Chiến lược phát triển nông nghiệp ASEAN sau khủng hoảng

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - NCS. Nguyễn Thu Băng, Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội
09:22, ngày 05-10-2011
TCCSĐT - Cuộc khủng hoảng về an ninh lương thực, tiếp đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đặt ra cho các nước ASEAN những thách thức đặc biệt trong nông nghiệp – lĩnh vực quan trọng trong trụ cột phát triển kinh tế của ASEAN. Nông nghiệp đã và đang trở thành đầu tàu ngăn chặn đà suy thoái và vực dậy nền kinh tế.

Với hơn 600 triệu dân, tăng trưởng kinh tế được dự báo vào khoảng 5,7 - 6,4% năm 2011, tổng GDP đạt 1.500 tỉ USD, ASEAN đang đóng vai trò động lực tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, nông nghiệp vừa là nhân tố giúp khôi phục kinh tế sau khủng hoảng, vừa là hàng rào bảo vệ chống nghèo đói. Phát triển nông nghiệp không chỉ là yêu cầu bảo đảm cải thiện đời sống cho nông dân mà còn là nền tảng quan trọng để tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho khu vực nông thôn các nước ASEAN. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, nếu không có nông nghiệp phát triển ổn định thì ASEAN khó lòng vượt qua khủng hoảng và giữ được mức tăng trưởng ổn định. Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam là những nước có thành tựu nông nghiệp nổi bật trong khối ASEAN nhờ có chiến lược phát triển nông nghiệp thích hợp sau khủng hoảng. Trọng tâm của các nước trong khu vực là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua các chiến lược ưu tiên phát triển.

Chiến lược kích cầu kinh tế nông nghiệp

Sau khủng hoảng, ASEAN đã có nhiều chương trình hỗ trợ, ưu tiên phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn như: các gói kích cầu đầu tư vào thủy lợi, giao thông nông thôn, y tế, giáo dục; hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay vốn để người dân mua máy móc sản xuất nông nghiệp...

Mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp ASEAN sau khủng hoảng là tăng cường tính liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, tạo lập thị trường nông sản chung, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn với tinh thần "ASEAN giúp ASEAN" để phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo. Các bộ trưởng ASEAN khuyến khích các hoạt động nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển như: Phong trào Thanh niên nông thôn tình nguyện ASEAN; Chương trình trao đổi Trưởng thôn ASEAN +3 nhằm thúc đẩy phát triển trong các vùng nông thôn.

Để giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính – kinh tế đối với đời sống nông dân, chính phủ ASEAN đề xuất trọng tâm đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn theo phương châm “Nông nghiệp cho phát triển”, đồng thời hỗ trợ các nhóm đối tượng dân cư, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.

Thái Lan triển khai gói kích cầu nông nghiệp bằng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp như phát phiếu gạo, phiếu ăn cho hộ nghèo, trợ cấp trực tiếp cho người thất nghiệp, bù lương cho người mất việc... Các biện pháp hỗ trợ người nghèo của chính phủ In-đô-nê-xi-a gồm: hỗ trợ hoạt động cho các địa phương với mức kinh phí cho mỗi xã là 3 tỉ IDR (Rupiad In-đô-nê-xi-a), cho phép mỗi cá nhân được vay vốn ngân hàng không phải ký quỹ tới 5 triệu IDR và phân phát tiền mặt trực tiếp tới mỗi hộ gia đình nghèo 100.000 rupiah/tháng trong vòng 18 tháng. Việt Nam thành công trong việc giảm nghèo tại nông thôn là do có quyết sách bảo vệ ngành nông nghiệp trước những biến động bất ngờ của thị trường lương thực và thực phẩm. Nông nghiệp Việt Nam được coi là thế mạnh, là đòn bẩy chủ chốt kích thích tăng trưởng kinh tế.

 Trong chiến lược phát triển kinh tế của Thái Lan, nông thôn được chú trọng đầu tư. Chính phủ hạ lãi suất để mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nhằm bảo đảm nhu cầu vốn cho nông dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Ngân hàng trung ương Thái Lan kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp. Nhà nước thành lập Ủy ban kiếm soát giá cả, tạo điều kiện kiểm soát giá nông sản và kịp thời tham gia bình ổn giá thị trường.

Thái Lan tập trung “chấn hưng” nền nông nghiệp và hướng mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững với những chính sách hết sức cởi mở cho nông dân cũng như bất cứ nhà đầu tư nào trong và ngoài nước muốn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp; kiên trì tuyên truyền, vận động người dân học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững nền nông nghiệp, Thái Lan đã áp dụng một số chiến lược như: tăng cường vai trò các cá nhân và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ của từng cá nhân và tập thể bằng cách mở các lớp học và các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tăng cường công tác bảo hiểm xã hội cho nông dân, giải quyết tốt vấn đề nợ trong nông nghiệp; giảm nguy cơ rủi ro và thiết lập hệ thống bảo đảm rủi ro cho nông dân. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước đã hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với hình thức như: Tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị… Ngân sách nhà nước Thái Lan hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa rất lớn, luôn giữ được giá lúa gạo có lợi cho nông dân.

Ưu tiên phát triển hệ thống thủy nông

Phát triển thủy nông, nhất là tăng cường đầu tư cho thủy lợi và khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay là một ưu tiên lớn của các chính phủ trong ASEAN nhằm mở rộng diện tích canh tác và tăng vụ. Nông nghiệp là một trong những ngành trụ cột của kinh tế Cam-pu-chia. Năm 2011 tăng trưởng nông nghiệp của Cam-pu-chia đạt 186% trong 7 tháng đầu năm (khoảng 245 triệu USD). Với nỗ lực tăng sản lượng gạo xuất khẩu nhằm thực hiện mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn gạo vào năm 2015, Chính phủ Cam-pu-chia đã đầu tư 160 triệu USD (2010) và hơn 200 triệu USD (2011) cho ngành thủy lợi để phát triển thêm nhiều hệ thống thủy nông  tại các tỉnh trồng lúa. Cam-pu-chia có khoảng 6 triệu héc-ta đất nông nghiệp, trong đó 2,5 triệu héc-ta trồng lúa nước và chỉ có 44 % diện tích đất trồng lúa được cấp đủ nước thông qua các hệ thống thủy nông. Để cung cấp đủ nước cho hệ thống thủy nông, công trình thủy nông lớn nhất nước được khởi công xây dựng tại tỉnh Bat-tam-bang với tổng vốn đầu tư 61 triệu USD và một hệ thống kênh dẫn dài 332 km để đưa nước phục vụ sản xuất tới tất cả các huyện trong tỉnh Bat-tam-bang - một trong những tỉnh trồng lúa lớn nhất của Cam-pu-chia. Tỉnh Bat-tam-bang hiện có 260.000 ha canh tác lúa và mỗi năm cho thu hoạch 700.000 tấn thóc.

Sau khủng hoảng, Chính phủ Phi-líp-pin đầu tư một khoản kinh phí lớn để cải thiện hệ thống thủy lợi, nâng cao năng suất lúa và đưa 300.000 ha đất không sử dụng được trước đây vào canh tác. Ngoài ra, Chính phủ còn chi một khoản kinh phí 120,5 triệu USD đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo và khuyến nông. Ma-lai-xi-a cũng đưa ra kế hoạch đầu tư 1,9 tỉ USD để mở rộng diện tích trồng lúa nước, đầu tư thâm canh tăng năng suất lúa gạo. Chính phủ Ma-lai-xi-a còn sử dụng 7 tỉ Ring-git (khoảng 2 tỉ USD) nhờ giảm trợ cấp giá xăng dầu hỗ trợ để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, bảo dưỡng dự án cơ sở hạ tầng cơ bản.

Thái Lan khuyến khích nông dân gieo trồng lúa vụ 3 trong năm trên diện tích đất canh tác có thể thực hiện được. Nhà nước Thái Lan có chiến lược trong xây dựng và phân bố hợp lý các công trình thủy lợi lớn phục vụ cho nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho hầu hết đất canh tác trên toàn quốc, góp phần nâng cao năng suất lúa và các loại cây trồng khác trong sản xuất nông nghiệp. Chương trình điện khí hóa nông thôn với việc xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ được triển khai rộng khắp cả nước. Nhằm mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch hiện đại hóa ngành nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy sản xuất lương thực thực phẩm, các nguồn năng lượng thay thế và áp dụng chính sách mới để cải thiện hiệu quả sử dụng đất trong cả nước.

Hỗ trợ toàn diện cho nông nghiệp, nông thôn

Để tồn tại trên thị trường đầy biến động, ASEAN đẩy mạnh hợp tác cùng nhau nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, nhất là cây giống và bảo vệ thực vật để nâng cao năng suất, sản lượng lương thực và cây công nghiệp, biến đổi gien, bảo tồn và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, ASEAN có nhiều chính sách mới để thúc đẩy sự phát triển của cây trồng công nghệ sinh học nhằm tạo ra sản lượng lương thực ổn định, bền vững. Ứng dụng công nghệ sinh học là một giải pháp giúp tăng sản lượng nông nghiệp; bảo toàn nguồn lực tài nguyên, nâng cao đời sống nông dân, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm; góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thương mại.

Việt Nam đang áp dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp, trồng khảo nghiệm diện hẹp thành công cây ngô công nghệ sinh học. Dự báo đến năm 2020, công nghệ sinh học nông nghiệp của Việt Nam sẽ đạt trình độ của nhóm các nước hàng đầu trong khối ASEAN và ở một số lĩnh vực đạt trình độ tiến tiến của thế giới, phấn đấu đạt diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới được tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm 70% (trong đó diện tích trồng giống cây trồng biến đổi gen chiếm 30-50%).

Mục tiêu phát triển nông nghiệp của Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Ưu tiên những sáng kiến mới phát triển nông thôn

Để giải quyết hậu quả của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu cùng với những nhân tố về thảm họa thiên tai, bệnh tật, sự nóng lên và biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu nông dân cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn và ưu tiên những sáng kiến mới ở cấp độ khu vực về phát triển nông thôn và giảm nghèo. Đối với các nước ASEAN, sự hợp tác trong lĩnh vực này càng cần được tăng cường bởi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một trong những nhân tố quyết định đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội trong mỗi quốc gia thành viên và trong ASEAN cũng như các đối tác khu vực.

 ASEAN thông qua kế hoạch hành động mới về gạo do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đề xuất nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lúa gạo toàn cầu. Nội dung kế hoạch gồm 6 điểm:

Thứ nhất, tiến hành một cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách về năng suất;

Thứ hai, phổ biến các công nghệ sau thu hoạch nhằm giảm thiểu thất thoát sản lượng;

Thứ ba, tăng cường quảng bá và đưa vào sử dụng các giống lúa năng suất cao;

Thứ tư, tăng cường sử dụng các giống lúa lai có khả năng chống sâu bệnh tốt;

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu giống lúa thế giới để có thể tận dụng các nguồn gien chưa được khai thác;

Thứ sáu, hỗ trợ chính sách phát triển lúa gạo. Để thực thi kế hoạch này, IRRI cần nguồn tài chính bổ sung khoảng 15 triệu USD/năm trong vòng 10 năm 2010-2020.

Tóm lại, mục tiêu dài hạn đặt ra là ASEAN sẽ chủ động tự túc lương thực thông qua đầu tư cho tăng trưởng nông nghiệp bền vững, hỗ trợ an sinh xã hội nhiều hơn cho nông nghiệp. Để bảo đảm an ninh lương thực trong khối, những hành động khẩn cấp trước mắt ASEAN cần thực hiện như: dỡ bỏ các biện pháp cấm, hạn chế xuất khẩu nông nghiệp để có thể giảm giá lương thực khoảng 30%; thi hành chương trình sản xuất lương thực khẩn cấp, đồng thời thay đổi chính sách về phát triển nhiên liệu sinh học từ cây lương thực… Nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu gạo, ASEAN thành lập “Quỹ và kho dự trữ thóc gạo” với mức khoảng 3 triệu tấn nhằm ngăn chặn khả năng thiếu gạo trong khu vực. Mỗi nước thành viên sẽ đóng góp vốn hoặc thóc gạo vào quỹ này và chủ động tự túc lương thực thông qua đầu tư cho tăng trưởng nông nghiệp bền vững, hỗ trợ an sinh xã hội nhiều hơn cho nông dân. Tổ chức các liên minh mặt hàng như: liên minh gạo, liên minh cà phê, liên minh hồ tiêu, hạt điều, cao su... để xuất khẩu mặt hàng nông sản. Việc thành lập các liên minh về nông sản trong khu vực giúp các nước đoàn kết, thống nhất trong hành động để đạt được hiệu quả ứng phó tốt nhất./.