Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ trí tuệ nhân tạo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay
TCCS - Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là công nghệ quan trọng nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), là yếu tố có thể dẫn đến sự thay đổi trật tự toàn cầu trong tương lai. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc những năm qua diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại, đầu tư, tài chính, hệ giá trị, cho đến công nghệ mang tính dẫn dắt... Hiện nay, có nhiều đánh giá cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ đã xuất hiện trong lĩnh vực AI.
Công nghệ AI là các hệ thống thiết bị kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí thông minh của con người. Công nghệ AI được phát triển nhằm hướng tới ba mục tiêu theo ba cấp độ: 1- Xây dựng các hệ thống có khả năng suy nghĩ như con người (AI trình độ cao); 2- Xây dựng các hệ thống vận hành tự động nhưng chưa đạt được tới tư duy như con người (AI trình độ trung bình); 3- Ứng dụng một số tư duy của con người vào các dịch vụ, sản phẩm nhằm tăng giá trị của các dịch vụ, sản phẩm này (AI trình độ thấp). Hiện nay, sự phát triển của công nghệ AI chủ yếu mới ở cấp độ thứ ba, thể hiện rõ qua các ứng dụng về trợ lý ảo, dịch vụ trực tuyến, ứng dụng vào sản xuất, quảng cáo...
Sự phát triển của công nghệ AI đã được công nhận rộng rãi như một biểu hiện của sức mạnh toàn diện của một quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo. Mỹ và Trung Quốc đã ban hành và đang xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI, cũng như nâng cao vị thế của quốc gia trong cuộc cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này. Cuộc chạy đua quyết liệt về công nghệ AI giữa hai cường quốc xuất phát từ một số lý do: Thứ nhất, công nghệ AI có thể được ứng dụng vào quốc phòng, phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác có tầm quan trọng sống còn đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai, so với các công nghệ mới khác, như máy tính lượng tử, 5G, internet vạn vật (IoT), công nghệ AI có đặc trưng là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người; đồng thời, có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. Hiện nay, mỗi ngày trên toàn cầu có khoảng 2,2 tỷ Gb dữ liệu mới (tương đương 165.000 tỷ trang tài liệu) được tạo ra và được các công ty, như: Google, Twitter, Facebook, Amazon, Baidu, Weibo, Tencent hay Alibaba,... thu thập để tạo thành “dữ liệu lớn” (big data). Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Google (Mỹ) đánh giá, sự ra đời của công nghệ AI có ý nghĩa hơn cả việc phát minh ra điện và lửa(1). Thứ ba, cuộc chạy đua về công nghệ AI là một loại hình cạnh tranh chiến lược và có các đánh giá chiến lược, ra quyết định, cũng như huy động nguồn lực của cả nước.
Do vậy, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong phát triển công nghệ AI được dự báo có thể dẫn đến leo thang cạnh tranh giữa hai nước trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, đầu tư, nghiên cứu, phát triển, dữ liệu và hệ giá trị.
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về AI trên một số lĩnh vực
Về chính trị, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về AI nằm trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc nói chung và cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về công nghệ nói riêng, được thể hiện qua các chính sách, chiến lược và những phát biểu của lãnh đạo cấp cao hai nước(2).
Đối với Trung Quốc, tháng 8-2016, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành Kế hoạch đổi mới khoa học và công nghệ trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ XIII, xác định rõ AI là hướng phát triển chính của công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo, nhấn mạnh việc xây dựng một hệ thống công nghệ công nghiệp hiện đại. Năm 2017, Trung Quốc tiếp tục công bố Kế hoạch Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đến năm 2030, đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất thế giới trong lĩnh vực AI với dự đoán sẽ thu hút khoảng 150 tỷ USD từ ngành này. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (tháng 10-2017), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ nỗ lực để trở thành nhà sản xuất chất lượng và phát triển sản xuất tiên tiến, thúc đẩy hội nhập internet, dữ liệu lớn, AI vào nền kinh tế thực; thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng mới và tăng trưởng tiêu dùng ở cả mức độ trung bình, cao cấp; phát triển theo định hướng đổi mới, nền kinh tế xanh, khí thải thấp, nền kinh tế chia sẻ, các chuỗi cung ứng hiện đại và dịch vụ vốn, nguồn nhân lực”(3). Đề cập đến công nghệ AI, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc cần thúc đẩy sự phát triển của một thế hệ AI mới để có thể đạt được thế chủ động trong cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ trên toàn cầu; yêu cầu các doanh nghiệp và các nhà quản lý Trung Quốc phải nỗ lực đạt đến đỉnh cao của “công nghệ then chốt và cốt lõi”, bao gồm công nghệ cơ bản, công nghệ thường được sử dụng, công nghệ bất đối xứng hay công nghệ “con át chủ bài”, công nghệ tiên tiến, công nghệ đột phá.
Đối với Mỹ, năm 1956, cuộc hội thảo đầu tiên đề cập trực tiếp đến công nghệ AI diễn ra tại trường Đại học Dartmouth (Mỹ), được coi là sự kiện ra đời của ngành công nghệ AI. Dưới thời kỳ của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, công nghệ AI được xếp vào danh mục chính sách quan tâm của quốc gia. Năm 2015, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma khởi động một loạt hội thảo, đồng thời thành lập một tiểu ban về “máy học” và AI để theo dõi những tiến bộ của công nghệ cũng như giúp điều phối hoạt động liên bang trong lĩnh vực này. Đây được xem là nền tảng cho việc ra đời ba báo cáo quan trọng về công nghệ AI và có ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, bao gồm: 1- Chuẩn bị cho tương lai của công nghệ AI; 2- Kế hoạch chiến lược phát triển và nghiên cứu công nghệ AI quốc gia; 3- Công nghệ AI, tự động hóa và kinh tế. Dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, Mỹ ban hành “Sắc lệnh sáng kiến AI”, kêu gọi cần “tập trung mọi nguồn lực của chính quyền liên bang” để đóng góp cho nỗ lực phát triển công nghệ AI. Mục tiêu của “Sắc lệnh sáng kiến AI” được chia thành năm lĩnh vực chính, bao gồm: nghiên cứu và phát triển, giải phóng tài nguyên, chuẩn mực đạo đức, tự động hóa và tiếp cận quốc tế. Tháng 1-2021, sau khi Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn lên nắm quyền, “Sắc lệnh sáng kiến AI” chính thức trở thành Đạo luật sáng kiến AI quốc gia của Mỹ(4). Sáng kiến tập trung nguồn lực của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ đổi mới công nghệ AI nhằm bảo đảm Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu, phát triển và sử dụng AI..., qua đó giúp tăng cường sự thịnh vượng, an ninh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Mỹ. Sáng kiến bao gồm sáu trụ cột chính: đổi mới, thúc đẩy sự tin cậy đối với công nghệ AI, giáo dục - đào tạo, hạ tầng, ứng dụng và hợp tác quốc tế(5).
Về quốc phòng - an ninh, trong buổi trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh và Truyền hình Deutsche Welle (Đức, tháng 6-2021), ông Hây-cô Ma-át (Heiko Maas), thời điểm đó là Bộ trưởng Ngoại giao Đức - đã cảnh báo rằng, thế giới đang diễn ra cuộc chạy đua về công nghệ AI và các cường quốc, bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc chạy đua này(6). Năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đánh giá công nghệ AI đang trở thành một trong những trọng tâm trong cạnh tranh quốc tế, do vậy, Trung Quốc cần đưa ra sáng kiến nhằm nắm chắc hơn, rõ hơn về giai đoạn phát triển mới của ngành công nghệ AI và tạo ra một lợi thế cạnh tranh mới, mở ra cơ hội phát triển những ngành công nghiệp mới, cũng như tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia(7). Báo cáo mới đây của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết, khó có thể tính chính xác được số tiền mà quân đội Trung Quốc đã đầu tư cho phát triển công nghệ AI, song ước tính số tiền này nằm trong khoảng từ 1,6 tỷ USD đến 2,7 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đã đầu tư số tiền để phát triển công nghệ AI thấp hơn nhiều, chỉ từ 800 triệu USD đến 1,3 tỷ USD cho AI trong năm 2020. Ngoài ra, Mỹ cũng chi khoảng 1,7 tỷ USD đến 3,5 tỷ USD cho các hệ thống không người lái và tự hành(8). Năm 2021, phát biểu tại Hội nghị quốc tế do Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo (NSCAI) tổ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loi Ốt-xtin (Lloyd Austin) đề cập lại tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc về việc Trung Quốc có kế hoạch thống trị toàn cầu về AI vào năm 2030 và việc sử dụng AI cho một loạt nhiệm vụ, từ giám sát đến tấn công mạng đến vũ khí tự động; cho rằng, Trung Quốc đang thách thức Mỹ về tốc độ phát triển AI; khẳng định, Mỹ sẽ đẩy mạnh cạnh tranh để giành chiến thắng(9). Cựu Chủ tịch Tập đoàn Google E-rích Xmít (Eric Schmidt) đánh giá công nghệ AI và các công nghệ mới nổi khác đang là trọng tâm trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và vượt cả Mỹ về sức mạnh kinh tế và quân sự...(10).
