Trong điệp khúc “thượng đỉnh của cơ hội cuối cùng”, cuộc gặp của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels có vẻ như vẫn chưa tìm ra được con đường cuối cùng thoát khỏi khủng hoảng.
“Cuối cùng” lần 6

Tháng 3-2011, khi nền kinh tế Hy Lạp sụp nhanh ngoài tầm kiểm soát, lần đầu tiên cụm từ “cơ hội cuối cùng” xuất hiện bên cạnh các hội nghị của các quan chức châu Âu.

Bi kịch hóa là một trong những cách ép buộc tất cả các thành viên Eurozone chung tay hành động để trước hết là tự cứu mình, tiếp đến là cứu đồng tiền chung, cũng là thành quả chung của mấy thập kỷ phát triển châu Âu.


Nhưng có vẻ như bi kịch hóa lại không phải là cách nhanh nhất để tìm ra một kết quả chung.


Kể từ tháng 3-2011, đã có năm cuộc họp thượng đỉnh của EU mang điệp khúc “cơ hội cuối cùng” và đều kết thúc với kết quả hạn chế.


Có đến 4 trong số 5 cuộc họp đó luẩn quẩn với các vấn đề của Hy Lạp, từ việc thống nhất rót tiền, kêu gọi cải tổ rồi lại giận dữ với ý định trưng cầu dân ý của Athens…


Trong tất cả các cuộc họp thượng đỉnh đó, sự cấp thiết về việc cải tổ Eurozone, đề ra những chính sách tài khóa và ngân sách chặt chẽ hơn rồi tiến tới sửa đổi Hiệp ước EU đều được bàn đến nhưng không đạt được một kết quả cụ thể có ý nghĩa nào.


Vì lẽ đó, luôn có một cuộc họp thượng đỉnh "mini" khác được dõi theo giữa Pháp và Đức.


Tính từ đầu năm 2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp nhau gần chục lần để giải cứu châu Âu và dù có những ý kiến từ các nước thành viên khác phản đối sự độc đoán của bộ đôi này, rốt cục hầu như tất cả đều chấp nhận rằng Merkozy (Merkel-Sarkozy) sẽ là những người dẫn dắt cuộc chơi.


Cuộc họp ở Brussels ngày 8-12 đã đi theo kịch bản này, khi cách đó ba ngày, ông Sarkozy và bà Merkel đã gặp nhau ở Paris để lên mọi phương án cho 25 nước khác đi theo.


Cuộc chơi không người Anh


Có hai vấn đề gai góc nhất được bàn thảo ở Brussels là việc cải tổ các Hiệp ước của EU và tăng sức mạnh cho các Quỹ cứu trợ tài chính.


Sau ngày làm việc đầu tiên ở Brussels, dù không đạt được kết quả trọn vẹn nhưng các thành viên EU cũng đã đưa ra được những thỏa thuận.


Cải tổ các Hiệp ước


Nước Đức đi đầu trong đề xuất này khi kêu gọi áp dụng “nguyên tắc vàng,” bao gồm việc thực thi những chính sách cứng rắn, khắc khổ về tài khóa và việc trừng phạt tự động những quốc gia thành viên Eurozone vi phạm nguyên tắc, chẳng hạn để thâm hụt ngân sách vượt quá 3%/năm.


Nước Pháp, do lo ngại các chính sách kiểm soát ngân sách khi nợ công cũng đang ở mức rủi ro, dè dặt hơn khi đề nghị trước hết nên áp dụng một “Hiệp ước Schengen của Eurozone,” tức 17 nước thuộc Eurozone làm trước, các thành viên khác của EU theo sau.


Trở ngại lớn nhất trong đề xuất này là thái độ của Anh, nước không nằm trong Eurozone nhưng lại có thể bị ảnh hưởng lớn bởi những thay đổi này.


Thủ tướng Anh David Cameron đã đưa ra điều kiện “Anh chỉ tham gia vào hiệp ước sửa đổi nếu được miễn trừ một số quy định về kiểm soát tài chính.”


E ngại của ông Cameron đã được dự đoán trước bởi London, trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, sẽ bị ảnh hưởng nếu áp dụng tất cả các chính sách ngặt nghèo của EU và bản thân nước Anh không muốn chạy theo một cuộc chơi do Pháp-Đức đạo diễn.


Trước sự phản đối của Anh, Hungary và sự lưỡng lự của Thụy Điển, CH Czech (muốn tham khảo ý kiến Quốc hội và các đảng đối tác), EU rốt cục đi đến một thỏa thuận trung hòa: Thảo thuận mới tăng cường kỷ luật ngân sách sẽ là một thỏa thuận mở, tức gồm 17 nước thành viên Eurozone và sự tham gia tự nguyện của 10 nước EU còn lại.


Tăng cường các quỹ cứu trợ


Quỹ ổn định tài chính của EU (FESF) đi vào hoạt động từ tháng 5/2010 nhưng hiện tại chỉ có 250 tỷ euro (so với dự tính là 440 tỷ euro) trong tay để can thiệp trong các tình huống khủng hoảng.


Hy vọng nâng sức mạnh của FESF lên 1.000 tỷ euro đã tan biến khi đầu tháng 11 vừa qua ở cuộc họp G20, các nền kinh tế lớn khác trên thế giới không mặn mà với việc đầu tư vào FESF.


Khi FESF không hiệu quả, các nước EU buộc phải tìm cách khác và Cơ chế bình ổn châu Âu (MES) sẽ ra đời thay cho FESF.


“Cú đấm” của MES được dự tính ít nhất là 500 tỷ euro và các nước thành viên cũng đã thống nhất sẽ cho MES hoạt động sớm hơn một năm so với dự kiến, bắt đầu từ tháng 7-2012.


Một quyết định khác cũng được thông qua là Ngân hàng trung ương châu Âu (BCE) sẽ chính thức quản lý FESF hiện tại và MES trong tương lai.


Đây là một động thái được xem là nhằm tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư. Chỉ có điều, ý định cho MES một “giấy phép ngân hàng” để vay không hạn chế ở BCE lập tức bị Đức, quốc gia luôn muốn giữ sự độc lập cho BCE, phủ quyết.


Câu hỏi cơ bản nhất vẫn đang tồn tại: Các nước châu Âu kiếm tiền đổ vào MES bằng cách nào khi trước đó đã bất lực với FESF?/.