TCCSĐT - Ngày 6 và 7-10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện FES của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy trình và thủ tục làm việc tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội”. 

Các  đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá quy trình, thủ tục tiến hành phiên họp chất vấn của Quốc hội. Trong đó, tăng thời gian đối thoại, tranh luận trực tiếp, bớt thời gian trình bày báo cáo; gắn kết quả chất vấn với chế tài; ra Nghị quyết chất vấn... là những đề xuất được đưa ra để đổi mới quy trình, thủ tục tiến hành phiên chất vấn của Quốc hội.

Về đối tượng chất vấn, nhiều đại biểu nêu những bất cập như chưa quy định tổng kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn hay thực tế nhiều bộ trưởng, trưởng ngành cả nhiệm kỳ (thậm chí hai nhiệm kỳ) không phải trả lời chất vấn. Thời gian chất vấn ngắn nhưng thời gian dành cho từng vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn còn dài, đại biểu đông nên khó tập trung chất vấn vào một số vấn đề. Trong khi, việc ra nghị quyết chất vấn là không bắt buộc; kết quả chất vấn không gắn với chế tài như khiển trách, bỏ phiếu tín nhiệm, lập ủy ban lâm thời để điều tra; chưa quy định việc đôn đốc sau chất vấn.

 Có đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời chất vấn trước Quốc hội hoặc cơ quan của Quốc hội ít nhất một lần/một nhiệm kỳ; bổ sung tổng kiểm toán Nhà nước và những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nói chung vào đối tượng chất vấn; bổ sung quy định về việc điều trần trước cơ quan của Quốc hội; việc Quốc hội, UBTVQH ra Nghị quyết sau mỗi phiên chất vấn cần phải được coi là thủ tục nhất thiết thực hiện.

Theo bà Ca-thơ-rin Ca-meo Co-nich-xơ (Catherine Carmel Cornish), Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu, Nghị viện Úc, chất vấn là thời gian có sự tham dự đầy đủ nhất, được theo dõi cẩn thận nhất và là phần thu hút sự phê phán nhiều nhất trong mỗi phiên họp của Hạ viện Úc. Tất cả các Bộ trưởng đều cần hiện diện tại phiên chất vấn và sẵn sàng để trả lời các câu hỏi thuộc trách nhiệm của mình. Nếu một bộ trưởng vắng mặt tại một phiên chất vấn tại hạ viện, thủ tướng sẽ thông báo cho hạ viện trước đó và yêu cầu một bộ trưởng khác nhận câu hỏi dự định được gửi tới vị vắng mặt. Bà Ca-thơ-rin Ca-meo Co-nich-xơ cũng giới thiệu rõ khuôn khổ lịch sử và pháp lý của phiên chất vấn tại Hạ viện Úc; thời gian diễn ra phiên chất vấn tại phiên họp toàn thể của hạ viện; mục đích, bản chất, những nhân vật chính của phiên chất vấn; cách điều hành phiên chất vấn... Quy trình thủ tục của Hạ viện Úc đưa ra một số giới hạn đối với các câu hỏi không báo trước (câu hỏi miệng), như: Mỗi câu không quá 45 giây; chủ đề câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một bộ trưởng; về nội dung, các câu hỏi không được sử dụng như một phương tiện để thảo luận các vấn đề (ví dụ không lập luận, suy diễn, quy kết, xúc phạm hoặc các vấn đề giả định); cho phép những câu hỏi thêm để làm rõ hơn phần trả lời. Yêu cầu đối với các câu trả lời là: không quá 4 phút và phải liên quan trực tiếp đến câu hỏi.

TS E.M Su-da-xa-na Na-chi-ap-pan (Sudarsana Natchiappan), Nghị sĩ, Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội Ấn Độ về Phát triển nguồn nhân lực và Ủy ban Điều lệ cho biết, phiên chất vấn tại Quốc hội Ấn Độ là khoảng thời gian linh động có tính tương tác giữa các đại biểu Quốc hội, cho thấy trí tuệ của các đại biểu trong việc bày tỏ kiến thức của mình về vấn đề và vạch rõ sự kém hiệu quả của các bộ cũng như những thiếu sót của cơ quan hành pháp. Các cuộc tranh luận trên mọi khía cạnh cho phép đại biểu trở thành một phần của chương trình quốc gia bằng những suy nghĩ có tính xây dựng và các hoạt động sử dụng quy trình thủ tục cụ thể để đạt được mục đích phục vụ nhân dân.

TS Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, yêu cầu của hoạt động chất vấn là tiếp tục nâng cao chất lượng ở cả 2 khía cạnh: người chất vấn và cơ quan, tổ chức trả lời chất vấn. Để bảo đảm quy trình, thủ tục tiến hành chất vấn được dân chủ, đúng pháp luật, cần có quy định Quốc hội lấy ý kiến về việc có ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người chất vấn hay không?