Nước Mỹ trước nguy cơ vỡ nợ

Hương Ly
11:20, ngày 25-05-2011

TCCSĐT- Tính đến ngày 20-5-2011, nợ công của nhà nước Mỹ đã đạt tới giá trị trần trên do luật định là 14.294 tỉ USD. Thế nhưng, lúc này các nghị sĩ Quốc hội Mỹ vẫn chưa có hành động gì để nâng mức trần khoản nợ công đã tới mức khổng lồ này. Như vậy, tính trung bình, mỗi người dân Mỹ đã phải gánh chịu một gánh nợ công trên 45.000 USD (!).

 

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” này, Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma đưa ra lời đề nghị Quốc hội Mỹ kèm theo lời cảnh báo rằng nếu các nghị sĩ vẫn không thay đổi quan điểm, Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ và điều đó không chỉ đưa nước Mỹ mà tất cả các nước trên thế giới có dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD và ngân phiếu của Mỹ đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính mới còn nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng bùng phát vào năm 2008, khiến cả thế giới phải lao đao.  

Tiếp sau lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ghet-nơ Ti-mô-ti trong một bức thư gửi Quốc hội cũng cho biết, việc tạm thời tiếp tục phát hành trái phiếu sẽ cho phép Mỹ tránh được sự phá sản trước ngày 02-08-2011. Đến thời điểm đó, Chính phủ Mỹ hy vọng sẽ đạt được sự thỏa thuận với các nghị sĩ Quốc hội và sẽ được phép nâng mức trần nợ công, nghĩa là cho phép phát hành khoản công trái mới, thay vì đạt được sự đồng thuận cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, ông Ghet-nơ Ti-mô-ti còn kêu gọi Quốc hội không nên chờ đợi đến thời điểm 02-08-2011, mà ngay từ bây giới cần nâng cao mức trần phát hành công trái để vừa giữ được niềm tin của các nhà đầu tư vào nước Mỹ, vừa tránh được những hậu quả kinh tế mang tính thảm họa đối với dân chúng Mỹ.

Để giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ cắt giảm khoản trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí cho các chương trình dành cho người nghỉ hưu và bán một phần tài sản nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định rằng có thể lùi thời hạn tuyên bố phá sản bằng cách sử dụng các nguồn tài chính dự trữ khác để chi trả các khoản nợ. Bộ Tài chính Mỹ còn cam kết, những người nghỉ hưu sẽ không bị ảnh hưởng, còn hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước liên bang sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, cái gọi là “những nguồn dự trữ” mà Bộ Tài chính Mỹ hứa hẹn không phải là cái gì khác, mà chính là gia tăng tốc độ hoạt động của cỗ máy in tiền của Mỹ và đương nhiên điều đó sẽ dẫn đến tộc độ lạm phát ở mức độ cao.

Hiện nay thâm hụt ngân sách của Mỹ đã là quá lớn, còn nợ công đã vượt quá mức 90% GDP. Không kể Nhật Bản là quốc gia có mức nợ công đã vượt quá 200% GDP, thì Mỹ là nước duy nhất chưa có được một kế hoạch rõ ràng để lập lại trật tự trong hoạt động tài chính của nhà nước. Lúc này, yêu cầu cắt giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ chỉ mới đang được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, trong đó các nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đều chưa thỏa thuận được với nhau về phương thức giảm thâm hụt. Người của Đảng Cộng hòa từ chối tăng thuế, còn người của Đảng Dân chủ lại không muốn giảm ngân sách giành cho chi trả các nhu cầu xã hội như trả lương cho những người nghỉ hưu và bảo đảm y tế. Do đó, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, mọi chuyện có lẽ  sẽ khó có thể thay đổi được.

Các đại diện của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ không bỏ phiếu tán thành việc tăng trần nợ công nếu quyết định này không kèm theo việc cắt giảm chi phí công. Họ cũng cho rằng, Chính phủ Mỹ  cần phải bán một phần tài sản quốc gia, bao gồm dự trữ bằng vàng, để chi trả phần trăm cho các nhà đầu tư tín dụng. Còn Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma lại ủng hộ các nghị sỹ của Đảng Dân chủ và kêu gọi không nên gắn việc tăng mức trần nợ công với việc giảm chi phí công. Ông Ba-răc Ô-ba-ma tuyên bố: "Nếu bây giờ không phát hành đợt công trái mới, thì nước Mỹ không thể thanh toán các trách nhiệm nợ của mình và do đó các nhà đầu tư sẽ bắt đầu nghi ngờ khả năng tín dụng của Mỹ. Đối với nước Mỹ, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của một trong những nhà vay nợ tin cậy nhất trong mắt các nhà đầu tư".

Trong những năm gần đây, nước Mỹ đã không phải một lần nâng cao trần nợ công, trong đó đợt tăng giá trần cao nhất là vào những năm 1995-1996 dưới thời cầm quyền của Tổng thống Bin Clin-tơn. Trong những lần đó, bằng cách này hay cách khác, Chính phủ Mỹ vẫn đạt được sự thỏa thuận với các nhà lập pháp và nước Mỹ chưa bao giờ phải tuyên bố phá sản. Chính vì vậy mà nhiều nước trên thế giới vẫn mua ngân phiếu của Mỹ làm nguồn dự trữ như là một khoản tiết kiệm tin cậy nhất.

Từ trước đến nay, các nhà đầu tư luôn ủng hộ Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Nhưng trong quý II năm 2011, Cục đã bắt đầu ngừng việc phát hành trái phiếu Chính phủ với tổng trị giá 600 tỉ USD. Còn sắp tới đây chưa thể biết được ai sẽ mua trái phiếu Chính phủ của Mỹ. Nếu hai quốc gia sở hữu trái phiếu chính phủ của Mỹ chủ yếu là Trung Quốc và Nhật Bản nghi ngờ độ tin cậy vào thị trường tài chính của Mỹ, thì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường vốn trên phạm vi toàn cầu.

Hãng thông tấn “Reuters” dẫn lời của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma: “Nếu các nhà đầu tư trên toàn thế giới nghĩ rằng chúng ta không bảo đảm được sự tin cậy và tôn trọng đầy đủ, nếu họ nghĩ rằng chúng ta vi phạm cam kết của mình, thì điều này sẽ làm sụp đổ toàn bộ hệ thống tài chính của thế giới”.

Chỉ tính riêng trong tháng 03-2011, dự trữ ngoại tệ của Nga đã giảm thêm 2,7 tỉ USD, xuống còn 127,8 tỉ USD. Trung Quốc, nhà đầu tư chủ yếu vào thị trường tài chính Mỹ, cũng bắt đầu giảm tỷ phần dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD. Theo kết quả thống kê tháng 3-2011, Trung Quốc đã bán trái phiếu của Mỹ trị giá gần 10 tỉ USD. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về tổng giá trị trái phiếu của Mỹ trong dự trữ ngoại tệ, khoảng 1.140 tỉ USD.

Lúc này, không chỉ chính phủ các nước mà ngay các nhà đầu tư tư nhân cũng bắt đầu xa lánh trái phiếu chính phủ của Mỹ. Thí dụ, Quỹ Đầu tư PIMCO tư nhân, một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, từ lâu đã dè chừng với trái phiếu chính phủ của Mỹ. Nhà đầu tư này đã từng giải thích với các khách hàng của họ như sau: “Điều mà chúng tôi đã từng cảnh báo về việc uy tín của Mỹ sẽ giảm trong tương lai thì hiện nay dự báo đó đã trở thành hiện thực và là nguyên nhân chủ yếu khiến chúng tôi lo ngại. Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ giờ đây giống như con tàu “Titanic” đang tiến gần tới điểm đụng độ với tảng băng ngầm của sự sụp đổ tài chính và các nhà đầu tư đã đến lúc cảnh giác về chuyện này”.

Trong khi đó, Nhật Bản và Anh cũng là một trong những quốc gia sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ vào loại lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ. Trong vòng một tháng, Nhật Bản đã mua trái phiếu của Mỹ trị giá 16,7 tỉ USD và hiện nay đang sở hữu số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 907,9 tỉ USD. Còn Anh trong tháng vừa qua cũng đã mua trái phiếu chính phủ của Mỹ trị giá 30 tỉ USD, đưa tổng số lên tới trên 900 tỉ USD. Tính tổng cộng, dòng vốn nước ngoài vào Mỹ tháng 03-2011 ước tính 116 tỉ USD, trong khi đó con số này vào tháng 02-2011 chỉ có 95,6 tỉ USD và tháng 01-2011 là 38,7 tỉ USD. Tính tổng cộng, trong quý I năm 2011, Mỹ chiếm 250,3 tỉ USD trên thị trường tài chính thế giới. Nhưng liệu số tiền này liệu có thể cứu vớt được nước Mỹ tránh được nguy cơ phá sản?

Theo thông tin của Hãng thông tấn “Reuters”, Bộ Tài chính Mỹ thông báo với Quốc hội Mỹ rằng, đến trước cuối năm 2012, nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ của Mỹ ước tính sẽ vào khoảng 2.000 tỉ USD. Nếu không tăng mức lãi trần nợ công, rõ ràng nước Mỹ sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu đó. Vì vậy, tăng mức trần nợ công không chỉ giúp Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, mà còn cứu vớt nền tài chính toàn cầu. Như vậy, trong một nền kinh tế thế giới mà đồng USD còn đóng vai trò ngự trị, thì dù nhà cầm quyền Mỹ còn có những hành động khiến nhiều nước lo ngại, người ta vẫn không muốn nhìn thấy nước Mỹ vỡ nợ./.