TCCS - Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng đang gây tác hại cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Trung Quốc đầu tháng 3 vừa qua đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009; trong đó tập trung vào những biện pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính, nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dân sinh, ổn định xã hội. Những giải pháp ứng phó của nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng cao và tiềm lực phát triển mạnh sẽ có tác động trở lại đối với kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế trong khu vực nói riêng.

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Có thể hình dung “cơn sóng thần khủng hoảng tài chính toàn cầu” ập đến khi nền kinh tế Trung Quốc đang quá “nóng”, tỷ lệ lạm phát cao(1). Nửa đầu năm 2008, Trung Quốc thi hành chủ trương “thắt chặt tài chính”, “chống lạm phát” nhằm thực hiện tăng trưởng kinh tế 2008 ở mức vừa phải là 8% và giữ mức lạm phát dưới 4,8%. Cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động thực sự vào khoảng tháng 9-2008 làm nguội dần và suy giảm nền kinh tế Trung Quốc. Quá trình đó phản ánh trong sự giảm dần tốc độ tăng trưởng GDP: quý I: 10,6%, quý II: 10,1%, quý III: 9%, quý IV: 6,8%(2). Khủng hoảng tài chính toàn cầu, một mặt, làm suy giảm xuất khẩu; mặt khác, làm giảm sút đầu tư vốn ngoại (3), khiến hàng chục vạn nhà máy, xí nghiệp ở Trung Quốc phải đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất. Có khoảng 20 vạn người mất việc làm do tình trạng trên và đội quân thất nghiệp ngày càng đông(4). Hậu quả của khủng hoảng tài chính từ thành phố nhanh chóng lan về nông thôn. ở Trung Quốc có khoảng 130 triệu lao động nông thôn ra thành phố kiếm việc làm (được gọi là “nông dân công”), số tiền họ kiếm được mỗi năm chuyển về nông thôn khoảng 30 tỉ USD. Tình trạng thất nghiệp không những làm cho thu nhập và sức mua của cư dân giảm sút, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, mà còn tác động đến an sinh xã hội, dẫn đến nguy cơ bất ổn chính trị.

“Báo cáo công tác của Chính phủ” do Thủ tướng Ôn Gia Bảo trình bày tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Trung Quốc, ngày 5-3-2009, chỉ rõ: “Trong khi khẳng định thành tích, phải tỉnh táo nhìn nhận những khó khăn và thách thức Trung Quốc đang phải đối mặt:
 
Một là, khủng hoảng tài chính quốc tế đang kéo dài, chưa thấy đáy, nhu cầu của thị trường quốc tế tiếp tục co hẹp. Xu thế thiểu phát trên toàn cầu đã thể hiện rõ, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang ngóc đầu dậy, môi trường kinh tế bên ngoài ngày càng khó khăn, những nhân tố khó lường trước ngày càng nhiều.
 
Hai là, chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy giảm, đã trở thành mâu thuẫn chủ yếu ảnh hưởng tới toàn cục. Công suất sản xuất của một số ngành không được sử dụng hết, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng, thâm hụt ngân sách gia tăng, việc tăng thu nhập cho nông dân khó khăn hơn.
 
Ba là, những mâu thuẫn về thể chế, về kết cấu kinh tế từ lâu từng trói buộc kinh tế Trung Quốc phát triển, nay vẫn tồn tại, có trường hợp rất bức xúc. Nhu cầu tiêu dùng hạn chế, ngành dịch vụ phát triển chậm, năng lực tự chủ, sáng tạo chưa cao, tỷ lệ tiêu hao vật tư, năng lượng còn lớn, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, mức chênh lệch về trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực vẫn ngày càng lớn.
 
Bốn là, một số vấn đề thiết thân với lợi ích của quần chúng chưa được giải quyết thỏa đáng. Bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, phân phối thu nhập, an ninh xã hội v.v.. vẫn tồn tại nhiều vấn đề phải được giải quyết. Năm là, thị trường chưa thực sự đi vào nền nếp, quản lý và chấp hành luật lệ thị trường chưa tốt, hệ thống bảo đảm lòng tin trong xã hội chưa được kiện toàn. Những vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, những sự cố nghiêm trọng về an toàn lao động xảy ra liên tục, gây tổn thất lớn về người và tài sản...

Đối sách của Trung Quốc

Năm 2009 đối với Trung Quốc là năm then chốt của kế hoạch 5 năm lần thứ XI (2006 - 2010), được cảnh báo là một năm khó khăn nhất về phát triển kinh tế kể từ đầu thế kỷ tới nay; nhưng nhìn chung, Trung Quốc vẫn ở trong giai đoạn “thời cơ chiến lược quan trọng”, “hoàn toàn có niềm tin, có điều kiện, có năng lực khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách”. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc năm 2009 là: GDP tăng khoảng 8%, kết cấu kinh tế được điều chỉnh hợp lý hơn; tạo trên 9 triệu việc làm mới ở thành phố, tỷ lệ thất nghiệp có đăng ký ở thành phố không vượt quá 46%; thu nhập của cư dân thành phố và nông thôn tăng ổn định; mặt bằng giá cả hàng tiêu dùng tăng khoảng 4%; cán cân thu chi quốc tế tiếp tục được cải thiện. Chỉ tiêu tăng GDP khoảng 8% được đặc biệt nhấn mạnh là điều cần thiết không thể thiếu để bảo đảm an sinh xã hội, và Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng đó.

Nguyên tắc được đề ra nhằm thực hiện những mục tiêu trên là: mở rộng nội nhu(5), bảo đảm tăng trưởng; điều chỉnh kết cấu, nâng cao trình độ; đẩy mạnh cải cách, tăng cường sức sống; coi trọng dân sinh, thúc đẩy hài hòa.

Từ cuối năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định chi ngân sách đầu tư trọn gói 40.000 tỉ NDT (tương đương 586 tỉ USD) thực hiện trong hai năm nhằm thực hiện những mục tiêu trên.

Những giải pháp lớn được triển khai trên những lĩnh vực sau đây:

1- Tăng cường và cải thiện quản lý vĩ mô, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển vững chắc và tương đối nhanh.

Đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã kịp thời áp dụng một loạt biện pháp, chính sách vĩ mô nhằm ngăn chặn kinh tế sụt giảm quá nhanh, thực hiện chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý, 3 lần tăng hoàn thuế xuất khẩu, 5 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản tiền gửi và tiền vay ngân hàng v.v.. Năm 2009, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài chính tích cực, đặc biệt là tăng mạnh chi ngân sách của Chính phủ, coi đó là biện pháp mở rộng nội nhu một cách chủ động, trực tiếp và có hiệu quả nhất. Ngoài ngân sách trung ương, Chính phủ đồng ý cho các địa phương phát hành 200 tỉ NDT trái phiếu, do Bộ Tài chính phát hành thay; tiến hành cải cách thuế theo hướng giảm gánh nặng đóng góp cho doanh nghiệp và cư dân. Chính phủ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm và giảm chi phí hành chính; bảo đảm lượng tiền cho vay đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ưu tiên các đối tượng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các xí nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường quản lý tài chính, bảo đảm nguồn tài chính được đầu tư phát huy hiệu quả cao nhất, đề phòng rủi ro, thất thoát.

2 - Tích cực mở rộng nhu cầu tiêu dùng, tăng cường vai trò thúc đẩy của nội nhu đối với tăng trưởng kinh tế.

Năm 2009, Trung Quốc sẽ ra sức mở rộng tiêu dùng, nhất là tiêu dùng trong cư dân; chi 908 tỉ NDT đầu tư chủ yếu vào các công trình phục vụ dân sinh, nhất là ở nông thôn và vùng bị thiên tai; thúc đẩy thị trường bất động sản hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh việc xây dựng lại các khu vực bị thiên tai (năm 2009, ngân sách trung ương chi 130 tỉ NDT cho việc xây dựng lại các vùng bị thiên tai).

3 - Củng cố và tăng cường vai trò cơ sở của nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định và thu nhập của nông dân tăng liên tục.

Năm 2009, Trung Quốc có kế hoạch phát triển sản xuất lương thực một cách ổn định; điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp và các công trình dân sinh ở nông thôn; tăng thu nhập của nông dân bằng nhiều giải pháp; đẩy mạnh hơn nữa công tác giúp đỡ người nghèo (hiện Trung Quốc có khoảng 70 triệu người nghèo với mức thu nhập mỗi năm 1.196 NDT trở xuống). Năm 2009, ngân sách trung ương đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là 716,1 tỉ NDT (tăng 120,6 tỉ NDT so với năm 2008), nâng giá mua lương thực; tăng trợ cấp cho nông nghiệp (từ ngân sách trung ương là 123 tỉ NDT, tăng 20 tỉ NDT so với năm 2008); thúc đẩy việc xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông nghiệp; ổn định và hoàn thiện chế độ kinh doanh cơ bản ở nông thôn. Hiện nay Trung Quốc rất kiên quyết trong việc bảo vệ diện tích đất trồng, quy định 1,8 tỉ mẫu đất nông nghiệp là khu vực nghiêm cấm không được động đến(6).

4 - Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức phát triển, điều chỉnh chiến lược kết cấu kinh tế.

Tập trung bảo đảm tăng trưởng, xúc tiến nâng cấp nền kinh tế, trọng điểm là thực hiện tốt việc điều chỉnh kết cấu công nghiệp; điều chỉnh kết cấu tổ chức và sắp xếp lại các doanh nghiệp; áp dụng những biện pháp có hiệu quả hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tích cực giúp đỡ các doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ; phát triển nhanh chóng các ngành dịch vụ hiện đại. Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc sẽ chi 146,1 tỉ NDT đầu tư cho khoa học - kỹ thuật (tăng 25,6% so với năm 2008), tập trung cho mục tiêu mở rộng nội nhu, thúc đẩy tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu, nâng cấp nền kinh tế, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng, giảm bớt chất thải độc hại, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn lao động. Về kết cấu kinh tế vùng, Chính phủ tiếp tục chiến lược “đại khai phát miền Tây, chấn hưng khu vực Đông Bắc và các khu công nghiệp cũ khác, khu vực miền Trung trỗi dậy, khu vực miền Đông dẫn đầu phát triển”.

5 - Tiếp tục tiến hành cải cách mở cửa theo chiều sâu, hoàn thiện hơn nữa thể chế, cơ chế có lợi cho phát triển một cách khoa học.

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc vẫn khẳng định cải cách mở cửa là nguồn động lực vô tận cho phát triển kinh tế xã hội. Nội dung cải cách kinh tế tập trung vào cải cách giá cả các sản phẩm đầu vào sản xuất như điện, nước, nguyên liệu, cải cách chế độ thuế, quản lý tài chính, thị trường vốn, ổn định thị trường cổ phiếu, xúc tiến cải cách doanh nghiệp nhà nước và giúp đỡ kinh tế tư nhân phát triển, thúc đẩy cải cách bộ máy hành chính địa phương. Về kinh tế đối ngoại, Trung Quốc nhấn mạnh trong khi mở rộng nội nhu vẫn không buông lỏng xuất khẩu. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quốc tế quay trở lại, Trung Quốc chủ trương tăng cường hỗ trợ cho xuất nhập khẩu, điều chỉnh chính sách ngoại thương, đa nguyên hóa thị trường xuất khẩu, kiên trì chiến lược thắng bằng chất lượng, đồng thời ra sức cạnh tranh thu hút vốn ngoại đầu tư vào Trung Quốc, tích cực đưa vốn ra đầu tư ở nước ngoài, tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại.

6 - Tăng cường phát triển các sự nghiệp xã hội, tập trung bảo đảm và cải thiện dân sinh.

Năm nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề việc làm, giảm bớt tình trạng thất nghiệp. Nhà nước đã chi 42 tỉ NDT hỗ trợ cho công tác giải quyết việc làm. Một số giải pháp đang được thực thi như: phát triển ngành dịch vụ, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, các xí nghiệp vừa và nhỏ, giúp đỡ kinh tế tư nhân v.v.. Đặc biệt chú ý vấn đề việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, những nông dân làm công ở thành phố bị mất việc, lao động mất việc làm tại các vùng bị thiên tai. Đồng thời, mở rộng diện bảo hiểm xã hội, tăng mức lương hưu (năm nay và năm sau mỗi năm tăng 10%), nâng mức bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm sự cố lao động. Năm 2009, ngân sách nhà nước chi 293 tỉ NDT cho bảo hiểm xã hội (tăng 17,6% so với năm 2008). Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp, chi nhiều ngân sách nhằm cải thiện tình hình giáo dục, y tế và các sự nghiệp xã hội khác, nhằm giải quyết các vấn đề đang bức xúc trong đời sống của cư dân, đồng thời áp dụng những biện pháp để tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm ổn định chính trị.

7 - Tăng cường xây dựng chính quyền nhằm nâng cao năng lực quản lý kinh tế - xã hội.

Nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, hiệu quả, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm dân sinh, ổn định xã hội, yêu cầu được đề ra là quản lý chính quyền đúng pháp luật và pháp quy, đạt hiệu quả cao, tiện lợi cho dân, được dân tin cậy. Một số giải pháp được áp dụng: nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ cấp phép, thực hiện nguyên tắc quyết sách khoa học dân chủ, nguyên tắc hành chính công khai, tăng cường giám sát, đặc biệt là nghiêm cấm lợi dụng việc xây dựng công trình công cộng để mưu lợi riêng cho địa phương và cá nhân.

Đồng thời với chính sách đối nội nói trên, năm 2009 Trung Quốc sẽ thi hành chính sách đối ngoại nhằm mục tiêu “tạo môi trường bên ngoài có lợi cho sự phát triển kinh tế vững chắc và tương đối nhanh... góp phần ngăn chặn khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài, thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế, thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi...”.

Triển vọng

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đặt Trung Quốc trước những thách thức, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều cơ hội. Trung Quốc đang cố gắng “biến thách thức thành cơ hội”. Khác với Mỹ và châu Âu chủ yếu rót tiền cứu trợ các ngân hàng lớn, giải pháp chủ yếu của Trung Quốc là tăng đầu tư sản xuất, mở rộng nội nhu nhằm ngăn chặn kinh tế suy giảm, duy trì sự phát triển vững chắc và tương đối nhanh. Trong quá trình thực hiện những giải pháp đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đang có những thuận lợi rất cơ bản:
 
Một là, nền kinh tế vẫn đang trên đà phát triển mạnh từ mấy năm nay, trước mắt có thể đứng trụ trước sự tác động nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Hai là, Trung Quốc là nước đang phát triển, công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhu cầu về cơ sở hạ tầng, nhu cầu về công trình xã hội rất nhiều, thị trường nội địa còn tiềm ẩn nhu cầu rất lớn.
 
Ba là, những thành tựu qua 30 năm cải cách và phát triển có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những chủ trương hiện nay, nhất là với lượng ngoại tệ dự trữ khổng lồ khoảng 2.000 tỉ USD, Trung Quốc có thể đưa ra gói kích cầu gần 600 tỉ USD và trang trải những chi tiêu ngân sách khác.
 
Cuối cùng, thuận lợi cơ bản nhất là Trung Quốc đang có một thể chế kinh tế và chính trị xã hội chủ nghĩa thuận lợi cho việc huy động và tập trung nguồn lực xã hội, đang có một ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước có bản lĩnh và trách nhiệm, nhạy bén nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra quyết sách phù hợp; đang có một tinh thần “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” tập hợp hơn một tỉ người ở nội địa và hải ngoại.

Tuy nhiên, thực thi những giải pháp nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì nền kinh tế “phát triển vững chắc và tương đối nhanh” không phải là việc dễ dàng, đơn giản.

Trung Quốc cũng đang có những khó khăn, thử thách không nhỏ.
 
Thứ nhất, nền kinh tế nói chung vẫn yếu mỏng, cơ cấu chưa hợp lý, thể chế chưa hoàn thiện, thu nhập của người dân còn thấp nên sức mua hàng tiêu dùng còn hạn chế (mức chi tiêu của cư dân Trung Quốc chiếm khoảng 40% GDP, ở các nước phát triển là khoảng 65% GDP), sức ép thiếu việc làm dồn lại từ nhiều năm nay rất căng thẳng, chuyển phương thức phát triển kinh tế từ hướng ngoại sang hướng nội cần có nhiều thời gian.
 
Thứ hai, cải cách hành chính còn trong quá trình tiến hành, còn những rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng. Về khách quan, bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn những nhân tố chưa thể xác định, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa thấy đáy, cạnh tranh kinh tế - thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ gay gắt hơn, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hiện nay có nhiều dự báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc khẳng định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 8% là cần thiết và có thể. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) dự báo là khoảng 7,5%. Một số học giả nước ngoài dự báo ở mức thấp hơn (5% - 7%). Dẫu sao Trung Quốc vẫn là nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế trên thế giới. Đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2008 là 20%, năm 2009 được dự báo là khoảng 40%.

Có thể nói rằng trong tình hình hiện nay, Trung Quốc tự cứu được mình đã là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay./.
 

(1) GDP Trung Quốc năm 2007 trước đây được công bố chính thức tăng 11,4%, gần đây được cải chính là 13%. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng 4,8%

(2) Cục trưởng Cục thống kê Nhà nước Trung Quốc Mã Kiến Đường công bố ngày 22-1-2009

http://www.stats.gov.cn/tjfx/jdfx/t20090122_402534140.htm

(3) Vốn ngoại: vốn nước ngoài và vốn Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan

(4) Tỷ lệ thất nghiệp có đăng ký ở thành phố Trung Quốc năm 2008 là 4,2%. Những người từ nông thôn tới, không có hộ khẩu ở thành phố, thì không ở trong diện được đăng ký thất nghiệp. Do vậy, số người thất nghiệp ở thành phố trên thực tế cao hơn nhiều so với tỷ lệ đó

(5) Nội nhu: nhu cầu tiêu thụ trong nước

(6) 1 mẫu Trung Quốc = 1/15 ha