Về kinh tế - thương mại - đầu tư, cạnh tranh về công nghệ AI giữa Mỹ và Trung Quốc là nhân tố quan trọng trong cạnh tranh kinh tế - thương mại giữa hai nước. Từ năm 2019 đến nay, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt và đưa vào danh sách đen liên quan đến lĩnh vực AI và các sản phẩm an ninh. Trong đó, có thể kể đến một số tập đoàn công nghệ AI “khổng lồ” của Trung Quốc, như ByteDance, SenseTime, Megvii, Yitu...(11). Về đầu tư, Mỹ đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với các nhà đầu tư của Trung Quốc vào các tập đoàn công nghệ AI của Mỹ nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các công nghệ AI thông qua việc mua cổ phần. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang vượt Mỹ về đầu tư mới trong tiến trình phát triển AI nói chung. Năm 2017, Trung Quốc chiếm 48% số lượng vốn đầu tư về phát triển AI toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm 38%. Mặc dù lâu nay, Mỹ vẫn “thống trị” trong các quỹ đầu tư về nghiên cứu và phát triển AI, tuy nhiên có phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc vẫn duy trì tăng mức đầu tư trong thời gian tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về tổng số các quỹ đầu tư về nghiên cứu và phát triển công nghệ AI(12).
Về nghiên cứu, phát triển: Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trung Quốc và Mỹ đang dẫn đầu cuộc cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ AI(13). Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính trong nghiên cứu, phát triển công nghệ AI và đưa ra một số chính sách, biện pháp nhằm tăng cường các hoạt động nghiên cứu, phát triển cũng như cản trở sự phát triển công nghệ AI của Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, mặc dù Mỹ vẫn được đánh giá cao hơn Trung Quốc về nghiên cứu, phát triển công nghệ AI và thu hút nhân tài, nhưng nhiều số liệu cho thấy, Trung Quốc đang có những kết quả nhất định trong việc đi đầu nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này để bắt kịp Mỹ. Theo báo cáo mới đây của Đại học Stanford (Mỹ), Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ về số lượng trích dẫn nghiên cứu học thuật liên quan đến công nghệ AI trong năm 2020, chiếm 20,7% tổng số nghiên cứu, cao hơn 19,8% so với Mỹ(14).
Về hệ giá trị, cạnh tranh về công nghệ AI cũng được cho là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia về các giá trị thông qua việc một quốc gia tìm kiếm sở hữu, sử dụng dữ liệu cùng với áp dụng, triển khai các công nghệ AI để gây ảnh hưởng đến một quốc gia khác... Dữ liệu chính là nguồn “nguyên liệu thô” cho các thuật toán của công nghệ AI và quốc gia nào thu thập được nhiều dữ liệu hơn sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong nghiên cứu, phát triển AI. Báo cáo của Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo của Mỹ (NSCAI) năm 2021 cảnh báo về những nguy cơ xảy ra trong tương lai khi các đối thủ của Mỹ sử dụng máy học, lên kế hoạch, tạo ra các nền tảng, hệ thống mạng nhằm tác động, thao túng niềm tin, ứng xử và hành vi của công dân Mỹ bằng những cách thức khó có thể phát hiện(15). Dự báo đến năm 2025, ước tính có khoảng 1/3 dữ liệu của thế giới sẽ được tạo ra ở Trung Quốc; đến năm 2030, khoảng 8 tỷ thiết bị ở Trung Quốc sẽ được kết nối IoT và tạo ra nhiều dữ liệu hơn. Tháng 2-2021, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mai-cơn Pôm-peo cho rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng AI để kiểm tra hàng loạt dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ được khôi phục từ công nghệ và ứng dụng của Trung Quốc, đồng thời sử dụng AI như một vũ khí để đối phó với Mỹ(16).
Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Thời gian tới, cạnh tranh công nghệ AI giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí gay gắt trên một số vấn đề cụ thể, nhất là trong bối cảnh Mỹ xác định cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc và đang triển khai mạnh mẽ các tập hợp lực lượng thông qua khuôn khổ liên minh và liên kết khu vực, tiểu khu vực với đồng minh, đối tác, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do vậy, cạnh tranh công nghệ AI giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá sẽ là một trong những cuộc cạnh tranh chiến lược quan trọng, tác động không nhỏ đến hệ thống quan hệ quốc tế thời gian tới.
Về chính trị, đối với Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia đại diện cho các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, việc sử dụng tối đa công nghệ AI sẽ giúp tăng cường quyền lực và ảnh hưởng trên toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới cũng như Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức về ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ phá vỡ cân bằng quyền lực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tồn tại lâu nay trong quan hệ quốc tế do sự phát triển AI không minh bạch cũng như nguy cơ làm suy yếu các phương pháp tiếp cận hiện có để ngăn chặn và làm giảm căng thẳng, xung đột giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, việc các chính phủ, các nhà ngoại giao chưa thực sự nắm đầy đủ thông tin và hiểu rõ về công nghệ AI sẽ là một trong những thách thức đối với công tác dự báo, đề xuất chính sách và áp dụng biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn những nguy cơ gây bất ổn, đe dọa ổn định chính trị và giảm căng thẳng giữa các quốc gia. Ngoài ra, việc thiếu kiến thức về công nghệ AI có thể dẫn đến nguy cơ các quốc gia kém phát triển và đang phát triển phụ thuộc nhiều hơn vào các quốc gia “thống trị” về công nghệ AI do khoảng cách về khoa học - công nghệ ngày càng gia tăng.
Về quân sự - an ninh, nguy cơ xuất hiện các cuộc chạy đua vũ khí thế hệ mới với sự vận hành/hỗ trợ bởi công nghệ AI(17), thậm chí là xung đột giữa hai nước do những chính sách tập trung đầu tư phát triển quốc phòng, an ninh của Mỹ và Trung Quốc nhằm đối phó với những mối đe dọa mà cả hai bên quan ngại lẫn nhau(18). Báo cáo của NSCAI (tháng 3-2021) cho rằng, Mỹ có thể mất thế chủ động về công nghệ AI đối với Trung Quốc. Hơn nữa, nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chạy đua nghiên cứu và phát triển công nghệ AI của riêng mình, một cuộc xung đột toàn cầu về các tiêu chuẩn cạnh tranh được cho là điều khó có thể tránh khỏi. Thời gian qua, thông tin về việc các cuộc chiến tranh dựa trên sự vận hành của công nghệ AI sẽ không dựa trên một vũ khí, công nghệ hay khái niệm hoạt động mới đơn lẻ nào mà tập trung vào việc ứng dụng và tích hợp các công nghệ hỗ trợ AI vào mọi khía cạnh của chiến tranh(19), đã làm dấy lên những quan ngại, tranh cãi đối với an ninh quốc tế và khía cạnh đạo đức trong chiến tranh, nhất là tại Liên hợp quốc. Ngoài ra, cũng có không ít quan ngại về mối đe dọa đến an ninh quốc tế và nguy cơ về một cuộc cách mạng thứ ba trong phát triển vũ khí, sau thuốc súng và bom nguyên tử. Bên cạnh đó, các thể chế và hiệp ước về giải quyết các vấn đề quốc tế trong thế kỷ XX (kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt) chưa đề cập đến vấn đề công nghệ AI(20).
Về kinh tế - thương mại, cạnh tranh thương mại giữa các nền tảng số vận hành bởi công nghệ AI giữa các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Google, Facebook, Uber...) và Trung Quốc (Baidu, We-Chat, Didi Chuxing...) có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh địa - chính trị giữa các chính phủ, thậm chí có thể là nội dung trong các chương trình nghị sự quốc tế quan trọng(21). Việc Mỹ và Trung Quốc đưa ra các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp, tập đoàn liên quan đến công nghệ AI nhằm hạn chế, loại bỏ các đối thủ, cũng như làm chậm quá trình phát triển công nghệ AI, sẽ có những tác động đến các hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung và quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc với các quốc gia khác nói riêng.
Về nghiên cứu - phát triển, trước những thực tế nêu trên trong lĩnh vực này, thời gian tới, Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ chạy đua bằng nhiều biện pháp, thậm chí mạnh mẽ hơn trong nghiên cứu và phát triển công nghệ AI, ví dụ như hỗ trợ nhiều hơn về chính sách và tài chính cho các ngành công nghiệp AI, cũng như ban hành các luật, quy định nghiêm ngặt hơn đối với việc tham gia đầu tư, hợp tác phát triển về công nghệ AI của chính phủ, doanh nghiệp không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn của các chính phủ, doanh nghiệp có mối liên hệ với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ giữa hai nước.
Về hệ giá trị, việc áp dụng, phát triển công nghệ AI của các doanh nghiệp, tập đoàn của Mỹ và Trung Quốc nhằm cạnh tranh, đối phó lẫn nhau sẽ dẫn đến những tác động lớn, thậm chí là xung đột về hệ giá trị(22) đối với Mỹ, Trung Quốc nói chung, người dân sử dụng ở Mỹ và Trung Quốc nói riêng, mà còn đối với các quốc gia và người dân trên thế giới. Các nền tảng vươn tới toàn cầu và công nghệ AI đã được địa phương hóa cho phù hợp với từng khu vực, lãnh thổ, có thể là phương tiện để tăng cường sự đối nghịch về ý thức hệ, tiêu chuẩn về dân chủ, tự do ngôn luận, kích động bạo lực,... phục vụ việc can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của quốc gia khác, như can thiệp sâu hơn vào các cuộc bầu cử, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị của các quốc gia có chủ quyền. Bên cạnh đó là thách thức về sự khác biệt trong cách hiểu, vận dụng và ràng buộc của các quốc gia trong việc tuân thủ các “nguyên tắc đạo đức” và thực hiện “kiểm soát chéo” về phát triển, áp dụng cũng như tích hợp công nghệ AI trong tất cả các lĩnh vực đời sống của một quốc gia nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung.
Có thể thấy, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ AI được cho là sẽ mang đến những tác động khó có thể dự báo và lường trước đối với nhiều lĩnh vực, nhất là liên quan đến ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia (bao gồm hệ giá trị, bản sắc văn hóa) của các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở rộng(23), bao gồm Việt Nam. Do vậy, để không rơi vào thế bị động, tránh được các tác động tiêu cực từ cạnh tranh giữa hai nước về phát triển công nghệ AI, cũng như tranh thủ nắm bắt các cơ hội có thể có, từ góc độ chính trị, đối ngoại, cần lưu tâm một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục chủ động thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Hai là, tập trung triển khai chiến lược tự lực, tự cường về công nghệ, trong đó quan tâm tập trung đầu tư cho công nghệ AI, tiến tới xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc mạng, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng đầu tư và đặt con người là chủ thể chính, luôn làm chủ công nghệ AI, phục vụ việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, đáp ứng với những thay đổi, biến đổi của thế giới trong tương lai, đặc biệt là sự liên hệ, liên kết, đồng bộ giữa thế giới thực và ảo; nghiên cứu, xây dựng các nền tảng hạ tầng, hệ thống mạng “Make in Viet Nam” song song với việc làm chủ, quản lý được các hệ thống nền tảng mạng do nước ngoài sản xuất, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào các nền tảng mạng do các doanh nghiệp, tập đoàn của nước ngoài cung cấp và tạo nền móng vững chắc trong việc triển khai, áp dụng các công nghệ, phát minh, sáng chế về AI của Việt Nam trong toàn bộ đời sống chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam trong tương lai. Ba là, dự báo xu hướng, đánh giá cụ thể tác động của AI và các kịch bản cạnh tranh về công nghệ AI giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới phục vụ việc xây dựng chính sách thích ứng tổng thể, qua đó áp dụng đối với từng lĩnh vực có liên quan trên cơ sở ưu tiên cụ thể; giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng hệ thống mạng có nguy cơ tạo lợi thế cho các đối tượng, thế lực thù địch chống và phá hoại các lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam(24). Bốn là, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm về xây dựng, phát triển nền tảng hệ thống mạng và công nghệ AI của Mỹ và Trung Quốc, qua đó đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến yếu tố AI trong các lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Năm là, cân nhắc sớm xây dựng, cập nhật, ban hành các văn bản pháp luật, trong đó bao gồm các quy định bảo vệ, quản lý, dữ liệu quan trọng của quốc gia, người dân Việt Nam; cập nhật, sửa đổi bổ sung nội dung liên quan đến công nghệ AI trong các văn bản, chính sách, quản lý hoạt động nền tảng mạng, trực tuyến của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất đóng góp nội hàm theo quan điểm của Việt Nam liên quan đến việc xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ chung của toàn cầu cũng như việc xây dựng tài liệu, văn bản hướng dẫn toàn cầu, khu vực về khía cạnh đạo đức đối với việc xây dựng, phát triển và quản lý công nghệ AI./.
-------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.08/21-25 và KX.04.35/21-25
(1) Xem: Catherine Clifford: “Google CEO: A.I. is more important than fire or electricity” (Tạm dịch: Giám đốc điều hành của Google: A.I. quan trọng hơn lửa hoặc điện), CNBC Make It on Facebook, https://www.cnbc.com/2018/02/01/google-ceo-sundar-pichai-ai-is-more-important-than-fire-electricity.html, ngày 1-2-2018
(2) Xem: Eric Smidth: “The AI Revolution and strategic competition with China” (Tạm dịch: Cuộc cách mạng AI và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc), https://www.project-syndicate.org/commentary/ai-revolution-competition-with-china-democracy-vs-authoritarianism-by-eric-schmidt-2021-08, ngày 30-8-2021
(3) United States Congress: “National Artificial Intelligence Innitiative Act of 2020” (Tạm dịch: Đạo luật khởi tạo trí tuệ nhân tạo quốc gia năm 2020), https://www.congress.gov/116/crpt/hrpt617/CRPT-116hrpt617.pdf page=1210, ngày 3-12-2020
(4) Xem: United States Congress: “National Artificial Intelligence Innitiative Act of 2020”, Tlđd
(5) Xem: The United States government: “About Artificial Intelligence” (Tạm dịch: Giới thiệu về trí tuệ nhân tạo), https://www.ai.gov/about/
(6) Xem: Quang Đào: “Cuộc đua vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo: Đã đến lúc lo lắng?”, Báo điện tử Thế giới & Việt Nam, ngày 19-6-2021
(7) Xem: T.N: “Trung Quốc với tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 23-7-2021
(8) Xem: SCMP: “Quân đội Trung Quốc có thể vượt Mỹ về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo”, Báo An ninh Thủ đô điện tử, ngày 31-10-2021
(9) Xem: Phan Văn Hòa: “Mỹ vung tỷ USD vào cuộc đua AI với Trung Quốc”, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 15-7-2021
(10) Xem: Eric Schmidt: “The AI Revolution and Strategic Competition with China” (Tạm dịch: Cuộc cách mạng AI và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc), https://www.thewirechina.com/2021/09/05/the-ai-revolution-and-strategic-competition-with-china/, ngày 5-9-2021
(11) Xem: Xuân Chi: “Mỹ giáng đòn vào tham vọng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc”, Tin tức Thông tấn xã Việt Nam, ngày 11-10-2019
(12) Xem: Zachary Kallenbon: “The race is on: Assessing the US-China Artificial Intelligence Competition” (Tạm dịch: Cuộc đua đang diễn ra: Đánh giá cuộc cạnh tranh trí tuệ nhân tạo Mỹ - Trung Quốc), Modern War Institute, ngày 16-4-2019
(13) Tập đoàn IBM của Mỹ có danh mục bằng sáng chế AI lớn nhất, với 8.920 bằng sáng chế, tiếp sau là Tập đoàn Microsoft với 5.930 bằng sáng chế và một nhóm các tập đoàn công nghệ chủ yếu gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đang chạy đua trên đường đua AI. Xem: Việt Đức: “Mỹ, Trung Quốc đang “song mã” trên đường đua trí tuệ nhân tạo”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 31-1-2019.
(14) Xem: Phương Anh: “Trung Quốc vượt Mỹ về nghiên cứu AI”, Báo Thanh niên điện tử, ngày 11-8-2021
(15) Xem: Final Report: “National Security Commission on Artificial Intelligence”, https://www.nscai.gov/wp-content/uploads/2021/03/Full-Report-Digital-1.pdf, 2021, tr. 46
(16) Xem: Fox Business: “China will use AI to ‘harm’ US, former Secretary of State Mike Pompeo warns” (Tạm dịch: Trung Quốc sẽ sử dụng AI để đối phó với Mỹ, cựu Ngoại trưởng M. Pôm-peo cảnh báo), https://video.foxbusiness.com/v/6229102915001#sp=show-clips, ngày 4-2-2021
(17) Xem: Nguyễn Việt Lâm: “Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế: cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 962, tháng 3-2021
(18) Tiến bộ của khoa học - công nghệ và cạnh tranh trong các lĩnh vực, như hạt nhân, không gian mạng và công nghệ AI sẽ dẫn đến những thay đổi, thậm chí là thách thức đối với quan điểm, nội hàm về an ninh lâu nay. Các quốc gia sẽ tìm kiếm, xác định các học thuyết chiến lược AI và so sánh với các học thuyết về những sức mạnh AI. Trong những thập niên tới, thế giới được cho là sẽ cần đạt được một cân bằng quyền lực giải thích cho sự vô hình của xung đột mạng và thông tin sai lệch quy mô hàng loạt cũng như những phẩm chất đặc biệt của chiến tranh do công nghệ AI thúc đẩy.
(19) Final Report: “National Security Commission on Artificial Intelligence”, Tlđd, tr. 79
(20), (21) Henry A. Kissinger, Eric Schmidt, Dainel Huttenlocher: The Age of AI and Our Human Future (Tạm dịch: Kỷ nguyên của AI và tương lai con người), Little, Brown and Company, Hachette Book Group, 2021, tr. 221, 96
(22) Xem: Ryan Sullivan: “The U.S, China, and Artificial Intellgience Comptetition Factors” (Tạm dịch: Mỹ, Trung Quốc và những yếu tố cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo), China Aerospace Studies Insitute, tr. 11 – 15
(23) Tác giả sử dụng thuật ngữ châu Á - Thái Bình Dương mở rộng để tương ứng với bối cảnh thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây. Tác giả cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở rộng thay vì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện được vai trò không chỉ về mặt địa lý mà còn là vai trò trung tâm lâu nay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, trong cấu trúc an ninh khu vực ngày càng có nhiều chủ thể trên thế giới tham gia
(24) Xem: Nguyễn Việt Lâm (chủ biên): Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 306 - 308
Về sự hình thành ba xu thế lớn trên thế giới ngày nay  (21/12/2021)
Mô hình xuất bản ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tự xuất bản - Gợi ý đối với hoạt động xuất bản Việt Nam  (29/06/2021)
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden  (26/06/2021)
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại Mỹ La-tinh: Những thách thức đối với chính quyền mới của Mỹ  (05/05/2021)
Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam  (07/04/2021)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn  (15/12/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm