TCCSĐT - Sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo mới nhất đánh giá về chương trình hạt nhân của Iran, phản ứng quốc tế rất khác nhau.

Trước đó, Israel đã sử dụng những thông tin được tiết lộ không chính thức từ báo cáo này để khuấy động cuộc tranh luận ở Israel và nhiều nơi khác về khả năng tấn công quân sự vào những cơ sở hạt nhân của Iran. Trong khi một số nhà lãnh đạo ở Israel thậm chí còn cho rằng, tấn công quân sự như thế không còn có thể tránh khỏi thì chưa có chính phủ nào ở phương Tây chính thức tuyên bố ủng hộ tấn công quân sự Iran.

Mỹ và các nước phương Tây sử dụng việc công bố báo cáo này nhằm tiếp tục gia tăng áp lực chính trị cũng như kinh tế đối với Iran, thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

Sau Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe đến lượt Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Pannetta đều cảnh báo và bác bỏ việc tiến hành tân công quân sự vào các cở sở hạt nhân của Iran.

Tại một cuộc họp báo ngày 10-11-2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Pannetta cho rằng, tấn công quân sự không đạt được mục tiêu buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân mà chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả khu vực và quân đội Mỹ hiện đang được triển khai ở khu vực. Ông L.Pannetta coi tấn công quân sự là "phương cách cuối cùng" cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Đáng chú ý nhất là phản ứng của Nga và Trung Quốc. Các hãng thông tấn quốc tế đều trích dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho thấy, Nga coi báo cáo mới của IAEA là có động cơ và mục đích chính trị khi chỉ ra rằng, báo cáo trên của IAEA không có thông tin mới và việc công bố báo cáo này có hại cho quá trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran bằng ngoại giao.

Hãng Reuters trích dẫn phát biểu của một quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh quốc gia Nga đánh giá báo cáo này làm "tăng thêm căng thẳng" và Nga rất nghi ngờ tính chuẩn xác của những thông tin trong báo cáo. Đồng thời, cả Iran và Nga đều công bố ý định tiếp tục hợp tác xây dựng thêm một số nhà máy điện hạt nhân mới ở Iran.

Trung Quốc tỏ ra rất thận trọng với phản ứng về báo cáo nói trên của IAEA. Cũng trong ngày 10-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân của Iran bằng các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc bởi những biện pháp ấy không đưa lại giải pháp cơ bản cho vấn đề này.

Dư luận chung coi phản ứng của Trung Quốc và Nga là dấu hiệu về việc hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa đồng tình với ý định của Mỹ và phương Tây nhân sự kiện này này để có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Iran./.