TCCSĐT - Kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn và truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) (5-1959 - 5-2009), sáng nay, 5-5-2009, Bộ Quốc phòng đã họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn - khát vọng của độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc”.

Chủ trì cuộc họp báo, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nói, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, do sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù, Bộ đội Trường Sơn vẫn không ngừng lớn mạnh; tuyến đường vẫn mãi vươn xa, trở thành mạch máu giao thông quan trọng, mang sự chi viện to lớn về sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương của cả nước cho miền Nam ruột thịt đang anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
 
Sự hình thành và phát triển của Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn là một sáng tạo chiến lược của Đảng, có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn, con đường huyền thoại của thế kỷ XX, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, lòng quả cảm, nơi hội tụ sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ; nơi thể hiện tình đoàn kết chiến đấu và gắn bó keo sơn của nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia.

Tại cuộc họp báo, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã cung cấp thêm một số thông tin về Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn. Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn, không chỉ là một con đường mà thực sự đã trở thành một chiến trường, một mặt trận ác liệt. Được mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn đi qua 20 tỉnh thuộc cả 3 nước Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia, có tổng chiều dài gần 20.000 km, chiều rộng chỗ rộng nhất là 100 km.

Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn là con đường nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, nơi vận chuyển toàn bộ sức mạnh của hậu phương chi viện cho tiền tuyến. Quyết định mở Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn là một quyết định lịch sử, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quyết định này có tính lịch sử bởi lẽ: thứ nhất, việc mở con đường này nằm trong giải pháp tổng thể cả nước đi vào cuộc kháng chiến, tuy mỗi miền thực hiện nhiệm vụ trọng tâm khác nhau: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, nhưng cả hai miền đều cùng chung một mục tiêu cao nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thứ hai, đây không chỉ là con đường vận tải mà còn là một hướng chiến lược, một chiến trường thu hút, tiêu diệt sinh lực địch. Thứ ba, trên con đường này đã diễn ra các hoạt động ngăn chặn và chống ngăn chặn. Chính quyền Sài Gòn lúc đó hiểu rõ, không thể giành được thắng lợi nếu không cắt dứt tuyến đường này, vì thế địch đã tập trung sức mạnh quân sự để chia cắt, hủy diệt con đường. Vì thế, Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn đã trở thành một chiến trường khốc liệt, hứng chịu 4 triệu trong số 7 triệu tấn bom Mỹ ném xuống trong cả cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Thứ tư, sự ra đời, hình thành và phát triển thắng lợi của Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn thể hiện sự vận dụng tài tình của nghệ thuật chiến tranh nhân dân vào việc mở đường, thông đường, vận chuyển hàng hóa; sự phối hợp hoạt động của các binh chủng hợp thành trên tuyến đường.

Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn là căn cứ chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của 3 nước Đông Dương, là chỗ dựa vững chắc, góp phần vào việc rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sức sống bất diệt của Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn xuất phát từ đường lối quân sự đúng đắn của Đảng đáp ứng được khát vọng thống nhất đất nước, độc lập dân tộc và hòa bình của nhân dân.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, điểm mới của cuộc Hội thảo này là khẳng định, phân tích, nhận thức sâu sắc hơn vai trò của Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn không chỉ là đường mòn mà là một chiến trường, một mặt trận, một hệ thống bảo đảm hậu cần chiến lược cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam và của cả ba nước Đông Dương. Đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay chỉ có một trục, còn Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn có tới 5 trục dọc, 17 trục ngang, nối từ bắc vào nam, từ đông sang tây, nối chiến trường 3 nước Đông Dương. Trong cuộc Hội thảo này cũng sẽ có những vấn đề lần đầu tiên được công bố, đó là những con người, những câu chuyện, những công việc cho đến bây giờ mới được phát hiện, tìm thấy.

Ban Tổ chức Hội thảo cũng cho biết sẽ có nhiều nhân chứng, những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã tham gia xây dựng, chiến đấu trên tuyến Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn; với gần 100 tham luận và khoảng 300 đại biểu tham dự Hội thảo.

Cuộc Hội thảo “Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn - khát vọng của độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc” góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần cach mạng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.