhận thức tư tưởng, phương pháp lãnh đạo, cách xây dựng nghị quyết về công tác xây dựng hậu phương quân đội, nhất là công tác quân sự địa phương ở từng cơ sở.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Người, thực tiễn xây dựng hậu phương quân đội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa qua, đã chứng minh nơi nào có tổ chức đảng mạnh thì mọi công việc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng hậu phương, động viên và phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần cho chiến trường đều thu được kết quả tốt.
Trong xây dựng hậu phương, đi đôi với xây dựng Đảng là vấn đề không ngừng củng cố, tăng cường và hòan thiện hệ thống chính trị các cấp, làm cho chính quyền các cấp thực sự đủ trình độ và năng lực điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng hậu phương, động viên sức mạnh cao nhất cho chiến trường.
Nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ hậu phương quân đội, Người yêu cầu ủy ban hành chính, hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, đòan thể, các tổ chức chính trị do Đảng lãnh đạo như: Mặt trận Tổ quốc, Đòan Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... phải thực sự làm tốt vai trò, chức năng của mình trong việc tổ chức quản lý và điều hành các hoạt động của xã hội, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chính quyền của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, Người luôn nhắc nhở các cấp chính quyền phải thường xuyên chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước như: chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách chế độ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đặc biệt là các chính sách đối với người lao động nhằm động viên, khuyến khích phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Quan điểm xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị - tư tưởng của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở phương châm chỉ đạo các cấp bộ đảng và chính quyền cần tích cực bồi dưỡng và phát động các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tinh thần sẵn sàng hòan thành mọi nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang và nhân dân. Người nói:
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”...
“Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ta nhất đinh thắng
Địch nhất định thua”(4)
Quán triệt tư tưởng của Người, trong xây dựng hậu phương quân đội, Đảng ta đã phát động trong tòan dân, tòan quân nhiều cuộc vận động chính trị, những đợt phát động thi đua xây dựng hậu phương thông qua các phong trào như: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Mỗi người làm việc bằng hai - tất cả vì miền Nam ruột thịt”; công nhân với khẩu hiệu: “Tay búa, tay súng”; nông dân: “Tay cày, tay súng”, “5 tấn thóc một héc-ta”; phụ nữ với phong trào: “Ba đảm đang”; thanh niên với phong trào: “Ba sẵn sàng”; quân đội với phong trào: “Cờ Ba nhất”, học tập gương Anh hùng Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”... Những phong trào này đã có tác dụng tốt, tạo nên sức mạnh cổ vũ, động viên to lớn tòan dân, tòan quân tại hậu phương và ở chiến trường cùng thi đua hòan thành nhiệm vụ.
Xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt
Có thể thấy rõ, khi nói đến xây dựng hậu phương vững mạnh, không thể không nói đến nội dung quan trọng là xây dựng tiềm lực kinh tế. Trong nhiệm vụ xây dựng hậu phương, lấy xây dựng tiềm lực chính trị làm cơ sở, thì xây dựng tiềm lực kinh tế là điều kiện thúc đẩy sự phát triển tiềm lực quốc phòng. Nắm vững quy luật cơ bản của chiến tranh nhân dân là: chiến tranh phụ thuộc vào kinh tế. Đối với nước ta, thường phải tiến hành chiến tranh trong điều kiện lâu dài, tự lực cánh sinh là chính nên càng phải coi trọng xây dựng hậu phương về kinh tế. Vì kinh tế có phát triển, hậu phương mới có thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời mọi nhu cầu ngày càng lớn của chiến trường, mới đủ sức đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh, đi đến thắng lợi cuối cùng. Mặt khác, kinh tế có phát triển, mới có điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở hậu phương, mới duy trì và bồi dưỡng được sức dân trong điều kiện chiến tranh ác liệt kéo dài. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế”(5).
