Không được như kỳ vọng
Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 (gồm Nga, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, I-ta-li-a, Pháp và Ca-na-đa) đã diễn ra tại Hô-kai-đô (Nhật Bản) trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng lớn về tài chính, năng lượng, lương thực cũng như nhu cầu cấp thiết phải hành động trước sự “ấm lên” của Trái Đất.
Khủng hoảng 3F và vấn đề khí hậu
Sự nhóm họp nguyên thủ của 8 nước công nghiệp phát triển được cho là dịp để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng về tài chính, giá nhiên liệu và lương thực, được gọi chung là "cuộc khủng hoảng 3F", (viết theo chữ cái đầu của Finance-Fuel-Food) đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Vì lẽ đó mà đây cũng là các nội dung trọng tâm của hội nghị lần này.
Tình trạng rối loạn trên thị trường tài chính bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay cầm cố thứ cấp ở Mỹ đã khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào các mặt hàng như dầu và thực phẩm, kéo theo sự tăng giá hàng loạt của nhiều mặt hàng này tăng vọt, gây lạm phát trên toàn thế giới. Sức ép lạm phát cũng làm giảm khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế và bình ổn thị trường tài chính của các ngân hàng trung ương. Nhiều nhà phân tích cảnh báo đồng USD sụt giá và giá dầu tăng sẽ càng làm tăng sức ép lạm phát trên toàn cầu.
Trong nỗ lực kiềm chế giá dầu và lương thực tăng, điều cần thiết là tìm ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng này. Tuy nhiên, cho đến giờ, các nước liên quan đã đưa ra các nguyên nhân rất khác nhau, những nước này có các lợi ích khác nhau và hệ quả là khó đưa ra quyết sách chung. Lần đầu tiên kể từ năm 1973, thế giới phải đối mặt với tình trạng giá dầu và giá lương thực cùng tăng kỷ lục, đe dọa đẩy hơn 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và đảo ngược những thành quả đã đạt được trong việc xóa đói, giảm nghèo trong 7 năm qua. Khoảng 41 quốc gia trên thế giới đã mất từ 3% đến 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do giá lương thực, nhiên liệu và hàng hóa tiêu dùng tăng cao, và có ít nhất 30 nước đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc bạo động liên quan đến lương thực.
Nước chủ nhà Nhật Bản lấy nội dung đang gây nhiều bất đồng là vấn đề biến đổi khí hậu làm chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh năm nay. Hiện các nước G8 đang là những “chủ thể” thải ra 62% lượng CO2 toàn cầu, song họ đã không thực hiện được vai trò tiên phong trong những nỗ lực giảm lượng khí thải cũng như xây dựng các ngành công nghiệp “năng lượng xanh”. Mỹ, nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới tính theo đầu người, vẫn đòi hỏi mọi thỏa thuận cắt giảm khí thải CO2 có sự tham gia của hai nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay nước chủ nhà Nhật Bản cũng đang tiếp cận chậm chạp "theo từng lĩnh vực" trong cuộc vận động cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nga và Ca-na-đa yêu cầu Trung Quốc và Ấn Độ tham gia thỏa thuận toàn cầu trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ yêu cầu Nhóm G8 phải có trách nhiệm cam kết trước.
Lực bất tòng tâm
Trước các thách thức trên, khả năng đối phó và giải quyết của G8 là rất hạn chế, một mặt do thiếu chương trình nghị sự cụ thể và mỗi nước có một ưu tiên riêng; mặt khác vì thiếu quyết tâm chính trị chung. Một nhà ngoại giao Anh cho rằng, sau mỗi hội nghị, các nhà lãnh đạo G8 "lại ra đi và để lại những lời hứa hẹn”. Ngay cả Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ, dù vẫn hối thúc các nhà lãnh đạo G-8 thực thi những cam kết tại các hội nghị thượng đỉnh G8 trước đây, nhưng chính ông ta cũng thừa nhận bản thân mình cũng như các đồng nghiệp trong nhóm này không thể giải quyết ngay vấn đề giá dầu đã lên cao gấp đôi kể từ hội nghị G8 tại Đức năm 2007.
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Hô-kai-đô chỉ nêu ra rằng, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro và nguy cơ suy thoái; bày tỏ lo ngại về tình hình giá hàng hóa tăng cao, đặc biệt là giá dầu và giá lương thực do các yếu tố này tạo ra thách thức lớn đối với sự tăng trưởng ổn định toàn cầu; kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch và ổn định để tăng sản lượng, đồng thời đề nghị các nước tiêu thụ dầu mỏ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như thúc đẩy việc đa dạng hóa nguồn năng lượng; cam kết tiếp tục điều chỉnh sự mất cân đối toàn cầu thông qua việc quản lý kinh tế vĩ mô và các chính sách cơ cấu tại các nước G8 cũng như các nền kinh tế mới nổi và các nước sản xuất dầu mỏ; phản đối sức ép của chủ nghĩa bảo hộ đối với đầu tư và thương mại toàn cầu dưới mọi hình thức.
Tuyên bố đó nhấn mạnh các chính sách mở cửa đầu tư và thương mại nhằm tăng cường nền kinh tế, khuyến khích các nước thực hiện những bước phát triển, duy trì và thúc đẩy các cơ chế, hoan nghênh đầu tư nước ngoài, bảo đảm sự đối xử bình đẳng đối với đầu tư nước ngoài, bảo đảm tự do lưu thông vốn và các khoản lãi từ đầu tư; khẳng định quyết tâm hoàn tất các cuộc đàm phán tự do thương mại của Vòng đàm phán Đô-ha trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Chỉ có một tiến triển đáng kể trong lĩnh vực môi trường tại Hội nghị lần này, đó là việc các nhà lãnh đạo G8 đã đạt được sự đồng thuận hướng tới việc ấn định mục tiêu cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Theo đó, G8 cam kết giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến 2050. Các vấn đề nóng bỏng toàn cầu khác không nhận được giải pháp cụ thể nào từ các nhóm nước giàu, vốn có vai trò lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự này.
“Chiếc áo G8” đã quá chật...
Cơ chế G8 hiện nay bắt nguồn từ cuộc họp thượng đỉnh 6 nước tổ chức năm 1975 ở Pháp, thời điểm sau khi diễn ra cuộc khủng hoảng dầu lửa đầu tiên (1973-1974), với mục tiêu vực dậy nền kinh tế toàn cầu. Cùng với sự gia nhập của Ca-na-đa (năm 1976) và Nga (năm 1997), nhóm G8 cũng mở rộng chủ đề thảo luận sang các lĩnh vực khác như chống khủng bố, phát triển, môi trường.
Có một thực tế là các vấn đề toàn cầu hiện nay có phạm vi ảnh hưởng tới mọi quốc gia nên sự giải quyết nhất thiết đòi hỏi một nhận thức và quyết tâm chung. Trong khi đó, cơ chế G8 vẫn chưa có thêm cải thiện nào để phù hợp với bối cảnh mới. Một G8 hiện nay sẽ khó có thể đề ra giải pháp cho những vấn đề kinh tế và môi trường cho thế giới trong khi Trung Quốc, nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường toàn cầu và là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản, lại không có ý kiến vì không phải là nước thành viên. Hay về vấn đề giá dầu, G8 không thể có một quyết định hiệu quả trong khi chỉ có Nga mà không có đại diện thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Cũng vậy, đối với vấn đề khủng hoảng lương thực, trong các nước thành viên G8 không có mặt những nước châu Á, vốn là những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới.
Trước thềm Hội nghị G8, Tổng thống Nga Đ.Méc-vê-đép đã có phát biểu cho rằng, hàng loạt cơ cấu quốc tế lập ra trong thập niên trước với mục đích điều phối nền kinh tế thế giới đến nay đã không đảm đương nổi nhiệm vụ đó nữa. Theo ông, trong quá trình phát triển, G8 đã trải qua những giai đoạn khác nhau. Ban đầu, các nước chỉ bàn luận về vấn đề kinh tế. Sau đó, nội dung bàn bạc của nhóm G8 trở nên chính trị hóa hơn. Thậm chí đã có giai đoạn, những vấn đề kinh tế nói chung hầu như biến mất khỏi chương trình nghị sự. Bây giờ, với vị trí là nhóm các nước có vai trò lớn trên thế giới, G8 cần bàn luận về tình hình tài chính kinh tế và khủng hoảng lương thực.
... nhưng nới rộng cũng không dễ
Một mô hình cải tổ G8, theo nhận định của Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép, phải là một hệ thống công bằng hơn, linh hoạt hơn, có khả năng đáp ứng đúng những đòi hỏi của thời đại, học cách quản lý những tiến trình vốn đã dẫn tới những bùng phát gay gắt trên thị trường tài chính toàn cầu, phù hợp với thực tại hiện nay của thế giới. Tổng thống Nga Đ.Méc-vê-đép nhấn mạnh, hệ thống mới sẽ không thể chỉ định hướng vào một nước và vào một thứ ngoại tệ. Trong tương lai cần dựa trên cơ sở cân đối giữa các nền kinh tế hàng đầu, dựa trên sự tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế này và theo nguyên tắc sử dụng bình đẳng một số ngoại tệ dự trữ.
Rõ ràng khuôn khổ G8 không còn phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đó cũng là lý do mà Nhật Bản, nước đăng cai hội nghị G-8 năm nay, đã đưa ra một loạt mô hình bổ sung. Đến Hô-kai-đô lần này, còn có nhiều nước được mời đến thảo luận với các nhà lãnh đạo G8 tại một loạt các cuộc họp mở rộng. Trong đó có cuộc họp 7 nước châu Phi (gồm Nam Phi, An-giê-ri, Ê-ti-ô-pi-a, Ga-na, Ni-giê-ri-a, Xê-nê-gan, Tan-da-ni-a), Liên minh châu Phi và các nước G8 về vấn đề viện trợ cho phát triển, cuộc họp G8 về kinh tế thế giới, cuộc họp G8 + Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô và Nam Phi (G13) về sự biến đổi khí hậu, Hội nghị mở rộng giữa G8 và các nước có nền kinh tế mới nổi (còn gọi là G16, gồm G13 và thêm ba nước là In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a).
Nhận định về sự cấp thiết phải mở rộng cơ chế G8, ông L. Bren-na, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Brốc-kinh, tổ chức tư vấn của chính quyền Mỹ, cho rằng điều tất yếu là phải mở rộng cơ chế G8, vấn đề chỉ là thời điểm. Bởi cần có sự tham gia của những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mê-hi-cô, Bra-xin hay Nam Phi thì mới có thể đối phó được với những thách thức to lớn mang tính toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, dự án mở rộng G8 ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Mỹ. Phát ngôn viên Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ G. Giôn-đroi tuyên bố, Mỹ không ủng hộ đề nghị mở rộng G8. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ chính thức bày tỏ thái độ về việc mở rộng G8. Cùng với Mỹ, Nhật Bản cũng lên tiếng phản đối. Các vấn đề vượt ra bên ngoài của nhóm có thể giải quyết bằng cách thảo luận thêm với các nước khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Liên quan đến hai nước đông dân nhất hành tinh này, nhiều nhà quan sát trung lập nhận xét, G8 đang trở nên kém quan trọng nếu không có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước sản sinh ra khí CO2 nhiều nhất trên thế giới. Ấn Độ cũng đang phát triển rất nhanh và trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới. Hai quốc gia này có vai trò không thể bỏ qua trong tất cả các vấn đề toàn cầu hiện nay, từ chuyện giá dầu, lương thực đến bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, Hội nghị G8 lần này chưa thể giải quyết được những vấn đề xuất phát từ bên trong cũng như được nảy sinh do tác động của bối cảnh quốc tế bên ngoài. Việc các nước G8 cần phản ứng kịp thời trước những sự kiện của thế giới theo như tuyên bố của Tổng thống Nga Đ.Méc-vê-đép phải chăng vẫn đang là mục tiêu quá khó với cả Nhóm G8, trong bối cảnh nội lực thì có hạn mà thách thức thì ngày càng khó khăn hơn?./.
Tiếp nối đà phát triển tốt đẹp  (11/07/2008)
Cao Bằng quyết tâm đưa công nghiệp thành ngành kinh tế động lực  (11/07/2008)
Dân số toàn cầu và những sức ép từ việc gia tăng dân số  (11/07/2008)
Sự gia tăng dân số ở Việt Nam  (11/07/2008)
Tháng hành động dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2008  (11/07/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên