Âm mưu, thủ đoạn “lật đổ chính trị trong hòa bình” của Mỹ và phương Tây ở các nước Trung Á và Đông Âu thời gian qua
Từ sau năm 2000, Mỹ và một số nước phương Tây đã thực hiện thành công cuộc “cách mạng màu sắc”(1) tại 3 quốc gia: Nam Tư (2000), Gru-di-a (2003) và U- crai-na (11-2004). Nhưng trên thực tế, âm mưu tiến hành cuộc “cách mạng màu sắc” đã được thử nghiệm tại Ba Lan (1981) và Tiệp Khắc (1989). Tại Trung Quốc, “Sự kiện Thiên An Môn” (1989) có sự can thiệp rất rõ rệt của các thế lực bên ngoài.
Nghiên cứu các sự kiện chính trị xảy ra ở một số nước khu vực Trung Á và Đông Âu những năm qua thấy rằng, Mỹ và phương Tây tiến hành “cách mạng màu sắc” nhằm lật đổ chính quyền ở các nước mà họ cho là “không thân thiện”, đồng thời tạo dựng một chính quyền có thể dễ bề thao túng để thực hiện mưu đồ “dân chủ hóa”, “phương Tây hóa”. Vì vậy, Mỹ và một số nước phương Tây vừa trực tiếp xây dựng “kịch bản lật đổ”, vừa “đạo diễn” cuộc “cách mạng màu sắc” ở các nước Trung Á và Đông Âu.
Kịch bản “cách mạng màu sắc” do Mỹ và phương Tây tạo dựng thường gồm hai giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hiện can thiệp, lật đổ chính quyền nước sở tại.
Giai đoạn chuẩn bị: Tổ chức chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để tạo lập dư luận chống phá, bôi nhọ chính quyền nước sở tại; lựa chọn “thủ lĩnh” và hình thành tổ chức chính trị, phe phái đối lập ở nước sở tại (nếu không lựa chọn được “thủ lĩnh” ở trong nước thì tổ chức, nuôi dưỡng ở ngoài nước, sau đó tìm cách đưa về nước sở tại).
Giai đoạn thực hiện can thiệp, lật đổ: Giai đoạn này sẽ được tiến hành khi lực lượng chính trị đối lập ở nước sở tại đã được tổ chức; các hoạt động tuyên truyền tạo lập dư luận được tiến hành rất mạnh mẽ với việc sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông, nhằm gây sức ép trên nhiều lĩnh vực đối với chính quyền và lực lượng vũ trang của nước sở tại.
Qua một số âm mưu, thủ đoạn Mỹ và phương Tây đã sử dụng trong “cách mạng màu sắc” ở các nước Trung Á và Đông Âu, nổi lên mấy điểm sau:
Một là, Mỹ và phương Tây tiến hành thành lập bộ máy chỉ đạo “cách mạng màu sắc” và tạo dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng.
Để tiến hành “cách mạng màu sắc” đối với một nước, CIA cùng Bộ Ngoại giao Mỹ và các cơ quan mật vụ các nước phương Tây xúc tiến thành lập bộ máy chỉ đạo chung. Các tổ chức mạng lưới tình báo, gián điệp được núp dưới các danh nghĩa khác nhau để chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng đối lập, triển khai các hoạt động thu thập tin tức, tuyên truyền, xuyên tạc chính quyền đương nhiệm và chính thể nước đối tượng của “cách mạng màu sắc”.
Từ âm mưu lật đổ các chính phủ “không thân thiện”, Mỹ và phương Tây chuẩn bị rất kỹ lưỡng “ngọn cờ lãnh đạo” cho lực lượng đối lập, hướng lựa chọn trước hết là những người bị thất sủng, người có tư tưởng cơ hội, có lập trường chính trị hay dao động, hoặc người được Mỹ đào tạo rất bài bản trong nhiều năm, thậm chí vài chục năm ở nước ngoài và sẵn sàng đưa về nước làm “ngọn cờ” tập hợp lực lượng chính trị, phe phái đối lập ở nước sở tại. Bên cạnh đó, Mỹ và phương Tây rất coi trọng chọn “thủ lĩnh” cho phe phái đối lập là những người đang nắm giữ chức vụ cao trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể... thậm chí lựa chọn cả những người vẫn lên án Mỹ và phương Tây, nhưng họ có uy tín cao trong các tầng lớp dân chúng.
Hai là, Mỹ và phương Tây thành lập các quỹ tài trợ cho lực lượng đối lập; sử dụng vai trò các Tổ chức phi chính phủ (NGO) trong tiến hành “cách mạng màu sắc”.
Việc thành lập các quỹ tài trợ cho phe phái, tổ chức chính trị đối lập ở nước ngoài là một bộ phận trong chiến lược “cách mạng màu sắc”của Mỹ và phương Tây.
Từ năm 1983, Mỹ đã thành lập “Quỹ quốc gia vì dân chủ”. Hội đồng giám đốc của Quỹ gồm 28 thành viên, trong đó có một số nghị sĩ nổi tiếng, các doanh nhân lớn và các cựu quan chức cấp cao. Hằng năm, Chính phủ Mỹ đều dành một khoản trong ngân sách của nhà nước cho các hoạt động gọi là “thúc đẩy dân chủ” ở nước ngoài. Trong năm 2006-2007, Chính phủ Mỹ dự chi 565 triệu USD cho các chương trình “thúc đẩy dân chủ” và cải cách kinh tế ở các nước không gian hậu Xô-viết: Nga 85 triệu USD, U-crai-na 95 triệu USD, Bê-la-rút 15 triệu USD, Ác-mê-ni-a 75 triệu USD, Gru-di-a 70,5 triệu USD, A-déc-bai-zan 35 triệu USD, Cư-rơ-gư-xtan 35 triệu USD, U-dơ-bê-ki-xtan 28,5 triệu USD, Ca-zắc-xtan 28 triệu USD, Tát-gi-ki-xtan 25 triệu USD, Môn-đô-va 20 triệu USD, Tuốc-mê-ni-xtan 6,5 triệu USD... Những khoản tiền đó chủ yếu để xây dựng, nuôi dưỡng các đảng phái, lực lượng và thủ lĩnh “đối lập” thân Mỹ và phương Tây, nhằm chuẩn bị cho các cuộc “cách mạng màu”; đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, chiến tranh tâm lý trong chiến lược chuyển đổi mô hình “dân chủ” của các nước theo quan niệm giá trị kiểu Mỹ và phương Tây.
Mỹ và phương Tây còn sử dụng con bài “viện trợ kinh tế” và gia nhập NATO để lôi kéo, ép các nước trong không gian hậu Xô-viết và Đông Âu cho phép thành lập đảng đối lập và Tổ chức phi chính phủ (NGO) chống đối đảng cầm quyền, từ đó khiến đảng đối lập có thể công khai hoạt động dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây. Theo thống kê, trong hơn 10 năm qua, số lượng tổ chức phi chính phủ ở khu vực Trung Á và Đông Âu tăng lên 4 đến 5 lần, riêng ở Trung Á đã vượt quá con số 10.000. Thông qua các tổ chức này, Mỹ và phương Tây đẩy mạnh thực thi kịch bản “cách mạng màu sắc” nhằm mục tiêu lật đổ chính phủ, hoặc chuyển hóa chế độ chính trị ở các nước.
Ba là, Mỹ và phương Tây đẩy mạnh các chiến dịch bôi nhọ chính quyền đương nhiệm thông qua các phương tiện truyền thông, tạo lập dư luận trong nước và ngoài nước ủng hộ cho “cách mạng màu sắc”.
Trước và sau “cách mạng màu sắc” ở các nước trong không gian hậu Xô viết và Đông Âu, Mỹ và phương Tây rất coi trọng sử dụng các phương tiện truyền thông để khoét sâu vào các lĩnh vực nhạy cảm như: dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc; vào những mặt hạn chế về kinh tế, văn hóa, xã hội của nước sở tại, hòng bôi nhọ chính quyền đương nhiệm. Dưới chiêu bài viện trợ kinh tế, Mỹ và phương Tây đã chi một khoản tiền lớn cho phe đối lập xây dựng hệ thống tuyên truyền riêng, nhằm tạo nên kênh thông tin đối trọng với chính quyền để lôi kéo dân chúng ủng hộ những mục tiêu của phe đối lập.
Khi “cách mạng màu sắc” nổ ra, Mỹ sẽ nhanh chóng kêu gọi các nước đồng minh ủng hộ toàn diện lực lượng đối lập, gây áp lực lớn về dư luận quốc tế đòi thay đổi chính quyền. Nếu “cách mạng màu sắc” thành công, Mỹ sẽ lập tức sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để loan tin ra toàn thế giới, hòng nhân cơ hội đó gây nên một hiệu ứng đôminô với các nước khác.
Bốn là, Mỹ và phương Tây lựa chọn thời điểm tiến hành “cách mạng màu sắc” và thao túng quá trình bầu cử của nước sở tại.
Thời điểm nổ ra các cuộc “cách mạng màu sắc” được Mỹ và phương Tây thường chọn khi diễn ra các cuộc bầu cử ở nước sở tại; hoặc khi có khủng hoảng kinh tế - xã hội, xung đột sắc tộc, tôn giáo, các vụ tham nhũng lớn bị phanh phui; đặc biệt khi có dấu hiệu nội bộ chính quyền suy yếu, rệu rã...
Trong thời gian nước sở tại tiến hành bầu cử, các thế lực thù địch có những hành động can thiệp rất thô bạo như: kích động dân chúng đi biểu tình phản đối chính quyền, mua cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đối lập; thăm dò dư luận ngay tại các điểm bầu cử với tỷ lệ ủng hộ luôn nghiêng về ứng cử viên đối lập. Nếu xuất hiện kết quả bất lợi cho ứng cử viên của lực lượng đối lập thân Mỹ và phương Tây thì lập tức kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối với lý do “có gian lận” và “không minh bạch” trong bầu cử, đòi hủy bỏ kết quả bầu cử, đòi những người lãnh đạo chính quyền đương nhiệm phải từ chức; thậm chí chúng còn ngang ngược tuyên bố thắng cử và người cầm đầu lực lượng đối lập gây bạo loạn tự tuyên bố là tổng thống hoặc thủ tướng. Khi chính quyền nước sở tại còn đang lúng túng đối phó thì Mỹ và phương Tây nhanh chóng công nhận chiến thắng của phe đối lập và hậu thuẫn cho ứng cử viên đối lập lên nắm quyền; đồng thời, tuyên bố các biện pháp răn đe, trừng phạt nếu chính quyền đương nhiệm không công nhận kết quả thắng cử thuộc về phe đối lập.
Sau cuộc “cách mạng màu sắc” ở các nước thuộc khu vực Trung Á và Đông Âu, Mỹ cũng thu được một số kết quả nhất định như: Mỹ đã thiết lập được chính quyền thân Mỹ ngay tại một số nước thuộc không gian hậu Xô viết, từng bước làm cho Nga mất ảnh hưởng ở khu vực truyền thống của họ. Đồng thời, Mỹ bước đầu ngăn chặn được tham vọng của Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng đối với các nước khu vực Trung Á. Những chính quyền mới sau “cách mạng màu sắc” thường có xu hướng ngả theo Mỹ và phương Tây. Do đó, Mỹ tích cực ủng hộ các nước này gia nhập NATO và EU, sử dụng những nước đó như “đòn sóc hai đầu” để vừa tăng cường lực lượng chống lại xu hướng bài xích Mỹ tại các nước Tây Âu, vừa ngăn chặn nguy cơ nhiều nước trong khối EU ngày càng xa rời khỏi vòng cương tỏa của Mỹ.
Một trong những mục tiêu chủ yếu của Mỹ tiến hành “cách mạng màu sắc” ở Trung Á và Đông Âu là vấn đề kinh tế. Thành công của các cuộc “cách mạng màu sắc” tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ và phương Tây thiết lập sự kiểm soát nguồn dầu lửa và khí đốt được cung cấp từ các nước trong khu vực biển Caxpi; đồng thời, hạn chế sự kiểm soát nguồn năng lượng chiến lược đó của Nga đối với khu vực Trung Á và các nước châu Âu. Hiện nay, Mỹ và nhiều nước ở châu Âu đang hợp tác triển khai dự án xây dựng đường ống vận chuyển dầu lửa không đi qua Nga, mà đi từ Ca-xpi qua các nước U-crai-na, Môn-đô-va, Ru-ma-ni và Hung-ga-ri. Khi dự án hoàn thành thì nguồn dầu lửa và khí đốt khai thác tại Ca-zắc-xtan, Tuốc-mê-nix-tan, A-zéc-bai-zan... sẽ vận chuyển theo các tuyến đường ống dẫn dầu này. Vì vậy, EU và Mỹ sẽ không bị phụ thuộc quá lớn về nguồn năng lượng chiến lược này từ phía Nga.
Mặc dù Mỹ và phương Tây đạt được một số mục tiêu trong “cách mạng màu sắc” ở Trung Á và Đông Âu, nhưng họ đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của chính quyền và nhân dân nhiều nước trong khu vực. Điển hình là Mỹ đã thất bại nặng nề trong âm mưu tiến hành “cách mạng màu sắc” tại các quốc gia Cư-rơ-gư-xtan, U-dơ-bê-kix-tan, Bê-la-rút, A-zéc-bai-zian, Ca-zắc-xtan... Điều này cho thấy, Mỹ và phương Tây không thể đem mô hình “dân chủ hóa” của mình để áp đặt đối với các quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào. Cho dù Mỹ đã sử dụng nhiều chiêu bài như: Tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ ở nước sở tại hoạt động, bao vây cấm vận, giúp đỡ lực lượng đối lập, tăng cường chiến tranh thông tin, sử dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để gây sức ép với chính quyền... nhưng do chính quyền các nước đó thường xuyên cảnh giác cao, tăng cường biện pháp củng cố bộ máy quyền lực, đặc biệt là các cơ quan sức mạnh, kiểm soát chặt chẽ phương tiện thông tin đại chúng, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đoàn kết dân tộc và duy trì quan hệ truyền thống với Nga; hơn nữa, đại đa số dân chúng kiên quyết phản đối cái gọi là “dân chủ hóa” của Mỹ và phương Tây. Vì vậy, khi phe đối lập tiến hành gây bạo loạn, Chính quyền đương nhiệm đã kiên quyết đập tan lực lượng chống đối, làm cho âm mưu tiến hành “cách mạng màu sắc” của Mỹ và phương Tây bị phá sản hoàn toàn ở những nước trên.
Nghiên cứu các cuộc “cách mạng màu sắc” ở khu vực Trung Á và Đông Âu thời gian qua, bước đầu rút ra một số điểm sau:
1. Thực chất “cách mạng màu sắc”: Đó là những hành động “lật đổ chính trị trong hòa bình” của các phe phái, tổ chức chính trị đối lập, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ toàn diện của Mỹ và phương Tây, nhằm mục đích chuyển hóa chế độ hoặc lật đổ chính quyền đương nhiệm.
Thời cơ của “cách mạng màu sắc” thường diễn ra khi một nước nào đó tiến hành các cuộc bầu cử (đảng cầm quyền, Quốc hội, Chính phủ...), hoặc có những bất ổn về kinh tế, chính trị.
2. Nguyên nhân dẫn tới “cách mạng màu sắc”:
Nguyên nhân chủ yếu: Do có sự can thiệp của Mỹ và phương Tây nhằm lật đổ chính quyền những nước được coi là “kẻ thù”, “đối lập hệ tư tưởng”, hoặc chính quyền “không thân thiện” với Mỹ; đồng thời, xuất phát từ âm mưu của Mỹ muốn nhanh chóng thiết lập sự thống trị toàn bộ khu vực Á - Âu, giành quyền kiểm soát những tài nguyên chiến lược ở khu vực này.
Nguyên nhân sâu sa: Xuất phát từ những sai lầm của chính quyền các nước về đường lối đối nội và đối ngoại, khiến cho người dân ngày càng mất lòng tin vào đảng cầm quyền, vào sự điều hành của Chính phủ và người đứng đầu đất nước; sự lục đục và suy yếu của bộ máy chính quyền trung ương; sự trì trệ của nền kinh tế và nạn tham nhũng, tội phạm gia tăng, đời sống nhân dân ngày càng nghèo khổ. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo không được giải quyết triệt để; đặc biệt lực lượng vũ trang không còn là chỗ dựa tin cậy của chính quyền,... Vì thế khi tình hình chính trị, kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng, mất ổn định, lực lượng đối lập chớp thời cơ nổi dậy tiến hành “cách mạng màu sắc” dưới sự chỉ đạo của Mỹ và phương Tây, thì sự chống đỡ của chính quyền trở nên bất thành.
3. “Cách mạng màu sắc” là một bộ phận quan trọng của chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ và phương Tây thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Thực tế diễn biến các cuộc “cách mạng màu sắc” ở Trung Á và Đông Âu trong thời gian qua cho thấy, Mỹ và phương Tây đã sử dụng gần như mọi thủ đoạn chủ yếu của chiến lược “diễn biến hòa bình”, biểu hiện trên mấy khía cạnh sau:
Về đối tượng của “cách mạng màu sắc”: Đối tượng mà Mỹ và phương Tây nhằm vào để thực hiện chuyển hóa chế độ hoặc lật đổ chính quyền đương nhiệm, chủ yếu là các nước thuộc không gian hậu Xô-viết như U-cra-i-na, Gru-di-a, Nga, U-dơ-bê-ki-xtan, Bê-la-rút, A-déc-bai-dan, Ka-dắc-xtan... và một số nước ở khu vực Đông Âu chưa hoàn toàn nằm trong quỹ đạo chi phối của Mỹ.
Về phương thức tiến hành “cách mạng màu sắc”: Trong các cuộc “cách mạng màu sắc”, Mỹ và phương Tây chủ yếu sử dụng phương thức phi bạo lực, với những vũ khí “mềm” như: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, ngoại giao. Sức mạnh quân sự chủ yếu chỉ làm phương tiện răn đe, gây sức ép và hậu thuẫn cho phương thức “chuyển hóa hòa bình”, khi cần thiết mới trực tiếp sử dụng.
Về biện pháp của “cách mạng màu sắc”: Để thực hiện âm mưu “lật đổ chính trị trong hòa bình”, Mỹ và phương Tây tiếp tục cổ suý cho mô hình xã hội “đa nguyên”, “đa đảng”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do kinh tế”, “tự do tôn giáo”; tìm cách vô hiệu hóa các lực lượng vũ trang, chia rẽ nội bộ, mua chuộc các quan chức cấp cao của đảng cầm quyền và Nhà nước, chính phủ; trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại... Vào những thời điểm nhạy cảm của quá trình bầu cử, Mỹ và phương Tây sử dụng “công nghệ kiểm phiếu” với kết quả thăm dò tín nhiệm và bầu cử luôn có lợi cho phe đối lập, tạo ra bầu không khí chính trị căng thẳng đến tột độ.
Về xây dựng và tổ chức lực lượng “cách mạng màu sắc”: Để chuẩn bị một “bộ máy lãnh đạo” trực tiếp tiến hành “cách mạng màu sắc”, Mỹ và phương Tây thường tập trung tổ chức, huấn luyện lực lượng nòng cốt cho phe đối lập ngay trong nước đối phương là chủ yếu, các lực lượng bên ngoài chỉ để răn đe, hỗ trợ gây sức ép, khi thời cơ và điều kiện cần thiết mới sử dụng.
Hiện nay, Mỹ và phương Tây lợi dụng sự mở cửa, hội nhập của các nước để thao túng, lũng đoạn nền chính trị thông qua sự móc ngoặc, điều khiển các lực lượng đối lập dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” theo những giá trị của Mỹ và phương Tây. Với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, Mỹ và lực lượng đối lập đã và đang tìm cách mê hoặc, lừa gạt, lôi kéo quần chúng tham gia vào “cách mạng màu sắc”.
Vì vậy, để góp phần đấu tranh có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “lật đổ chính trị trong hòa bình” bằng “cách mạng màu sắc” của Mỹ và phương Tây, vấn đề cốt tử là cần phải có những biện pháp hữu hiệu củng cố vững chắc cơ sở giai cấp của Đảng ta và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với xã hội; phải tập trung phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, bởi trong các cuộc “cách mạng màu sắc”, con bài kinh tế đã được Mỹ sử dụng triệt để nhằm lôi kéo nhân dân các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đồng thời, phải tăng cường công tác chống tham nhũng để củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ, vào Đảng Cộng sản cầm quyền ở nước ta và làm triệt tiêu một trong những cơ sở các thế lực thù địch thường lợi dụng phát động cuộc “cách mạng màu sắc”. Bên cạnh đó phải có biện pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các phương tiện thông tin đại chúng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu các cuộc “cách mạng màu sắc” đã diễn ra trên thế giới để dự đoán xu thế của nó, nhằm đề ra được các biện pháp đối phó có hiệu quả nhất.
Trong bối cảnh thế giới đan xen không ít mâu thuẫn phức tạp như hiện nay, thực tế Mỹ và phương Tây không thể làm mưa làm gió đối với khu vực Trung Á và Đông Âu bằng “cách mạng màu sắc” như trước đây, hay nói một cách hình ảnh là “cách mạng màu sắc” ở khu vực này đang bị phai màu. Trong tương lai, có xảy ra cuộc “cách mạng màu sắc” ở nước nào đó hay không, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Song trước hết vấn đề đó phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo và trí tuệ của đảng cầm quyền, của chính phủ đương nhiệm, vào khả năng sức mạnh của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... Bởi vậy, nghiên cứu các cuộc “cách mạng màu sắc” diễn ra ở khu vực Trung Á, Đông Âu và ở một số quốc gia khác trên thế giới trong những năm qua, chúng ta ghi nhớ sâu sắc lời Phu-xích, một nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng đã kêu gọi: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác!”.
(1) Những năm gần đây, trong từ vựng chính trị quốc tế cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy xuất hiện các cụm từ đồng nghĩa: “Cách mạng nhung”, “cách mạng màu da cam”, “cách mạng cam”, “cách mạng màu vàng”, “cách mạng hoa hồng”, “cách mạng màu hoa dẻ”, “cách mạng cây tuyết tùng”, “cách mạng đường phố”, “cách mạng hoa tuy-líp”, “cách mạng sắc màu”... Các cuộc “cách mạng” trên tuy có những tên gọi khác nhau, nhưng bản chất đều là hành động lật đổ chế độ một cách bất hợp pháp của lực lượng đối lập, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ toàn diện của Mỹ và phương Tây. Vì vậy, trong bài viết sử dụng thuật ngữ chung là “cách mạng màu sắc” hoặc “cách mạng nhung”.
Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Nhật Bản  (17/03/2008)
Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Nhật Bản  (17/03/2008)
Đồng chí Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu  (17/03/2008)
Cu-ba tiếp tục con đường cách mạng và chủ nghĩa xã hội  (16/03/2008)
Đối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam và Thụy Sĩ  (16/03/2008)
Trí thức Việt kiều là nguồn lực quý giá  (16/03/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên