TCCSĐT - Học thuyết Mác cũng vạch ra những vấn đề cơ bản về con đường, biện pháp đấu tranh của giai cấp công nhân, nhằm lật đổ mọi chế độ gây nên sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, áp bức con người, hướng tới mục đích cao cả đó là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Đó cũng chính là bản chất nhân văn của học thuyết Mác.
 
Sau sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu sụp đổ, các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản cùng những phần tử cơ hội, xét lại liên tục có nhiều luận điệu công kích, phê phán chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa xã hội, trong đó có vấn đề con người trong học thuyết Mác. Họ thường rao giảng một cách cực đoan rằng, có chăng vấn đề “con người” chỉ tồn tại ở trong C.Mác thời trẻ, còn học thuyết do C.Mác và Ph.Ăng-ghen xây dựng nên chỉ bao gồm vấn đề “con người xã hội”, “con người giai cấp” với mục đích chỉ là giải phóng giai cấp, chứ không phải là giải phóng cá nhân con người. Họ còn vũ đoán cho rằng những biện pháp mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen đề ra trong các học thuyết như “đấu tranh giai cấp”, “cách mạng xã hội”, “chuyên chính vô sản”... chỉ là sự ảo tưởng và là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh trong nhiều thập kỷ của thế kỷ XX vừa qua.

Sở dĩ các loại kẻ thù của học thuyết Mác cùng vào hùa với nhau chống đối rất quyết liệt là bởi, trong học thuyết mang tính cách mạng và khoa học do C.Mác và Ph.Ăng-ghen vạch ra, đã công khai rõ mục đích chính trị cao cả của giai cấp vô sản trên toàn thế giới là đấu tranh nhằm “Xóa bỏ chế độ tư hữu”. Đồng thời, học thuyết Mác cũng vạch ra những vấn đề cơ bản về con đường, biện pháp đấu tranh của giai cấp công nhân, nhằm lật đổ mọi chế độ gây nên sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, áp bức con người, hướng tới mục đích cao cả đó là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(1). Đó cũng chính là bản chất nhân văn của học thuyết Mác.

Nhìn lại lịch sử các học thuyết xã hội của nhân loại từ trước tới nay, có thể thấy, không có một học thuyết nào, kể cả những lý thuyết của các tôn giáo... lại không đề cập đến vấn đề con người, sự khác biệt chỉ thể hiện ở thế giới quan và phương pháp giải quyết mà thôi. Trong học thuyết của mình, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã sử dụng phương pháp tiếp cận vấn đề con người trên quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử, phân tích làm rõ bản chất Người được biểu hiện nổi bật ở cả ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác.
 
Trong kinh tế chính trị học, học thuyết tập trung nghiên cứu, giải phẫu cái xã hội đã làm tha hóa con người, gây bao thảm cảnh cho con người và vạch rõ quy luật tất yếu diệt vong của nó. Trong chủ nghĩa xã hội khoa học, trong học thuyết đã đề cập đến những điều kiện và bản chất của sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng toàn nhân loại khỏi ách áp bức, bất công do chế độ tư bản chủ nghĩa gây ra. Trên lĩnh vực triết học, những luận điểm của học thuyết phân tích một cách khoa học về quy luật nhận thức thế giới, nhận thức xã hội và nhận thức bản thân con người, từ đó xác định mục đích cải tạo thế giới vì lợi ích của con người. Ba bộ phận hợp đó chứa đựng tính nhân văn cao cả, tính hiện thực cách mạng mà chưa có một học thuyết nào từ trước đến nay đạt được.

Trong học thuyết Mác, tiền đề xuất phát không phải là con người trừu tượng, con người sinh học thuần túy, con người “xã hội” trống rỗng; cũng không phải là chủ nghĩa nhân đạo kiểu tôn giáo, chủ nghĩa nhân bản của Phơ-bách, mà là những con người hiện thực. C.Mác từng khẳng định: Con người không phải là một tồn tại trừu tượng, ẩn náu ở đâu đó ở ngoài thế giới. Đó là những con người sống trong một môi trường xã hội ở một thời đại nhất định, có các quan hệ xã hội phong phú, phức tạp và các hoạt động có tính người nhất. C.Mác quan niệm xã hội càng phát triển văn minh, hoạt động thực tiễn ngày càng phong phú, các quan hệ giao tiếp mở rộng, thì tính chất Người của con người cũng ngày càng phong phú, đa dạng; đồng thời, “năng lực người” cũng ngày càng phát triển tương ứng và hình thành tính cách riêng. Nhìn lại lịch sử phát triển tư tưởng của nhân loại, C.Mác không phải là người đầu tiên phát hiện tính xã hội của con người, nhưng chính ông là người đầu tiên sử dụng quan điểm duy vật về lịch sử để lý giải bản chất xã hội của con người. C.Mác viết: “... bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(2).

Như vậy, C.Mác đã vạch ra cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học nghiên cứu về con người. Do đó, C.Mác đã chỉ dẫn khoa học khi tìm bản chất Người phải tìm ở bên trong, chứ không phải tìm ở bên ngoài đời sống hiện thực của con người. Luận đề C.Mác nêu ra không làm mất tính cá nhân của con người; ngược lại, càng khẳng định tính cá nhân với sự kỳ diệu, phong phú vô hạn của tính cách con người và mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân và xã hội. Theo quan điểm của C.Mác, trong cộng đồng xã hội, mỗi cá nhân vừa là thành viên (của giai cấp, dân tộc...), vừa là một thực thể độc lập và có cá tính, đồng thời là một nhân cách. Nhân cách con người hình thành và phát triển phụ thuộc vào thể chất sinh học của cá nhân, nhưng chủ yếu là hệ quả của sự tác động qua lại giữa xã hội và cá nhân.

Có những quan điểm phê phán học thuyết Mác chỉ nhấn mạnh đến “con người - giai cấp”, bỏ qua “con người tộc loại”. Nhưng chính C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nói rõ quan hệ giai cấp không phải là quan hệ vốn có từ khi hình thành cộng đồng loài người. Quan hệ đó chỉ xuất hiện trong những điều kiện nhất định của nền sản xuất vật chất xã hội, và sẽ mất đi khi các điều kiện này không còn nữa.

Học thuyết Mác nghiên cứu về con người và sự nghiệp giải phóng con người không phải ở bất kỳ thời đại nào, mà được quy tụ trong thời đại phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp với chủ thể là những con người - giai cấp. Bản chất giai cấp là một phạm trù lịch sử. Học thuyết Mác thể hiện triệt để tính cách mạng trong mục đích xóa bỏ sự phân chia giai cấp, mà nguyên nhân cốt yếu của nó do chế độ tư hữu gây ra. Đây cũng chính là căn nguyên làm tha hóa bản chất tộc loại của con người. Trong thời đại này, luôn tồn tại một quy luật xã hội: có áp bức, bóc lột thì có đấu tranh nhằm xóa bỏ sự áp bức, bóc lột con người. Vì vậy, học thuyết Mác đã chứng minh mục đích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản là vì sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. C. Mác khẳng định: Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo.

Như vậy, có thể khẳng định, học thuyết Mác đã phát triển tư tưởng nhân đạo của con người lên trình độ mới về chất. Đó là một học thuyết mang đầy đủ tính nhân văn cao cả vì con người, do con người.

Kinh nghiệm lịch sử nhân loại đã cho thấy, để có được quyền tự do cá nhân và để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống giai cấp áp bức, bóc lột, thì phải trải qua một quá trình đấu tranh rất quyết liệt, lâu dài, bền bỉ với nhiều chiến lược, sách lược của các giai cấp, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, trên thế giới vẫn đang diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc rất gay go, phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và khẳng định bản chất nhân văn cao cả của học thuyết Mác, càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận của giai cấp vô sản trên toàn thế giới nói chung và của Đảng ta nói riêng.

*     *

*

Thấm nhuần bản chất nhân văn của học thuyết Mác, trong đó, trước hết và liên quan trực tiếp là vấn đề quyền con người, hơn 60 năm qua, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam, luôn có quan điểm coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Nhiệm vụ cũng như quan điểm đó luôn gắn chặt với việc nắm vững và thực hiện một cách triệt để các chuẩn mực và nghĩa vụ được quy định trong các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946 đã có những điều khoản khẳng định rõ quyền con người, quyền công dân và tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi năm 2001). Các quyền con người quy định trong Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 40 bộ luật và luật, trên 120 pháp lệnh, gần 900 văn bản của Chính phủ và hơn 3000 văn bản pháp quy của các bộ, ngành được thông qua và triển khai thực hiện. Như vậy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Điều này chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta đã có sự nỗ lực rất lớn và đạt được những tiến bộ vượt bậc và trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, trong khi tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn gặp nhiều khó khăn.

Với quan điểm "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển", trong hơn 20 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách rộng mở nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quyền con người, trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam đã chủ động tham gia vào nhiều lĩnh vực hợp tác về quyền con người trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc tế và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhờ đó, đến nay nước ta đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về Ngăn ngừa và trừng phạt các tội ác A-pác-thai; Công ước về Không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại… Là thành viên của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Việt Nam đã tham gia 15 công ước quốc tế về quyền lao động, trong đó có những công ước quan trọng như: Công ước số 5 về Tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước số 100 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước số 111 về Không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp…

Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của những công ước quốc tế đã tham gia; đồng thời, trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia liên quan đến các công ước quốc tế về quyền con người theo yêu cầu của Liên hợp quốc như: Báo cáo tình hình thực hiện Công ước về Xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc (CERD); Báo cáo tình hình thực hiện Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị (CCPR); Báo cáo tình hình thực hiện Công ước về Quyền trẻ em (CRC); Báo cáo tình hình thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ… Những báo cáo của Việt Nam thể hiện sự tôn trọng, nghiêm túc và cam kết mạnh mẽ đối với việc thực hiện các công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, được Uỷ ban Theo dõi thực hiện công ước của Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và thực hiện những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã tham gia tích cực vào một số cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người như: Uỷ ban Nhân quyền nhiệm kỳ 2001 - 2003, Uỷ ban Phát triển Xã hội nhiệm kỳ 2001 -2004, Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 1998 - 2000… Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động của Ủy ban III Đại hội đồng Liên hợp quốc và Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

Việt Nam có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới nói chung và ở trong nước nói riêng. Đồng thời, qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển học thuyết Mác - một học thuyết mang tính nhân văn cao cả vì con người, do con người./.


 (1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 628

 (2) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, t 3, tr 11