Chợ nổi trên sông Xà No - Ảnh: TTXVN

TTCS - Nền kinh tế thế giới đang vận hành theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu. Nghĩa là mỗi một quốc gia trở thành một mắt xích trong việc chế tạo ra các bộ phận hợp thành một sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh để có thể tận dụng hết các thế mạnh của nhau. Vì thế Việt Nam cần phải làm gì để có thể tham gia được nhiều vào "dòng thác" này?

1 - Vấn đề đặt ra

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại những cơ hội to lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường nông sản xuất khẩu. Hiện nay tỷ trọng hàng nông, lâm sản xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 30% - 35% tổng sản lượng nông sản, trong đó lúa gạo chiếm khoảng 20%, cà-phê - 95%, cao-su - 85%, hạt điều - 90%, chè - 80%, hạt tiêu - 95%... Một số nông sản của Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới (như gạo, cà-phê, hạt điều, hạt tiêu). Ngoài các khu vực tiêu thụ truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, Nga và các nước Đông Âu, nông sản Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập thị trường Trung Đông, EU, Mỹ và châu Phi. Mặc dù đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ như vậy, nhưng cơ cấu nông sản xuất khẩu phản ánh rõ thực trạng nông nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí cao, chủ yếu phát triển theo bề rộng trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có và nhất là sự yếu kém của ngành công nghiệp chế biến nên khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế còn thấp kém, đây sẽ là những thách thức rất lớn của nông sản Việt Nam.

Vậy nông sản Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào? Điều này đang cần có một lời giải chiến lược mang tầm quốc gia... Nếu như đã khẳng định được rằng từ nay đến năm 2015, an ninh lương thực của nước ta được bảo đảm, thì từ bây giờ đến đó, Việt Nam xuất khẩu lúa gạo là chủ yếu hay chuyển hướng sang thịt là chủ yếu? Nếu xuất khẩu lúa gạo thì chiến lược cạnh tranh với Thái Lan, Mi-an-ma, Ấn Độ... sẽ như thế nào? Nếu xuất khẩu thịt là chủ yếu - đương nhiên thị trường nhập khẩu là các nước giàu, có khả năng thanh toán tốt hơn, nhưng lại đòi hỏi công nghệ chăn nuôi và chế biến khắt khe hơn, liệu có quá khả năng của Việt Nam hay không?...

Đối với các loại nông sản thực phẩm khác, chúng ta đi theo hướng “đồng dạng” với các nước khác hay Việt Nam có những con đường riêng tìm ra sự khác biệt để đi vào thị trường nông sản thực phẩm thế giới mà ta có lợi thế? Liệu có một số nông sản thực phẩm cao cấp, đặc trưng của vùng nhiệt đới dưới dạng “sạch” và thân thiện với môi trường có thể là hướng chiến lược để lựa chọn được không? Thực tiễn Việt Nam cho thấy, chúng ta có khả năng cả về lao động, địa lý, tự nhiên để sản xuất những mặt hàng này.

Tuy nhiên, dù theo lựa chọn định hướng nào để tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu đều cần chú ý tới một số giải pháp sau:

2 - Một số giải pháp lớn

Trước hết, cần đổi mới công tác thông tin, dự báo.

Đầu tư thay đổi hệ thống, công nghệ dự báo thị trường là những bước cần làm đầu tiên. Bên cạnh đó cần sớm hình thành cơ chế phối hợp thông tin không chỉ giữa các cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng với nhau, mà cần thiết lập kênh thông tin với nông dân, doanh nghiệp chế biến, thu mua nông sản. Cơ chế thu thập, xử lý thông tin cũng cần đổi mới theo hướng đi sâu vào các ngành hàng.

Thứ hai, xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hoá ”sạch”.

Sản xuất hàng nông sản “sạch” chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường là điều cần thiết đầu tiên để nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Cần có biện pháp khắc phục sự manh mún ruộng đất hiện nay để thuận lợi cho việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới đi vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn như: mở rộng hạn điền, tăng thời gian sử dụng đất, đẩy mạnh giao dịch thị trường đất nông nghiệp nhằm đẩy nhanh việc chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, góp vốn, cho mượn quyền sử dụng đất...

Tiếp theo, để bảo đảm chất lượng của nông sản xuất khẩu (về vệ sinh an toàn thực phẩm và có độ dinh dưỡng cao) cần rà soát lại diện tích trồng các loại cây hiện có. Những diện tích cây trồng nào đem lại năng suất cao, chất lượng tốt sẽ giữ lại để phát triển lâu dài, còn những diện tích không thích hợp cần phải bỏ đi. Áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu và kháng sinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là áp dụng cách sản xuất nông nghiệp lỗi thời, mà phải chọn lọc những gì tốt nhất từ canh tác cổ truyền, cải tiến chúng bằng những kiến thức khoa học hiện đại. Có như vậy mới bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường, quyết định sự thành công trên thương trường.

Gấp rút hình thành hệ thống tiêu chuẩn, các phòng kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm nông sản. Coi trọng và tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, xử lý “mạnh tay” các trường hợp cố tình áp dụng kỹ thuật nuôi trồng có hại cho môi trường, làm “bẩn” nông phẩm. Nhà nước nên chủ động kiểm soát chặt các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, để tạo ra hàng hóa nông sản sạch.

