Sự vươn lên của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông
Thực tế tình hình khu vực Trung Đông hiện nay đang có lợi cho tham vọng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực. Hầu hết các quốc gia A-rập hùng mạnh trước đây như Ai Cập, A-rập Xê-út đang dần suy yếu. Sự lo ngại về cục diện Xi-ri sẽ biến động theo chiều hướng bất lợi, cũng khiến I-ran không còn được như trước. Người Mỹ dù đã chuẩn bị chu đáo cho tiến trình rút quân khỏi I-rắc và Áp-ga-ni-xtan nhưng vấn đề an ninh tại đây vẫn chưa thể ổn định ngay được. Thực tế là tình trạng bạo lực tại đây vẫn đang tiếp diễn và ngày một phức tạp hơn. Đây chính là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ lấp đầy khoảng trống quyền lực tại đây.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tay-íp Ét-đô-gan (Tayyip Erdogan) đã có chuyến công du tới ba nước Bắc Phi vừa trải qua biến cố “Mùa xuân A-rập” là Ai Cập, Tuy-ni-di và Li-bi. Chuyến công du được coi là một hành động khá nhanh nhạy và linh hoạt của Thủ tướng T. Ét-đô-gan nhằm khẳng định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh mới. Đến Ai Cập, ông T. Ét-đô-gan đã công khai kêu gọi chính quyền mới ở Cai- rô xây dựng một chế độ theo mô hình Thổ Nhĩ Kỳ. Qua chuyến thăm này, Thủ tướng T. Ét-đô-gan cũng gián tiếp khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang sẵn sàng để đối mặt với vai trò mới của Ai Cập trong khu vực.
An-ca-ra cũng đã trở nên thực dụng hơn khi nhanh chóng công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Li-bi (NTC) và cung cấp 300 triệu USD cho lực lượng này, đồng thời tuyên bố sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho các thành phố Li-bi hiện còn nằm trong sự kiểm soát của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi. Các nhà phân tích cho rằng, chuyến đi của ông T. Ét-đô-gan thể hiện “tính cơ hội” của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, muốn biến thành quả của trào lưu thay đổi trong thế giới A-rập trở thành lợi thế, giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ảnh hưởng và cuối cùng sẽ thành “thủ lĩnh” mới trong khu vực.
Điều đáng chú ý, chuyến công du lần này lại diễn ra ngay sau một cuộc tranh cãi ngoại giao liên quan đến sự cố hồi tháng 5-2010, khi quân đội I-xra-en tấn công một đoàn tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho Pa-le-xtin, làm 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Phía I-xra-en kiên quyết không xin lỗi, còn Thủ tướng Ét-đô-gan tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ thương mại và hợp tác quân sự với I-xra-en, đồng thời trục xuất Đại sứ I-xra-en về nước.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - I-xra-en lại càng trở nên căng thẳng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ lại là một trong những nước lên tiếng mạnh mẽ, ủng hộ Pa-le-xtin đệ đơn xin được công nhận là nhà nước độc lập tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc vừa qua. Ở khía cạnh khác, quan hệ giữa I-xra-en với Ai Cập thời “hậu Tổng thống Mu-ba-rắc” cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là sau vụ I-xra-en bắn chết một số binh sĩ Ai Cập trong cuộc giao tranh ở biên giới vào tháng 8-2011. Không dừng ở đó, gần đây Thổ Nhĩ Kỳ lại cũng ra sức gây áp lực với A-déc-bai-gian, buộc nước này phải lựa chọn giữa Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh thân cận với A-déc-bai-gian hay I-xra-en - quốc gia mà trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ quan hệ ngoại giao, kinh tế, quân sự với quốc gia này. Hành động công khai chống lại I-xra-en của Thổ Nhĩ Kỳ được người A-rập hoan nghênh và Thủ tướng T. Ét-đô-gan cũng được tôn vinh như một người hùng.
Thêm vào đó, việc là một thành viên chủ chốt của NATO, với một lực lượng quân đội hùng mạnh, đồng thời là một ứng cử viên “nặng ký” của Liên minh châu Âu và là một đồng minh được Mỹ thừa nhận, Thổ Nhĩ Kỳ vì thế cũng luôn “ý thức” được trách nhiệm của mình trong các mối quan hệ chồng chéo này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không vì mối quan hệ xấu đi với I-xra-en mà làm nguội đi mối quan hệ gắn bó với phương Tây. Tháng 9-2011 vừa qua, An-ca-ra đã đồng ý triển khai một ra-đa cảnh báo sớm như là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa do NATO triển khai với mục tiêu bảo vệ châu Âu khỏi mối đe dọa tên lửa I-ran. Ảnh hưởng lớn mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ tại I-rắc hiện nay cũng đang là “chỗ dựa” lý tưởng để Mỹ tạo thế đứng chân vững chắc, đủ sức để đối trọng với I-ran tại khu vực.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên ở khu vực Trung Đông hiện nay không phải là không có những trở ngại. Việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ phe đối lập tại Xy-ri khiến quan hệ giữa I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi. Mặt khác, sự nổi lên của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực bằng việc “hi sinh” mối quan hệ với I-xra-en cũng tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ, bởi quan hệ giữa Mỹ với Nhà nước Do Thái này hiện vẫn rất sâu sắc. Chưa biết những nỗ lực tạo dựng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông sẽ có kết quả như thế nào, nhưng rõ ràng, đây chính là những chuyển động mới sau biến cố “mùa xuân A-rập”. Tương lai Trung Đông - Bắc Phi vì thế cũng sẽ càng thêm bất ổn và khó đoán định./.
Chiến lược phát triển nông nghiệp ASEAN sau khủng hoảng  (05/10/2011)
Thủ tướng bắt đầu chuyến thăm chính thức U-crai-na  (05/10/2011)
Chủ tịch nước tiếp cựu chiến binh làm kinh tế giỏi  (05/10/2011)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Đo lường  (04/10/2011)
Chủ tịch nước làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh  (04/10/2011)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay