Dịch “Kỷ yếu Hoàng Sa” sang tiếng nước ngoài

Ý Nhi tổng hợp
20:04, ngày 06-09-2012
TCCSĐT - Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa giao Hội Khoa học lịch sử thành phố phối hợp với Sở Ngoại vụ và Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa xây dựng kế hoạch dịch “Kỷ yếu Hoàng Sa” sang một số tiếng nước ngoài, trước mắt là tiếng Anh và tiếng Trung.
"Kỷ yếu Hoàng sa" đã được phát hành vào tháng 1-2012, dày 212 trang do Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông cấp phép và phát hành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ làm chủ biên, Giáo sư Phan Huy Lê làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Cuốn sách gồm 4 phần: Hoàng Sa – Chủ quyền Việt Nam; Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa; Huyện Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử; Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Cuốn sách cũng giới thiệu 24 nhân chứng sống tại Hoàng Sa cũng như những kỉ niệm, ký ức và cảm nhận của họ về vùng thời gian sống và làm việc trên đảo.

Bên cạnh đó, nội dung Kỷ yếu cũng đề cập một số hoạt động tại các địa phương và nhân dân cả nước có liên quan đến việc sưu tầm tư liệu, hiện vật minh chứng quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, lịch sử của công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hoàng Sa - Việt Nam - vùng đất thiêng và niềm ý thức về chủ quyền dân tộc luôn là những khái niệm thường trực, hiện hữu trong mỗi tâm hồn Việt Nam. Cuốn sách là tập hợp các tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý, trong đó có nhiều hình ảnh và ký ức của những người đã từng đến sống và làm việc tại quần đảo này trong những thập niên 50-70 của thế kỷ XX cùng những cảm nhận của họ về vùng đảo, những ngày tháng sống ở đây.

Theo ông Đặng Công Ngữ, Chủ biên cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa, những tư liệu trong cuốn sách này là tài liệu tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ nhất từ trước đến nay về mặt địa lý lịch sử, nhân chứng cũng như quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa kể từ thời nhà Nguyễn./.