TCCS - Thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, có 409 hộ, 1.876 người, có 110 ha diện tích canh tác, là nơi lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Quế Võ; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã; cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Mộ Đạo quyết tâm dồn điền, đổi thửa, sắp xếp lại ruộng đồng để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đổi mới cây trồng, vật nuôi thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong bài “Gửi nông gia Việt Nam”, ngày 7-12-1945, Bác viết: “Loài người ai cũng “Dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn”; nước ta thì “Dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng.” (2) Trước khi vĩnh biệt chúng ta, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ... Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế - văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.”(3)

Quán triệt tư tưởng “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” của Hồ Chí Minh và thực hiện Di chúc của Người, những năm qua, Chi bộ Mộ Đạo đã cùng nhân dân thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý theo Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ xã. Để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và trực tiếp, việc quan trọng trước hết là Chi bộ chỉ đạo hợp tác xã và bà con chuyển đổi “Dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn”.

Để công tác chuyển đổi thành công, xuất phát từ thực tiễn địa phương, Chi bộ đã thảo luận, bàn bạc và thông qua Nghị quyết trong năm 2008 chuyển đổi 100% diện tích canh tác. Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh “Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết”(4), Chi bộ đã tổ chức Hội nghị quân - dân - chính để thống nhất tư tưởng, Hội nghị toàn thể xã viên để bàn cách thức tổ chức thực hiện việc chuyển đổi. Chi bộ chỉ đạo thành lập Ban chuyển đổi của hợp tác xã gồm 16 người gồm những xã viên có uy tín được nhân dân tin tưởng, có kinh nghiệm trong sản xuất, am hiểu về ruộng đất, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao. Ban chuyển đổi chia làm 3 bộ phận và phân công nhiệm vụ cụ thể:

+ Bộ phận quy hoạch: Có nhiệm vụ lập bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông thủy lợi với phương châm “ruộng nhà nào cũng giáp bờ vùng, đều có mương dẫn nước vào”. Phân hạng đất theo quy hoạch mới: hạng 1: chân ruộng màu và mạ; hạng 2: chân ruộng vàn; hạng 3: chân ruộng trũng.

+ Bộ phận tổng hợp: Có nhiệm vụ tổng hợp chính xác diện tích của hộ xã viên theo bìa đỏ năm 2001 và số khẩu hiện tại. Diện tích từng loại cộng với từng vùng sau khi đã đào đắp xong hệ thống giao thông, thủy lợi.

+ Bộ phận tuyên truyền: Sau khi thực hiện công khai về quy hoạch diện tích từng xứ đồng, hạng đất, số khẩu của từng hộ, Ban chuyển đổi niêm yết quy hoạch tại Trung tâm văn hóa xã để toàn dân nghiên cứu, góp ý và kiểm tra, kiểm soát. Sau đó, bộ phận tổng hợp sửa đổi, bổ sung và hoàn tất. Bộ phận tuyên truyền phát phiếu đến từng hộ dân để xin ý kiến về chuyển đổi theo 3 nội dung:

- Ông (bà) có đồng ý chuyển đổi không?

- Ông (bà) có tự nguyện vào 1 vùng không?

- Ông (bà) chuyển 2 hay 3 vùng?

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, 100% số xã viên đồng tình, ủng hộ công tác chuyển đổi. Sáu cuộc họp toàn thể xã viên hợp tác xã triển khai nhằm thống nhất thời gian, phương thức chia ruộng, nên chỉ trong 30 ngày đã chia xong 110 ha canh tác. Trong quá trình đó, cán bộ, đảng viên đã thực sự nêu cao vai trò đầu tàu, gương mẫu, nhất là các đồng chí trong Ban chuyển đổi, có ý thức trách nhiệm cao, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tận tâm trong công việc được phân công. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, không tránh được những khó khăn, phức tạp nảy sinh: Việc ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng gần, ruộng xa; việc đo thiếu, đo thừa, v.v.. cũng gây thắc mắc, so bì trong nhân dân. Để giải quyết mâu thuẫn, thắc mắc, Chi bộ đã cùng với ban lãnh đạo thôn và các tổ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm công khai, công bằng, đúng nguyên tắc và làm công tác tư tưởng trong nhân dân. Kết quả cuối cùng là công tác dồn điền đổi thửa đã thành công. Trước đây mỗi hộ có 13 - 14 thửa thì sau khi chuyển đổi chỉ còn 3 đến 4 thửa. Qua một vụ canh tác cho thấy việc dồn điền đổi thửa đem lại nhiều thuận tiện, hiệu quả, giảm công chăm sóc, tiền đầu tư, giảm sâu bệnh và năng suất tăng.

Đạt được kết quả thành công trong công tác “dồn điền, đổi thửa”, Chi bộ Mộ Đạo đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:

Một là, nâng cao được uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Phát huy vai trò của đội ngũ, đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám hy sinh, biết đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Phải có chủ trương đúng và quyết tâm cao, phù hợp với thực tiễn của địa phương, có chỉ đạo kịp thời, sâu sát tình hình thực tế, sự đoàn kết nhất trí trong cấp ủy, chi bộ và sự đồng thuận của nhân dân thì công việc chuyển đổi mới thành công tốt đẹp.

Hai là, phát huy dân chủ trong việc đề ra chủ trương, nghị quyết và tổ chức thực hiện trong chi bộ và nhân dân. Tập trung trí tuệ, sáng kiến của tập thể và từng cá nhân để công tác “dồn điền đổi thửa” sát thực tiễn, đoàn kết, hòa thuận, thành công.

Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Chi bộ theo gương Bác là phải lắng nghe dân, sát dân trong công tác tập hợp, vận động nhân dân, dựa vào dân, khơi sức dân và vì dân. Có như vậy thì công việc to hay nhỏ, khó hay dễ đều có thể thành công. Đó là cách làm theo Bác một cách thiết thực nhất./.

-----------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 47, 114

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 12, tr 498

(4) Sđd: t 6, tr 90