TCCSĐT - Hội thảo quốc gia về chiến lược việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là Hội thảo tư vấn cấp cao do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức tại Hà Nội ngày 9-12-2011.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế song song với đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững. Vấn đề việc làm luôn chiếm vị trí quan trọng trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2001-2010 trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược việc làm nhằm mục tiêu: “Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, bảo đảm việc làm cho phần lớn lao động có nhu cầu làm việc, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân”, Chiến lược việc làm đã xác định phải giải quyết tốt việc làm cho người lao động không chỉ phát huy nguồn nhân lực dồi dào mà còn góp phần tạo việc làm nhiều hơn và tốt hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững và duy trì ổn định xã hội.

 Chiến lược Việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chủ yếu sau:
  • Chiến lược Việc làm góp phần cụ thể hóa những định hướng chính sách chung của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 (SEDS). Chiến lược này hỗ trợ việc thực hiện SEDS trên các lĩnh vực thị trường lao động, tạo việc làm năng suất và lồng ghép mục tiêu việc làm vào trong các chính sách kinh tế xã hội khi Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình.
  • Chiến lược việc làm 2011-2020 cũng dựa trên 2 nguyên tắc xuyên suốt:
    • Cơ chế ba bên - sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan với các tổ chức xã hội đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động.
    • Bình đẳng giới và hoà nhập - lồng ghép vào trong các chính sách và chương trình tạo sự bình đẳng về cơ hội cho nam giới và nữ giới, tất cả đều được tiếp cận và tham gia mà không bị phân biệt đối xử.
  • Việc hoạch định chính sách và cải cách thể chế được xây dựng theo phương pháp dựa trên kết quả. Theo cách tiếp cận này, Chiến lược sẽ bao gồm các quy trình giám sát và đánh giá việc thực hiện.

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010, nhiều chính sách về việc làm được ban hành và thực thi như: Phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm; Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm qua 02 kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2001-2005 và 2006-2010; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hoạt động giáo dục và đào tạo nghề, cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ các đối tượng chính sách và những người yếu thế có việc làm ổn định; phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đặc biệt là chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2009… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các nhà quản lý và các đối tác xã hội về các vấn đề và thách thức liên quan đến việc làm, thông qua đó huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, kết nối cung – cầu lao động hiệu quả hơn.


 Chiến lược Việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 bao gồm những nội dung chính:
  • Phần I đánh giá, miêu tả tình hình thực hiện các chính sách, giải pháp tạo việc làm và những nhận định về tình hình việc làm Việt Nam giai đoạn 2001-2010.
  • Phần II đưa ra những thách thức, dự báo cho giai đoạn 2011-2020, những nội dung chính của Chiến lược Việc làm giai đoạn 2011 – 2020, mục tiêu và các giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu này.
  • Phần III trình bày khung thể chế để thực hiện Chiến lược Việc làm cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giám sát, đánh giá giữa kỳ, đánh giá cuối kỳ và vận dụng cơ chế ba bên trong việc thực hiện Chiến lược. 

Từ khi Đổi mới tới nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng ở mức trung bình 7,5% trong vòng 20 năm qua và tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 58,1% vào năm 1993 xuống còn 15% vào năm 2010. Việt Nam cũng đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) trước thời hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn 2001-2010, vẫn còn một số khó khăn, thách thức tồn tại và mới nảy sinh đặc biệt trong lĩnh vực thị trường lao động và việc làm. Những thách thức này gây trở ngại đối với việc tăng cường việc làm đầy đủ, có năng suất cao và bền  vững phù hợp với quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, tái cơ cấu các khu vực kinh tế có năng suất thấp, xây dựng chế độ tiền lương phù hợp với năng suất thông qua cơ chế ba bên và cải thiện quan hệ lao động; giải quyết sự mất cân đối giữa khu vực cung và cầu lao động, thúc đẩy sự dịch chuyển lao động từ phi chính thức sang chính thức cũng như những vấn đề khác của chính sách công có tác động tới quản lý thị trường lao động… đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế gần đây.

Ông Joe Manuel Salazar, giám đốc điều hành phụ trách Khối việc làm của ILO tại Geneva nhấn mạnh: “Do còn thiếu các biện pháp an sinh xã hội, hầu hết người lao động Việt Nam làm việc trong khu vực nông nghiệp với năng suất thấp, việc chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế theo hướng không còn tập trung vào khu vực nông nghiệp được thể hiện bởi sự dịch chuyển mạnh của lực lượng lao động từ ngành nông nghiệp sang các hoạt động sản xuất và dịch vụ, và di chuyển đến các khu công nghiệp ở thành phố”.

Được sự hỗ trợ của ILO, sau hơn một năm thực hiện, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, xây dựng và dần hoàn thiện dự thảo Chiến lược việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ: “Chiến lược việc làm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là sự cụ thể hóa của những chủ trương, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 trong lĩnh vực việc làm, đồng thời hướng tới thực hiện các mục tiêu về việc làm bền vững cũng như các tiêu chuẩn về việc làm theo kiến nghị của Tổ chức lao động quốc tế”.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ LĐTBXH đã trình bày quá trình xây dựng và những nội dung chính của Chiến lược và đề xuất các biện pháp và chính sách nhằm triển khai Chiến lược. Hội thảo cũng lắng nghe nhiều ý kiến, tham luận và trao đổi từ các cơ quan tổ chức quốc tế, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan, các đối tác xã hội, cũng như các cơ quan nghiên cứu. Những ý kiến đóng góp có vai trò quan trọng giúp bộ LĐTBXH xây dựng một chiến lược việc làm toàn diện và hiệu quả cho Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển thị trường lao động và đẩy mạnh việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững ở Việt Nam trong thập niên tới./.