Ngày 10-3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2009 theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ. Gần 300 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam đã tham dự.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2009 của cả nước đạt 8,5 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: vàng và kim loại quý đạt 939 triệu USD; gạo đạt 1,054 triệu tấn, kim ngạch đạt 479 triệu USD, tăng 2,29 lần về lượng và 2,51 lần về giá. Tuy nhiên, ngoài gạo, mức tăng đột biến từ xuất khẩu vàng là điều đáng lo ngại, khi hàng loạt ngành hàng đều sụt giảm, nhất là các ngành hàng dệt may, đồ gỗ, thủy sản, linh kiện máy tính… giảm khá mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, 2 tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu gần 500 triệu USD. Tuy nhiên, đằng sau con số này, có một điều rất đáng lo ngại là chỉ riêng vàng đã chiếm tới gần 1/2, số còn lại, chủ yếu là từ gạo. Những tháng tiếp theo, chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế là thị trường bị co lại, các đơn đặt hàng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Đại diện Hiệp hội Cây điều Việt Nam cho biết, bước sang năm 2009, đơn đặt hàng ký được về xuất khẩu nhân điều đã giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2008 và ở mức giá rất thấp. Theo đó, sản lượng xuất khẩu nhân điều năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 150.000 tấn, giảm 67 tấn so với năm ngoái. Khó khăn là thế, nhưng tất cả các hội viên đều không thể tiếp cận được mức hỗ trợ bù lãi suất cho vay vì không còn tài sản thế chấp.

Đa số ý kiến của các doanh nghiệp đều bức xúc vì còn quá nhiều rào cản trong việc tiếp cận với mức hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ. Thực tế triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, dù Ủy ban nhân dân Thành phố đã rất linh hoạt trong việc bảo lãnh cho doanh nghiệp, nhưng đến nay cũng chỉ rất ít doanh nghiệp được vay ưu đãi. Nhiều chuyên gia cho rằng, để sử dụng hiệu quả gói kích cầu này, phải tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp có nhiều lao động, nhưng khi triển khai thì họ lại không nằm trong diện này.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất lại chính là các ngân hàng thương mại. Vì trong quá trình triển khai, họ thường đưa ra các gói để doanh nghiệp lựa chọn. Muốn tránh phiền hà, một số doanh nghiệp đã chọn phương án vay vốn với lãi suất cao hơn là chọn các gói này để được vay ưu đãi.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp đi tới thống nhất, để triển khai Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP có hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần:

- Sớm ban hành tiêu chí hỗ trợ cụ thể cho từng ngành hàng nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Theo đó, ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp có nhiều lao động, và có chính sách đối với việc nuôi trồng nguyên liệu.

- Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ để khuyến khích xuất khẩu. Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng kho dự trữ nguyên liệu, thuê kho ngoại quan ở nước ngoài; mời doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tiếp cận hàng xuất khẩu...

- Theo quy định, chỉ những doanh nghiệp có vốn 20 tỉ đồng và 500 lao động, không có tài sản thế chấp mới được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh cho vay tại ngân hàng thương mại. Song, rất ít doanh nghiệp ngành điều, dệt may có 500 lao động. Như vậy, nhiều doanh nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động vẫn nằm ngoài chính sách này. Quy định này cần được sửa đổi cho phù hợp.

- Việc áp dụng bù lãi suất cho vay không nên cố định ở mức 4% mà vẫn tăng, giảm theo từng ngành hàng.

Bàn về những giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nhiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, với kinh phí 172 tỉ đồng vừa được Chính phủ phê duyệt, Bộ sẽ thay đổi chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo đề xuất của doanh nghiệp; kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kho dự trữ hàng thủy sản đông lạnh; hỗ trợ chính sách mua tạm trữ nguyên liệu của Tập đoàn Cao su, sẽ triển khai hỗ trợ lãi suất để các ngành cà phê, điều, gỗ... mua tạm trữ nguyên liệu; kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng nông sản xuất khẩu để tạo lợi thế cạnh tranh; làm việc với Tập đoàn Điện lực để điều tiết lại giờ cao điểm đối với điện sản xuất…

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% trong năm nay là cực kỳ khó khăn, vì vậy ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì chưa đủ mà cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ và các bộ, ngành. Theo ông, bên cạnh việc áp dụng cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp được vay vốn ngân hàng thương mại, Ngân hàng Phát triển Việt Nam nên đề xuất mở rộng thêm các doanh nghiệp thâm dụng lao động, căn cứ trên tỉ lệ vốn với tỉ lệ sử dụng lao động để được hưởng cơ chế này./.