Cùng hành động để hướng tới nền kinh tế xanh
Xu thế tất yếu của phát triển
Khái niệm “tăng trưởng xanh” được đưa ra và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Hội nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) năm 2005. Từ đó đến nay, phát triển xanh (Green Development) hay còn gọi là tăng trưởng xanh (Green Growth) luôn là nhiệm vụ căn bản và khẩn cấp để tăng cường an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã để lại hậu quả không nhỏ tới tất cả các nước trên thế giới. Và tại nhiều nước, sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng vẫn còn rất mong manh. Các số liệu của báo cáo cho thấy, dù ở các nước kinh tế đã phục hồi hay đang phát triển trở lại thì những tác động của cuộc khủng hoảng đối với từng gia đình vẫn rất lớn. Vì thế, tăng trưởng xanh đã được chọn là chiến lược phát triển của khu vực nhằm bảo đảm sự bền vững của cả tăng trưởng kinh tế lẫn bảo vệ môi trường. Tỷ lệ thất nghiệp cao, giá lương thực và hàng hóa tăng, cùng với việc bất bình đẳng vẫn tồn tại dai dẳng đã làm đói nghèo, bất ổn xã hội gia tăng. Do đó, hơn bao giờ hết, việc đầu tư cho các đối tượng nghèo nhất của thế giới trở thành một nhu cầu cấp thiết để có thể tiếp tục theo đuổi các mục tiêu phát triển, trong đó có các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).
Trong thế kỷ XXI, xu hướng giảm dần mức lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để đạt tới một nền kinh tế xanh đã trở thành một yêu cầu cơ bản, một xu thế tất yếu đối với sự sống còn của các quốc gia. Mô hình phát triển tiêu dùng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay cần phải được thay thế bằng mô hình tăng trưởng xanh, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đứng trước 3 mối đe dọa lớn là giá nhiên liệu, giá lương thực tăng cao cũng như các thảm họa liên tiếp của thiên nhiên bắt nguồn từ sự biến đổi khí hậu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là nơi dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các thảm họa thiên nhiên với số người bị tác động cao gấp 4 lần khu vực châu Phi và 25 lần khu vực châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Vì vậy, tăng trưởng xanh đang mở ra cơ hội để các nước đang phát triển và mới nổi ở khu vực này, có thể phát triển nhảy vọt từ việc phát triển “ô nhiễm trước, khắc phục hậu quả sau” sang mô hình phát triển “bền vững, toàn diện, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường”.
Theo đánh giá của UNESCAP, giá lương thực và giá năng lượng cao có thể đẩy thêm 42 triệu người trong khu vực rơi vào cảnh nghèo khổ trong năm 2011. Vì vậy, tăng trưởng xanh phải là một trong những chiến lược phát triển bền vững không chỉ vì các điều kiện sinh thái mà còn là nhu cầu cấp thiết để tăng cường sức bật của nền kinh tế chống lại những biến động khôn lường của giá lương thực, giá nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên. Nhiều đại diện các chính phủ, giới học giả và các tổ chức phi chính phủ trong khu vực cho rằng, những thách thức hiện nay đòi hỏi các nước phải thay đổi mô hình tăng trưởng để phát triển kinh tế bền vững. Và tăng trưởng xanh được lấy là giải pháp phù hợp trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương chiếm 2/3 số người nghèo trên thế giới và rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, cũng như nhu cầu tăng trưởng nhanh để vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Theo các nghiên cứu, mức tiêu dùng năng lượng vào năm 2030 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ tăng hơn 60% so với hiện nay. Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, mặc dù khu vực này đang dẫn đầu thế giới vượt qua khủng hoảng nhưng vẫn rất cần thúc đẩy tiến trình hòa nhập kinh tế và đạt tiến bộ về bảo vệ môi trường, cân bằng giữa nhu cầu tăng trưởng và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các nước trên thế giới nói chung và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng cần thúc đẩy lộ trình xây dựng thị trường dựa trên tri thức, đồng thời tạo được thuận lợi để thúc đẩy hoạt động thương mại, vượt qua các thách thức kinh tế, xã hội và môi trường nhằm đạt hiệu quả kinh tế bền vững.
Và cơ hội của Việt Nam
Với chủ đề "Cùng hành động hướng tới nền kinh tế xanh", Diễn đàn lần này đã thu hút khoảng 180 đại biểu, diễn giả trong và ngoài nước, các quan chức chính phủ, các chuyên gia, giới nghiên cứu và doanh nghiệp của 48 thành viên ASEM và các tổ chức quốc tế, khu vực liên quan như Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), Chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng của Liên hợp quốc (UNREDD), Quỹ Han Xai-đơ (Hanns Seidel Foundation), Viện Phrê-đê-rích Ê-bớt (Frederich Ebert) và Quỹ Rô-xa Lúc-xem-buốc (Rosa Luxembourg Foundation) của Đức, cùng đại sứ, đại diện các đại sứ quán thành viên ASEM tại Việt Nam. Đây là bước triển khai sáng kiến do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 8 tổ chức tại Brúc-xen (Brussels), Vương quốc Bỉ, tháng 10-2010.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nêu rõ: tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn là mô hình và công cụ để thực hiện phát triển bền vững với 3 thành tố quan hệ chặt chẽ với nhau đó là: phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, tăng cường phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng đại diện cho hơn 60% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP toàn cầu và với tiềm lực khoa học - công nghệ dồi dào, ASEM hoàn toàn có khả năng và phải có trách nhiệm đóng góp tích cực cho nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Diễn đàn tập trung chia sẻ kinh nghiệm, xác định nội hàm của mô hình tăng trưởng xanh, đề xuất những biện pháp để ASEM tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh và định hướng để ASEM đóng góp triển khai các sáng kiến kinh tế xanh của Liên hợp quốc, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững tại Bra-xin năm 2012.
Nội dung hợp tác quan trọng của ASEM hiện nay là cùng xác định thuận lợi và thách thức đối với các nước khi lựa chọn tăng trưởng xanh, xây dựng các cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật nhằm loại bỏ rào cản và khuyến khích đầu tư vào phát triển nền kinh tế xanh, thiết lập các cơ chế đa phương và song phương hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển trong khuôn khổ ASEM. Vì vậy, sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương với ba phiên họp toàn thể, Diễn đàn đã đưa ra một bức tranh tương đối đầy đủ, toàn diện về tăng trưởng xanh ở hai châu lục Á-Âu. Những nội dung được trình bày tại Diễn đàn tập trung vào một số mô hình tăng trưởng xanh đang được triển khai áp dụng tại các nước thành viên ASEM; những kinh nghiệm và bài học thực tiễn về tăng trưởng xanh: từ xây dựng các thể chế, chính sách cấp toàn cầu, khu vực, đến các biện pháp tăng cường tăng trưởng xanh cụ thể ở từng nước thành viên ASEM. Các diễn giả cũng tập trung phân tích những thuận lợi, khó khăn của các quốc gia có trình độ phát triển và tiềm lực khác nhau khi theo đuổi mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Các tham luận tại Diễn đàn rất đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung nhưng đều thống nhất về nội hàm cơ bản của tăng trưởng xanh, đó là công nghệ sạch, năng lượng sạch, phát thải khí nhà kính thấp, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.
Dự kiến, các kiến nghị của Diễn đàn sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEM lần thứ 4 (tại Mông Cổ, tháng 5-2012), và cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEM (tại Tô-ky-ô, ngày 27 và 28-10-2011). Cùng với “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội” (tổ chức tại Hà Nội, ngày 18 và 19-4-2011), “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” là hai hoạt động lớn của ASEM mà nước ta đăng cai tổ chức trong năm 2011, nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đại hội Đảng lần thứ XI. Diễn đàn cũng là một trong 15 sáng kiến do nước ta đề xuất tại ASEM, tiếp theo việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (tháng 10-2004) và các hội nghị bộ trưởng ngoại giao, kinh tế và giáo dục, góp phần đưa tiến trình hợp tác Á-Âu theo hướng thiết thực, hiệu quả./.
Áp-ga-ni-xtan tìm kiếm sự trợ giúp an ninh của Ấn Độ  (05/10/2011)
Phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII: Đề cao trách nhiệm của công đoàn trong lãnh đạo, giải quyết đình công  (05/10/2011)
Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định"  (05/10/2011)
Thượng viện Mỹ thảo luận về dự thảo luật áp dụng thuế quan đặc biệt đối với các đối tác bù trợ xuất khẩu bằng giữ tỉ giá hối đoái thấp  (05/10/2011)
Chính phủ mới, chính sách mới ở Đan Mạch  (05/10/2011)
Sự vươn lên của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông  (05/10/2011)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên