Năm 2020, đẩy mạnh công tác "dân vận khéo" trong hệ thống chính trị và ban hành Sách trắng về doanh nghiệp
TCCS - Ngày 9-1-2020, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện Năm Dân vận chính quyền 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020; dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình...
Hội nghị do Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương phối hợp tổ chức, với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành; khoảng 5.200 đại biểu ở tất cả các đầu cầu trực tuyến cả nước.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, hơn 478.000 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tăng 4,3% so với năm 2018. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được hơn 28.400 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86,2%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân hơn 205 tỷ đồng, 24ha đất, khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho gần 1.890 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ.
Cũng nhờ công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, năm 2019, lượng kiều hối về nước tăng nhanh, đạt gần 16,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Khoảng 3.000 doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Mỗi năm khoảng 500 lượt trí thức, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực về nước tham gia các chương trình, dự án khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được trong “Năm dân vận chính quyền” 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác dân vận chính quyền năm 2019 đầy màu sắc, sáng tạo và thành công, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trên cả nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại của đất nước, củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Điểm lại tình hình chung của đất nước trong năm 2019, Thủ tướng khẳng định, những thành tựu tự hào đã đạt được thể hiện sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân và toàn quân, sự vào cuộc đồng bộ và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; sự quyết liệt điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp, trong đó có sự đóng góp to lớn, hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và những người làm công tác dân vận trong cả nước.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, các thông tin xấu lan tràn và người dân khó tiếp cận thông tin chính thống các hoạt động của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, công tác dân vận rất quan trọng trong thời đại bùng nổ thông tin. “Chúng ta cần làm tốt công tác dân vận trên không gian mạng, lĩnh vực rất mới trong công tác dân vận hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước cần bám sát nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.
Năm 2020 đẩy mạnh công tác "dân vận khéo" trong hệ thống chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Triển khai mạnh mẽ mô hình người dân đánh giá chính quyền trong việc cung cấp dịch vụ công; chính quyền các cấp phải hướng về người dân, lo cho dân, xử lý đúng đắn, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo nền tảng quan trọng cho công tác dân vận.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém, vi phạm pháp luật, tăng cường phong cách thuyết phục quần chúng, trách nhiệm nêu gương, kỷ luật hành chính của các cán bộ, đảng viên.
Thủ tướng đề nghị, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, thực hành dân chủ trên các lĩnh vực, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tham gia giám sát và quản lý hoạt động cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường đối thoại hiệu quả giữa các cấp chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, không để xảy ra các điểm nóng gây mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, dân vận không chỉ là vận động nhân dân, vận động quần chúng làm theo mà tập trung nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hành động vì lợi ích của nhân dân, chăm lo sức khỏe, tinh thần, vật chất cho người dân. “Dân vận phải thực chất, thực lòng, là văn hóa, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nói đi đôi với làm, nói lời phải giữ lấy lời. Cho nên, từ việc bắt tay đến cử chỉ phải từ tấm lòng mình để thuyết phục nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Thủ tướng đề nghị các cơ quan hành chính nhà nước tập trung xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo sức lan tỏa trong xã hội để cổ vũ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân phát huy tiềm năng, trí tuệ cống hiến cho cộng đồng xã hội, cho đất nước, góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Nhấn mạnh hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước là nhân tố có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước, Thủ tướng khẳng định: “Các nhiệm vụ, nội dung phải được quán triệt triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt ở các cấp, các ngành; tìm mọi cách đi đến đích, không bỏ cuộc giữa chừng, không làm nửa vời. Cần hiểu sâu, hiểu đúng về công tác dân vận chính quyền, đó là sự đồng thuận, làm sao để mọi người cùng dốc sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu chung. Ở mỗi cơ quan đơn vị, mỗi cấp chính quyền, người lãnh đạo phải tự điều chỉnh phương pháp lãnh đạo phù hợp, trước hết phải lãnh đạo bằng thuyết phục và nêu gương. Đó chính là công tác dân vận tốt nhất”, Thủ tướng khẳng định.
** Chiều cùng ngày, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ với chủ đề: “Khơi thông điểm nghẽn - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng “Việt Nam hùng cường” thành hiện thực.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm qua, Bộ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ Chính phủ giao, như dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; dự thảo Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019; đề xuất kịch bản tăng trưởng năm, các báo cáo vĩ mô hằng quý và hằng tháng, để Thủ tướng và Chính phủ có các quyết sách kịp thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và ổn định vĩ mô. Bộ cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.
Cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), ngay từ năm 2019, công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 100%. Như vậy, đến nay, Bộ cơ bản giải quyết được vấn đề giao vốn chậm, giao nhiều lần như trước đây. Năm 2019, Bộ đã ưu tiên đẩy mạnh xây dựng các thể chế pháp luật để góp phần có thêm 138 nghìn doanh nghiệp mới, đưa số doanh nghiệp cả nước lên gần 800 nghìn. Trên 2.000 hợp tác xã được thành lập mới, đưa tổng số hợp tác trong cả nước lên trên 24 nghìn.
Tại hội nghị, điểm lại những thành tựu quan trọng đất nước của năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngành kế hoạch và đầu tư đã có nhiều đóng góp quan trọng với tư duy đổi mới, sáng tạo, sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần tích cực hành động của Chính phủ được Bộ thực hiện và lan tỏa tốt, nhất là ứng dụng công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng như: Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021 - 2030), Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021 - 2025). Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã tập trung xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua, tạo bước đột phá trong thực hiện đầu tư công.
Song, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những tồn tại ngành cần tháo gỡ, trong đó còn có vướng mắc về thể chế vốn đầu tư công, khiến việc tổ chức thực hiện, giải ngân vốn còn thấp. Cụ thể như, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công còn bất cập, giao vốn nhiều lần khiến thời gian giao vốn kéo dài. Công tác quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập, có dấu hiệu tham nhũng, thông đồng, đấu thầu kém công khai, hủy thầu vô căn cứ ở một số bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế số... chưa theo kịp yêu cầu thực tế và triển khai còn chậm.
Bên cạnh đó, công tác triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính. Nêu một số bất cập về doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ và Tổng cục Thống kê gấp rút ban hành Sách trắng về doanh nghiệp ngay trong quý I năm 2020. Thủ tướng lưu ý Bộ và các Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn còn tình trạng xin - cho ở một số cục, vụ, khiến các địa phương, doanh nghiệp kêu ca. Với tinh thần “Khơi thông nguồn lực - Giải phóng nguồn lực - Hành động hiệu quả”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng “Việt Nam hùng cường”thành hiện thực.
Cùng với đó, các địa phương, bộ, ngành hưởng ứng khát vọng Việt Nam hùng cường đưa vào cuộc sống. Trong bối cảnh những ngày gần đây, thế giới tiếp tục diễn biến bất ổn, khó lường, nhưng đây cũng là cơ hội bởi Việt Nam giữ được ổn định chính trị - xã hội. “Chúng ta phải giữ cho được ổn định chính trị - xã hội. Vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút các dòng vốn đầu tư có chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị ?”, Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành phải thu hút mạnh mẽ những tập đoàn công nghệ lớn, các tập đoàn công nghệ mới vào Việt Nam; những tiến bộ công nghệ mới vào Việt Nam.
Năm 2019 đánh dấu môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam được cải thiện và năng lực cạnh tranh quốc gia thăng hạng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 38 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó trên 20 tỷ USD đã được giải ngân.
Trước cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển có thể theo kịp các nước giàu, nhưng đi kèm theo nhiều thách thức, Thủ tướng đặt vấn đề với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp này. Trong đó, Việt Nam đang có những lợi thế trong cuộc đua về kinh tế số, nên cần khuyến nghị chính sách để các địa phương coi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số là nền tảng và động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và bền vững.
Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ một số nút thắt ngay trong năm 2020, trong đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công khai minh bạch, giao quyền nhiều hơn chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, bộ trưởng. Bộ chỉ làm công tác tổng hợp, chính sách pháp luật, kiểm tra, đôn đốc những chủ trương lớn đã đề ra.
Trước nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam còn rất lớn nếu để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, ban hành chính sách sai, Thủ tướng yêu cầu Bộ cần tham mưu để tháo gỡ các vấn đề này. Thủ tướng đề nghị Bộ tham mưu khắc phục một số nút thắt khác, như các vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên, có thể gây kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội; vấn đề chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, vấn đề già hóa dân số...
Để thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải tạo thuận lợi hơn nữa để có doanh nghiệp mới, tạo điều kiện phát triển nhiều doanh nghiệp lớn với thương hiệu lớn có sức cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vượt con số 38 tỷ USD của năm 2019.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò như nhà toán học, cần xung phong đi đầu trong việc giải các bài toán lớn có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành. Nhấn mạnh năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, Thủ tướng yêu cầu: “Không được lơ là, tự mãn, chủ quan, thiếu quyết liệt trong năm 2020”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để kinh tế Việt Nam sớm về đích; làm sao để tạo bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, ngành và địa phương, để nhanh chóng đưa các Nghị quyết của 01, 02 và các nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020.
Thực tế là năm qua, nước ta cải thiện 10 bậc năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo xếp hạng của WEF), nhưng lại tụt 1 bậc xếp hạng về môi trường kinh doanh (theo WB). Trước đây, chúng ta đặt mục tiêu đứng vào top 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực OECD. Tuy nhiên, từ thực tế đó, việc cải thiện thứ hạng so với các nước là một thách thức lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu đề xuất chính sách đột phá để giải quyết thách thức này./.
Thanh An (tổng hợp)
Xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp  (07/01/2020)
Việt Nam - Lào: Tiếp tục thúc đẩy quan hệ chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng đi vào chiều sâu  (05/01/2020)
Tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ nợ xấu; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại  (03/01/2020)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên