Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến 27-01-2019)
TCCSĐT - Sau 56 năm ký Hiệp ước Élysée, vốn được xem là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Pháp - Đức, Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Đức A. Merkel đã ký Hiệp ước Aachen “làm mới” quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Hiệp ước mới này sẽ thiết lập mối quan hệ hữu nghị ổn định, mật thiết giữa Pháp và Đức nói riêng, đồng thời vun đắp và phát triển một châu Âu thống nhất, hòa bình nói chung.
Pháp - Đức nỗ lực vì một châu Âu đoàn kết hơn
Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Đức A. Merkel tại lễ ký kết. Ảnh: cleanenergywire.org
Hiệp ước hợp tác Pháp - Đức (còn gọi là Hiệp ước Élysée) được Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký ngày 22-01-1963 tại Điện Élysée ở thủ đô Paris (Pháp) nhằm thể hiện nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước về một quan hệ đối tác hợp tác bền vững. Hiệp ước hữu nghị Đức - Pháp được ký kết với 3 trụ cột gồm: Tạo cơ chế tham vấn giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cũng như lãnh đạo các bộ, ngành; thảo luận về tất cả các lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, châu Âu và quốc phòng, khi cần hai bên có thể đưa ra quan điểm chung; cùng quan tâm tới vấn đề giáo dục và thanh niên - lực lượng làm cầu nối cho tương lai hai nước. Kể từ khi ra đời Hiệp ước Élysée, hợp tác Đức - Pháp đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của hai nước, trở thành động lực cho sự hợp nhất châu Âu.
Trong những năm gần đây, sự đoàn kết và thống nhất ở châu Âu bị thách thức bởi cuộc khủng hoảng người di cư, các vụ tấn công khủng bố cũng như phong trào dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan dẫn tới xu hướng chia tách, mà điển hình là việc nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ cũng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 70 năm qua kể từ khi Tổng thống Mỹ D. Trump lên nắm quyền 2 năm trước. Cải tổ EU, cải cách Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hướng tới việc thành lập quân đội chung của châu Âu, đấu tranh với xu hướng chia rẽ..., là những việc mà hai nước đã nỗ lực hết mình vì một châu Âu ổn định, thống nhất và đoàn kết. Theo đó, ngày 22-01, Pháp và Đức đã ký Hiệp ước hữu nghị mới, dựa trên nền tảng của Hiệp ước Élysées vốn đã đặt nền móng cho quan hệ Đức - Pháp nói riêng và quan hệ ở châu Âu nói chung suốt 56 năm qua.
Trong bản hiệp ước mới, bằng cam kết sát cánh cùng nhau khi một trong hai nước vấp phải mối đe dọa an ninh lớn hoặc bị tấn công, Đức và Pháp khẳng định sẽ huy động các nguồn lực và phương tiện để hỗ trợ lẫn nhau. Hai nước cũng tiến tới việc thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh chung, thiết lập các quy định rõ ràng hơn trong việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự, theo đuổi các dự án chung về quốc phòng... Thủ tướng Đức A. Merkel đánh giá, điều này sẽ đặt nền tảng cho việc hình thành quân đội chung của châu Âu trong tương lai, giảm dần sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ và NATO trong vấn đề quốc phòng, an ninh, điều mà Tổng thống E. Macron cũng tích cực thúc đẩy trong thời gian qua.
Trong lĩnh vực kinh tế, Pháp và Đức sẽ thành lập một hội đồng gồm các chuyên gia độc lập nhằm đưa ra các khuyến nghị về các chương trình, chính sách kinh tế của hai nước. Hai bên cũng sẽ thiết lập một ủy ban hợp tác xuyên biên giới nhằm tăng cường hợp tác giữa các địa phương nằm ở khu vực biên giới hai nước.
Những vấn đề nóng hiện nay như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng được cụ thể hóa bằng cam kết trong Hiệp ước hữu nghị Đức - Pháp. Tuy nhiên, Đức và Pháp vẫn chưa thể tìm ra lời giải chung cho bài toán người di cư vốn làm xã hội châu Âu bị xáo trộn suốt bốn năm qua. Song điều quan trọng hơn cả, Hiệp ước hữu nghị giữa Đức và Pháp nối tiếp giá trị lịch sử của Hiệp ước Élysées, thiết lập một nền tảng hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia láng giềng, không những giúp hai nước cùng pháp triển một cách hòa bình mà còn góp phần xây dựng một châu Âu thịnh vượng với giá trị cốt lõi là tự do và bình đẳng. Hiệp ước này cũng cho thấy thiện chí và trách nhiệm của cả hai bên trong việc phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm tạo động lực mới thúc đẩy tình đoàn kết trong EU.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Thúc đẩy quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng và đối thoại
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan và Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: en.kremlin.ru
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan vừa thực hiện chuyến thăm đến Nga. Với những kết quả đạt được đặc biệt trong vấn đề Syria, chuyến thăm thể hiện rõ xu hướng đang nổi lên trong quan hệ giữa Moscow và Ankara hiện nay, đó là đối thoại để thúc đẩy lợi ích song trùng và giảm bất đồng.
Tại cuộc gặp ở Điện Kremlin chiều 23-01, Tổng thống Nga V. Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, năng lượng, du lịch, chống khủng bố, đặc biệt là việc phối hợp giữa hai nước trong vấn đề Syria.
Đối với vấn đề Syria, một loạt các nội dung đã được lãnh đạo hai nước thảo luận kỹ, từ việc thiết lập vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Tây Bắc Idlib, thành trì chủ chốt cuối cùng của phiến quân tại Syria, vấn đề thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria nhằm thúc đẩy cải cách hiến pháp tại nước này, vốn được nhất trí tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở thành phố Sochi của Nga hồi tháng 01-2018, hội nghị thượng đỉnh 3 bên Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Astana, công cuộc tái thiết Syria hậu xung đột, đến việc phối hợp các hoạt động trên thực địa với khả năng xuất hiện “khoảng trống quyền lực” sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria. Tổng thống V. Putin và Tổng thống T. Erdogan đã đạt được sự nhất trí về cách thức phối hợp hành động tại Syria trong thời gian tới.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga tại Syria hồi năm 2015. Sau thỏa thuận hòa giải năm 2016, quan hệ giữa hai bên cải thiện đáng kể. Chủ trương cải thiện quan hệ giữa hai nước dường như đã có tác động tích cực đối với sự hợp tác song phương trong các lĩnh vực trong thời gian qua, cũng như trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước với kim ngạch thương mại song phương tăng 18% chỉ trong 11 tháng đầu năm 2018, đạt mức 23 tỷ USD. Một tín hiệu tích cực nữa là lãnh đạo hai nước tái khẳng định mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD.
Có thể thấy, trong thời gian tới, xu hướng chủ đạo trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đối thoại trên cơ sở song phương và đa phương, qua đó nhằm xây dựng lòng tin, vượt qua những khác biệt về quan điểm và lợi ích vốn đan xen rất phức tạp. Với thiện chí của cả hai bên, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ được phát triển tích cực trong tương lai mà còn góp phần quan trọng trong tiến trình hòa bình tại Syria.
Bế tắc chính trị ở Mỹ tạm thời tìm được lối thoát
Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: TTXVN
Đêm 25-01 (giờ địa phương), Chính phủ liên bang của Mỹ đã mở cửa lại sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump ký phê chuẩn dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động trở lại trong 3 tuần, qua đó chấm dứt tình trạng một phần chính phủ bị “đóng băng” trong 35 ngày qua.
Ước tính, việc đóng cửa chính phủ một phần vừa diễn ra đã khiến nền kinh tế Mỹ thất thoát khoảng 1,2 tỷ USD/tuần, con số thiệt hại sau 35 ngày đóng cửa ước tính lên tới 6 tỷ USD, nhiều hơn so với khoản 5,7 tỷ USD mà Tổng thống D. Trump đã yêu cầu để xây dựng bức tường biên giới. Khoảng 850.000 viên chức (chiếm 40% nhân viên liên bang) trong hơn 1 tháng qua bị đặt ở tình trạng “nghỉ phép”, hay thất nghiệp tạm thời, không làm việc hoặc làm việc mà không được trả lương, cùng nhiều hậu quả nghiêm trọng khác chưa thể thống kê hết. Trong bối cảnh đó, các nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày 24-01 đã kêu gọi nhanh chóng thông qua một dự luật tạm thời, theo đó cấp kinh phí trong ba tuần, nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần.
Những nỗ lực này đã đạt được kết quả. Tuy nhiên, mặc dù đã ký thông qua dự luật nhằm mở cửa trở lại chính phủ, song Tổng thống D. Trump cũng đã đe dọa sẽ lại đóng cửa chính phủ sau 3 tuần nữa hoặc dùng đến quyền khẩn cấp để giải quyết vấn đề biên giới vào tháng sau nếu Quốc hội không cấp tài chính xây bức tường. Đến nay, Tổng thống D. Trump cho biết ông linh hoạt về loại tường có thể được xây ở biên giới. Đây có thể xem là một sự nhượng bộ của ông đối với những người ôn hòa thuộc phe Dân chủ khi họ nói rằng, họ thích làm rào chắn hơn là tường. Tổng thống D. Trump hy vọng, động thái này sẽ giúp trao cho hai bên nhiều cơ hội để tham gia các cuộc đàm phán sắp tới nếu các lãnh đạo Dân chủ sẵn sàng.
Dự kiến trong tuần tới, các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ về vấn đề ngân sách xây tường biên giới sẽ tái khởi động. Thượng nghị sĩ Schumer cho biết, đảng Dân chủ phản đối việc cấp ngân sách xây một bức tường ngăn cách với Mexico, nhưng sẽ đồng ý các phương thức khác để bảo đảm an ninh tại biên giới. Các nhà phân tích cho rằng, để có thể đạt được ngân sách giúp mở cửa hoạt động chính phủ lâu dài cần sự nhượng bộ và đàm phán thỏa hiệp của cả đôi bên. Hai bên cần gạt sang một bên những lợi ích chính trị để có thể đưa ra những nhượng bộ cần thiết. Tuy nhiên, điều này được nhận định là khó khăn. Bởi đây vốn là vấn đề của hệ thống chính trị Mỹ, không phải chỉ hiện tại mà còn ở tương lai, khi các nhánh của quyền lực luôn có sự mâu thuẫn. Nhất là khi trong bối cảnh hiện tại, Tổng thống D. Trump đang tìm kiếm một nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, còn phe Dân chủ cũng đang tìm cách nhằm làm giảm uy tín của phe cầm quyền trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nhật Bản - Nga: Tìm kiếm một giải pháp cân bằng cho vấn đề Hiệp ước hòa bình
Thủ tướng Nhật Bản S. Abe. Ảnh: TTXVN
Nhằm tìm kiếm được giải pháp cho vấn đề Hiệp ước hòa bình mà Nga và Nhật Bản chưa thể ký kết được kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã có chuyến thăm Nga trong hai ngày 21 và 22-01. Chuyến thăm đạt được nhiều đồng thuận, khi hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế và giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước có nhiều tiến triển và đang thúc đẩy đàm phán để giải quyết bất đồng, Thủ tướng S. Abe và Tổng thống V. Putin tập trung thảo luận về hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế - thương mại, đặc biệt là tìm cách thúc đẩy giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập niên đối với nhóm đảo hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga cũng thảo luận về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng S. Abe đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước. Theo ông S. Abe, hiện nhiều dự án quốc tế quan trọng đã được lập kế hoạch cho năm nay và Tokyo hy vọng sẽ cùng với Moscow nỗ lực làm cho năm 2019 trở thành năm phát triển mạnh mẽ giữa Nga và Nhật Bản. Tổng thống V. Putin cho rằng, các cuộc gặp thường xuyên ở cấp cao tạo điều kiện thảo luận thực trạng mối quan hệ Nga - Nhật, cũng như tình hình trong khu vực. Hai bên đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa bộ quốc phòng, biên phòng của hai nước. Việc hợp tác Nga - Nhật Bản trong việc chống lại các mối đe dọa phi truyền thống đã gặt hái nhiều thành công, hai bên sẽ nỗ lực phát huy các kết quả đã đạt được và không ngừng mở rộng hợp tác. Nga và Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục hợp tác về vấn đề Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh “hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á là mục tiêu chung to lớn” của hai nước.
Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản đã nhất trí quyết tâm tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa hai nước, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan hữu quan hai bên tiến hành các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moscow gọi là Nam Kuril. Thủ tướng S. Abe cho biết, Ngoại trưởng Nga và Nhật Bản sẽ gặp gỡ vào tháng 2 tới để tiếp tục theo đuổi các nỗ lực đối thoại giải quyết tranh chấp lãnh thổ đối với nhóm đảo hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Về phần mình, Tổng thống V. Putin cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hai nước đạt được một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến. Tổng thống V. Putin nhấn mạnh trong khuôn khổ hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận ý tưởng soạn thảo các kế hoạch tham vọng hơn về mở rộng hợp tác kinh tế trong những lĩnh vực chủ chốt từ thương mại đến đầu tư và hợp tác công nghệ. Dựa trên thực tế kim ngạch thương mại song phương Nga - Nhật Bản từ tháng 01 đến tháng 11-2018 tăng 18%, đạt khoảng 20 tỷ USD, hai bên đang hướng tới việc đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương những năm tới lên 1,5 lần, đạt mốc 30 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, Nga và Nhật Bản không ngừng đẩy mạnh hợp tác toàn diện, nỗ lực xây dựng lòng tin với quyết tâm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang kìm hãm quan hệ song phương phát triển trong suốt hơn 70 năm qua. Dẫu còn không ít khó khăn nhưng với tuyên bố chung hai bên sẽ tăng tốc tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình cho thấy, Tổng thống V. Putin và Thủ tướng S. Abe nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cân bằng mà cả hai nước có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, kết quả của tiến trình này tới đâu, còn phụ thuộc vào tính toán chiến lược của cả hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
“Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng, làm thổi bùng lên ngọn lửa giận giữ toàn cầu”. Đây là những báo cáo mới nhất mà Tổ chức quốc tế Oxfam vừa đưa ra, trong bối cảnh Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ). Điều này đặt các nước trên thế giới cần sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng chênh lệch giàu nghèo gia tăng để có thể giải quyết những nguy cơ đang nhen nhóm về sự bất ổn mới của toàn cầu.
Trong báo cáo “Lợi ích Công hay Tài sản Tư” vừa được Oxfam công bố ngày 21-01 cho thấy, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đang hủy hoại cuộc chiến chống nghèo đói, gây tổn thất cho nền kinh tế cũng như châm ngòi cho làn sóng bất bình diễn ra trên toàn cầu. Báo cáo cho thấy các chính phủ đang khiến cho bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn qua việc đầu tư không thích đáng cho các dịch vụ công như dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, mặt khác lại áp thuế thấp cho các tập đoàn và các nhóm giàu có, thất bại trong việc chống trốn thuế. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, phụ nữ và trẻ em gái là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bất bình đẳng kinh tế gia tăng. Các em gái sẽ là những người bị buộc phải thôi học trước tiên trong trường hợp gia đình không đủ tiền để trả học phí. Còn phụ nữ thì phải dành nhiều thời gian cho các công việc không được trả lương như chăm sóc cho người thân bị ốm khi dịch vụ y tế không làm được điều này. Do đó, Oxfam kêu gọi chính phủ các nước cần quan tâm hơn tới lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái, đầu tư vào các dịch vụ công cộng - như nước sạch, điện và chăm sóc trẻ em - để phụ nữ có thêm thời gian và hạn chế số giờ làm việc mà họ không được trả lương. Bản báo cáo được đưa ra với mục đích kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trước tình trạng khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng.
Theo các chuyên gia, để giảm khoảng cách giàu nghèo, các quốc gia cần tăng tốc độ thực hiện xóa đói, giảm nghèo bằng những nỗ lực to lớn hơn nữa, như tăng phạm vi lựa chọn và khả năng tiếp cận với các nguồn lực hiện có, kiểm soát tốt hơn các rủi ro, bảo đảm môi trường bền vững cũng như bảo đảm sự tham gia rộng rãi hơn của dân chúng trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định. Việc mở rộng sự lựa chọn trong lĩnh vực phát triển con người là một chiến lược quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của các nước. Người nghèo cần phải có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cũng như lối sống. Đồng thời, người nghèo cũng cần phải được hưởng thụ một cách hợp lý và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Một phần quan trọng trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo còn là xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ, vì đói nghèo tác động tới phụ nữ và trẻ em nhiều hơn nam giới. Phụ nữ có ít cơ hội lựa chọn hơn vì bị hạn chế bởi bổn phận đối với xã hội và gia đình, bởi các giá trị và quan niệm truyền thống về giới tính và phụ nữ bị đặt ở địa vị thấp hơn nam giới, thậm chí bị lạm dụng. Xóa nghèo ở nữ giới là mở rộng điều kiện lựa chọn về nghề nghiệp, việc làm và giáo dục, cũng như quyền sử dụng đất đai và khả năng vay vốn. Quan trọng hơn, các chuyên gia đã khuyến cáo, nếu các chính phủ không tập trung giải quyết vấn đề khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng, thì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cùng cực vào năm 2030 sẽ không thể thực hiện được và gần một nửa tỷ người sẽ vẫn phải sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực./.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng niệm nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh  (27/01/2019)
Mang không khí Tết cổ truyền ấm áp đến với mọi người, mọi nhà  (27/01/2019)
Luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc  (27/01/2019)
Mãi mãi niềm tin theo Đảng  (27/01/2019)
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm