“Quýt làm, cam chịu”

Nguyễn Sơn
08:41, ngày 03-05-2009

TCCSĐT - Ngày Quốc tế lao động năm nay diễn ra trong không khí rất đặc biệt: khủng hoảng kinh tế đang sa xuống đáy, các chỉ số thất nghiệp ở hầu hết các nước trên thế giới đều đang lên tới mức báo động. Mâu thuẫn lao động – tư bản trở nên gay gắt chưa từng thấy kể từ khi kết thúc "Chiến tranh Lạnh" tới nay.

Hàng triệu người trên khắp hành tinh đã xuống đường tuần hành giương cao biểu ngữ chào mừng ngày Quốc tế lao động, chống khủng hoảng kinh tế, chống thất nghiệp, chống chủ nghĩa tư bản. Những cuộc mít tinh lớn nhất thu hút trên một triệu người tham gia đã diễn ra tại Nga, Pháp, Bra-xin đòi chính phủ các nước này phải có ngay những biện pháp chống khủng hoảng kinh tế khẩn cấp, đảm bảo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tại Đức, hàng trăm người biểu tình chống chủ nghĩa tư bản đã xô xát với cảnh sát làm hàng chục người bị thương.

Nạn thất nghiệp trầm trọng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra là lý do khiến số người tham gia tuần hành nhân ngày Quốc tế lao động tăng vọt trong năm nay. Theo Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp chung của 27 nước trong Liên minh đã liên tục tăng trong suốt 8 tháng qua và hiện đạt mức 8,3%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước có chỉ số thất nghiệp đáng lo ngại nhất là Pháp (8,8%), Đức (8,6%). Hơn 20 triệu người châu Âu đang thất nghiệp, trong đó 14 triệu thuộc khu vực đồng ơ-rô.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cũng tăng mạnh và đạt mức 8,5% trong tháng 3 vừa qua. Kế hoạch kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma nhằm tạo ra và bảo vệ 3,5 triệu chỗ làm đã cho một kết quả đáng buồn: gần 4,4 triệu việc làm đã bị thu hẹp kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu vào cuối năm 2007.

Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gioan Xô-ma-via lo ngại nạn thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới và đạt mức 210 triệu người thất nghiệp vào cuối năm nay. ILO cũng nhận định thất nghiệp tăng mạnh có thể gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội đáng lo ngại, tác động tới mọi tầng lớp lao động. Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp hiện nay không đủ sức làm giảm “cơn địa chấn” thất nghiệp do khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra.

Nạn thất nghiệp gia tăng khiến đời sống của những người lao động trên toàn thế giới giảm sút mạnh. Họ buộc phải cắt giảm chi tiêu. Điều đó khiến cho chỉ số tiêu dùng giảm theo, dẫn đến việc phải tiếp tục cắt giảm sản xuất. Cái vòng xoáy trôn ốc ấy khiến cho tình hình kinh tế vốn đang suy sụt lại càng suy sụt hơn.

Điều phi lý ở đây là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có căn nguyên từ sự đổ vỡ của thị trường vốn Phố Uôn với những “bong bóng” tài chính do các nhà đầu tư tư bản thổi lên, nhưng hậu quả nặng nề của sự đổ vỡ ấy lại giáng xuống đầu những người lao động.

Trong suốt ba thập kỷ qua, chi phí sử dụng vốn tư bản tăng rất mạnh nhờ việc “phát minh” ra các công cụ tài chính phái sinh, trong khi chi phí sử dụng lao động (tiền lương) lại tăng không đáng kể. Người lao động bị nghèo đi tương đối so với giới chủ tư bản. Cũng trong suốt thời gian đó, người lao động trên toàn thế giới phải thắt lưng buộc bụng nhìn giới tư bản tài chính phất lên như diều gặp gió nhờ những “bong bóng” tài chính khổng lồ. Thế nhưng, giờ đây, khi những “bong bóng” đó nổ tung, khủng hoảng kinh tế lại kéo nạn thất nghiệp đổ sập xuống đầu họ. Thật đúng là “quýt làm, cam chịu”!

Điều phi lý đó đang khiến cho mâu thuẫn lao động – tư bản dâng cao. Việc hàng triệu người xuống đường tuần hành dưới những biểu ngữ chống chủ nghĩa tư bản, chống khủng hoảng kinh tế, chống thất nghiệp trong ngày Quốc tế lao động vừa qua cho thấy, lao động toàn thế giới đang hợp lực bày tỏ sự bất bình với hệ thống kinh tế hiện hành. Họ có quyền đòi hỏi và hy vọng vào một hệ thống kinh tế khác công bằng hơn!