Nguồn nhân lực - Vấn đề mấu chốt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai
Thực trạng và tiềm năng về nguồn nhân lực của Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng Đông Nam Bộ, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là một trong những địa phương có vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc CNH, HĐH. Từ khi đổi mới đến nay, Đồng Nai là một tỉnh khá năng động, đặc biệt là sự phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn (toàn tỉnh hiện có tới 30 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 9.573,77 héc-ta). Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, mặc dù nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, song Đồng Nai luôn duy trì độ tăng trưởng kinh tế khá cao (đạt 13,2%/năm), cơ cấu kinh tế hiện nay cơ bản phản ánh cơ cấu của nền kinh tế công nghiệp – dịch vụ.
Để có được những thành tựu kinh tế như trên là do Đồng Nai đặc biệt quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực. Đến nay, nguồn nhân lực của Đồng Nai đã có sự thay đổi rất lớn cả về số lượng và chất lượng, lực lượng lao động tăng bình quân giai đoạn 2006-2011 là 5%, gấp ba lần so với tốc độ tăng dân số chung. Số lao động chất lượng cao tăng lên nhanh chóng, thường được thể hiện ở trình độ đào tạo, lĩnh vực làm việc... Chẳng hạn, số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng chiếm tới 91%, riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến là 428.949 người, chiếm 32% tổng số lao động, số lao động qua đào tạo chiếm tới trên 50% tổng số lao động... Nguồn nhân lực dồi dào về số lượng đã tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Số người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động có tỷ lệ cao trong tổng dân số, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho tỉnh thực hiện tốt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chất lượng lao động cũng được thay đổi đáng kể. Năm 2001, tỷ lệ lao động được đào tạo là 32% so với tổng số lao động, thì đến năm 2011, tỷ lệ này lên tới trên 50%. Trong tổng số lao động đã qua đào tạo, tốc độ phát triển số lao động có trình độ công nhân kỹ thuật là nhanh nhất. Năm 2001, số lao động này mới chiếm 18,22% so với tổng số lao động, thì năm 2011 chiếm tới gần 40%. Sự gia tăng tương đối nhanh của tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc tại các ngành kinh tế là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển các ngành kinh tế, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là những ngành phát triển cần có hàm lượng chất xám cao.
Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh nói riêng và của đất nước nói chung. Hiện, sự phân bổ nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế của tỉnh đã thay đổi theo hướng tích cực, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, trên cơ sở đó có thể khai thác có hiệu quả các ngành mà tỉnh có lợi thế so sánh như công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao.
Nguồn nhân lực trên địa bàn Đồng Nai không những thay đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu, mà còn được thay đổi cả về quan điểm, tư duy, tác phong làm việc. Có thể nói rằng, từ tư duy đến tác phong làm việc của người lao động, kể cả cán bộ quản lý nhà nước, các nhà quản trị doanh nghiệp đã có những thay đổi cơ bản, theo hướng phù hợp với môi trường hội nhập kinh tế quốc tế. Người lao động đã chuyển từ tác phong lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp. Những nhân tố này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Đồng Nai nói riêng và đất nước nói chung thực hiện tốt mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì nguồn nhân lực của Đồng Nai còn bộc lộ nhiều hạn chế, trước hết là chất lượng.
Tuy đạt được những thành tựu đáng kể, song nguồn nhân lực ở Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng được hết những yêu cầu và thiếu tính bền vững, cả về sức khỏe, về năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, về ý thức lao động, kỷ luật lao động... Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng trong tổng lực lượng lao động chưa cao so với yêu cầu công việc. Tính đến hết năm 2011, mới có trên 50% số người được đào tạo trong tổng số lực lượng lao động. Riêng với nữ giới, con số này còn thấp hơn, chỉ khoảng 30%. Con số này thực sự chưa thể đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Mục tiêu mà tỉnh đề ra trong thời gian tới là đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011- 2015 từ 13% - 14%/năm. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm 56% - 57%, dịch vụ chiếm 38% - 39%, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 5% - 6%, thu nhập bình quân đầu người là 2.900 USD - 3.000 USD... |
Sự hạn chế không chỉ biểu hiện ở phương diện số lượng lao động được đào tạo mà cơ cấu đào tạo lực lượng lao động còn nhiều bất hợp lý, số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật còn quá thiếu. Chẳng hạn, số lao động xuất thân từ học sinh phổ thông chiếm tới 34,62%, số lao động xuất thân từ các trường dạy nghề chỉ có 9,6% ; tốt nghiệp đại học, cao đẳng là 4,21% ; xuất thân từ bộ đội là 5,09%... Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội việc làm và thu nhập, mà còn là yếu tố làm hạn chế năng lực cạnh tranh của tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, nhất là trong điều kiện quá trình công nghiệp hóa đang chuyển mạnh về chất.
Những giải pháp thiết yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực
Để đạt được những mục tiêu trên, Đồng Nai cần tập trung vào các giải pháp sau để phát triển nguồn nhân lực:
Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về phát triển nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực hay nguồn lực con người bao gồm cả sức lao động, trí tuệ và tinh thần gắn với truyền thống của cộng đồng dân tộc. Nguồn nhân lực có dồi dào, đủ trình độ, năng lực, phẩm chất mới có thể làm chủ các lĩnh vực, thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao các yêu cầu, mục tiêu, định hướng phát triển của các địa phương. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thì yêu cầu sử dụng lao động chất lượng cao là vấn đề bức thiết, đó là giải pháp quan trọng, cơ bản và lâu dài để Đồng Nai đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung trong môi trường cạnh tranh quốc tế hiện nay. Trong điều kiện toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và sự đổi mới khoa học, công nghệ diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi lực lượng lao động phải thích nghi tốt với quá trình này.
Tăng cường đào tạo, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, trình độ lao động của Đồng Nai chưa đáp ứng được hết yêu cầu phát triển trong điều kiện mới, vì vậy trong thời gian tới cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trước hết, cần tuyên truyền cho mọi người lao động hiểu rõ yêu cầu cấp thiết phải nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh cũng như của đất nước. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển mạng lưới đào tạo nghề cả theo chiều rộng và chiều sâu như: đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên dạy nghề, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển, tăng cường sự gắn kết trong đào tạo nghề với doanh nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong công tác đào tạo nghề. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực được đào tạo một cách căn bản có hệ thống, có khả năng tiếp thu, ứng dụng và sáng tạo, phát minh những tri thức khoa học mới, đáp ứng tốt, đảm nhiệm xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trên các lĩnh vực. Trong điều kiện phân công lao động quốc tế diễn ra nhanh chóng thì lợi thế về lao động rẻ sẽ ngày càng mất đi và nhường chỗ cho nó là lao động chất lượng cao, vì vậy Đồng Nai cần tăng cường đào tạo lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tập trung phát triển thị trường lao động
Cần tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, xây dựng các sàn giao dịch việc làm, củng cố và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các dịch vụ về đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm, mạng lưới này sẽ thực hiện chức năng làm cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động, giữa người lao động, cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động.
Tăng cường hợp tác với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực
Trong thời gian tới, Đồng Nai nên tập trung hợp tác với các ban, ngành Trung ương, các địa phương khác và các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực. Khai thác tốt nội lực và ngoại lực trong phát triển nguồn nhân lực.
Xây dựng chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài
Trước mắt rà soát lại các quy chế đã ban hành, xây dựng chính sách đãi ngộ về tiền lương, nhà ở nhằm thu hút nhân tài, nhất là trong những lĩnh vực mà tỉnh xác định đó là khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cần có cơ chế sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ./.
Nâng cao vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng  (09/08/2012)
Phát động thi ảnh nghệ thuật tôn vinh "Sen trong đời sống văn hóa Việt"  (09/08/2012)
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghịêp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn  (08/08/2012)
Chính phủ họp Phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật  (08/08/2012)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên