Xây dựng “ xã hội học tập” cho người lao động ở vùng dân tộc thiểu số

Nguyễn Thành Vinh TS, Học viện Quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo
19:36, ngày 06-09-2012
TCCSĐT - Xây dựng một “ xã hội học tập” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình hướng tới một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững. Nhưng, đó là một quá trình cần vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt, mục tiêu có một “xã hội học tập” ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi hiện còn tỷ lệ người nghèo cao nhất cả nước, càng là một công việc cần thiết và cấp bách.

Cơ sở đề hình thành “Xã hội học tập” vùng dân tộc thiểu số

Từ nhiều năm qua, Liên hợp quốc đã phát động chiến dịch toàn cầu vì giáo dục, trong đó có tuần hành động toàn cầu “Giáo dục nhằm chấm dứt nghèo khổ” do Ủy ban Văn hóa và Giáo dục (UNESCO) khởi xướng. Mục tiêu của Tuần lễ giáo dục thường niên nhằm chấm dứt nghèo khổ là động viên mọi lực lượng trong xã hội, từ các cấp lãnh đạo, các nhà hoạt động xã hội, đến các lực lượng giáo dục khác nhau đem giáo dục đến cho người nghèo, giúp cho họ biết chữ, học thêm tri thức, các kỹ năng sống… nâng cao năng lực tự thân và khả năng tự ý thức được giá trị của bản thân để tìm kiếm cơ hội tự giải phóng mình và gia đình vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đây là tư tưởng giáo dục không phân biệt và giáo dục không biên giới cho mọi người. Tư tưởng này bắt nguồn từ tư tưởng giáo dục thường xuyên, giáo dục cho mọi đối tượng, không chính quy, giáo dục liên tục, giáo dục suốt đời…

Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ  IX đã nêu yêu cầu nhiệm vụ đối với giáo dục là: “… đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước thành một xã hội học tập…”(1).

Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có xuất phát điểm thấp (dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, kết cấu hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn…), cho đến nay các dân tộc thiểu số là nhóm dân cư chiếm tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước thì vấn đề “Giáo dục nhằm chấm dứt nghèo khổ” càng có ý nghĩa quan trọng và giá trị sâu sắc.

Trong hệ thống chính sách phát triển xã hội nói chung cũng như đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thì vấn đề giáo dục luôn được coi là “quốc sách hàng đầu” cho sự phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến việc xây dựng một xã hội học tập. Thông qua các hình thức học tập khác nhau, mọi đối tượng trong xã hội sẽ có cơ hội được tiếp cận với các hình thức, dịch vụ học tập phù hợp nhằm nâng cao hiểu biết về chính trị, xã hội, văn hóa; đồng thời được tiếp nhận các kiến thức về nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và kiến thức về kinh tế…, thậm chí là kỹ năng chi tiêu trong gia đình. Từ đó có thể nhanh chóng cải thiện cuộc sống của mình trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay là khoa học - công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ cao, các tiến bộ kỹ thuật tham gia vào đời sống xã hội, lan tỏa vào các lĩnh vực của nền kinh tế và điều tiết kinh tế thị trường ngày càng nhanh nhạy, nên chênh lệch lớn do kỹ năng khai thác các nguồn lợi mà sự điều tiết xã hội không bắt kịp. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn do môi trường bị khai thác kiệt quệ, người dân thiếu đất canh tác, điều kiện tiếp cận với giáo dục thấp, khó tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, chưa được đào tạo nghề để chuyển đổi cơ cấu kinh tế… Vậy nên, nói đến bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi là phải nói đến sự chuyển dịch trong môi trường chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của thời kỳ mới. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống chính sách mới nhằm tạo cơ hội và động lực cho sự phát triển cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi đa số là đồng bào dân tộc cư trú, sinh sống. Song, trên thực tế, lĩnh vực giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi  sau hơn 25 năm nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, bên cạnh một số thành tựu  đã đạt được thì vẫn còn không ít địa phương, cơ sở chưa có đủ trường lớp, thiết bị và các cơ sở vật chất phục vụ dạy và hoc. Tỷ lệ học sinh đến lớp thực tế còn thấp; việc tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số qua đào tạo còn thiếu quy hoạch. Tỷ lệ cán bộ cơ sở là người dân tộc chưa qua đào tạo khá cao, theo số liệu của Ủy ban Dân tộc thì nhiều nơi lên tới mức 85% số cán bộ hiện có.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương để tạo ra năng lực hội nhập với cơ chế ngặt ngèo của nền  kinh tế thị trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được chuẩn bị về tâm lý, nghề nghiệp nên rất bỡ ngỡ, có phần bị động trước sự vận hành, điều chỉnh khi các yếu tố của nền thị trường xâm nhập vào cuộc sống. Nhiều ngành nghề truyền thống đặc sắc, nhiều giá trị văn hóa bản địa bị mai một trước áp lực của các sản phẩm công nghiệp hàng loạt với chi phí thấp từ các đô thị và từ bên ngoài tràn vào. Nhiều ngành nghề truyền thống trong một thời kỳ lịch sử dài đã đóng góp cho sự phong phú đặc biệt cả về văn hóa và kinh tế địa phương như nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn đúc, chế biến lâm sản, làm gốm…bị mai một, khi nhận ra các giá trị đặc sắc của nó đã bị thất truyền. Những nghề mới tạo ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân, phù hợp với thị trường lại chưa được đào tạo. Các cơ hội cho người dân tiếp cận và thụ hưởng với giáo dục, nói chung và học nghề, nói riêng trong xu thế hướng định một “xã hội học tập” rất thấp. Mô hình hiện nay ở nhiều địa phương có các trung tâm học tập cộng đồng nhưng việc tổ chức duy trì hoạt động còn rất đơn điệu. Nguồn kinh phí tài trợ từ các dự án là chỗ dựa chính cho hoạt động của các trung tâm này, vì vậy khi dự án kết thúc cũng đồng nghĩa với việc kết thúc các hoạt động chủ yếu của trung tâm. Mặt khác, do việc quản lý, vận hành tại các trung tâm giáo dục cộng đồng còn nhiều  hạn chế, dẫn đến hiệu quả học tập cho người lao động ở đó thấp, nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng không phù hợp, kém hiệu quả.

Chúng ta đều biết, mục tiêu hàng đầu xây dựng “xã hội học tập” là tạo những điều kiện tốt nhất để mọi người dân, nhất là lực lượng trong độ tuổi lao động được tiếp cận dễ dàng với mọi hình thức giáo dục để họ có thể đạt được mục tiêu mà thông điệp của UNESCO đã nêu ra là: “Học để biết, học để làm, học để làm người và học để cùng chung sống với nhau”. Với triết lý này, việc xây dựng một xã hội học tập với các hình thức học tập đa dạng là rất hữu ích và phù hợp, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lại càng cần thiết và có tính cấp bách. Có thể coi đây là cơ hội thuận lợi nhất để cộng đồng các dân tộc ít người có cơ hội học tập nâng cao nhận thức, học thêm các ngành nghề mới, tìm kiếm cơ hội việc làm để thoát nghèo, bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc, nâng cao kỹ năng sống và hội nhập với nền kinh tế thị trường nhanh, hiệu quả.           

Đề xuất một số giải  pháp xây dựng “ xã hội học tập” cho người lao động  vùng  đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Từ thực tế của quá trình triển khai xây dựng xã hội học tập ở vùng dân tộc thiểu số, để tạo cơ hội cho mọi người dân có thể tiếp cận với giáo dục nhanh và đạt hiệu quả, chúng ta cần thực hiện một số nội dung và giải pháp đồng bộ sau đây:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền để đạt mục tiêu từ chuyển đổi đến nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xoá đói giảm nghèo, tiến tới một xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập để nâng cao dân trí, chống lại sự dốt nát và yếu hèn là một nguyên lý phát triển mà ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chỉ ra rằng, đói nghèo và dốt nát đều là một thứ “giặc” như giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời nhấn mạnh về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho người dân có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Muốn đạt được đích ấy không có con đường nào khác là thông qua tri thức, thông qua đào tạo nghề nghiệp để mỗi người dân có được ngành nghề phù hợp, bảo đảm được điều kiện sống cần thiết ngay tại nơi họ cư trú. Chẳng hạn:  Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi, vùng cao phía Bắc thì cần tạo cho họ có tri thức để làm nghề rừng, sống bằng nghề rừng và làm giàu rừng. Tương tự, với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thấp, đồng bằng duyên hải miền trung, Tây Nam bộ thì họ cần được đào tạo kỹ năng về nuôi trồng và khai thác thuỷ sản…Nếu cư dân vùng cận đô thị và khu công nghiệp, khu chế xuất thì cần đào tạo họ có các nghề dịch vụ hoặc kỹ thuật để tham gia vào lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, có kỹ năng hoà với nhịp sống và sản xuất trong nền kinh tế thị trường.

