Chuyện năm trước lại thời sự

Quách Quỳnh
21:16, ngày 18-05-2012
TCCSĐT - Ngày 15-5-2011 được coi là ngày khởi đầu phong trào phản đối của người dân ở Tây Ban Nha, sau đó lan rộng ra khắp châu Âu. Ý tưởng của phong trào phản đối này được sao chép ở Mỹ và đưa lại phong trào biểu tình phản đối với khẩu hiệu "Hãy chiếm Phố Wall".
Kỷ niệm một năm ngày hình thành phong trào này, trong những ngày qua ở thủ đô và thành phố lớn của nhiều quốc gia châu Âu, hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình, dựng lều tụ tập phản đối chính sách của chính phủ. Vẫn mục đích và khẩu hiệu đấu tranh như trước, vẫn phương cách đấu tranh như trước, chỉ có điều mức độ không còn được như trước. Cả ở Mỹ cũng vậy. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phong trào này mất đi tác động chính trị xã hội của nó. Dưới tác động của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, cuộc bầu cử quốc hội ở Hy Lạp và sự đổ vỡ chính phủ liên minh ở Hà Lan, phong trào này lại trở thành chuyện thời sự.

Tất cả xoay quanh đối sách của các chính phủ trong EU nói riêng và ngoài EU nói chung trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công. Đối sách ấy thật ra chỉ bao hàm các thành tố là thực thi chính sách tiết kiệm chi tiêu ngặt nghèo, giảm lương, tăng thuế, cải cách kinh tế và xã hội theo hướng giảm bớt gánh nặng tài chính cho nhà nước, tăng cường kiểm soát thị trường tài chính. Người dân không phản đối việc các chính phủ phải tập trung ưu tiên đối phó với khủng hoảng. Nhưng họ không còn chấp nhận lâu hơn nữa những bất công và vô lý mà các biện pháp chính sách đó gây ra tác động trực tiếp tới họ. Thất nghiệp và giảm thu nhập, không còn lòng tin vào giới chính trị của đất nước và vào tương lai của chính mình, họ đã cùng nhau làm nên phong trào đấu tranh phản đối lan rộng ra khắp châu Âu và được sao chép ý tưởng ở Mỹ.

Chuyện cũ từ năm trước lại trở nên thời sự vì tình hình khi trước đã buộc họ phải xuống đường biểu tình phản đối cho tới nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể, những bất công trong xã hội chưa bớt đi, chính phủ vẫn chưa thoát được ra khỏi cái vòng luẩn quẩn giữa giải pháp tình thế và thử nghiệm giải pháp. Trong 27 nước thành viên EU đến nay đã có 11 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ bị cử tri phế truất trong bối cảnh tác động của khủng hoảng tài chính. Sự phẫn nộ của họ thể hiện trong phong trào đấu tranh phản đối không chỉ là một hiện tượng chính trị xã hội, mà đã trở thành một tác nhân trong đời sống chính trị xã hội ở các quốc gia và trên châu lục châu Âu.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, những mâu thuẫn chính trị xã hội này xem ra đang trở nên ngày càng sâu sắc hơn. Nó âm ỷ và bất cứ lúc nào cũng đều có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng chính trị, quyền lực và xã hội ở các nơi đó. Hy Lạp hiện tại và cả trong cuộc tổng tuyển cử mới ngày 17-6 tới là bằng chứng rõ nhất./.