TCCSĐT - Báo cáo mới của Cao ủy Liên hợp quốc công bố ngày 29-7-2012 về người tị nạn (UNHCR) cho biết, những người phải tha hương ở phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo đang là nạn nhân của các lạm dụng và vụ tấn công phân biệt chủng tộc.

1. Liên hợp quốc bác đơn xin hưởng quy chế ECOSOC của KKF

 
 Nhiều nước ở trong và ngoài khu vực đã nhất trí với đề nghị không để tổ chức KKF có quy chế tư vấn ECOSOC

Ngày 23-7-2012, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) đã thông qua bằng hình thức bỏ phiếu đề mục “Các tổ chức phi chính phủ” trong dự thảo quyết định do Việt Nam đệ trình về việc bác đơn của tổ chức gọi là Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF) xin hưởng quy chế tư vấn với ECOSOC. Tại phiên họp, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã cung cấp những bằng chứng về mục tiêu cùng những hành động của KKF nhằm kích động ly khai, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo và phá hoại trật tự xã hội ở Việt Nam, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có các nguyên tắc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị của các quốc gia. KKF đã nhiều lần xuyên tạc chính sách Nhà nước Việt Nam và tình hình thực tế ở nước này. Các mục tiêu và hành động đó vi phạm quy định của ECOSOC là các tổ chức phi chính phủ xin quy chế tư vấn phải có mục tiêu phù hợp với tinh thần, mục đích, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và không được có các việc làm vì động cơ chính trị chống lại quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Chia sẻ lo ngại về ý đồ và các hoạt động của KKF, nhiều nước ở trong và ngoài khu vực đã nhất trí với đề nghị của Việt Nam là không để tổ chức này có quy chế tư vấn, cũng qua đó để các tổ chức phi chính phủ nhận thức cần nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu của ECOSOC về quy chế này.

2. Khoảng 50 triệu người Bắc Phi có nguy cơ thiếu lương thực

 
50 triệu người ở Bắc Mali và Nigeria có thể bị chết đói vì châu chấu phá hoại mùa màng
 
Ngày 24-7-2012, báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo sau những trận mưa sớm, hàng đàn châu chấu ở khu vực phía Bắc Mali và Nigeria có thể sản sinh ra thế hệ côn trùng thứ hai lớn gấp 250 lần vào cuối mùa hè năm nay, đe dọa cuộc sống của gần 50 triệu người trong khu vực. Theo các chuyên gia, số lượng châu chấu mới sẽ tăng mạnh và bay đi khỏi hai quốc gia Tây Phi đến các nước láng giềng trong tháng 10-2012, thời điểm trùng với vụ thu hoạch. Vì vậy, khoảng 50 triệu người trong khu vực, trong đó có 3,5 triệu người ở Mali và hơn 3 triệu người ở Nigeria đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, có thể bị ảnh hưởng. Ngoài Mali và Nigeria, Cộng hòa Chad cũng đang đối mặt với nạn châu chấu sa mạc nghiêm trọng nhất trong khu vực kể từ lần báo động khẩn cấp cuối cùng năm 2003-2005 tiêu tốn của nước này nửa tỉ USD để kiểm soát nạn châu chấu. Hiện nay, các nước láng giềng của Mali và Nigeria đang thành lập các nhóm đối phó với nạn châu chấu, song an ninh bất ổn tại biên giới Algeria-Libya và khu vực miền Bắc Nigeria-Mali vẫn là một trong những trở ngại lớn đối với các chính phủ trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nạn dịch này.

3. Kinh tế khu vực châu Âu tiếp tục khó khăn

Liên tục trong hai ngày 24 và 25-7-2012, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cùng Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã công bố cảnh báo khả năng cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) tiếp tục trầm trọng và Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) bị hạ triển vọng từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”. So với báo cáo đưa ra hồi tháng 5 vừa qua, các chuyên gia kinh tế của EBRD đã hạ dự báo các chỉ tiêu trung bình tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đối với khu vực hoạt động của ngân hàng này 0,5% trong năm 2012 và 0,6% trong năm 2013. Cụ thể, tính trung bình tại 29 quốc gia (gồm các nước Trung và Đông Âu, các nước khu vực Ngoại Capcadơ và Trung Á), các chỉ tiêu trên được dự báo ở mức 2,7% GDP trong năm nay, và 3,1% trong năm tới. Trước đó, ngày 24-7-2012, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ triển vọng của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”, đồng thời cảnh báo quỹ cứu trợ trị giá 500 tỉ euro này có thể mất vị trí xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA hiện nay nếu tình hình kinh tế các nước lớn trong khu vực tiếp tục xấu đi. Theo Moody's, những biến động xấu đi về triển vọng của ba nền kinh tế trên báo hiệu khả năng EFSF có thể sẽ bị đánh tụt mức xếp hạng tín nhiệm trong vòng 12-18 tháng tới. Tuy nhiên, Moody's cũng khẳng định triển vọng của EFSF có thể được đưa về mức “ổn định” nếu đánh giá về triển vọng của Đức, Hà Lan và Lúcxămbua, ba nước đóng góp chủ chốt cho EFSF, cũng được đưa về mức “ổn định”.

4. Báo cáo các xu thế mới về tiêu thụ năng lượng của IEA

Ngày 26-7-2012, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố các số liệu thống kê năm 2012 về tiêu dùng các nguồn năng lượng quan trọng trên toàn cầu nhằm thông tin về các xu thế tiêu thụ năng lượng mới trên toàn cầu. Theo các số liệu mới nhất của IEA, trong năm 2011 tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng chậm lại chỉ ở mức 3%, trong đó sản lượng than tiêu thụ trên toàn cầu tăng 6,6% trong năm thứ 12 liên tiếp, dầu mỏ tăng 1%, sản lượng điện giảm 4% do sản lượng điện ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới, giảm tới 9,2%. Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới trong khi Indonesia trở thành nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, vượt cả Australia. Nhu cầu dầu mỏ của các nước OECD giảm 0,1% trong năm 2011 do tăng trưởng kinh tế trì trệ. Lượng xăng tiêu dùng cho ôtô chiếm 1/3 nhu cầu dầu mỏ ở các nước OECD giảm hơn 2% trong năm 2011, tiếp tục xu thế giảm mạnh kể từ năm 2006. Sản lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu tăng 2,1% trong năm 2011, mức tăng thấp nhất so với mức tăng 7,2% năm 2010. Trong khi lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước OECD không tăng, lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước ngoài OECD chiếm hơn 50% tổng lượng khí đốt tiêu thụ toàn cầu. Năng lượng gió không chỉ là nguồn năng lượng tái sinh hàng đầu trong sản xuất điện mà còn là nguồn năng lượng có tốc độ tăng cao nhất tới 24% trong tất cả các nguồn năng lượng tái sinh.

5. Liên hợp quốc xem xét lại hiệp ước về buôn bán vũ khí


Sau nhiều ngày thảo luận, ngày 26-7-2012, Hội nghị Hiệp ước về buôn bán vũ khí của Liên hợp quốc đã trình lên Đại hội đồng một bản dự thảo củng cố lại hiệp ước hiện hành. Bên cạnh xe tăng và tên lửa, các loại súng ngắn, súng trường và các loại vũ khí nhỏ cầm tay khác cũng nằm trong phạm vi quy định của dự thảo hiệp ước mới. Tuy nhiên đề xuất này vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Dự thảo hiệp ước mới cũng chưa thể khắc phục được tình trạng buôn bán đạn dược theo như sự phản đối của Mỹ và một số nước khác. Hiệp ước này đề xuất rằng việc xuất khẩu vũ khí phải bị ngăn chặn nếu chúng được dùng để chống lại nhân quyền mà luật pháp quốc tế qui định. Tuy nhiên, các nước thành viên bày tỏ còn nhiều bất đồng về dự thảo nghị quyết về buôn bán vũ khí mới này. Các nước châu Âu, Trung Mỹ và Nam Mỹ muốn có các quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế trong khi một số nước khác tỏ ra thận trọng và đưa ra phương án riêng. Giám đốc Tổ chức toàn cầu Kiểm soát vũ khí, Jeff Abramson, nhấn mạnh: một hiệp ước mạnh về buôn bán vũ khí vẫn trong tầm tay, nhưng có nguy cơ tuột khỏi cơ hội này vào phút chót. Thời điểm hiện nay cần hành động, đặc biệt các nước lâu nay khẳng định cần một hiệp ước mạnh về buôn bán vũ khí thì cần phải thực hiện các cam kết hành động.

