Nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài đang ráo riết triển khai kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam khi thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào tháng 1-2009, theo cam kết gia nhập WTO, đã đến rất gần.

Best Denki, 1 trong 5 tập đoàn bán lẻ điện máy lớn nhất của Nhật Bản, đã sẵn sàng trực tiếp tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam bằng một liên doanh dự kiến được thành lập vào tháng 11 tới. Trước đó, Best Denki cũng đã chọn Công ty tiếp thị Bến Thành, đang sở hữu thương hiệu điện máy Best Carings của tập đoàn này, làm đối tác nhượng quyền thương mại.

Theo ông C.J.Raj - Giám đốc Tiếp thị và Phát triển kinh doanh khu vực của Best Denki tại Xin-ga-po, tiềm năng thị trường bán lẻ, đặc biệt là thị trường điện máy Việt Nam là rất lớn. Do vậy, trong thời gian tới, ngoài các siệu thị hiện có ở Hà Nội và Cần Thơ, Best Denki sẽ tiếp tục mở thêm 10 chuỗi siêu thị điện máy tại các đô thị lớn nhằm hướng đến mục tiêu chiếm 5% trong tổng doanh thu 3 tỉ USD mỗi năm của thị trường điện máy Việt Nam vào năm 2012.

Nhà phân phối nước ngoài lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Metro Cash & Carry cũng vừa được Chính phủ cho phép mở thêm trung tâm thứ 9 tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và đã công bố sẽ mở 12 trung tâm nữa tại Việt Nam.

Sau hơn 6 năm có mặt tại Việt Nam, Metro Cash & Carry đã đầu tư 120 triệu USD để kinh doanh 8 trung tâm bán buôn tại năm tỉnh, thành phố lớn. Trong số 3.000 nhân viên của tập đoàn này tại Việt Nam, chỉ có 8 người nước ngoài.

Ngoài 2 "đại gia" này, Big C, Parkson và nhiều siêu thị và trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài khác cũng đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam.

Hai tập đoàn siêu thị của Hàn Quốc là Lotte đang xây dựng và đào tạo nhân viên chuẩn bị đưa vào hoạt động một trung tâm lớn ở khu Nam Sài Gòn và GS Retail có kế hoạch sẽ xây 10 trung tâm mua sắm ở Bình Dương trong hai năm tới.

Từng nổi danh trên thị trường Việt Nam với các sản phẩm thức ăn gia súc, thực phẩm tươi sống và chế biến, Tập đoàn kinh doanh nông sản Charoen Pokphand Group (CP Group) của Thái Lan cũng đang mở rộng hệ thống cửa hàng Fresh Mart tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước động thái tích cực trên của các nhà phân phối nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang chủ động vào cuộc phát triển mạng lưới để cạnh tranh thị phần ngay trên “sân nhà”.

Với mục tiêu hình thành hệ thống siêu thị bình dân phục vụ mọi đối tượng người tiêu dùng, cuối tuần qua, Tổng công ty thương mại Sài Gòn – Satra đã khai trương một trong chuỗi siêu thị từ nay đến năm 2010.

Hệ thống siêu thị Co.opmart, thương hiệu đang rất thành công của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op, cũng đã hợp tác với Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại chuyên đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản – BMC để mở siêu thị ở những trung tâm thương mại của BMC.

Có thể thấy những cam kết mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam đang tạo ra nhiều cơ hội trưởng thành cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo động lực cho sự tăng tốc đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thêm nhiều kênh lựa chọn cho người tiêu dùng.

Theo thống kê của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, tổng mức bán lẻ của toàn xã hội giai đoạn 2003-2007 đạt mức tăng 18-22%, vượt xa mức 8 - 10% của giai đoạn trước đó. Riêng 9 tháng đầu năm nay, giá trị bán lẻ cả nước đạt khoảng 694.000 tỉ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện Việt Nam có khoảng 400 siêu thị, 60 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện ích. Dự kiến đến năm 2010, số siêu thị sẽ tăng lên 700 – 750, trung tâm thương mại tăng lên 150 và số cửa hàng tiện ích sẽ lên đến hàng chục ngàn./.