TCCSĐT - Phong trào biểu tình "Chiếm lấy Phố Uôn" ngày càng lan rộng là minh chứng cho sự thất vọng ngày càng tăng của người dân Mỹ trước cách thức xử lý các vấn đề tài chính của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma.

Hơn 2 tuần qua, phong trào biểu tình mang tên “Chiếm lấy Phố Uôn” diễn ra rầm rộ tại thành phố Niu Yoóc (New York) và đang lan nhanh ra hơn 20 địa điểm khác trên khắp nước Mỹ. Trong bối cảnh “thế cuộc xoay vần” ở khu vực Trung Đông, nhiều ý kiến cho rằng, “mùa xuân A-rập” đang có dấu hiệu “nở hoa” ngay trên đất Mỹ. Mọi so sánh đều khập khiễng! Song có một điều phải thừa nhận, các cuộc biểu tình diễn ra tại Mỹ cũng là nhằm thể hiện sự thất vọng đối với chính quyền.

Có lẽ trước đây, người dân Mỹ quen với việc bày tỏ sự hài lòng hay thất vọng về cách điều hành của chính phủ thông qua các lá phiếu cử tri nhưng nay, họ chọn cách xuống phố biểu tình. Nghĩa là đã có những thay đổi khiến người dân Mỹ cảm thấy cần kíp hơn trong việc phải bày tỏ thái độ. Điều này là dễ hiểu bởi từ nhiều thập kỷ nay, Mỹ chưa khi nào lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế nghiêm trọng như lúc này. Và đây chính là thời điểm mà công bằng xã hội khó được thực thi nhất tại đất nước luôn cho mình là đại diện của các “nền dân chủ” trên thế giới.

Không khí phản kháng sôi sục có thể được giải thích bằng sự bất mãn  đã dồn nén từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Người dân Mỹ dường như không còn đủ kiên nhẫn để trông đợi vào khả năng gỡ rối của chính phủ, khi mà hết lần này tới lần khác, các giải pháp đưa ra vẫn là cứu trợ các ngân hàng. Các gói cứu trợ trị giá hàng tỉ USD đó hầu hết làm lợi cho giới chủ ngân hàng và các nhà tài phiệt, trong khi phần lớn người dân thì vẫn tiếp tục đương đầu với những khó khăn kinh tế. Sau cơn bão tài chính, hàng triệu người Mỹ bị mất công ăn việc làm, hàng triệu người quay trở lại cảnh nghèo đói. Hiếm khi nào, tình trạng thất nghiệp tại Mỹ lại duy trì ở mức cao trong thời gian dài như vậy (hơn 9%, từ đầu năm 2009 tới nay).

Sự thất vọng này dĩ nhiên được thể hiện qua những tấm biểu ngữ trên đường phố như: “Ngân hàng được cứu trợ. Chúng tôi bị móc túi”, "Tất cả các chủ ngân hàng đều là phát-xít"… Khi chĩa mũi nhọn vào giới chủ ngân hàng, người Mỹ muốn chỉ ra rằng, tiền của họ đang chảy vào túi của chính những “thủ phạm” gây ra khủng hoảng tài chính.

Để chấm dứt những điều được cho là bất công, người dân Mỹ đòi hỏi một sự thay đổi trong chính sách và hệ thống tài chính của nước này. Rõ ràng, gánh nặng đó được đặt lên vai chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Không phải Nhà Trắng không nhìn ra những nút thắt cần tháo gỡ, song thật khó xoay sở khi các chính sách kinh tế còn bị chi phối bởi các yếu tố chính trị. Mới đây, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng muốn tăng thuế với người có thu nhập cao nhằm thay đổi một nghịch lý là các nhà triệu phú đang đóng thuế thấp hơn cả tầng lớp trung lưu, nhưng xem ra, đề xuất này khó tìm kiếm được sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.

Mùa hè vừa qua, cuộc đối đầu giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ về các vấn đề ngân sách và cắt giảm chi tiêu đã nhiều phen đẩy nền kinh tế Mỹ tới bờ vực phá sản. Phe Dân chủ của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã có được thỏa thuận nâng mức nợ trần với cái giá không rẻ. Đó là chấp nhận cắt giảm chi tiêu 2500 tỉ USD trong vòng 10 năm theo yêu cầu của Đảng Cộng hòa. Điều đó làm khó Chính phủ Mỹ trong các kế hoạch tăng đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng… để tạo thêm việc làm.

Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, không phải cứ “bơm tiền” là nền kinh tế số một thế giới sẽ lấy lại đà tăng trưởng, bởi gói kích thích tài chính của Mỹ bị đánh giá là được “thiết kế tồi”. Chỉ 1/8 số tiền chi cho kích thích kinh tế được dành cho các dự án công trình công cộng, số còn lại chủ yếu chi cho những dự án làm “đẹp lòng” phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ. Nghĩa là các gói hỗ trợ không thể đem lại hiệu quả khi mà ngôi nhà kinh tế chưa được sắp xếp theo một trật tự hợp lý. Điều đó tất yếu dẫn tới việc đánh mất niềm tin của giới doanh nghiệp và cộng đồng tài chính, khiến cho mức đầu tư và chi tiêu giảm sút, tạo ra vòng luẩn quẩn: thất nghiệp tăng cao, tăng trưởng chậm lại.

Trong bối cảnh này, thật khó có thể khẳng định bao lâu nữa thì nền kinh tế Mỹ sẽ lấy lại niềm tin và điều đó làm người dân Mỹ mất kiên nhẫn. Phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Uôn” đang diễn ra có thể không đủ sức mạnh để làm nên thay đổi trong hệ thống tài chính Mỹ, song chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma không thể xem nhẹ những tín hiệu chẳng lành này. Mặc dù còn hơn 1 năm nữa mới diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, song với các thách thức mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt thì chừng ấy thời gian dường như là không đủ để cải thiện tình hình và lấy lại uy tín đang tụt dốc của Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Trong vòng 2 năm, tỉ lệ người Mỹ ủng hộ vào ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã sụt giảm từ mức 68% trong năm 2009 xuống còn 43% như hiện nay. Giới quan sát cho rằng, sẽ là quá muộn để Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma khôi phục niềm tin của cử tri nếu các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ chỉ bắt đầu sau tháng 7-2012./.