Quyết định hợp lý từ nhiều phương diện

Thùy Dương
14:48, ngày 18-05-2012
TCCSĐT- Trong hai ngày 18 và 19-5-2012, tại Trại David (Mỹ) sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển (G8). Ngày 10-5-2012, Điện Kremli xác nhận, tại Hội nghị, tân Thủ tướng Nga D.Medvedev sẽ tham dự thay tân Tổng thống Nga V.Putin. Đây là lần đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh G8 không có sự tham dự của của nguyên thủ quốc gia Nga. Theo giới phân tích, quyết định này của tân Tổng thống Nga V.Putin là hợp lý xét từ nhiều phương diện.
Xét từ công việc đối nội của Nga

Giải thích nguyên nhân dẫn tới quyết định của tân Tổng thống Nga V.Putin không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Trại David (Mỹ) trong hai ngày 18 và 19-5-2012, Trợ lý Tổng thống Nga, ông Arkady Dvorkovich cho biết, theo Hiến pháp Liên bang Nga, sau khi được tân Tổng thống V.Putin đề xuất và được Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn vào ngày 8-5-2012, tân Thủ tướng Nga D.Medvedev sẽ đề xuất với tân Tổng thống V.Putin thành phần nội các mới. Và tân Tổng thống Nga V.Putin sẽ cần có thời gian hơn một tuần để xem xét kỹ đề nghị đó của Thủ tướng D.Medvedev, trong đó ông sẽ phải có các cuộc tiếp xúc để trao đổi ý kiến với các ứng cử viên vào chức bộ trưởng các bộ.

Đây là nguyên nhân khiến tân Tổng thống V.Putin không có thời gian đi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Trại David vào thời điểm này. Trong khi đó, tân Thủ tướng Nga D.Medvedev, người từng đảm nhiệm cương vị Tổng thống Nga 4 năm vừa qua, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh G8 nên ông sẽ không gặp khó khăn gì trong khi đề cập tới các vấn đề quốc tế tại Hội nghị G8, kể cả những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tình hình Syria, Iran, Bắc Triều Tiên và châu Âu. Ông Arkady Dvorkovich cũng bác bỏ tin đồn cho rằng, việc tân Tổng thống V.Putin quyết định không tới Mỹ trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên cho thấy quan hệ Nga - Mỹ sắp tới sẽ căng thẳng hơn thời kỳ "cài đặt lại” vừa qua.

Xét từ chính sách đối ngoại của Nga

Theo nhận xét của ông Phedor Lukianov, Tổng Biên tập Tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu”, thông thường chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tân tổng thống, dù muốn hay không, vẫn có ý nghĩa tượng trưng quan trọng về chính sách đối ngoại, thể hiện đối tác nào Nga sẽ ưu tiên phát triển trong quan hệ đa phương.

Trước đó, dự báo về động thái nhạy cảm này, trong đó có việc tân Tổng thống Nga có thể sẽ là V.Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định chuyển Hội nghị thượng đỉnh G8 từ Chicago về Trại David nhằm tránh việc đoàn đại biểu Nga dự Hội nghị G8 do Tổng thống Nga V.Putin dẫn đầu sẽ rời Chicago ngay trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO tại đây vào ngày 20-5-2012. Nhưng Tổng thống Nga V.Putin đã quyết định không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 lần này ở Mỹ, và điều đó cũng có nghĩa là Nga sẽ không coi Mỹ là đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ tới.

Theo giới phân tích, vai trò của diễn đàn G8 hiện nay đã trở nên mờ nhạt, thậm chí không còn ý nghĩa gì, bởi tất cả các nước G8, trừ Nga, đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và hiện chưa tìm ra lối thoát. Giờ đây, tiếng nói có ý nghĩa quyết định đối với thế giới đã chuyển sang G20. Do đó, đối với Tổng thống Nga V.Putin, tham dự Hội nghị G8 ngay sau khi nhậm chức không còn là yêu cầu gấp gáp. Hơn nữa, nếu để nhân tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 mà thăm Mỹ, thì đối với Tổng thống Nga V.Putin đây không phải là hướng ưu tiên vì mấy lý do:

Một là, dư luận quốc tế còn nhớ, trong chiến dịch bầu cử vào Duma Quốc gia Nga cuối năm 2011 và cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2012, phía Mỹ đã có những hành động “khiếm nhã” nếu không muốn nói là có ý phá hoại các cuộc bầu cử ở Nga, khi không muốn nhìn thấy ông V.Putin trở lại Điện Kremli. Ngay cả sau khi ông V.Putin đã đắc cử Tổng thống trong vòng bầu cử đầu tiên, không chỉ Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chậm lời chúc mừng ông so với nguyên thủ nhiều quốc gia khác, mà “đội quân thứ 5” của Washington ở Nga còn kích động các lực lượng đối lập ở Moscow tẩy chay lễ nhậm chức của chủ nhân mới của Điện Kremli. Chưa hết, ngày 9-5-2012, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hilary Clinton còn ra tuyên bố tỏ ý “lo ngại về việc Nga sử dụng vũ lực đối với các thành viên tham gia cuộc biểu tình ở Moscow” đúng vào ngày ông V.Putin tuyên thệ nhậm chức.


