Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7

Theo: dangcongsan.vn
07:06, ngày 01-08-2012
Chiều tối 31-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo những nét chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra trong hai ngày 30 và 31 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến đúng hướng, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện.

Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng. Trong tháng 7-2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt đạt 9,6 tỉ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỉ USD. Như vậy, trong tháng 7-2012 xuất siêu 100 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khá cao (62,9 tỉ USD), tăng 19% so cùng kỳ.

Tuy đạt được những kết quả khá toàn diện như nêu trên nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 7 tháng chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Chỉ số CPI đã giảm liên tiếp 2 tháng (-0,26% và -0,29%). Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng + 0,93%. Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2012 nhập siêu 58 triệu USD). Điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn còn chậm. Tình hình bệnh viện quá tải, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được cải thiện nhiều, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp,…

Chính phủ đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành các tháng cuối năm 2012 là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Vũ Đức Đam, tại Phiên họp này, Chính phủ thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước... Xác định rõ cơ quan đầu mối trong thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước là bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề trước lo ngại của xã hội khi chỉ số giá tiêu dùng CPI liên tục giảm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam lý giải: CPI tháng 6, tháng 7 vừa qua âm, vấn đề này đã được Chính phủ họp bàn rất kỹ, trong đó có đề cập tới nhiều khái niệm lạm phát lõi, lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý thì tính chung CPI âm. Nhưng theo thông lệ, loại bỏ ra 2 nhóm mặt hàng là năng lượng và lương thực là 2 nhóm phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài không phụ thuộc vào bản chất tiền tệ của nền kinh tế thì lạm phát lõi 2 tháng vừa qua là vẫn dương. Cụ thể, việc được mùa, dồi dào về nguồn cung, đặc biệt là hai vựa lúa lớn của cả nước đã làm giảm chỉ số giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm nên đã kéo chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm rõ rệt. Và với cách tính này thì tháng 8, chỉ số CPI có thể vẫn âm… Muốn có lãi suất thấp thì lạm phát phải rất thấp, vì vậy nếu Chính phủ điều hành sao cho lạm phát ở mức dưới 10% và sang năm tiếp tục giảm thì như thế mới là ổn định vĩ mô lâu dài. Và, đây cũng là cơ hội tái cơ cấu doanh nghiệp để ổn định kinh tế vĩ mô trong vòng nhiều năm tới./.