Myanmar khởi sắc và cơ hội mới cho cộng đồng ASEAN

Viết Thanh Bộ Ngoại giao
17:46, ngày 18-05-2012
TCCSĐT - Từng là quốc gia giàu có nhất khu vực trong những thập niên 60 của thế kỷ trước, nhưng sau gần nửa thế kỷ bị cấm vận, Myanmar đã tụt hậu và trở nên nghèo nhất trong khu vực (GDP chỉ đạt 50 tỉ USD/năm). Với những cải cách mạnh mẽ gần đây, Myanmar đang từng bước thay đổi, có những bứt phá ngoạn mục để vươn lên hội nhập với xu thế phát triển chung của ASEAN và thế giới.

Từng bước thoát khỏi tình trạng bị cấm vận

Trước bối cảnh các nước trong khu vực có những chuyển mình mạnh mẽ và xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu ngày càng trở nên sâu sắc, chính phủ Myanmar nhận thức hơn bao giờ hết hậu quả của tình trạng tụt hậu kéo dài của đất nước. Năm 2011, Chính phủ nước này đã có những bước cải tổ mạnh mẽ cả về kinh tế và chính trị. Có thể kể đến một số thay đổi mang ý nghĩa đột phá, như Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ hoạt động trở lại; lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, bà Aung San Suu Kyi được trao quyền tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung tổ chức vào đầu tháng 4-2012; Chính phủ dân sự Myanmar cũng đã trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị, ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ với các nhóm sắc tộc, thông qua luật lao động mới, tăng lương cho công chức, giảm thuế đầu tư nước ngoài, thực hiện chính sách giảm tỷ lệ dân nghèo ở nông thôn từ 70% trong hai năm 2011-2012 xuống còn 60% vào năm 2014-2015... Đây là những bước tiến quan trọng thể hiện quan điểm của chính phủ Myanmar trong đổi mới chính sách kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tạo ra bầu không khí chính trị mới trong nước và cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy diễn ra nhanh chóng, song những thay đổi này nằm trong tổng thể kế hoạch cải cách lâu dài của Myanmar kể từ năm 2003, đó là Lộ trình dân chủ gồm 7 bước, bao gồm: Tổ chức Đại hội quốc dân (bị đình trệ từ năm 1996); thực hiện những bước cần thiết để xây dựng một chế độ dân chủ thực sự và có kỷ cương; soạn thảo hiến pháp mới phù hợp với các nguyên tắc cơ bản do Đại hội Quốc dân đề ra; trưng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp; tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội tự do và công bằng theo Hiến pháp mới (năm 2008); họp Quốc hội theo quy định của Hiến pháp; xây dựng một đất nước hiện đại, phát triển và dân chủ với các lãnh đạo nhà nước, các cơ quan chính phủ do Quốc hội bầu và lập nên.

Việc chủ động thực hiện Lộ trình dân chủ 7 bước đã tạo nên những thay đổi nhanh chóng nhưng hài hòa, giúp Myanmar điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng hơn giữa các nước lớn (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mỹ…), cải thiện nhanh chóng quan hệ với Liên hợp quốc, Mỹ và các nước phương Tây. Những động thái này đã nâng cao vị thế quốc tế, củng cố chính sách không liên kết và tạo cơ sở vững chắc cho Myanmar hội nhập sâu, rộng hơn vào chính trường quốc tế.

Một kết quả đáng ghi nhận nữa là trong thời gian Myanmar thực hiện lộ trình 7 bước này, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 (tháng 11-2011) ở Bali (Indonesia), các nước ASEAN đã nhất trí việc Myanmar làm Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014. Đây là lần đầu tiên Myanmar được tín nhiệm đảm nhận vai trò này kể từ khi gia nhập ASEAN (tháng 7-1997).

Tiến trình cải cách của Myanmar cũng đã nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm chính thức Myanmar (tháng 12-2011), chuyển quan hệ hai nước từ giai đoạn đối đầu sang đối thoại, cải thiện và khôi phục đầy đủ quan hệ (nâng quan hệ ngoại giao hai nước từ cấp Đại biện lên Đại sứ). Tiếp theo đó, một loạt các các nước khác (Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Canada…) cũng tuyên bố nới lỏng một số lệnh trừng phạt quan trọng và có những chuyến thăm cấp cao tới Myanmar. Liên minh châu Âu (EU) tạm ngừng cấm vận rộng rãi với Myanmar, chính thức mở Văn phòng đại diện tại nước này từ tháng 4-2012, coi đây là những hỗ trợ cho các tiến bộ đạt được ở Myanmar.

Đây là kết quả đối ngoại quan trọng của Myanmar trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cô lập, tạo tiền đề cho Myanmar hội nhập quốc tế toàn diện. Với tiến trình cải cách của mình, Myanmar đang đứng trước những cơ hội được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử để tiến tới “xây dựng một đất nước hiện đại, phát triển và dân chủ”.

Tiềm năng phát triển to lớn trong khu vực

Myanmar hiện là một trong những thị trường hiếm hoi “còn sót lại” của châu Á hầu như chưa được khai thác với nguồn tài nguyên được đánh giá có thể sánh ngang với các quốc gia giàu tài nguyên của châu Á. Ước tính, trữ lượng khí tự nhiên hiện nay của nước này là khoảng 22,5 nghìn tỉ feet khối (6.371 tỉ m3). Trong những năm 2009-2010, Myanmar đã xuất khẩu 8,29 tỉ m3 khí, trở thành nước xuất khẩu khí lớn thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút 13,5 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

 Hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đã đến Myanmar tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, du lịch, tạo nên sự khởi sắc cho nền kinh tế của quốc gia này. Trong năm 2011, số lượng doanh nhân và khách du lịch nước ngoài đến Myanmar tăng 26%; tổng kim ngạch thương mại tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2010; tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar đạt 20 tỉ USD.
Nền nông nghiệp của Myanmar cũng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn do điều kiện thiên nhiên ở đây rất thuận lợi. Với tổng diện tích đất trồng trọt lên tới 23 triệu ha đất màu mỡ, có thể trồng hơn 60 loại cây nông nghiệp khác nhau, Myanmar có thể trở thành một nhà xuất khẩu gạo lớn.

Tiềm năng du lịch của Myanmar có nhiều cơ hội phát triển mạnh, thu hút số lượng lớn du khách nước ngoài do có những bãi biển dài và đẹp, nhiều danh thắng nổi tiếng lâu đời gắn liền với đạo Phật... Ngoài ra, chi phí sản xuất tại Myanmar tương đối thấp, số lượng người dân có thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều, hệ thống pháp luật khá gần với tiêu chuẩn của luật pháp Anh.

Bên cạnh đó, Myanmar có vị trí địa - chính trị quan trọng, thuận lợi để phát triển giao thương buôn bán với nhiều quốc gia và điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Các phân tích đều cho thấy, với những thuận lợi trên, Myanmar sẽ thu hút mạnh mẽ các đối tác đầu tư và nền kinh tế nước này sẽ hội nhập nhanh chóng, toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của hãng phân tích kinh tế và tài chính IHS Global Insight, từ nay đến năm 2020, Myanmar sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6%/năm.

Cơ hội cho ASEAN và Việt Nam

Với những bước đi đúng hướng, Myanmar được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh, trở thành một con hổ mới của châu Á. Tổ chức nghiên cứu Stratfor cho rằng, tiến trình cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài của Myanmar có thể sẽ tác động sâu sắc đến bức tranh địa - chính trị tại châu Á. Việc tiếp tục tiến trình cải cách, kết nối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế sẽ biến Myanmar trở thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, kết nối khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.

 Việt Nam và Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 25-5-1975. Lãnh đạo cấp caohai bên đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, đặc biệt trong thời gian gần đây, như chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 12-2011); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Thein Sein(tháng 3-2012). Trong năm 2011, tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã đạt 167 triệu USD, tăng9,8% so với năm 2010. Trong hai tháng đầu năm 2012, con số này đã đạt 28 triệu USD.
Sự vươn lên của nền kinh tế Myanmar có thể thúc đẩy tăng trưởng khu vực, cũng như thương mại và đầu tư trong ASEAN. Thị trường tiêu dùng nội địa của Myanmar với dân số gần 60 triệu người, đứng thứ năm trong ASEAN, cũng được kỳ vọng tăng trưởng nhanh, mở ra một thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho các nước ASEAN khác. Bên cạnh đó, những cải cách kinh tế và tự do hóa thuế quan của Myanmar sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên của ASEAN, bảo đảm việc gắn kết hiệu quả giữa các nền kinh tế thành viên, cũng như góp phần thực hiện thành công mục tiêu của ASEAN là tạo ra một thị trường thương mại hàng hóa chung duy nhất vào năm 2015.

Cùng với tiến trình cải cách mở cửa, việc Myanmar được trao trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014 sẽ góp phần làm tăng uy tín của quốc gia này, khiến thế giới bên ngoài thêm tin tưởng vào những thay đổi thực chất, lâu dài và gắn kết với lợi ích khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội cho ASEAN có thêm cơ sở tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, tăng cường vị thế trong khu vực và trên thế giới sau những nỗ lực kiên trì hỗ trợ Myanmar hội nhập khu vực.

Sự khởi sắc của Myanmar cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác song phương với nước này. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng cơ hội và triển khai các kế hoạch đầu tư vào Myanmar như VNPT, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai… Trong nửa đầu năm 2012, chỉ tính 3 dự án đầu tư lớn của Việt Nam sẽ nâng tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào thị trường Myanmar lên gần 500 triệu USD, xếp thứ 12 trong tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Myanmar. Hai nước cũng đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 500 triệu USD vào năm 2015; hợp tác trong các lĩnh vực như nông - lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, tài chính ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, dầu khí, sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch... Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hiện chỉ có gần 10 triệu hecta đất nông nghiệp đã khai thác triệt để và các nước sản xuất gạo lớn trong ASEAN (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan) đang dự tính về việc nối lại hợp tác trong xuất khẩu gạo(1), việc hai nước hướng tới tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp, trao đổi công nghệ, giống lúa, kinh nghiệm là cơ hội để hai bên tận dụng được lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả nhất.

Việt Nam và Myanmar cũng hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; cùng chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tán đồng việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng và sớm hoàn thành Bản Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Hai bên cũng nhất trí về việc bảo đảm sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, vì lợi ích và sự phát triển bền vững chung của các nước ven sông.

*

*     *

Cùng với nỗ lực cải cách và đổi mới trong thời gian qua, Myanmar đã có những cơ sở thuận lợi ban đầu, mở ra triển vọng phát triển kinh tế trong nước, tăng cường hợp tác và hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế. Sau 15 năm gia nhập ASEAN, vượt qua những thách thức về chính trị và kinh tế, với chương trình cải cách của mình, Myanmar đang chuẩn bị tâm thế đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014. Sự kiện này sẽ là một cú hích tích cực đối với khu vực ASEAN trong việc tiến gần hơn đến khả năng hiện thực hóa mục tiêu về một Cộng đồng ASEAN gắn bó, kết nối, chia sẻ và rút ngắn khoảng cách phát triển dựa trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, và văn hóa - xã hội./.




(1) Uỷ ban Hợp tác kinh tế quốc tế, “Kêu gọi các nước ASEAN nối lại hợp tác xuất khẩu gạo”, ngày 17-4-2012, http://www.nciec.gov.vn/index.nciec?2374