Thành phố Cần Thơ hướng đến đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
TCCS - Với vị trí là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong giai đoạn phát triển mới, thành phố Cần Thơ có vai trò, sứ mệnh mới cao hơn là phải trở thành một cực tăng trưởng của đất nước, là bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững cho toàn vùng. Để xứng đáng với vai trò, sứ mệnh đó, yêu cầu hàng đầu đặt ra hiện nay là phải xây dựng và thực hiện tốt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo không gian và động lực phát triển mới cho thành phố và vùng ĐBSCL.
Thành quả bước đầu quan trọng nhưng chưa tạo được nhiều đột phá
Nằm bên bờ Nam sông Hậu, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 170km, thành phố Cần Thơ được xác định là trung tâm, đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; là trung tâm đầu mối phát triển có chức năng tổng hợp của vùng. Qua quá trình tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ(1), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quan tâm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế thành phố tăng trưởng khá trong nhiều năm liền với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố vẫn còn một số hạn chế, như quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, nhưng quy mô công nghiệp còn nhỏ, năng suất không cao; tỷ trọng dịch vụ tăng nhanh, nhưng giá trị gia tăng còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp, trở thành điểm nghẽn trong liên kết vùng và thúc đẩy phát triển; chưa khai thác tối ưu các lợi thế về vị trí địa lý, đặc biệt là vị trí trung tâm vùng. Về không gian phát triển, vùng nội thị chủ yếu vẫn là khu vực lõi ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, chưa phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế. Vùng phát triển đô thị - công nghiệp khu vực ngoại thành chủ yếu mới đạt thành tựu về hạ tầng đô thị, còn hạ tầng dành cho công nghiệp chưa hình thành như định hướng quy hoạch chung được duyệt.
Nhìn chung, sự phát triển của thành phố Cần Thơ qua gần 20 năm hình thành và phát triển tuy đã có nhiều khởi sắc, nhưng chưa mang tính đột phá, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vai trò hạt nhân, trung tâm và động lực phát triển của thành phố đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL chưa rõ nét. Môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với một số địa phương trong vùng. Nội lực về vốn đầu tư và doanh nghiệp dẫn đầu mang tính lan tỏa, có khả năng tạo phát triển đột phá về kinh tế của thành phố chưa thực sự mạnh mẽ.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là do trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế của thành phố chưa tương xứng với vị trí, vai trò của một đô thị loại I trực thuộc Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng chính của vùng ĐBSCL và của thành phố chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị; phát triển đô thị thiếu tính đối xứng về phân bố các trục kinh tế - đô thị, nhiều địa bàn còn chưa thực sự mang diện mạo của đô thị; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa theo kịp một số tỉnh, thành phố đi đầu trên toàn quốc về chất lượng đào tạo và năng suất lao động; biến đổi khí hậu và sạt lở bờ sông ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp không gian phát triển;...
Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 59-NQ/TW) xác định thành phố Cần Thơ đến năm 2030 “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL...”. Để hiện thực hóa mục tiêu đó và sớm khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là phải tập trung nghiên cứu, xây dựng “Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là Quy hoạch thành phố) với hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL, là đô thị phát triển năng động của vùng ĐBSCL và cả nước, có vị thế cao trong hội nhập khu vực và quốc tế.
Quan điểm, phương hướng phát triển thành phố Cần Thơ
Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 5-2-2018, của Chính phủ, “Về triển khai thi hành Luật Quy hoạch năm 2017”, trong quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch thành phố, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tham khảo kinh nghiệm phát triển đô thị sông nước ở nhiều địa phương trong nước và thế giới, có sự so sánh, đối chiếu với một số đô thị sông nước ở Hà Lan, I-ta-li-a, Thái Lan có nét tương đồng với thành phố Cần Thơ, nhằm bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian ngầm, phát triển hài hòa giữa các khu vực trong đô thị. Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị tham vấn ý kiến của các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, các tỉnh trong vùng ĐBSCL, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, các đoàn thể, hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Qua tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh nội dung bản dự thảo, ngày 13-2-2023, Dự thảo “Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thành phố tổ chức Hội nghị thẩm định và thông qua.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch thành phố phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW, cụ thể: Đến năm 2030, Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL và đến năm 2050, Cần Thơ trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Quy hoạch được xây dựng theo nguyên tắc phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, với Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng ĐBSCL, trong đó điểm nhấn là thành phố Cần Thơ phải thực sự là trung tâm của vùng ĐBSCL, là một cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo phát triển cho cả vùng, chứ không phải riêng của Cần Thơ.
Quan điểm, phương hướng phát triển thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định như sau:
Một là, phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng ĐBSCL để phát triển nhanh và bền vững, nhất là vai trò trung tâm vùng; vị trí cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; cảng biển và cảng hàng không quốc tế; tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước; di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn thành phố và vùng ĐBSCL. Chủ động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hai là, thành phố Cần Thơ phải trở thành trung tâm dịch vụ khoa học - công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là trung tâm sản xuất cây giống, con giống chủ lực; phát triển ngành chế biến sâu nông sản để kết nối với các tỉnh vùng ĐBSCL; xây dựng và phát triển Cần Thơ thành trung tâm logistics nông sản của vùng phục vụ thị trường trong nước và thế giới.
Ba là, tập trung nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới, nhất là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập quốc tế của địa phương và doanh nghiệp; xây dựng hệ cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển. Đồng thời, tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Bốn là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với ứng phó biến đổi khí hậu; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hài hòa giữa đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Một số vấn đề cần quan tâm thực hiện
Thời gian tới, thành phố Cần Thơ tập trung phát triển hài hòa theo 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Về kinh tế, thành phố sẽ đảm nhiệm vai trò động lực cho sự phát triển của vùng ĐBSCL, hợp tác và liên kết vùng, là cầu nối giữa vùng với quốc gia, quốc tế để phát triển toàn diện, trở thành trung tâm công nghiệp cao, đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, với kết cấu hạ tầng thông minh, hiện đại. Về xã hội, thành phố chú trọng mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội của người dân. Xem con người là trung tâm của sự phát triển thông qua việc cải thiện mức sống, cải thiện chỉ số phát triển con người, cải thiện năng suất lao động, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, khoảng cách thành thị và nông thôn, cải thiện tiếp cận dịch vụ tiện ích và phúc lợi xã hội. Về môi trường, Cần Thơ là đô thị sinh thái sông nước, phát triển theo hướng bảo đảm bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, cảnh quan tự nhiên đặc trưng.
Để đạt được mục tiêu đó, trong quá trình triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, nơi hội tụ nền văn hóa mang đậm bản sắc sông nước, với các hình thức cư trú và canh tác đặc trưng. Nét đặc trưng của thành phố là sự hòa quyện giữa sự độc đáo của mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt với văn hóa sông nước và văn minh đô thị, tạo nên một tổng thể văn hóa của đất và người Cần Thơ, thể hiện trên nhiều phương diện, như kiến trúc, ẩm thực, hệ thống nghi lễ, lối sống, nếp sống, phong tục, tập quán. Với đặc thù đó, Quy hoạch thành phố xác định nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa sông nước trong phát triển đô thị của Cần Thơ gắn kết với hệ thống đô thị sông nước vùng ĐBSCL; phát huy tối đa những điều kiện và lợi thế tự nhiên của văn hóa đặc thù liên quan đến sông nước, bố trí không gian đô thị hợp lý, hài hòa và đồng bộ để nhấn mạnh bản sắc đô thị sông nước. Đây là cơ sở để phát triển Cần Thơ theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh; hướng đến trở thành thành phố an toàn, thanh bình, cộng đồng dân cư sinh sống bình đẳng, gắn kết hài hòa và thân thiện, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Thứ hai, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và không gian đầu tư xây dựng của thành phố phải được quy hoạch, bố trí theo hướng hiện đại, đồng bộ trên phạm vi từng ngành, từng quận, huyện, phù hợp với quy hoạch chung của vùng ĐBSCL và cả nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án trọng điểm nhằm tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Việc tổ chức, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trên địa bàn bảo đảm tính hợp lý, cân đối, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nội lực của mỗi vùng trong thành phố; tạo ra và tăng cường mối quan hệ liên quận huyện, liên vùng quận huyện.
Thứ ba, khoa học - công nghệ vừa là nguồn lực, vừa là động lực để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo định hướng đề ra trong Quy hoạch; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được thành phố xác định là đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030. Một trong những giải pháp để thực hiện được chiến lược này là hỗ trợ cho việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao để gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu, đào tạo, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Thứ tư, Cần Thơ phấn đấu trở thành một trung tâm kinh tế của vùng phía Nam sông Hậu, hội tụ nguồn lực với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, từ đó tăng cường kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Định hướng này đòi hỏi quy hoạch một trung tâm đầu mối tổng hợp vùng ở Cần Thơ, nhằm tăng cường vị thế trung tâm vùng của thành phố. Đó cũng là cơ sở để tạo ra sức hút đầu tư nhằm bảo đảm sự kết nối, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và sự liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng, cần được ưu tiên trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch.
Thứ năm, Quy hoạch xác định xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ phải trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố sông nước, nhất là vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông. Thời gian tới, thành phố chú trọng đầu tư, khai thác, phát huy hợp lý hệ thống cảng biển và cảng hàng không quốc tế; tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước; di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn. Để phát huy vai trò là trung tâm của vùng ĐBSCL về thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thích ứng tốt hơn với tác động từ biến đổi khí hậu, nhất là về con người, khoa học - công nghệ, các giải pháp công trình và phi công trình khác.
Thứ sáu, để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch, vấn đề quan trọng là phải phát huy tối đa nguồn lực nội tại của thành phố, tranh thủ kịp thời và hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, bao gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao, thành tựu khoa học - công nghệ, nguồn lực tài chính... Đối với nguồn lực về vốn, bên cạnh yêu cầu sử dụng nguồn vốn hợp lý để nâng cao hiệu quả đầu tư, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch là: vốn ngân sách chỉ mang tính dẫn dắt, còn nguồn lực tổ chức thực hiện chủ yếu là từ khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kết hợp huy động vốn từ các tổ chức phi chính phủ; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, tăng cường huy động vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)./.
----------------------------
(1) Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Quyết định số 1533/QĐ-TTg, ngày 30-8-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11-1-2022, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ”
Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long hiện nay  (14/07/2023)
Tỉnh Cà Mau huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nhanh và bền vững  (19/04/2023)
Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững  (19/02/2023)
Bàn giải pháp phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long  (02/08/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm