TCCSĐT - Nhìn từ chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể thấy, đoàn kết một lòng phát huy nội lực và tính dân chủ, kết hợp với nắm chắc tình hình thực tế để kịp thời đề ra giải pháp hợp lý... là bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày nay, nhằm góp phần làm nên một “Điện Biên Phủ” mới trong công cuộc đổi mới.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”(1) .

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa to lớn, có sức lan tỏa vượt không gian và thời gian, không chỉ trong lĩnh vực chiến tranh, quân sự, xây dựng quân đội... mà cả trong nhiều lĩnh vực khác. Điều này đã được nhiều sách báo đề cập ở các mức độ khác nhau. Bài viết này mong muốn tìm hiểu nguyên nhân, cũng có thể coi là bài học thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến cuối năm 1953, dưới sự lãnh đạo, chèo lái của Đảng, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã trải qua 8 năm, ngày càng thu được thắng lợi to lớn, đứng trước triển vọng sớm giành được thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc họp bàn định kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị xác định chủ trương: kiên quyết giữ vững thế chủ động, mở các cuộc tiến công trên khắp các chiến trường, buộc Pháp phải bị động phân tán lực lượng đối phó, làm thất bại kế hoạch Na-va ngay từ đầu. Phương châm hoạt động đề ra là “Tích cực, chủ động, linh hoạt, vững chắc”.

Khi đề cập đến sự lãnh đạo đúng đắn, kiên quyết, táo bạo, có cơ sở khoa học của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta thấy có hai điểm thể hiện nổi bật:

Thứ nhất, nhanh chóng, kịp thời thay đổi việc chọn hướng tác chiến chủ yếu, chọn mục tiêu tác chiến phù hợp nhưng có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi. Ban đầu, chủ trương của Đảng trong tác chiến Đông Xuân 1953-1954 chỉ là sử dụng một bộ phận chủ lực, mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta, trong lúc đó đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường địch hậu và tích cực chuẩn bị mọi sự cần thiết cho bộ đội chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ. Cụ thể là sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Khi tình báo Pháp phát hiện một đơn vị quân ta - Đại đoàn 316 (thiếu 1 trung đoàn), đang hành quân lên hướng Tây Bắc, Tổng chỉ huy Na-va đã vội vã điều một lực lượng lớn binh lực cơ động tinh nhuệ lên chốt giữ Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhằm bảo vệ Tây Bắc, thượng Lào và thu hút, tiêu diệt chủ lực ta tại đó. Nhận thấy đây là cơ hội lớn để đánh bại quân thù, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tập trung mọi lực lượng mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Như vậy, từ chỗ Điện Biên Phủ không có trong kế hoạch tác chiến của cả ta và địch, đã trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược.

Thứ hai, khi tình hình thực tế chiến trường thay đổi, Đảng ủy Mặt trận đã họp khẩn cấp và quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, chỉ ít giờ đồng hồ trước khi chiến dịch nổ súng mở màn; từ chỗ ta chỉ xác định nhằm vào nơi địch yếu, sơ hở, đã tiến lên chọn chỗ địch mạnh nhất để tiến công tiêu diệt chúng. Đây là một quyết định đúng đắn, táo bạo, được báo cáo về Trung ương ngay sau đó và được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý. Sự thay đổi phương châm tác chiến vào phút chót đó đã đưa lại thắng lợi hoàn toàn cho trận đánh lịch sử Điên Biên Phủ.

Vì thế, bài học về phát huy tinh thần thực tiễn, sáng tạo, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm trong tình hình hiện nay cần được quán triệt sâu sắc trong quá trình Đảng lãnh đạo, chỉ đạo. Hơn lúc nào hết, việc thấm nhuần quan điểm coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luôn theo dõi, bám sát thực tiễn, bám sát những nhu cầu cấp bách của thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội; phân tích, nắm bắt những phát triển mới của tình hình thế giới và trong nước để có những quyết sách đúng, là thực sự cần thiết, đòi hỏi bản lĩnh, tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Kiên định mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã lựa chọn nhằm xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đó là nguyên tắc cần giữ vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện thấy những chủ trương, biện pháp, cách thức tuy đã được thông qua và trở thành quyết định, nghị quyết, nhưng không còn phù hợp với thực tế, tỏ ra không hiệu quả, thì cần kiên quyết thay đổi, loại bỏ. Chủ quan, duy ý chí hay bảo thủ, giáo điều đều là vật cản trong quá trình Đảng lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới.

Sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ và trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Có được thành công đó là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết phát huy sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc, đưa cả nước ra trận, thực hiện toàn dân kháng chiến, đánh địch toàn diện, vì mục tiêu cuối cùng là độc lập, tự do cho Tổ quốc. Khẩu hiệu “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, “Tất cả để chiến thắng” đã nói lên điều đó. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, sức mạnh của ý chí quyết tâm cần được Đảng động viên và khơi dậy ở tầm mức mới, cao hơn, nhằm tạo ra sự đồng thuận cao nhất của toàn dân đối với mọi chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Muốn được như vậy, từ lãnh đạo đến mỗi đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu, chống quan liêu, mệnh lệnh, chống tham ô, lãng phí, tham nhũng và các bệnh tiêu cực khác; đồng cảm hơn với những bức xúc chính đáng của người dân. Đây chính là sức mạnh, là động lực to lớn nhất, quyết định nhất bảo đảm sự thành công trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Bài học thứ hai là đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực, tự cường; thực hiệntriệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, tin vào đảng viên, cán bộ, chiến sĩ khi giao việc cho họ. Ví dụ sinh động nhất, có sức thuyết phục nhất là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp, giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, trước khi lên đường ra trận. Người nhấn mạnh: Trận này phải thắng, không chắc thắng không đánh, chắc thắng mới đánh. Giao cho Đại tướng “toàn quyền tướng quân tại ngoại” – có nghĩa là trong tình huống khẩn cấp, người chỉ huy có toàn quyền quyết định, trên cơ sở đã bàn bạc trao đổi tập thể, sau đó báo cáo với Bộ Chính trị, với Chủ tịch Hồ Chí Minh những việc hệ trọng liên quan đến sự thành bại của trận đánh và kết quả cuối cùng phải là chắc thắng.

Những ngày đầu chuẩn bị chiến dịch, một bộ phận chỉ huy, tham mưu chiến dịch và Đoàn cố vấn Trung Quốc đi trước đã đề xuất phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nghĩa là dốc toàn lực đánh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của Pháp trong hai ngày, ba đêm, khi địch còn đứng chân chưa vững, đang xây dựng, củng cố trận địa. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng. Bộ chỉ huy Pháp tăng cường cho Điện Biên Phủ thêm nhiều lực lượng, phương tiện, vũ khí, đồng thời gia cố hệ thống trận địa phòng ngự. Trong khi đó, hình thức phòng ngự cao nhất của Pháp là tập đoàn cứ điểm; bộ đội ta lại chưa quen đánh tập đoàn cứ điểm. Việc kéo pháo vào vị trí của bộ đội ta cũng gặp nhiều khó khăn và chậm so với thời gian quy định...

Với tinh thần thực sự cầu thị, căn cứ vào thực tế chiến trường, Đảng ủy Mặt trận đã họp, tranh luận và cuối cùng đi tới quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định rất khó khăn vì toàn mặt trận đã chuẩn bị và sẵn sàng nổ súng theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Thắng lợi của chiến dịch theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” đã thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ, tự lập, tự cường của Đảng ta, cụ thể là của Đảng ủy Mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch. Khi thấy tình hình đã thay đổi, thì kiên quyết thay đổi cách đánh cho phù hợp - vẫn là nhằm thực hiện mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Bài học này được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá là “bài học sâu sắc nhất về lãnh đạo, chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Kinh nghiệm từ đây chỉ ra rằng: Trước những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, cần hết sức bình tĩnh, không nóng vội, đánh giá tình hình cho sát đúng, kịp thời và thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm để khắc phục. Đó chính là phẩm chất cần có của người lãnh đạo, của người cộng sản chân chính.

Bài học đó đã góp phần giúp quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đang phát huy ý nghĩa và tác dụng trong tình hình hiện nay. Trong điều kiện đất nước vừa ra khỏi hàng thập kỷ bị chiến tranh tàn phá, hậu quả rất nặng nề, chúng ta bắt tay vào khôi phục, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh thế giới chưa có mô hình, tiền lệ thành công để học hỏi, sự giúp đỡ, viện trợ quốc tế gần như không còn, điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải có quyết tâm cao, vững tin vào sức lực và khả năng của mình, tôn trọng thực tiễn và luôn sáng tạo, độc lập tự chủ về chủ trương, đường lối. Trong chính sách đối ngoại, trên cơ sở phát huy cao nhất tinh thần độc lập, tự chủ, cần hết sức tạo ra và tận dụng những thuận lợi và thời cơ mới để đối thoại, hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài, kết hợp với nguồn nội lực để tạo sức mạnh phát triển đất nước.

Bài học thứ ba là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn dân, của cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, nhờ có đường lối đúng, chủ trương, chính sách phù hợp, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã động viên được sức mạnh của cả nước vào kháng chiến. Chỉ riêng con số hơn 260.000 dân công tham gia phục vụ trong suốt 5 tháng, kể từ khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ đến khi toàn thắng, từ các tỉnh Khu 4, đồng bằng Khu 3, miền núi Việt Bắc, Tây Bắc, đã nói lên tác dụng và hiệu quả của việc huy động toàn lực cho trận đánh quyết định. Đây là minh chứng có sức thuyết phục nhất cho việc Đảng ta huy động và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Có được điều đó chính là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu ở mỗi người dân, và có chủ trương, chính sách đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân.

Ngày nay, sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn dân. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng cũng đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Để quan điểm xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân ngày càng thấm nhuần và trở thành hành động của các cấp ủy, bộ, ban, ngành trong bộ máy Đảng và Nhà nước, điều quan trọng là phải thực sự mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tránh dân chủ hình thức. Mọi chủ trương, biện pháp, quyết sách lớn cần có sự đóng góp ý kiến, sự phản biện của người dân để đi đến sự nhất trí, đồng thuận, tạo nên sự tin tưởng, gắn bó chặt chẽ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, với chế độ xã hội.

Giữ vững được lòng dân, tạo được sự tin tưởng của nhân dân - đó chính là điều cốt yếu để giữ vững sự ổn định chính trị, tạo nên động lực và sức mạnh đưa công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến thắng lợi. Đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết giữa đồng bào trong nước với đồng bào định cư ở nước ngoài, làm thất bại âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa về phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống... vừa là phương hướng, vừa là hành động cần nghiêm túc thực hiện nhằm tạo được sự hậu thuẫn của mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay./.
 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tr 261, 266