TCCSĐT - Chuyến thăm ba nước Hà Lan, U-dơ-bê-ki-xtan và U-crai-na của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 27-9 đến ngày 6-10-2011 đã thành công tốt đẹp, tạo nền tảng vững chắc đưa quan hệ Việt Nam với ba nước này lên tầm cao mới. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ 2.
Chuyến thăm ba nước châu Âu lần này của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là sự kiện quan trọng, khẳng định sự hợp tác bền vững, tình cảm thủy chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với đất nước, nhân dân ba nước Hà Lan, U-dơ-bê-ki-xtan, U-crai-na. Đặc biệt, đây còn là thông điệp khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước trên thế giới, đặc biệt với các nước bạn truyền thống như Hà Lan, U-dơ-bê-ki-xtan, U-crai-na và các nước châu Âu khác.

Tại Hà Lan, U-dơ-bê-ki-xtan, U-crai-na, quốc gia nào cũng dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị, thể hiện tình cảm sâu sắc, nguyện vọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam.


Trong 5 ngày ở thăm Hà Lan, từ ngày 27-9 đến ngày 1-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Nữ hoàng Bê-a-tơ-rít-xơ (Beatrix), hội đàm với Thủ tướng Mắc Rút-tơ (Mark Rutte), gặp các nhà lãnh đạo Quốc hội, Thái tử kế vị Uy-lem A-lếch-xan-đơ (Willem Alexander), tham dự Diễn đàn Hợp tác năng lượng và dầu khí Hà Lan - Việt Nam, tiếp xúc một số tập đoàn kinh tế lớn của Hà Lan… Đặc biệt, Thủ tướng đã dành thời gian đi thăm một số công trình trị thủy, thị sát hệ thống đê chắn sóng, các công trình gia cố bờ biển nổi tiếng của Hà Lan. Thủ tướng cũng trực tiếp nghe giới thiệu kinh nghiệm của Hà Lan trong quy hoạch vùng đồng bằng châu thổ cũng như các giải pháp ứng phó với nước biển dâng và quản lý nước của Hà Lan. Đây là những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.


Thực tế, từ khi Việt Nam - Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4-1973 đến nay, Chính phủ Hà Lan đã có nhiều dự án quan trọng về kinh tế, xã hội cho Việt Nam. Vì thế, tại các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các nhà lãnh đạo Hà Lan mong muốn tiếp tục triển khai và mở rộng những dự án này, đặc biệt những lĩnh vực Việt Nam quan tâm. Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, kinh tế biển, năng lượng và dầu khí.


Thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 1-1992, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - U-dơ-bê-ki-xtan được kế thừa quan hệ truyền thống tốt đẹp của thời kỳ Liên Xô trước đây, vì thế, chuyến thăm U-dơ-bê-ki-xtan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 2 đến 4-10, không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước, mà còn là cuộc hội ngộ của những người bạn, anh em truyền thống thân thiết. Tổng thống I-xlam Ca-ri-mốp (Islam Karimov), Thủ tướng Sáp-cát Mi-rơ-di-ô-ép (Shavkat Miziyoyev), Chủ tịch Thượng viện In-gi-da Xô-bi-rốp (Iigiza Sobirov) đều dành thời gian gặp gỡ, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hai bên nhất trí dành nhiều biện pháp ưu tiên để thúc đẩy hợp tác kinh tế và coi đây là lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Khi quan hệ kinh tế hai nước chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước, với thương mại hai chiều năm 2010 mới đạt 18 triệu USD, các nhà lãnh đạo hai nước đã xác định trọng tâm hợp tác đó là định hướng đúng, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và tạo tiền đề đưa quan hệ Việt Nam - U-dơ-bê-ki-xtan sang giai đoạn mới thực chất và hiệu quả hơn.


Quan hệ Việt Nam - U-crai-na cũng là quan hệ truyền thống tốt đẹp. Chuyến thăm U-crai-na từ ngày 4 đến 6-10 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được coi là chuyến thăm đầu tiên của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới nước này trong 17 năm qua. Các nhà lãnh đạo U-crai-na bày tỏ niềm vui mừng, được chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tình cảm nồng nhiệt thắm thiết của những người bạn truyền thống và khẳng định, chuyến thăm này là một sự kiện quan trọng, là dấu ấn đáng ghi nhớ trong lịch sử quan hệ hai nước. Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội U-crai-na đều dành thời gian gặp gỡ, hội đàm với Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy hợp tác song phương; tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật; tích cực hỗ trợ xuất nhập khẩu, xóa bỏ rào cản thương mại song phương nhằm tăng nhanh kim ngạch thương mại giữa hai nước, phấn đấu nâng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2012. Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy dự án viễn thông của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đầu tư sang U-crai-na. Thủ tướng U-crai-na Ni-cô-lai A-da-rốp (Nikolai Azarov) đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp khi nói về quan hệ hợp tác hai nước. Ông khẳng định, U-crai-na sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực có tiềm năng như năng lượng, chế tạo máy, hóa chất, tiếp tục triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã ký trong các lĩnh vực ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông cũng như nghiên cứu khả năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, hàng không - vũ trụ... Thủ tướng N. A-da-rốp khẳng định quyết tâm của Chính phủ hai nước trong đẩy mạnh tiến trình đàm phán để sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước. Người đứng đầu Chính phủ U-crai-na nhất trí sẽ tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tại các trường đại học của U-crai-na trong các năm học tới và cam kết làm hết sức mình để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn sinh sống và học tập tại U-crai-na.


Chuyến thăm ba nước Hà Lan, U-dơ-bê-ki-xtan và U-crai-na của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với thời gian không nhiều, chưa đầy 10 ngày, lịch trình hoạt động liên tục nhưng đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thực chất. Một kết quả rất có ý nghĩa, đó là lãnh đạo các nước đều đánh giá cao những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, những đóng góp có hiệu quả của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh, phát triển, hòa bình ở khu vực và thế giới, thể hiện uy tín và vị thế của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ngày được nâng cao trên trường quốc tế. 15 văn bản, hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với các nước này đã được ký kết. Trong đó, có 10 văn bản hợp tác gồm nghị định thư, thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ về đào tạo giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực vận tải hàng không, hợp tác dầu khí, đào tạo; Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam - U-dơ-bê-ki-xtan về kiểm dịch thực vật và Thỏa thuận Hợp tác giữa trường Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Quốc gia Tashkent; Biên bản khóa họp lần thứ 12 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - U-crai-na về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học kỹ thuật giữa hai nước; Thỏa thuận liên doanh giữa Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và Hãng Hàng không AERO Service của U-crai-na; Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ki-ép mang tên Sép-chen-cô (Senchenco).


Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế, nợ công ở Mỹ và châu Âu nhưng Việt Nam vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng khá, chính trị, xã hội ổn định. Kết quả của chuyến thăm rất có ý nghĩa và quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam với Hà Lan, U-dơ-bê-ki-xtan và U-crai-na, tiếp tục làm sâu sắc hơn các mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, thương mại đầu tư. Chắc chắn rằng, với nỗ lực này và khi những văn bản hợp tác vừa ký kết được triển khai cụ thể, quan hệ Việt Nam - Hà Lan, Việt Nam - U-dơ-bê-ki-xtan, Việt Nam - U-crai-na sẽ được nâng lên tầm cao mới, sâu sắc hơn, thực chất hơn, góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng ở mỗi nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới./.