Ngày 19-12-2008, Hội thảo “Môi trường thương mại Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO”, do báo Người đại biểu nhân dân, Văn phòng Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Uỷ ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội thảo là dịp để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan giám sát và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi về cơ hội, thách thức sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO; từ đó góp phần tìm các giải pháp hội nhập kinh tế quốc tế vững chắc và có hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Hai năm qua, Việt Nam đã tập trung thực hiện đúng các cam kết đa phương và các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong giai đoạn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt những cải cách mà nhờ đó đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Với việc trở thành thành viên của WTO và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, những cải cách này thậm chí càng trở nên quan trọng hơn.

Các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung bàn thảo các giải pháp cải cách đồng bộ, để tận dụng tốt hơn các cơ hội, tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Những thách thức: việc mở cửa thị trường làm gia tăng áp lực cạnh tranh; yêu cầu sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao, cạnh tranh về giá, có chất lượng ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong khi đó, quy mô, kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về quản lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam rất khó khăn trong việc thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế. Từ đó, yêu cầu đặt ra là rất cần có cơ chế, phương tiện hỗ trợ các doanh nghiệp này để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có thể bán được, trở thành doanh nghiệp mạnh; đối mặt với các rào cản thương mại phi thuế quan...

Những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế từ việc gia nhập WTO ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện ở một số khía cạnh: thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài. Thứ hai, dòng vốn đổ vào có thể mang theo nhiều rủi ro và làm trầm trọng thêm yếu kém nội tại về cơ cấu kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những dòng vốn chảy vào với mục đích đầu cơ. Những nguồn vốn này có thể dễ dàng ra đi nếu có những thay đổi về tình hình kinh doanh hay kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thứ ba, đối với dịch vụ phân phối, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép tham gia lĩnh vực bán lẻ đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp và sản xuất trong nước, trừ 10 sản phẩm nhạy cảm đối với nền kinh tế. Nhưng cả 10 sản phẩm này cũng sẽ được cho phép trong những năm tới, do đó, đa số các hình thức phân phối hàng hóa và dịch vụ được thực hiện thông qua các cơ sở thương mại cá thể nhỏ của Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh với các trung tâm phân phối lớn...

Những tác động tích cực: Các tác động tiêu cực đối với cách thức kinh doanh lâu năm và truyền thống được bù đắp lại bằng nhiều cơ hội và tác động tích cực mà việc gia nhập WTO đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Sự cần thiết phải tuân thủ các cam kết WTO buộc Việt Nam phải tiến hành những cải cách quan trọng, cuối cùng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh như: các thủ tục được chuẩn hóa và minh bạch hơn, quyền lợi của các nhà đầu tư được bảo đảm hơn... Việc đơn giản hóa 3 thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và cấp giấy phép khắc dấu có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp mới. Việc mở ra hệ thống tài chính cạnh tranh sẽ tạo cơ hội tiếp cận tài chính tốt và có tính cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp nhỏ, cùng các dịch vụ tài chính mới trong lĩnh vực cho thuê tài chính, giải chấp thanh toán, tư vấn tài chính và dịch vụ thông tin. Việt Nam giảm thuế các nghĩa vụ nhập khẩu đối với sản phẩm như máy móc, thiết bị... tạo điều kiện mang nhiều hàng hóa đến với người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước cùng mức giá hợp lý, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao hiệu quả nhờ được cung cấp nguồn lực tốt hơn.

Từ những thách thức, cơ hội trên, nhiều kiến nghị, đề xuất được đưa ra với mục đích hướng tới sự thích ứng để tồn tại và tìm kiếm cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt Nam:

Một là, giảm thời gian, chi phí thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, nhằm nâng cao khả cạnh tranh về xuất khẩu, nhất là khi tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn dựa nhiều vào xuất khẩu. Cam kết WTO về việc cho phép sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng nhấn mạnh sự khẩn thiết trong cải cách các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao hiệu quả thu hút, giải ngân nguồn vốn FDI, cải thiện hơn nữa về mặt thể chế.

Hai là, sự tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua là đáng khích lệ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên cần chú ý nhiều hơn đến đào tạo, hỗ trợ, trang bị các kỹ năng về công nghệ và quản lý cho khu vực này nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận đất đai, tài sản, kết cấu hạ tầng gắn với cải cách cơ cấu nhanh, trên diện rộng

Ba là, đối với việc thâm nhập thị trường nước ngoài, hàng hóa và dịch vụ Việt Nam phải coi việc bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng là yếu tố sống còn. Chú trọng phát triển khu vực nông thôn nhằm tránh khoảng cách dãn ra ngày càng lớn giữa thành thị và nông thôn, nảy sinh những tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội trong quá trình hội nhập.

Hai năm Việt Nam gia nhập WTO cũng đúng vào lúc cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan trên diện rộng dẫn tới suy thoái kinh tế ở nhiều trung tâm kinh tế thế giới. Với sự tham gia ngày càng sâu vào thị trường thế giới, những ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đối với thị trường trong nước ngày càng lớn, vì thế, việc đánh giá, dự báo những tác động, cũng như tìm ra các giải pháp để các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thích ứng, tồn tại và phát triển càng có ý nghĩa quan trọng và cấp bách./.