Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa đưa ra dự báo khả quan về tình hình kinh tế quý II/2009 dựa trên một số thông tin của nền kinh tế thế giới và những chỉ số thống kê trong 4 tháng đầu năm 2009.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8% - cao hơn Quý I từ 0,4 - 0,7 điểm phần trăm (tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 3,1%).

Cũng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của một số sản phẩm giảm trong tháng 3 nhưng đến tháng 4 đã tăng trưởng trở lại. Nếu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3-2009 giảm 5 điểm phần trăm so với tháng 2-2009 thì đến tháng 4 chỉ còn giảm 0,28 điểm phần trăm so với tháng 3.

Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng cao gồm kính thủy tinh tăng 61,8%, khí hóa lỏng tăng 33%; xà phòng giặt tăng 26%; dầu thô khai thác tăng 21,9%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 11,1%; phân hóa học tăng 10,6%. Có thể thấy, đây là một trong các dấu hiệu sản xuất công nghiệp trong quý II có khả năng chặn được đà suy giảm và có thể phục hồi trong các quý tiếp theo của năm 2009.

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4/2009 ước tính đạt 4,5 tỷ USD, giảm 15,3% so với tháng trước và giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đang có dấu hiệu tích cực với một số mặt hàng chủ lực tăng hơn tháng trước như điện tử, máy tính tăng 28 triệu USD, giày dép tăng 21 triệu USD, thuỷ sản tăng 17 triệu USD…

Được biết, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới như hiện nay, ngành xuất khẩu dệt may bên cạnh việc chú trọng khai thác thị trường nội địa, tiếp tục triển khai tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc Nhật Bản tăng nhập khẩu từ các quốc gia châu Á là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật.... Dự báo, khả năng xuất khẩu trong tháng 5 và Quý II được nhìn nhận là khả quan.

Tuy tình hình xuất khẩu trong tháng 2 và 3 cũng được đánh giá là tốt hơn so với tháng 1. Mặc dù xuất khẩu chưa đạt mức kế hoạch, nhưng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam có thể được xem là điểm sáng về xuất khẩu của khu vực nếu so sánh với nhiều nền kinh tế có tiềm lực lớn về xuất khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan...; nhất là tháng 4, xuất khẩu tiếp tục có những dấu hiệu khả quan hơn mà không phải do tái xuất khẩu vàng như các tháng trước.

Về tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp khoảng 2,1%-2,5% trong quý II và 3,4-3,7% trong cả năm; công nghiệp 3,8%-4,1% trong quý II; dịch vụ 4,0% - 4,2% trong quý II.

Những lo ngại về CPI giảm liên tiếp những tháng trước đã không còn khi CPI tháng 4-2009 tăng 0,35% so với tháng 3-2009. Mức tăng này đã chặn được đà giảm phát từ tháng trước đó và do các giải pháp kích cầu tiêu dùng của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy tác dụng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế Việt Nam trong quý I đạt ở mức thấp nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, tăng trưởng kinh tế chung và kinh tế ngành như vậy là đạt ở mức khá so với các nước trong khu vực và đang có dấu hiệu tốt hơn trong tháng 4 và quý II.

Mặc dù vậy, Trung tâm cũng khuyến nghị công tác chỉ đạo điều hành, cần đề phòng những khả năng và tình huống xấu hơn để chủ động đối phó.