6. Dư luận quốc tế về tình hình Biển Đông tuần qua

Từ ngày 24 đến ngày 27-7-2012, các trang báo Mỹ và Nhật Bản liên tục đưa tin chỉ trích những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 24-7, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cũng cho rằng "quyết định của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai quân tới các hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích một cách không cần thiết". Theo ông, việc Trung Quốc bầu đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và vùng biển ở Biển Đông chỉ củng cố thêm lý do tại sao nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Thượng nghị sỹ J.McCain cho rằng, các tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc "không có cơ sở trong luật quốc tế," đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục hối thúc tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tại Washington, phản ứng về việc Trung Quốc thiết lập cái gọi là "Trung tâm hành chính Tam Sa" quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết: Mỹ hết sức quan ngại về những động thái gây căng thẳng tình hình khu vực này của Trung Quốc. Bà Victoria Nuland cũng nhấn mạnh Bắc Kinh không nên có những hành động đơn phương ở Biển Đông. Tranh chấp ở Biển Đông "chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại và bằng tiến trình phối hợp ngoại giao giữa tất cả các bên tranh chấp". Ngày 25-7, Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb đã chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng các hành động của Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế cũng như đi ngược lại những tuyên bố của nước này. Phát biểu tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Jim Webb cho rằng, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" có thể được hiểu như một hành động đơn phương vô căn cứ đối với một khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Theo ông, việc Trung Quốc đưa quân đội ra đồn trú ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và trái với tuyên bố của Bắc Kinh sẵn sàng cùng ASEAN hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Mạng tin Yomiuri số ra ngày 27-7, Nhật Bản đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương và làm dịu căng thẳng thông qua đối thoại với Việt Nam. Việc Bắc Kinh lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi Macclesfield đã bị Việt Nam và Philippines - hai nước có tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc liên quan đến các chuỗi đảo này - lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Theo Yomiuri, với động thái lập thành phố Tam Sa, Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát hiệu quả đối với các quần đảo này. Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân để bầu ra thị trưởng thành phố, tiến tới thiết lập bộ máy hành chính tại khu vực này. Có lẽ, Trung Quốc muốn đặt thành phố Tam Sa làm bàn đạp cho mưu đồ khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch trên Biển Đông. Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa cũng là để đáp trả việc Việt Nam thông qua Luật biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Hà Nội đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, nguyên nhân của rắc rối này chính là ở chỗ cách đây 20 năm, Trung Quốc đã tự ý xác định chủ quyền đối với ba quần đảo này trong Luật lãnh hải. Nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh còn thiết lập “khu vực cảnh giới,” trong đó quân đội Trung Quốc xác lập cứ điểm phòng thủ trọng yếu ở Tam Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đơn phương mời thầu khai thác tài nguyên ngay tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tiếp đó, Bắc Kinh còn phái một đội gồm 30 tàu đánh cá cùng với tàu hải giám tiến về vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Rõ ràng, đây là những hành động nhằm làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Việc Trung Quốc cố tình sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo trước các nước láng giềng như Việt Nam nhằm biến Biển Đông thành “biển của Trung Quốc” có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang. Tình hình thực sự đã lên đến mức báo động. Sự ổn định ở Biển Đông là nhân tố quan trọng không thể thiếu đối với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi đó, trên biển Hoa Đông, tình hình xung quanh quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mới đây, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo này trong suốt hai ngày liên tục. Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động nhằm khẳng định sự hiện diện của mình bằng cách phái nhiều tàu đánh cá ra Biển Đông. Bắc Kinh liên tục có những động thái làm leo thang căng thẳng nhằm tăng cường lợi ích biển. Cũng không loại trừ khả năng Bắc Kinh có thể có hành động tương tự trên biển Hoa Đông. Trước đó, chiều 26-7, tại phiên họp của Hạ viện, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố: "Trong trường hợp xuất hiện những hành vi phạm pháp do các nước xung quanh gây ra tại khu vực lãnh hải của Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Chính phủ Nhật Bản sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ bao gồm cả việc sử dụng lực lượng phòng vệ (SDF) nếu cần." Tuyên bố của ông Y.Noda được đưa ra nhằm đáp lại lời chất vấn của nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), ông Kusuda Daizo, trong bối cảnh các tàu ngư chính của Trung Quốc liên tục tái diễn tình trạng xâm nhập lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku trong thời gian qua.

7. Đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại ASEAN nhậm chức

Tối 27-7-2012, tân Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà Dương Tú Bình, đã tới thủ đô Jakarta của Indonesia để chính thức đảm nhận nhiệm vụ. Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại ASEAN cho biết, bà sẽ phối hợp với các bạn bè và đồng nghiệp thuộc tất cả các giới để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc với ASEAN. Bà Dương Tú Bình cho hay “Tôi rất vinh dự đảm nhận cương vị Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN. Việc thành lập phái bộ ngoại giao tại ASEAN và việc cử Đại sứ tới Jakarta là các bước quan trọng để tăng cường các hoạt động trao đổi đã được cơ chế hóa giữa Trung Quốc với ASEAN, đồng thời phản ánh việc Bắc Kinh coi trọng mối quan hệ với ASEAN”. Trước khi đảm nhận cương vị trên, bà Dương Tú Bình đã từng làm đại sứ tại Sri Lanka và Maldives. Trước đó, tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14 diễn ra hồi tháng 11-2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thông báo kế hoạch thành lập Phái bộ Trung Quốc tại ASEAN nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN.

8. Khai mạc Olympic 2012

 
Với hơn 10.000 người tham gia và chuẩn bị công phu trong 7 năm trời, ước tính Vương quốc Anh đã chi tới 27 triệu bảng để chuẩn bị cho Lễ khai mạc hoành tráng nhất trong lịch sử Olympic

Rạng sáng 28-7-2012 (giờ Hà Nội), cả thế giới hướng về thủ đô London của Vương quốc Anh để chứng kiến lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè với thông điệp lịch sử về công nghiệp hóa và màn nhạc kịch ngợi ca xã hội đa văn hóa. Nước Anh dường như đã chuẩn bị hết sức chu đáo cho lần thứ ba trở thành nước chủ nhà của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, sau hai kỳ Thế vận hội được tổ chức trong những năm khủng hoảng 1908 và 1948. Buổi lễ với kinh phí 27 triệu bảng Anh đã kéo dài ba giờ tại Sân vận động Olympic 80.000 khán giả và được khoảng một tỉ người trên toàn cầu theo dõi. Ngoài các nhân vật quan trọng nhất của Vương quốc Anh như Nữ hoàng Elizabeth II, Thủ tướng David Cameron, nhiều nguyên thủ quốc gia và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã có mặt tại buổi lễ khai mạc mà những nét văn hóa độc đáo của cả bốn xứ trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đều được giới thiệu. Người xem chỉ được biết chi tiết của chương trình nghệ thuật của buổi lễ khi nó diễn ra vì tổng đạo diễn Danny Boyle và Ban tổ chức hoàn toàn giữ bí mật về trình tự và các tiết mục. Khoảng 15.000 tình nguyện viên đã được huy động tham gia chương trình này, trình diễn trên nhiều sân khấu với tổng diện tích 15.000 mét vuông sử dụng 12.956 đạo cụ. Khoảng 10.500 vận động viên đến từ 205 quốc gia trên khắp thế giới sẽ tham gia tranh tài ở 26 môn thể thao tại Olympic London 2012. Dự kiến có khoảng hơn 28.000 phóng viên trong nước cũng như nước ngoài và hàng tỷ người hâm mộ trên Trái Đất sẽ đồng hành cùng Thế vận hội lần này.

9. Liên hợp quốc công bố báo cáo mới về nạn bạo lực tại Congo

Báo cáo mới công bố ngày 29-7-2012 của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết những người phải tha hương ở phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo đang là nạn nhân của các lạm dụng và vụ tấn công phân biệt chủng tộc. Báo cáo cho biết giao tranh suốt 4 tháng qua giữa quân đội chính phủ và các nhóm vũ trang phiến quân ở phía Đông Congo đã khiến gần 500.000 người phải sơ tán, phải tìm đường tị nạn. Người phát ngôn Cao ủy về người tị nạn Andrej Mahecic cho biết, cơ quan Liên hợp quốc này thật sự bàng hoàng trước số vụ vi phạm nhân quyền và lạm dụng dân thường trong thời gian qua ở Congo. “Những tội này bao gồm phân biệt chủng tộc và giết hại dân thường, cưỡng bức hoặc lạm dụng tình dục, tra tấn, bắt giam tùy tiện, hành hung, cướp bóc, chiếm đoạt lương thực, tiền bạc, phá hoạt tài sản, ép buộc lao động hoặc bắt lĩnh, đặc biệt là đối với trẻ em. Tất cả đều là những vụ bạo lực có động cơ sắc tộc”. Báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn kêu gọi tất cả các bên bảo vệ dân thường và ngăn chặn các vụ tấn công dân thường, đặc biệt là những tội ác có động cơ phân biệt chủng tộc.

10. Tình hình chính sự tại Syria tuần qua

Chính phủ Syria đã triển khai nhiều đơn vị quân đội đặc nhiệm tới sườn phía Đông Aleppo, trong khi các phi đội trực thăng chiến đấu được điều tới khu vực phía Nam và Tây Nam thành phố nhằm sẵn sàng ứng chiến trong cuộc tổng phản công vào cuối tuần qua. Để đối phó với kế hoạch tổng phản công của quân đội, phe đối lập cũng đang đẩy mạnh các phương án phòng thủ, chất các bao cát quanh các vị trí chiến đấu và lập cơ sở y tế dã chiến tại các trường học hoặc đền thờ của người Hồi giáo. Giới phân tích nhận định, trận chiến ở Aleppo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả hai phe ở Syria. Với chính quyền của Tổng thống B.Assad, đây là thành phố thương mại có đông đảo doanh nhân, lực lượng vẫn ủng hộ mạnh mẽ chính phủ. Trong khi đó, với phe chống đối, Aleppo là "chìa khóa" để chống khế miền Bắc và giúp lực lượng này "viết lại kịch bản" của thành phố Benghazi ở Libya trước đây. Bởi chiếm được Aleppo, phe đối lập sẽ thiết lập được một vùng đệm an toàn cho việc tổ chức lại hàng ngũ, huấn luyện các tay súng và tiếp nhận vũ khí từ bên ngoài.

Ngày 27-7, lo ngại tình hình an ninh ở Syria ngày càng xấu đi, Ba Lan thông báo đã đóng cửa Đại sứ quán tại Syria và sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao tại cơ quan đại diện này. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng một số nhà lãnh đạo phương Tây đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ngừng tấn công Aleppo, miền Bắc Syria, trong bối cảnh có thông tin quân chính phủ sẽ mở một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào lực lượng phiến quân tại thành phố này. Trong chuyến thăm thủ đô London của Anh tham dự Đại hội thể thao Olympic 2012, ông Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực leo thang tại Aleppo. Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng các cuộc tấn công tại Aleppo "có thể gây ra một thảm họa nhân đạo khi Chính quyền Damascus mới đây tuyên bố họ có thể sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hóa học và vũ khí bị cấm khác trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài." Nhà Trắng cũng lên tiếng thể hiện quan ngại về các cuộc tấn công trên.

Ngày 29-7, Jordan đã mở trại tị nạn chính thức đầu tiên của nước này để góp phần cung cấp chỗ ở cho hàng chục nghìn người Syria chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng ở quốc gia láng giềng phía Bắc này. Trại Zaatari có sức chứa 120.000 người tị nạn ở Mafraq, gần biên giới với Syria, Theo Bộ trưởng Nội vụ Jordan Ghaleb Zubi, hiện mỗi ngày có khoảng 1.000-2.000 người Syria chạy sang Jordan, nước đang tiếp nhận hơn 142.000 người Syria, khoảng 36.000 người trong đó được đăng ký thông qua Liên hợp quốc. Ông G.Zubi hy vọng “thử thách đối với những người Syria anh em sẽ tan biến. Jordan đang nỗ lực hết sức để bảo đảm an toàn và an ninh cho những người tị nạn này, đồng thời tìm kiếm một giải pháp chính trị để chấm dứt cảnh đổ máu ở Syria".

Ngày 29-7, Ngoại trưởng Syria An Moualem đến Tehran để thảo luận với các quan chức Iran về quan hệ song phương, về những diễn biến ở Syria và các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ở thủ đô Tehran, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem đang ở thăm Iran và Ngoại trưởng nước chủ nhà Ali Akbar Salehi đều cho rằng, ý tưởng về "quá độ chuyển giao quyền lực được kiểm soát ở Syria" chỉ là một ảo tưởng. Ngoại trưởng Iran Salehi nói: "Một quan niệm ngây thơ và sai lầm khi cho rằng sẽ có một khoảng trống quyền lực ở Syria, một sự chuyển tiếp quyền lực ở Syria, hay đơn giản chỉ là một chính phủ khác lên nắm quyền. Đó thực sự là ảo tưởng. Chúng ta cần phải xem xét thận trọng tình hình ở Syria và những gì đang xảy ra bên trong đất nước này"./.