Về các giải pháp tăng cường ngoại giao Quốc hội

Dương Văn Quảng
13:03, ngày 02-05-2009

TCCS - Hơn 60 năm qua, kể từ cuộc Tổng tuyển cử tự do đầu tiên ở Việt Nam ngày 6-1-1946, Quốc hội nước ta đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có những đóng góp của hoạt động đối ngoại. Quốc hội nước ta đã biết vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và nắm bắt những xu thế, chiều hướng phát triển mới trong quan hệ quốc tế đương đại.

Một số thành tựu của ngoại giao Quốc hội trong những năm đổi mới

Một là, góp phần bảo vệ lợi ích dân tộc. Bảo vệ lợi ích dân tộc trên trường quốc tế luôn là mục tiêu tối thượng của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo. Trong thời kỳ toàn cầu hóa với một trong những đặc trưng quan trọng là lợi ích đan xen, mục tiêu này càng được coi trọng và trở thành mục tiêu chung của mọi loại hình ngoại giao trong mặt trận đối ngoại của nước ta. Thực tiễn hoạt động đối ngoại của Quốc hội hơn 60 năm qua, nhất là trong những năm đổi mới cho thấy, bảo đảm lợi ích dân tộc chân chính phải được coi là một nguyên tắc nhất quán chỉ đạo ngoại giao Quốc hội. Xa rời nguyên tắc này nghĩa là mất đi cơ sở cũng như lý do tồn tại của ngoại giao nói chung và ngoại giao nghị viện nói riêng. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đương nhiên phải là trụ cột trong việc bảo vệ và mở rộng lợi ích dân tộc trong một thế giới đa dạng quan hệ và lợi ích đan xen.

Lợi ích sống còn của dân tộc ta, Nhà nước ta hiện nay trước tiên là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến lược phát triển: xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Bảo vệ lợi ích dân tộc trong thế kỷ XXI phải được tiến hành theo phương châm giữ vững độc lập tự chủ nhưng linh hoạt, uyển chuyển trong hành động. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, ngoại giao Quốc hội lại càng có lợi thế không chỉ bảo vệ mà còn mở rộng lợi ích dân tộc.

Hai là, góp phần tạo ra khuôn khổ quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng. Đại hội X của Đảng chỉ rõ "đưa các quan hệ đối tác đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững". Thực tế những năm qua, Việt Nam đã từng bước đưa quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng đi vào khuôn khổ ổn định lâu dài, có lộ trình, bước đi cụ thể. Với Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt. Với Cam-pu-chia, đó là quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Với các nước lớn, ta đã tạo dựng được khuôn khổ quan hệ lâu dài, đề ra lộ trình, bước đi, biện pháp thúc đẩy quan hệ với các nước này đi vào chiều sâu, tăng thêm tin cậy.

Thành công này có phần đóng góp quan trọng của ngoại giao Quốc hội, làm giảm bớt những khác biệt, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tạo lòng tin giữa nước ta và các nước liên quan, đặc biệt sử dụng kênh nghị viện tác động đến chính giới và dư luận, làm cho họ hiểu Việt Nam hơn, cũng như lợi ích trong quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Ba là, tham gia đối thoại kênh Quốc hội. Đối thoại kênh nghị viện có tầm quan trọng đặc biệt và có đặc thù riêng. Đây là một loại hình đối thoại chính thức vì Quốc hội của mọi quốc gia, dù do dân bầu ra vẫn là cơ quan quyền lực chính trị, thường phát ngôn quan điểm chính thống. Nhưng nghị sĩ khác với các thành viên nội các và các nhà ngoại giao ở chỗ hai bên trình bày thẳng thắn quan điểm để hiểu nhau, hoặc chuyển tải một thông điệp của chính phủ nước mình đến chính phủ nước kia. Kênh đối thoại nghị viện còn là nơi thăm dò quan điểm, thử nghiệm một giải pháp mà không thể hoặc khó thực hiện được qua kênh đối thoại nhà nước. Như vậy, đối thoại kênh nghị viện nằm giữa kênh đối thoại chính thức của nhà nước và các kênh đối thoại không chính thức thuộc các chủ thể khác như giới học giả, xã hội dân sự.

Trong những năm qua, Quốc hội nước ta đã tận dụng tối đa kênh đối thoại này, nhất là đối với các đối tác trọng yếu như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và về các vấn đề quan trọng như tranh chấp lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, nạn nhân chất độc da cam... Là một thành viên quan trọng của mặt trận đối ngoại, ngoại giao Quốc hội cũng phải tuân thủ chặt chẽ đường lối, chính sách đối ngoại chung của Đảng và triển khai các mục tiêu và nhiệm vụ theo phương thức đối ngoại của mình.

Để ngoại giao Quốc hội thực sự có những nét riêng độc đáo trên mặt trận ngoại giao trong thời kỳ toàn cầu hóa, theo chúng tôi, cần có những giải pháp mang tính đột phá và những giải pháp này tập trung vào ba trọng tâm: nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò của ngoại giao Quốc hội trong thời kỳ mới, xác định rõ những nhiệm vụ trung tâm của nó và đào tạo nhân lực làm công tác đối ngoại.

Các giải pháp cho ngoại giao Quốc hội

Thứ nhất, thống nhất quản lý đối ngoại. Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị nước ta. Đặc biệt trong công tác đối ngoại, Đảng không chỉ trực tiếp hoạch định chính sách đối ngoại mà còn trực tiếp chỉ đạo quá trình triển khai và thực hiện chính sách đối ngoại. Song, đặc thù của nước ta là có ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Quốc hội và ngoại giao nhân dân. Trong Ngoại giao Nhà nước, do xu thế toàn cầu hóa và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta, không chỉ có Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, mà các bộ, các ngành khác đều có những hoạt động hợp tác quốc tế, thậm chí ngày càng nhiều và có nhiều nội dung khá phức tạp. Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng, các nghiệp đoàn, hiệp hội và các doanh nghiệp cũng tham gia vào quan hệ quốc tế. Trước thực tế đó, vấn đề thống nhất quản lý đối ngoại được đặt ra một cách cấp bách...

Hơn thế, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và có thẩm quyền xác định những định hướng lớn về hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trên cơ sở đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng. Do vậy, cần nhận thức rõ vai trò của ngoại giao Quốc hội trong tổng thể chung về đối ngoại của Việt Nam.

Hai là, phối hợp giữa ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Quốc hội. Do những thay đổi về ngoại giao và quan hệ quốc tế, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng phong phú và đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung. ở những nước có sự phân quyền rõ ràng giữa lập pháp và hành pháp, hiếm khi có sự trùng lặp trong đối ngoại, thậm chí chính phủ và quốc hội không cùng đảng phái chính trị. Ngoại giao nghị viện được xác định khá rõ ràng và mọi quyết định của nghị viện về đối ngoại không mang tính bắt buộc. Song, ở Việt Nam ngoại giao Nhà nước hay ngoại giao Quốc hội đều góp phần thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại do Đảng đề ra. Trong những năm qua, ngoại giao Quốc hội đã góp phần rất quan trọng vào những thành quả của kinh tế đối ngoại cả về vận động ODA, FDI cũng như mở rộng thị trường cho xuất khẩu. Trong tương lai, ngoại giao Quốc hội sẽ còn chủ động hơn nữa. Vấn đề chính là phối hợp thế nào giữa ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Quốc hội nhằm tạo ra sự đồng bộ và sức mạnh tổng hợp trong mặt trận ngoại giao vì mục tiêu chung là thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thứ ba, đối thoại nghị viện về những vấn đề hệ trọng. Hiện nay, nước ta đang đối mặt với hai trong số các vấn đề đối ngoại hệ trọng. Đó là vấn đề Biển Đông và dân chủ, nhân quyền. Về Biển Đông, đang có tranh chấp giữa ta với Trung Quốc và một số nước khác. Vấn đề đã kéo dài hằng thập kỷ, nhưng trước mắt chưa có giải pháp tổng thể và lâu dài vì quan điểm và cách tiếp cận của các bên tranh chấp rất khác nhau. Biển Đông được coi là một khu vực rất nhạy cảm và dễ xảy ra những nguy cơ đe dọa ổn định và hòa bình khu vực nếu các bên không tự kiềm chế.

Về dân chủ, nhân quyền, ta và các nước phương Tây có cách tiếp cận và quan điểm khác nhau. Nếu tranh chấp lãnh thổ là vấn đề nan giải liên quan đến những nước láng giềng và dễ gây ra căng thẳng, thì dân chủ, nhân quyền lại là vấn đề rất nhạy cảm. Không giải quyết tốt vấn đề này sẽ là một trong những cái cớ để các lực lượng thù địch tiến hành các hoạt động thực hiện “diễn biến hòa bình”, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Thế giới hiện nay là thế giới mở, có nhiều chủ thể tham gia những quan hệ quốc tế và xuất hiện nhiều vấn đề toàn cầu mà không một nước nào, dù giàu và mạnh có thể tự giải quyết được. Nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi và quan hệ giữa các nước mang tính chất vừa hợp tác vừa đấu tranh. Song, xung đột cục bộ vẫn xảy ra và các nước lớn vẫn ngang nhiên dùng vũ lực đối với nước nhỏ "không biết điều" theo sự “chụp mũ” của họ. Trong một thế giới như vậy, đối thoại và xây dựng lòng tin trở nên vô cùng quan trọng và ngày càng có nhiều chủ thể tham gia những tiến trình này. Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được lập ra nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại về an ninh khu vực(1).

Thứ tư, tạo dựng vị thế cho đất nước. Trong thế giới ngày nay, sức mạnh cứng (hard power) quốc gia được thể hiện qua ngoại giao truyền thống (chính trị, kinh tế, quân sự...) đều có những khiếm khuyết đáng kể. Do vậy, ngoại giao cần được bổ sung những nguồn lực khác mới phát huy đầy đủ và tốt hơn vai trò của mình. Đó chính là sức mạnh mềm (soft power), khái niệm thường xuyên được đề cập đến trong các cuộc tranh luận về quan hệ quốc tế đương đại do giáo sư G. Ny, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị nhà nước Ken-nơ-đy, Đại học Ha-vớt, đề xướng. Sức mạnh mềm của một quốc gia xuất phát từ ba nguồn lực: văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Kết hợp sức mạnh cứng với sức mạnh mềm sẽ tạo ra sức mạnh thông minh (smart power) mang lại vị thế và ảnh hưởng lớn hơn cho đất nước.

Với vai trò của mình và những kinh nghiệm đúc rút trong hơn 20 năm hoạt động đối ngoại vừa qua, Quốc hội có nhiều thế mạnh trong việc tạo dựng hình ảnh một Việt Nam mới trong thời kỳ hội nhập. Quốc hội đại diện ý nguyện của dân, cho nên ngoại giao nghị viện dễ đi vào lòng người. Bên cạnh những hoạt động đối ngoại của các nhóm Hữu nghị, cần chú ý đến việc tạo dựng những mối quan hệ cá nhân giữa đại biểu Quốc hội nước ta và nghị sĩ các nước. Thực tế trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc đã chứng minh rằng, quan hệ cá nhân giữa nghị sĩ các nước giúp ích rất nhiều cho việc củng cố lòng tin và xây dựng vị thế đất nước. Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, tạo dựng vị thế đất nước đã trở thành một mục tiêu của ngoại giao trên cơ sở phát huy sức mạnh mềm của quốc gia. Đó chính là quảng bá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ năm, nhân lực làm công tác đối ngoại. Bên cạnh những hoạt động đối ngoại nghị viện thông qua các cuộc thăm chính thức và các hội nghị nghị viện đa phương ngày càng diễn ra thường xuyên, ngoại giao nghị viện còn được thực hiện thông qua các nhóm Hữu nghị và ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Để ngoại giao nghị viện thể hiện đầy đủ vai trò và tính độc đáo của mình, ngoài việc quán triệt sâu sắc chức năng của mỗi thành viên trên mặt trận ngoại giao, vấn đề nhân lực cũng cần được quan tâm một cách thỏa đáng.

Ngoại giao vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, nên nó có những kiến thức và kỹ năng riêng đặc thù. Dù không làm ngoại giao chính thức, các đại biểu Quốc hội, nhất là những vị thành viên ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết về quốc tế, chính sách đối ngoại, cũng như về ngoại giao. Hơn nữa, trong thời kỳ hội nhập khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của nghị sĩ cũng nên được coi trọng. Trước mỗi chuyến thăm nước ngoài, các thành viên của đoàn Quốc hội nên có thời gian tiếp cận thông tin cần thiết về nội tình nước đến thăm, văn hóa, phong tục tập quán của họ, tình hình quan hệ giữa hai nước.

Đối với đội ngũ cán bộ giúp việc, cụ thể là cán bộ Vụ Quan hệ quốc tế, thực tế công tác cho thấy họ đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và triển khai ngoại giao Quốc hội. Do vậy, họ phải là những cán bộ đối ngoại thực thụ, thậm chí là chuyên nghiệp. Muốn vậy, những người được tuyển dụng cần được đào tạo một cách hệ thống về ngoại giao; trong cuộc đời chức nghiệp, họ cần được chuẩn hóa theo tiêu chí của cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp.

Trong xu thế quan hệ quốc tế ngày càng đan xen và tính tùy thuộc ngày càng cao, chúng ta cần đổi mới tư duy đối ngoại hơn nữa và phương thức hành động trong ngoại giao lại càng phải chủ động và linh hoạt theo đúng phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến". Ngoại giao nghị viện cũng không nằm ngoài quy luật này, thậm chí còn phải đổi mới hơn nữa. Vì nằm ở ranh giới giữa ngoại giao chính thức và ngoại giao công cộng, ngoại giao Quốc hội, một mặt, cần quán triệt sâu sắc đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng; mặt khác phải rất linh hoạt về cách tiến hành và chọn đúng trọng tâm và trọng điểm trong hoạt động, phù hợp với từng diễn đàn, từng đối tượng và nhất là thông lệ và tập quán quốc tế trong ngoại giao nghị viện./.
 

(1) ARF được thành lập năm 1994 nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển và thịnh vượng. ARF bao gồm ba giai đoạn: xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và đưa ra những cách tiếp cận khác nhau đối với các cuộc xung đột. Hiện nay ARF đang chuyển sang giai đoạn ngoại giao phòng ngừa