2.  Mở rộng hệ giáo dục thường xuyên, hệ chính quy và không chính quy trên cơ sở cân đối và phù hợp với yêu cầu ở các vùng dân tộc. Cần coi trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các trung tâm học tập cộng đồng.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng là: “ Đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt: dạy nghề ngoài công lập, tại doanh nghiệp, tại làng nghề…; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề, lập nghiệp. Tổ chức dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất phù hợp cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số”(2).

 Xuất phát từ quan điểm đó, chúng ta cần nhanh chóng mở rộng diện và đa dạng các loại hình dạy nghề, truyền nghề ngay tại địa bàn, nhất là ở các làng xã vùng dân tộc thiểu số. Với đặc thù địa phương và văn hóa tộc người, cần chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển số lượng các loại hình học tập ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề… Thực tiễn qua nhiều năm đã được tổng kết cho thấy: đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thì trung tâm học tập cộng đồng là mô hình học tập phù hợp, vì ở đó người dân có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là  khi họ có nhu cầu tìm hiểu và bổ sung kiến thức cụ thể như: trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ rừng và các nguồn lợi thuỷ hải sản, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp…

Mô hình học tập cộng đồng không đòi hỏi quá cao về người dạy, có thể thầy dạy chính là người dân “nghệ nhân”, “người có kinh nghiệm”… ngay trong làng bản mà họ sinh sống, tri thức cũng có lúc không cần phải bằng sách vở mà bằng chính kinh nghiệm của họ được trao truyền. Với cách làm như vậy hình thức học tập cộng đồng sẽ là nơi giúp người lao động biết cách xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, phấn đấu làm giàu chính đáng. Việc truyền dạy các nghề ngắn hạn,  tập trung vào kỹ năng được coi như sinh hoạt cộng đồng, qua đó còn góp phần thúc đẩy thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tại trung tâm học tập cộng đồng cần coi trọng xây dựng những nội dung phù hợp cho từng loại đối tượng, từng cấp trình độ, từng vùng dân cư, từng loại nghề. Vừa tạo dựng các hình thức học tập phù hợp cho người lao động vừa chú trọng xây dựng đội ngũ đông đảo cộng tác viên là những người có khả năng và nhiệt tình để truyền dạy, chuyển giao những gì mà cộng đồng cần có. Như vậy, sẽ thu hút được người dân say mê tham gia học tập.

3. Hình thành một thói quen, một nếp “văn hóa học tập” cho mọi người

Để hình thành một xã hội học tập trước hết phải có người học. Để mọi người đều đi học, muốn học thì cấp ủy và chính quyền các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông…cần tuyên truyền vận động cho mọi người dân ý thức được việc cần phải học, phải tự nguyện học, học thường xuyên, học suốt đời, cần làm cho họ thấy được lợi ích của việc học như một nhu cầu không thể thiếu trong sinh kế của mỗi con người, mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội. Đó là con đường đi tới sự thành công của một “xã hội học tập”. Đó cũng được coi là một trong những giải pháp xoá đói giảm nghèo bền vững; đồng thời cũng là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và bảo đảm ổn định an ninh chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trước những thách thức của sự phát triển./.

------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ĨX. Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, tr 35

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tlđd. tr.293