TCCSĐT - Ngày 5-10-2011 tại Brúc-xen (Bỉ) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO. Đây là lần đầu tiên tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) gặp đồng nghiệp đến từ tất cả các nước thành viên.
Cuộc chiến tranh ở Li-bi và triển vọng tình hình chính trị an ninh ở Áp-ga-ni-xtan sau khi Mỹ và NATO bắt đầu triển khai thực hiện lộ trình triệt thoái quân đội khỏi Áp-ga-ni-xtan được dự kiến là nội dung chính trên chương trình nghị sự của Hội nghị. Nhưng rồi, vấn đề tài chính cho các hoạt động và chương trình hợp tác trong tương lai lại được bàn thảo nhiều nhất và gây bất đồng quan điểm sâu sắc giữa Mỹ và các thành viên NATO khác.

Tuy lần đầu tiên ra mắt trước đầy đủ đồng nghiệp trong NATO, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta đã cảnh báo về khả năng NATO không còn đủ khả năng tài chính để chi cho những chiến dịch quân sự quy mô lớn trong tương lai như đã và đang tiến hành ở Áp-ga-ni-xtan hay Li-bi. Ông Lê-ôn Pa-nét-ta cũng không dấu giếm dự định của Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới ở mức độ ít nhất 450 tỉ USD và nêu yêu cầu của Mỹ muốn các đồng minh trong NATO tăng chi phí quân sự để bù đắp lại phần bị cắt giảm đó. Ông Lê-ôn Pa-nét-ta viện dẫn số liệu cho thấy, trong 10 năm qua, ngân sách quốc phòng của các thành viên NATO ở châu Âu giảm trung bình 2% hằng năm và coi đó là nguyên nhân chính khiến "nhiều biện pháp hiện đại hóa rất cấp thiết trong NATO bị trì hoãn".


Những phát biểu của ông Lê-ôn Pa-nét-ta tại Hội nghị này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều đồng nghiệp châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thô-mát đơ Mai-di-e (Thomas de Maiziere) cho rằng: "không thể chấp nhận được việc châu Âu phải bù đắp cho những gì mà Mỹ không thể làm được nữa cho an ninh chung". Cũng chính vì bất đồng quan điểm về đóng góp tài chính cho hoạt động của NATO trong tương lai mà Hội nghị này gần như không bàn thảo được về kế hoạch xây dựng Hệ thống trinh sát do thám chung. Trong khi Mỹ muốn tất cả các thành viên đều phải đóng góp tài chính thì các thành viên NATO ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh, lại không muốn để NATO đảm nhận vì muốn tránh khả năng có quá nhiều thành viên tham gia vận hành và kiểm soát hệ thống này, nhưng thực chất là để tránh phải đóng góp tài chính thêm cho kế hoạch ấy.


Hội nghị này bộc lộ sự bất đồng quan điểm sâu sắc trong nội bộ NATO và cho thấy: dưới áp lực của tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế, các thành viên NATO đang rất khó khăn về tài chính. Tình hình đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quân sự của NATO ở cả Áp-ga-ni-xtan lẫn Li-bi trong thời gian tới. Nó cũng đưa lại bằng chứng, Mỹ không còn thật sự dành ưu tiên cho NATO như trước, làm cho các thành viên khác, đặc biệt các thành viên ở châu Âu, lo ngại và bối rối./.