Cu-ba tiếp tục con đường cách mạng và chủ nghĩa xã hội

Nguyễn Viết Thảo
15:27, ngày 16-03-2008

Ngày 20-1-2008, người dân Cu-ba đã tiến hành bầu cử Quốc hội khóa VII và Hội đồng Chính quyền nhân dân các cấp. Vẫn với không khí cách mạng thường trực, nhưng lần này, nhân dân Hòn đảo Anh hùng thực hiện quyền lợi chính trị tối cao của mình với cả nỗi âu lo đã được dự báo trước: trong ban lãnh đạo đất nước, có thể sẽ không có Phi-đen do tình hình sức khỏe của vị Tổng Tư lệnh.

Sự tín nhiệm cao nhất

Nhân dân Cu-ba đã một lần nữa chứng minh nền văn hóa chính trị tham dự mẫu mực: 96% cử tri đi bỏ phiếu ở 38.000 địa điểm bầu cử trên toàn quốc; trong số đó, 95,24 % là phiếu hợp lệ, chỉ có 3,73% phiếu trắng và 1,04% phiếu không hợp lệ. Kết quả có 614 người trúng cử đại biểu Quốc hội; 1201 người trúng cử đại biểu Hội đồng Chính quyền nhân dân của 14 tỉnh (thành phố) và Quận đảo Thanh niên và 169 Hội đồng Chính quyền nhân dân cấp quận (huyện) đã được kiện toàn đầy đủ. Trong số 614 đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước vẫn dành sự tín nhiệm cao nhất cho đồng chí Phi-đen, người trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cầm lái con thuyền cách mạng: đứng đầu Chính phủ (từ năm 1959), nguyên thủ quốc gia (từ năm 1976), Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng (từ khi tuyên bố thành lập năm 1965) và Tổng Tư lệnh của sự nghiệp cách mạng khởi đầu từ Cuộc tấn công Pháo đài Môn-ca-đa (năm 1953). Theo quy định của Hiến pháp, sau 45 ngày tính từ ngày bầu cử, ngày 24 tháng 2 vừa qua, Quốc hội khóa mới họp để bầu các chức danh cao nhất của bộ máy nhà nước.

Để tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Phi-đen, việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng, tạo nên sức mạnh vô địch của khối thống nhất gồm hơn 11 triệu nhân dân - chiến sĩ là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân Cu-ba đặt lên hàng đầu. Thành quả lớn nhất của cách mạng Cu-ba, như chính lãnh tụ Phi-đen đánh giá, là đã tạo ra được một dân tộc tự giác cống hiến mồ hôi, trí tuệ và máu đào cho cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa xã hội. Cu-ba đã từng giành và giữ độc lập dân tộc với những trang sử hiển hách như Môn-ca-đa, Gran-ma, Hy-rông...; đã hiên ngang trụ vững trước biết bao sóng cồn, gió cả của thời cuộc, trong đó có chính sách bao vây, cấm vận của chính quyền Mỹ qua suốt 10 đời Tổng thống từ Ai-xen-hao (năm 1960) đến Bu-sơ hiện nay. Bí quyết sức mạnh Cu-ba không thể là tiềm năng quân sự, kinh tế, mà rõ ràng là sức mạnh chính trị, tinh thần, tư tưởng, ý thức... của cả một dân tộc kiên cường và trí tuệ theo bước Phi-đen trên con đường của Hô-xê Mác-ti và chủ nghĩa Mác- Lê-nin.

Tiếp bước Phi-đen và thế hệ của Người, là các thế hệ quần chúng cách mạng và cán bộ lãnh đạo trẻ trung, năng động, kiên định. Thật dễ dàng nhận thấy trong cơ cấu lãnh đạo Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội từ Trung ương đến cơ sở có nhiều, ngày càng nhiều gương mặt trẻ ở độ tuổi 30- 40- 50. Trong số 614 đại biểu Quốc hội khóa VII, 56% được sinh ra sau ngày cách mạng thành công (tháng 1-1959); có 131 đại biểu ở độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi (21,3%); 266 đại biểu nữ (43,3%); 219 đại biểu là người da màu (35,7%). Quốc hội đã bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch thứ nhất, 5 Phó Chủ tịch và 23 ủy viên Hội đồng Bộ trưởng, trong đó có hơn 12 dồng chí dưới 50 tuổi, 6 đồng chí dưới 40 tuổi, một số đồng chí là cán bộ lãnh đao, quản lý cấp quận (huyện); 8 đồng chí nữ. Ở đâu đó trên thế gian này, đế quốc Mỹ và các thế lực phản động đã từng mãn nguyện với kịch bản thế hệ sau từng bước “đổi màu”, còn ở Cu-ba, nhiệt huyết cách mạng đã trở thành dòng chảy hữu cơ trong trái tim và khối óc của các thế hệ trẻ. Những ai đã có dịp trực tiếp đối thoại với học sinh, sinh viên Cu-ba; hoặc có dịp nghe đại biểu thanh, thiếu niên diễn thuyết (không có diễn văn viết sẵn) tại các Diễn đàn mở của Cuộc chiến tư tưởng được tổ chức sáng thứ bảy hằng tuần ở một quận (huyện), đều khâm phục chiều sâu của cuộc cách mạng trên Hòn đảo Tự do. Thế hệ của Phi-đen đã thật sự thành công trong nhiệm vụ chuyển ngọn lửa cách mạng đến các thế hệ tiếp nối, biến mọi ảo tưởng của đế quốc thành mây khói; đồng thời, ngày càng khẳng định Cu-ba bát ngát màu xanh của sức sống và niềm hy vọng.

Sự kế tục trách nhiệm lịch sử

Thay thế Phi-đen trên các cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang là Đại tướng Ra-un Ca-xtrô, nhà lãnh đạo dạn dày trận mạc đã từng bên cạnh Phi-đen lãnh đạo Phong trào 26-7, chỉ huy cuộc tấn công Môn-ca-đa, chiến thắng tại phiên tòa lịch sử cuối năm 1953, cầm lái con tàu Gran-ma từ Mê-hi-cô trở về đất mẹ (năm 1956), tiến về giải phóng Thủ đô La Ha-ba-na (tháng 1 năm 1959), chiến thắng trên bãi biển Hy-rông (tháng 4 - 1961)...; đã từng đảm nhiệm thành công vị trí là nhà lãnh đạo thứ hai trong Đảng, Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng suốt từ năm 1959 đến nay. Trong 18 tháng tạm quyền lãnh đạo cao nhất (từ tháng 7 - 2006), đồng chí Ra-un đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nhà nước và Chính phủ duy trì sự ổn định, đoàn kết và nỗ lực tìm kiếm giải pháp hợp lý trước các vấn đề cơ bản và cấp bách của đất nước. Bài phát biểu của đồng chí Ra-un tại cuộc Mít tinh quần chúng nhân kỷ niệm 54 năm ngày Tấn công Pháo đài Môn-ca-đa hôm 26-7-2007 tại tỉnh Ma-tan-xát gây tiếng vang lớn cả trong nước và quốc tế, đã thẳng thắn vạch ra một số bất hợp lý và yếu kém trong quản lý, tổ chức các hoạt động sản xuất - kinh doanh, các biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội và đã kêu gọi mọi người dân, toàn Đảng thảo luận rộng rãi, xác định những vấn đề cấp bách cần tháo gỡ cùng với các giải pháp cụ thể. Căn cứ vào thực tế 18 tháng tạm quyền thành công cùng với cống hiến và năng lực lãnh đạo nổi trội của Ra-un, Quốc hội khóa VII đã nhất trí tuyệt đối bầu đồng chí vào các chức vụ lãnh đạo cao nhất của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Nhân dân lựa chọn Ra-un vì ông là sự bảo đảm cao nhất và hiện thân sinh động nhất cho sự tiếp nối và sáng tạo của cách mạng và chủ nghĩa xã hội ở Cu-ba.

Sự thay thế các vị trí lãnh đạo cao nhất ở Cu-ba vừa qua là sự chuyển tiếp, kế tục trách nhiệm lịch sử trong quá trình phát triển của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ phía bên kia chiến tuyến, đã nhem nhóm không ít toan tính lợi dụng cuộc “chuyển giao quyền lực” này để tăng cường “Diễn biến hòa bình” với Cuba ! Chẳng phải các thế lực thù địch đã từng chống phá bằng ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự... ngay từ những năm tháng ban đầu đầy khó khăn của cách mạng Cu-ba và xiết chặt bao vây, cấm vận sau khi Liên Xô tan rã đó sao ? Vượt lên trên tất cả, như rừng pan-ma nhiệt đới vững vàng trong bão táp, Cu-ba đem đến cho nhân dân lao động độc lập, chủ quyền, danh dự và cuộc sống hạnh phúc với mức bảo đảm an sinh xã hội tiên tiến. Ngay cả trong hoàn cảnh kinh tế khu vực và thế giới có nhiều đảo lộn, Cu-ba vẫn đạt tăng trưởng kinh tế khá cao, trở thành nền kinh tế tăng trưởng cao nhất Mỹ La-tinh trong mấy năm qua. Sự hiên ngang và độc lập phát triển của Cu-ba xã hội chủ nghĩa tự nó là bằng chứng sống về sức mạnh có hạn của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Giá trị nhận thức quý báu này chính là nhân tố sâu xa khiến quần chúng Cu-ba gửi đến lãnh tụ Phi-đen lời nói từ trái mình: “Sợ khó khăn, nguy hiểm không phải là bản chất của dân tộc ta, một dân tộc chưa bao giờ mất cảnh giác trước kẻ thù. Đó là điều bảo đảm cốt yếu để mãi mãi vang lên trên các quảng trường và nếu cần trên các chiến hào của mảnh đất này tiếng hô vang: Cách mạng muôn năm!” (Trích Diễn văn của Ra-un Ca-xtrô, ngày 26-7-2007)./.