Trong điều kiện nước ta còn nghèo, nhân dân còn ở trình độ sản xuất thấp, kết cấu hạ tầng kém phát triển, lại bị chiến tranh ác liệt kéo dài tàn phá, thì vấn đề xây dựng kinh tế hậu phương càng đặt ra một cách bức thiết, đòi hỏi phải có đường lối xây dựng đúng đắn và chính sách phù hợp. Với tinh thần tự lực, tự cường là chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chính sách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, Người coi đó là một “quốc sách” căn bản để nâng cao đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, phục vụ yêu cầu của kháng chiến.
Đối với vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dù khó khăn đến mấy, vấn đề lương thực cũng phải giải quyết cho bằng được. Nếu không làm được lúa, phải chuyển nhanh, thiếu cơm có khoai, thiếu khoai có sắn”(6). Về đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, Người nói: “Thực dân Pháp phá kinh tế của ta, phong tỏa cả trong và ngòai. Ta phải làm tự cấp tự túc, dù nó có phong tỏa 10 năm, 15 năm ta cũng không sợ. Muốn tăng gia sản xuất phải làm thế nào? Không phải Chính phủ bỏ ra l0-15 triệu để mở lò máy, làm cái này cái khác. Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia, sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem làm lợi cho dân”(7).
Với chủ trương “thực túc binh cường”, coi ruộng đất là của cải “tấc đất, tấc vàng”, Người luôn kêu gọi tòan dân, tòan quân: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa”(8). Người cho đó là phương châm thiết thực để xây dựng hậu phương không ngừng lớn mạnh, để phục vụ kháng chiến kiến quốc thắng lợi.
Sản xuất quốc phòng, mở mang công nghiệp trong xây dựng hậu phương cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng và quan tâm chỉ đạo. Khi tiếp quản các cơ sở công nghiệp, Người đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng các nhà máy, công binh xưởng sang phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và phục vụ nhu cầu dân sinh, bảo đảm tiêu dùng cho nhân dân ở hậu phương. Tuy nhiên, trong hòan cảnh chiến tranh kéo dài thì nhiệm vụ phát triển công nghiệp nhằm cung cấp vũ khí, đạn dược, vải mặc, thuốc men cho chiến trường lại được đặt lên hàng đầu. Trong bài viết “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới” nhân ngày Quốc tế Lao động l-5-1949, Người kêu gọi: “Công: Chế nhiều vũ khí, dụng cụ, sản phẩm để đánh giặc và để cung cấp cho nhân dân”(9). Người động viên cán bộ, công nhân phải “Hợp tác với chuyên môn để cải thiện kỹ thuật và điều kiện sản xuất; bảo vệ nhà máy; phá kinh tế địch bằng mọi cách”(10). Người còn yêu cầu: “Các công binh xưởng thì thi đua chế tạo vũ khí cho nhiều, cho mau, cho tốt”(11).
Cùng với việc chỉ đạo tòan Đảng, tòan dân, tòan quân xây dựng hậu phương vững mạnh về kinh tế - quốc phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn hết sức coi trọng xây dựng hậu phương phát triển về văn hóa, giáo dục, y tế... Sự nghiệp mở mang dân trí không chỉ dừng lại ở giác ngộ chính trị - tư tưởng. Kiến thức về mọi mặt của người dân lao động trên mọi miền đất nước, từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược cần được không ngừng mở rộng và nâng cao để có thể tiếp cận những thành tựu về văn hóa, khoa học - kỹ thuật của nhân loại, trên cơ sở đó tham gia tích cực vào các lĩnh vực khác nhau của công cuộc kháng chiến cũng như của đời sống xã hội. Vì vậy, ngay từ khi chính quyền được thành lập và trong quá trình tiến hành kháng chiến, xây dựng hậu phương quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng nền văn hóa mới, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cho nhân dân ở hậu phương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm đầu chuẩn bị kháng chiến chống Pháp ta đã nhanh chóng xóa nạn mù chữ trên tòan quốc. Suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nền giáo dục phổ thông vẫn không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trình độ học vấn của bộ đội và nhân dân được nâng lên làm cho việc nhận thức nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng hậu phương quân đội, nhận thức tình hình thế giới và trong nước đạt được kết quả rõ rệt. Nhờ đó, việc động viên tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ hậu phương, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ thêm thuận lợi.
Về nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa cho bộ đội và nhân dân ở tiền tuyến cũng như hậu phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(12). Trong chỉ đạo xây dựng nền văn hóa mới, Người chỉ rõ: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch văn hóa của đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới”(13).
Như vậy, xây dựng hậu phương vững mạnh tòan diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là quá trình xây dựng thực lực cách mạng, thực lực kháng chiến, làm chỗ dựa và hậu thuẫn vững chắc cho tiền tuyến, nhằm mục tiêu vừa đáp ứng yêu cầu của chiến tranh, vừa phục vụ đời sống nhân dân.
Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội
Xây dựng và bảo vệ hậu phương quân đội là hai mặt của một vấn đề, thống nhất chặt chẽ với nhau, luôn hỗ trợ và tương tác lẫn nhau. Có xây dựng tốt thì mới bảo vệ được mình và ngược lại, có bảo vệ tốt mới giữ vững và phát huy được thành quả cách mạng. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nhiệm vụ bảo vệ là cực kỳ quan trọng, song quyết định nhất trong các nhiệm vụ của hậu phương, bảo đảm cho hậu phương ổn định và vững mạnh là nhiệm vụ xây dựng.
Thực tiễn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vừa qua, hậu phương quân đội của ta luôn là mối uy hiếp đối với địch, là bàn đạp để ta mở các cuộc tiến công lớn có tính quyết định trên chiến trường. Bởi vậy, kẻ thù luôn tìm mọi cách để phá hoại hậu phương của ta hòng thu hẹp, phá nát hậu phương hoặc gây rối loạn, mất ổn định, từ đó làm giảm sức mạnh chi viện, hậu thuẫn cho chiến trường. Bên cạnh hoạt động quân sự, chúng còn tiến hành nhiều thủ đoạn và biện pháp chính trị, kinh tế, văn hóa - tư tưởng khác nhau rất thâm độc, tinh vi và xảo quyệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở quân và dân ta trong xây dựng và bảo vệ hậu phương là: “Địch bắn phá ở đâu, chúng không nói cho ta biết trước, cho nên bất cứ ở đâu, bất kỳ lúc nào, chúng ta cũng phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng”(14), luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết đập tan mọi âm mưu chống phá nổi loạn từ bên trong cũng như tiến công tập kích từ bên ngòai của kẻ địch. Đồng thời, Người cũng yêu cầu đảng bộ và chính quyền các cấp ở địa phương phải luôn mài sắc tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các thủ đoạn chống phá, kích động, phản tuyên truyền của địch.
Thấu suốt quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ hậu phương, trong suốt quá trình chỉ đạo chiến tranh, Đảng ta đã xác định rõ: Việc bảo vệ tốt địa bàn là cơ sở để bảo đảm cho hậu phương quân đội có một đời sống kinh tế, xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi tin tưởng, là điều kiện quan trọng để tiến hành công cuộc xây dựng, kiến thiết hậu phương và huy động sức mạnh cho chiến trường. Ngược lại, nếu nơi nào, lúc nào không giữ được ổn định chính trị xã hội, không bảo vệ vững chắc địa bàn, cuộc sống của nhân dân bị đe dọa thì nơi đó không thể tập trung tòan bộ sức lực và trí tuệ để xây dựng hậu phương quân đội theo yêu cầu, chủ trương đã đề ra, không thể tạo nên sức mạnh chi viện to lớn cho chiến trường. Hơn nữa, một khi hậu phương quân đội mất ổn định, đời sống và tính mạng của nhân dân bị đe dọa thì người lính ở chiến trường không thể an tâm để chiến đấu giành thắng lợi.
Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ xây dựng hậu phương phải đi liền và kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, muốn bảo vệ được hậu phương vững chắc phải dựa trên cơ sở xây dựng hậu phương quân đội thắng lợi.
Thấu suốt đường lối chiến tranh nhân dân “hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh”, nhằm động viên, cổ vũ và phát huy cao độ sức mạnh của quần chúng nhân dân trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ hậu phương, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và thường xuyên coi trọng chỉ đạo thực hiện chính sách hậu phương quân đội; coi đây là nhân tố để phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu phương chiến tranh. Chính sách hậu phương quân đội được thể hiện ở chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, gia đình có công với cách mạng, chế độ đối với những người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ hậu phương trên các mặt trận, chế độ đối với thanh niên xung phong, bộ đội xuất ngũ trở về hậu phương, chế độ đối với người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em...
Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với quân đội và hậu phương quân đội, với tư cách là Chủ tịch nước, Người đã ký nhiều sắc lệnh, chỉ thị quan trọng để ghi nhớ và tôn vinh những gia đình, cá nhân và tập thể có công với kháng chiến, với quân đội, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ hậu phương, bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình chỉ đạo chiến tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ hậu phương quân đội, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chế độ, chính sách hậu phương quân đội với những quy định hết sức cụ thể (về chính sách ưu tiên cho các gia đình quân nhân ở thành thị và nông thôn có Thông tư số 227/CP, ngày 15-11-1965, của Hội đồng Chính phủ về Chính sách đối với các gia chính quân nhân, Điều lệ khen thưởng đối với gia đình quân nhân chống Mỹ, cứu nước; Thông tư của Thủ tướng Chính phủ, số 71/TTg/CN-1968, ngày 30-7-1968 quy định chế độ đối với công nhân viên chức được điều động vào quân đội...
Cùng với việc tổ chức, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, đảng bộ và chính quyền các cấp còn chỉ đạo các địa phương xây dựng nhiều công trình phúc lợi như nhà trẻ, trường học, nhà hộ sinh, y tế công cộng... để giảm nhẹ gánh nặng cho các gia đình, giải phóng sức lao động, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ ra đồng sản xuất và phục vụ chiến đấu.
Với những chủ trương, chính sách và biện pháp cụ thể như trên trong xây dựng và bảo vệ hậu phương quân đội đã làm cho nhân dân, nhất là các gia đình có người thân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các mặt trận an tâm, phấn khởi, có điều kiện đóng góp được nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ hậu phương, chi viện chiến trường. Đồng thời, những người chiến sĩ trên các mặt trận, đặc biệt là chiến trường miền Nam và Lào càng có thêm niềm tin, sức mạnh và nghị lực, an tâm công tác và quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày nay, đất nước ta đang tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch đang áp dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” cùng với âm mưu bạo loạn lật đổ ở các mức độ khác nhau để chống phá cách mạng nước ta. Trong bối cảnh đó, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng hậu phương quân đội là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Thấm nhuần và vận dụng tư tưởng của Người về xây dựng hậu phương quân đội, chúng ta cần xác định rõ những quan điểm và phương hướng chiến lược trên để xây dựng hậu phương quân đội phù hợp với yêu cầu và điều kiện của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.
(1) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb. Chính trị quốc gia. H. 1993, tr.173
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia, H. 1995, tr.114, 115
(3) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, 1995, tr.281
(4) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, 1995, tr.473- 476
(5) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.523
(6) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.20
(7) (8) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.61
(9) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.591
(10) (11) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.591
(12) (13) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.368, 173
(14) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.572
Thủ tướng hội kiến với Quốc vương Campuchia  (24/09/2012)
Nhật Bản cử Thứ trưởng Ngoại giao đến Trung Quốc  (24/09/2012)
Triển lãm hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Phi  (24/09/2012)
Giao lưu hợp tác hữu nghị Việt Nam - Lào tại Liên bang Nga  (24/09/2012)
Hội đồng Dân tộc Quốc hội họp thảo luận nhiều dự án luật  (24/09/2012)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên