Cần thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025
TCCS - Ngày 28-12-2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là thời gian các thế lực thù địch thường có các hoạt động chống phá, nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, các cơ quan báo chí cần thể hiện trung thực dòng chảy chính của đời sống chính trị - xã hội của Việt Nam, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội và đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Năm 2019, các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019, của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018); trong lĩnh vực viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt 5,57, tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran); Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019.
Việt Nam là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, (sau Singapore). Được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ vị trí 77 năm 2018 lên 67), trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT adoption) đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ 95 (năm 2018) lên hạng 41.
Tổng doanh thu toàn ngành dự kiến đạt gần 135 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018. Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy chính của đời sống chính trị - xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của xã hội.
Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone); chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022.
Là Cơ quan thường trực Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cách làm mới để thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử. Lĩnh vực công nghiệp ICT: doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng.
Trong công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, thông tin xấu độc…; yêu cầu Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam.
Để xử lý vấn đề tin giả, Bộ đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo; xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo trên mạng; chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá “lĩnh vực truyền thông và thông tin của Việt Nam đã có bước tiến bộ, toàn diện đáng mừng”, đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng chung của đất nước.
Với việc triển khai thử nghiệm 5G, xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, Thủ tướng chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G ở Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh đến một thành công rất quan trọng trong năm vừa qua là việc triển khai quy hoạch báo chí - một khó khăn kéo dài từ nhiều nhiệm kỳ trước; qua đó đưa hoạt động báo chí đi vào nền nếp hơn. Bộ cũng đã quản lý tốt hơn các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là của nước ngoài; ngăn chặn, lọc thông tin xấu độc, gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đấu tranh thẳng thắn, quyết liệt với những tập đoàn công nghệ kinh doanh xuyên biên giới trong lĩnh vực này.
Thủ tướng đánh giá cao và tin tưởng Bộ Thông tin và truyền thông trong việc thực hiện nhiệm vụ Cơ quan thường trực về chương trình Chính phủ điện tử với những kết quả ấn tượng.
Thủ tướng biểu dương “sự quyết tâm, ý chí cao, có trình độ bao quát cũng như giải quyết vấn đề cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng”.
Đất nước ổn định để phát triển nhưng muốn phát triển thì một trong những động lực quan trọng nhất là công nghệ số, đó là trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, cán bộ, nhân viên ngành thông tin và truyền thông tiếp tục triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về thông tin và truyền thông. Thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đến năm 2020, Chính phủ điện tử phải có chuyển biến căn bản; kết nối chia sẻ dữ liệu tới 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và phải có trung tâm giám sát an ninh mạng. Dịch vụ công phải đạt cấp độ 4. Yêu cầu Bộ Công an phải sớm hoàn tất bộ cơ sở dữ liệu dân cư, coi đây là nền tảng cho Chính phủ điện tử.
Năm 2020, Bộ phải tổ chức thật tốt Triển lãm số thế giới tại Việt Nam bởi đây là sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới, qua đó, nâng cao hình ảnh và uy tín quốc gia. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cuộc họp lớn, quy mô quốc gia trong năm 2020 - năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN...
Cho rằng lĩnh vực an toàn thông tin mạng vẫn là bài toán đang đặt ra, Thủ tướng nêu rõ đây là “điều kiện tiên quyết của Chính phủ điện tử, của chuyển đổi số” và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp đào tạo nguồn lực cho nhiệm vụ này sao cho đủ năng lực giám sát, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng; kịp thời ngăn chặn thông tin xấu - độc.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý vấn đề phát triển 5G “có ý nghĩa chiến lược quốc gia” và yêu cầu Bộ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất thiết bị 5G. Cùng với đó là cần có chính sách thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của toàn cầu vào Việt Nam.
“Phải có một chương trình riêng dành cho hệ thống báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực bảo vệ đại hội đảng bộ các cấp thành công”, Thủ tướng chỉ đạo. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí đã được phê duyệt. Cơ quan chủ quản phải quản lý tốt cơ quan báo chí của mình, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.
Trong lĩnh vực báo chí, có nhiều cơ quan báo chí, nhưng cần xác định đơn vị chủ lực thì mới có giải pháp tập trung nguồn lực về cơ chế, chính sách, về tài chính, về tổ chức để xây dựng các đơn vị này có khả năng định hướng dư luận, có tầm vóc quốc tế, có uy tín trong xã hội. Khắc phục cho được tình trạng như "báo hóa" tạp chí, dẫn đến việc nhũng nhiễu nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, vi phạm đạo đức người làm báo; không theo tôn chỉ, mục đích; quá sa đà vào thông tin tiêu cực, làm mất đi năng lượng tích cực của xã hội. “Và, những vấn đề như vậy, các đồng chí phải căn bản giải quyết trong năm 2020”.
Đối với hoạt động của các trang mạng xã hội nước ngoài, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cần quản lý theo hướng “đến Việt Nam làm ăn thì hoan nghênh, nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”. Bộ cần có giải pháp cụ thể, cương quyết hơn nữa trong vấn đề này; thực thi pháp luật nghiêm minh với các nền tảng số xuyên biên giới.
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia hạt nhân về chính phủ điện tử tại tất cả các bộ, ngành, địa phương./.
Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
Bộ Công Thương cần nâng cao năng suất nội ngành, phát triển dựa vào công nghiệp chế biến, sáng tạo  (28/12/2019)
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 của Văn phòng Chính phủ  (26/12/2019)
Doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt  (24/12/2019)
Thủ tướng Chính phủ tiếp lãnh đạo bộ quốc phòng, quân đội các nước  (21/12/2019)
Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar  (19/12/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam