Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam với các nước ở khu vực Nam Á
Ưu tiên củng cố và phát triển mối quan hệ chính trị gắn bó Việt Nam - Ấn Độ
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước vốn được Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru (Jawaharlal Nehru) và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, từ đó nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, phát triển. Đến nay, hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã và đang có một quan hệ hợp tác chính trị rất tốt đẹp. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2003 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, hai bên đã ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ bước sang thế kỷ XXI. Đây là văn kiện có ý nghĩa quan trọng, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI. Những chuyến thăm cấp cao thường xuyên đã giúp hai nước không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ chính trị gắn bó, bền chặt. Việt Nam luôn khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng; đồng thời, Ấn Độ ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Để góp phần cụ thể hóa và không ngừng phát triển quan hệ hợp tác chính trị, kể từ năm 2003, Việt Nam và Ấn Độ đã thành lập cơ chế đối thoại chính trị thường niên giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Cơ chế này đã trở thành một kênh trao đổi thường xuyên và có hiệu quả giữa hai nước về các vấn đề chính trị quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Mây-ra Cu-ma (Meira Kumar) và Phu quân cùng Đoàn đại biểu Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ tháng 5-2011 và chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M Crít-xna (S.M.Krishna) tháng 9-2011, lãnh đạo của hai nước đều khẳng định: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng được phát triển tốt đẹp hơn và hiện hai nước đã là đối tác hợp tác chiến lược của nhau. Hai bên mong muốn cùng nhau tìm kiếm các biện pháp tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác; phối hợp trên các diễn đàn quốc tế vì một thế giới hòa bình và phát triển; tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích và sự phát triển chung của cả hai nước.
Từ khi nâng quan hệ ngoại giao và kinh tế lên tầm đối tác chiến lược vào tháng 7-2007, thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ không ngừng tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 1,02 tỉ USD; năm 2007 đạt 1,53 tỉ USD; năm 2008 đạt 2,48 tỉ USD thì đến năm 2009, dù vấp phải nhiều thách thức từ khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu nhưng kim ngạch song phương vẫn đạt 2,05 tỉ USD và năm 2010 đạt 2,755 tỉ USD. Hiện, Ấn Độ đang giữ vị trí 11 trong số các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Bảy tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 2 tỉ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt hơn 1,3 tỉ USD và xuất khẩu từ Việt Nam là 739 triệu USD.
Với chất lượng ổn định, giá thành hợp lý, cơ cấu mặt hàng đa dạng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường Ấn Độ. Riêng trong lĩnh vực đầu tư, hiện đã có nhiều tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ thành lập văn phòng đại diện và đang đầu tư hiệu quả vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: khai thác khoáng sản, công nghiệp ô tô, thép, dầu khí, năng lượng… Mối quan tâm của doanh nghiệp Ấn Độ tới thị trường Việt Nam đang mở rộng hơn, không chỉ ở các lĩnh vực, mặt hàng truyền thống mà còn lan sang các ngành khác như cung cấp năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm… Đặc biệt, mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ lên mức 5 tỉ USD vào năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh lớn giữa doanh nghiệp hai nước; đồng thời, kích thích các tập đoàn Ấn Độ tăng cường quan hệ làm ăn với các đối tác Việt Nam.
Xây dựng nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Xri Lan-ca
Là nước tiên phong trong khu vực Nam Á tiến hành cải tổ nền kinh tế, năm 1977, Xri Lan-ca từ bỏ chính sách tập trung thay thế nhập khẩu bằng chính sách mở cửa thị trường, hướng tới xuất khẩu và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 2009, Xri Lan-ca chịu ảnh hưởng nặng nề do nội chiến. Tuy vậy, mức tăng trưởng GDP của nước này vẫn đạt trung bình 5% trong vòng 10 năm qua. Chính phủ Xri Lan-ca đã chủ trương phát triển kinh tế - xã hội công bằng, hài hòa và tập trung xây dựng nền kinh tế Xri Lan-ca tự cường. Hiện, Xri Lan-ca là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Nam Á (chỉ sau Man-đi-vơ và Bu-tan).
Về cơ cấu nền kinh tế theo khu vực, nông nghiệp của Xri Lan-ca chiếm khoảng 12,6% tổng GDP của quốc gia này. Các sản phẩm nông nghiệp chính bao gồm: gạo, mía, dừa, đậu, ngũ cốc, gia vị, rau quả, chè, cao su, sữa, trứng, thịt bò, cá, da thú. Công nghiệp có tỷ trọng lớn hơn nông nghiệp, chiếm 29,7% GDP, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: dệt may, chế biến cao su, chè, dừa, thuốc lá, sản xuất thiết bị cho ngành viễn thông, xi-măng, lọc dầu, xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển. Dịch vụ là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, chiếm 57,7%. Các dịch vụ chủ yếu bao gồm: du lịch, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Xri Lan-ca Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xơ (Mahinda Rajapaksa) năm 2009 được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh và quốc phòng. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp bộ, ngành; đồng thời, đẩy mạnh triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Xri Lan-ca. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 triệu USD vào năm 2012; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thủy sản, văn hóa, dầu khí, cơ khí, dịch vụ hàng không, vận tải biển, xây dựng, giáo dục, y tế... Lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Lãnh đạo hai nước cũng đã chứng kiến lễ ký kết các hiệp định và thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, bao gồm: Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; Thỏa thuận Hợp tác về phòng chống tội phạm; Bản Ghi nhớ về hợp tác văn hóa; Kế hoạch Hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2010-2011; Kế hoạch Hợp tác thủy sản giai đoạn 2010 - 2013.
Năm 2010, Tổng thống Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xơ (Mahinda Rajapaksa) tái đắc cử, đồng nghĩa với việc Chính phủ nước này sẽ vẫn tiếp tục chính sách mở cửa kinh tế với mục tiêu giảm nghèo bằng việc tập trung đầu tư vào những vùng kém phát triển, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện nông nghiệp và mở rộng hơn nữa khu vực dịch vụ trong nước. Sau cuộc xung đột kéo dài 26 năm với Lực lượng những con hổ giải phóng Ta-min (Tamil), Chính phủ hiện nay của Tổng thống Ma-hin đa Ra-gia-pắc-xơ đang bắt tay vào việc tái thiết và phát triển các dự án ở phía Bắc và Đông đất nước. Việt Nam và Xri Lan-ca có nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hợp tác, đó là có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, mối quan hệ truyền thống lâu đời và luôn ủng hộ nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Thông qua việc hợp tác, hai bên có thể học tập lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực.
Với quan hệ truyền thống lâu đời, khởi nguồn từ những giao lưu về văn hóa, tôn giáo và thương mại, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ấn Độ và Xri Lan-ca sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả của chuyến thăm sẽ góp phần tạo nên động lực mới thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước ở khu vực Nam Á ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, cũng như hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới./.
Đường Hồ Chí Minh trên biển - một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  (08/10/2011)
Ra mắt cuốn sách "Liên Xô/Nga - Việt Nam: Những cột mốc hợp tác"  (08/10/2011)
Hội nghị Pa-na-ma về chống biến đổi khí hậu đạt bước tiến rõ rệt  (08/10/2011)
Học viện Chính trị - 60 năm xây dựng và phát triển  (07/10/2011)
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cu-ba  (07/10/2011)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm