TCCSĐT- Ngày 7-10, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Học viện Chính trị - 60 năm xây dựng và phát triển (25-10-1951 - 25-10-2011)”. Gần 70 tham luận gửi đến và nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng Học viện trong chặng đường lịch sử đã qua, đồng thời đề xuất, làm rõ những phương hướng, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ và toàn diện Học viện trong thời gian tới.
Trong báo cáo đề dẫn trình bày tại Hội thảo, Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quốc, Giám đốc Học viện Chính trị nêu rõ: Trong 60 năm qua, Học viện Chính trị đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến tranh giải phóng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay; trong số đó, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà giáo, nhà khoa học có uy tín lớn trong và ngoài quân đội. Cùng với giáo dục, đào tạo, hoạt động khoa học của Học viện trong 60 năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nhằm giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội và trong xã hội. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Học viện - vừa là trung tâm giáo dục, đào tạo, vừa là trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự lớn của quân đội và quốc gia.

Ngay từ khi mới thành lập nhà trường, cán bộ, giáo viên của nhà trường đã thường xuyên nghiên cứu để vừa hiểu biết và nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, vừa kế thừa những tài liệu của Liên Xô, Trung Quốc để chuẩn bị bài giảng. Đó chính là những sản phẩm khoa học đầu tiên của nhà trường. Từ đó đến nay, hoạt động khoa học của nhà trường đã có bước tiến khá dài, với hàng chục công trình khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, ngành... không chỉ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường mà còn từng bước tham gia công tác lý luận của Đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Học viện cũng đã tích cực, chủ động trong cuộc đấu tranh, phê phán những lý luận sai trái, tư tưởng bảo thủ, trì trệ hoặc tả khuynh, góp phần tạo nên sự vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cán bộ, chiến sĩ quân đội, sự đồng thuận của xã hội. Thông qua kết quả nghiên cứu khoa học mà vị thế và uy tín của Học viện không ngừng được nâng cao.


Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quốc khẳng định: một trong những thành tựu nổi bật của Học viện trong 60 năm qua là thành tựu về xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng các tổ chức, đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong đó, thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng các khoa, các cơ quan chức năng và các đơn vị quản lý học viên vừa đáp ứng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao, vừa là những tổ chức mẫu mực, mô phạm nhằm tạo nên một môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh ở từng tổ chức, đơn vị và toàn Học viện, bảo đảm cho các sản phẩm của Học viện (cả sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học) đều mang đậm dấu ấn nhân văn.


Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng Học viện Chính trị trong 60 năm qua. Các đại biểu thống nhất khẳng định: Trong giáo dục, đào tạo, Học viện luôn quán triệt và nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, tình hình và nhiệm vụ của cách mạng, quân đội, qua đó vận dụng sáng tạo vào điều kiện, nhiệm vụ cụ thể của Học viện trong từng giai đoạn, xác định đúng đắn mô hình, mục tiêu đào tạo, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với đối tượng giáo dục, đào tạo. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao.


Đến nay, Học viện đã đào tạo được hàng vạn chính ủy, chính trị viên, giảng viên, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn quân sự; đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cho quân đội các nước bạn Lào và Cam-pu-chia, góp phần xây dựng tình đoàn kết, hợp tác giữa Quân đội Việt Nam và quân đội các nước bạn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng.


Nhiều đại biểu cũng đã đề xuất, xác định phương hướng, giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng Học viện nói chung, trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện nói riêng trong thời kỳ mới.


Tổng kết Hội thảo, Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quốc nhấn mạnh, trong những năm tới, Học viện Chính trị cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau: Một là, đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo theo hướng cập nhật, hiện đại; kịp thời quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XIV vào giảng dạy. Hai là, tạo sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ khoa học, công nghệ và môi trường; hoạt động khoa học phải đi trước, đón đầu, tạo cơ sở cho các hoạt động ở Học viện, trước hết là cho hoạt động giáo dục, đào tạo; quan tâm xây dựng tiềm lực khoa học và mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học. Ba là, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.