Hai là, nếu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga V.Putin sẽ phải thăm Mỹ nhưng trong tình thế hiện nay, việc thăm Mỹ sẽ không đem lại kết quả gì. Ở Mỹ từ nay tới cuối năm 2012 đang diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, trong đó quan hệ với Nga là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất mà lá chắn tên lửa luôn là “vấn đề của mọi vấn đề”. Nếu như Tổng thống Mỹ Barack Obama đạt được bất cứ thỏa thuận nào với Tổng thống Nga V.Putin trong chuyến thăm Mỹ lần này thì sẽ ngay lập tức bị phái “diều hâu” - một trong số các đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lên án là “yếu đuối”, “thỏa hiệp”.

Ba là, trong bài phát biểu tại Duma Quốc gia Nga ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, liên kết không gian hậu Xô-viết và đưa nước Nga trở thành quốc gia đóng vai trò lãnh đạo và là trung tâm thu hút toàn bộ lục địa Á-Âu là ưu tiên số 1 trong chiến lược đối ngoại của Nga. Ưu tiên này được thể hiện trong lộ trình chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga V.Putin. Mở đầu lộ trình là chuyến thăm trong 2 ngày 31-5 và 01-6-2012 tới Belarus, quốc gia đã từng dự kiến là thành phần Nhà nước Liên bang với Nga. Tiếp đến, trong tháng 6-2012, Tổng thống Nga V.Putin sẽ đi thăm Đức, Pháp, Uzbekistan, Trung Quốc và Kazakhstan. Giữa lộ trình đó, ông V.Putin sẽ tiếp nguyên thủ các nước EU tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU trong 2 ngày 3 và 4-6-2012 tại Sant-Peterburg (Nga). Như vậy, lộ trình ngoại giao đầu tiên này đã nói lên ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của Tổng thống Nga V.Putin nhiệm kỳ tới. Trong đó, Trung Quốc chiếm vị trí nổi bật.

Trong bài “Nước Nga và thế giới đang thay đổi”, tân Tổng thống V.Putin nhận định, sự phát triển kinh tế Trung Quốc là cơ hội để thổi “ngọn gió Trung Quốc” vào cánh buồm kinh tế của Nga. Do đó, Nga cần phải tích cực hơn nữa trong việc thiết lập quan hệ hợp tác mới với Trung Quốc cả về công nghệ cũng như khả năng sản xuất, khai thác hợp lý tiềm năng của Trung Quốc để phát triển vùng Sybia và Viễn Đông. Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm về một trật tự thế giới công bằng và Nga sẽ tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trên trường quốc tế, cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu và những khu vực nóng bỏng, tăng cường hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, BRICS, SCO, G20 và nhiều cơ chế đa phương khác.

Nga và Trung Quốc đã khép lại nhiều vấn đề chính trị lớn trong quan hệ với Trung Quốc, kể cả vấn đề biên giới, đã xây dựng cơ chế quan hệ song phương trên cơ sở trách nhiệm pháp lý. Lãnh đạo hai nước cũng đã đạt được sự tin cậy cao chưa từng có, cho phép cả Nga và Trung Quốc hành động theo tinh thần đối tác thực sự trên cơ sở thực dụng và tính đến lợi ích của nhau. Mô hình quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được xem là rất có triển vọng.

Phía Nga đánh giá rất cao ý nghĩa hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Trong năm 2011 trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã đạt tới 80 tỉ USD, tăng 42,7% so với năm trước. Trong chuyến thăm Nga vừa qua của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã ký 27 hiệp định thương mại với tổng giá trị 15 tỉ USD. Trong hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc, đóng vai trò hàng đầu là mối quan hệ trong lĩnh vực năng lượng có ý nghĩa và tầm quan trọng ngày càng tăng trong bối cảnh hai bên đã thực hiện nhiệm vụ tăng trao đổi thương mại song phương lên đến 100 tỉ USD vào năm 2015 và 200 tỉ USD đến năm 2020.

Ngày 9-5-2012, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lên đường thăm chính thức Trung Quốc, gặp người đồng nhiệm Dương Khiết Trì và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Nga đã thông báo một trong những mục tiêu chính của chuyến đi này là chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga V.Putin tới Trung Quốc nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao các nước thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải sẽ khai mạc ngày 6-6-2012 tại Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 11-5-2012, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Quan hệ Nga - Trung Quốc đã đạt tới mức cao chưa từng thấy và tiếp tục phát triển một cách ổn định, phong phú thêm với những yếu tố mới. Song hành với sự gia tăng chưa từng có về trao đổi thương mại mà năm 2011 đã vượt quá 80 tỉ USD, tháng 4-2012 lần đầu tiên đã diễn ra cuộc tập trận hải quân giữa hai nước Nga - Trung, khởi động đề án nhân văn quy mô lớn là Năm Du lịch Nga tại Trung Quốc".

Như vậy, lộ trình chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga V.Putin đã nói lên tất cả: Nga sẽ nỗ lực xây dựng không gian liên kết Á-Âu, trong đó Nga sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Điều này đã từng được các chuyên gia nghiên cứu về địa - chính trị dự báo từ lâu: ai làm chủ được lục địa Á-Âu, người đó sẽ làm chủ được thế giới. Có lẽ, đây là lý do chủ yếu khiến tân Tổng thống V.Putin quyết định cử tân Thủ tướng Nga D.Medvedev đi dự Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2012 tại Mỹ./.