Nền nông nghiệp sạch không chỉ thể hiện ở việc sản xuất ra những nông sản sạch, bảo đảm dinh dưỡng và không gây tác hại cho người sử dụng, mà còn không gây tác hại cho người sản xuất và làm suy thoái, ô nhiễm môi trường sinh thái. Với trình độ phát triển hiện nay và trong một số năm nữa, nên chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ đối với một số loại cây trồng đặc sản. Để phát triển theo những hướng này, cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó nhận thức của người nông dân và của các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thứ ba, phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Chỉ khi nền nông nghiệp được quản lý theo chuỗi giá trị sản xuất thì mới nâng cao được giá trị nông sản. Như vậy các khâu từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phải gắn kết chặt chẽ với nhau. Theo đó có 3 mối quan hệ cần được xử lý: Nhà nước - doanh nghiệp; nông dân - doanh nghiệp; và nông dân - thị trường trong nước và nước ngoài. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư mạnh cho công nghệ sau thu hoạch, khâu bảo quản, chế biến để hạn chế thất thoát, nâng cao giá trị nông sản.

Để phát triển mạnh công nghiệp chế biến, cần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là:

- Quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo định hướng xuất khẩu. Từ đó, tập trung đầu tư thâm canh và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới để đáp ứng tốt yêu cầu chế biến xuất khẩu.

- Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Có những chính sách ưu đãi kích thích sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Thứ tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong 10 năm qua (1988 - 2008) lĩnh vực nông nghiệp chỉ thu hút được số vốn 4,7 tỉ USD, chiếm 10% số dự án và 3,3% vốn đầu tư FDI cả nước. Trong đó chỉ có khoảng 2 tỉ USD được giải ngân, gần 30% số dự án bị giải thể trước thời hạn. Nhiều dự án kinh doanh thua lỗ hoặc triển khai chậm. Sở dĩ như vậy vì quy hoạch ngành, vùng và một số sản phẩm quan trọng chưa được xây dựng, triển khai, thiếu ổn định nên không tạo điều kiện cho việc xây dựng các danh mục, chương trình kêu gọi vốn FDI. Thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư cũng còn sơ lược, thiếu chuẩn xác nên chưa hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Do đó, xây dựng Quỹ Xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đào tạo nghề phải được xem là những việc cần làm ngay.

Thứ năm, tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản.

Nhiều chuyên gia chỉ ra đây là mắt xích quan trọng nhưng lại vẫn luôn là khâu yếu hiện nay. Những mục tiêu cần hướng tới trong giai đoạn 2010 - 2015 là:

- Tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài (nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu) để đưa sản xuất hàng hoá ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.

- Xuất phát từ tiêu thụ, từ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để kế hoạch hóa sản xuất và lưu thông nhằm “bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có”. Cấu trúc lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn chặt sản xuất với thị trường, trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng, địa phương.

Thứ sáu, xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hiện có tới 85% - 90% lượng hàng nông sản của nước ta vào thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài, vì vậy giá thấp, bị o ép... là những câu chuyện thường xảy ra. Do đó nông sản của Việt Nam phải cố gắng tạo được uy tín của khách hàng, có thương hiệu, sau đó bảo vệ thương hiệu đó thì mới có thể có mặt và tham gia được vào chuỗi tiêu thụ nông sản của thế giới.

Tăng cường liên kết quốc tế trong sản xuất và xuất khẩu nông sản giúp cho nông sản Việt Nam tham gia ngày một sâu rộng vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Trước mắt, các hiệp hội ngành hàng nông lâm sản của Việt Nam nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng ở một số địa phương tại các nước mà hàng Việt Nam hướng xuất khẩu tới. Tùy theo điều kiện thực tế và chiến lược cụ thể của từng doanh nghiệp mà quy trình xây dựng, phát triển thương hiệu sẽ trải qua các bước tác nghiệp và trật tự khác nhau. Tuy nhiên phát triển thương hiệu cần thống nhất xác định trong thời gian dài và có sự bảo đảm nhất định về tài chính để có đủ khả năng ổn định phát huy thế cạnh tranh năng động cho một vài nhóm sản phẩm với phân khúc thị trường mục tiêu rõ ràng.

Cuối cùng, tăng cường liên kết quốc tế trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Nền kinh tế thế giới đang vận hành theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu, do vậy nền kinh tế nước ta cũng cần được cơ cấu lại theo hướng để Việt Nam đóng vai trò xuất sắc trong các ngành sản xuất của chuỗi giá trị toàn cầu. Phải làm sao để khi nhắc đến một sản phẩm nào đó trong chuỗi giá trị toàn cầu, thế giới nhớ ngay đến Việt Nam chứ không phải một nước nào khác có sản phẩm đạt chất lượng và giá cả cạnh tranh nhất.

So với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có điều kiện tự nhiên và cơ cấu sản xuất nông nghiệp khá tương đồng, song các nước này lại có lợi thế hơn Việt Nam ở trình độ khoa học - công nghệ và kinh nghiệm hoạt động thương mại quốc tế. Trong điều kiện đó, để bảo đảm hiệu quả của xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, cần coi trọng việc mở rộng quan hệ liên kết quốc tế trong cả sản xuất và xuất khẩu. Quan hệ liên kết này có thể bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Phối hợp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ để tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao.

- Phối hợp xây dựng hệ thống dịch vụ kiểm dịch động thực vật xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển nông nghiệp và nông thôn.

- Phối hợp các chính sách thương mại của các nước trong khu vực trong thực hiện hoạt động xuất khẩu nông sản.

- Hình thành các hiệp hội theo ngành hàng để phối hợp hành động trên thị trường quốc tế.../.