Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Ánh Tuyết
22:16, ngày 12-11-2018

TCCSĐT - Sáng 10-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tới dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” với nhân dân thôn Thanh Lương, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (2013 - 2018).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở Nghệ An

Sáng 10-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tới dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” với nhân dân thôn Thanh Lương, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương. Cùng tham dự có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An và đông đảo nhân dân thôn Thanh Lương.

Khẳng định đại đoàn kết là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ qua 88 năm hình thành và phát triển (18-11-1930 - 18-11-2018), dù ở giai đoạn nào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn luôn khẳng định là tổ chức liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân và là một trong những nhân tố quyết định để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình là đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước vì mục tiêu chung của cách mạng, của Đảng, của dân tộc và góp phần vào những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng đề nghị nhân dân thôn Thanh Lương tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh các cuộc vận động tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, “Quỹ vì người nghèo’, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,… xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn cấp ủy, chính quyền xã Hiến Sơn có nhiều giải pháp cụ thể thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", chăm lo sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng được nhiều mô hình, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội để giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp, nhanh chóng giúp 4 hộ còn lại thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Chính quyền và nhân dân tạo điều kiện giúp đỡ đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng còn nghèo, gặp khó khăn hoạn nạn. Tổ chức hiệu quả các hoạt động nhân đạo, từ thiện hướng tới người nghèo, người già cô đơn, người bất hạnh trong cuộc sống.

Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, quy ước, hương ước cộng đồng, vận động mọi người, mọi nhà trong cộng đồng dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn, phòng chống hiệu quả tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia hòa giải mâu thuẫn nội bộ, xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thôn Thanh Lương tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, phát huy và giữ gìn truyền thống, nếp sống văn hóa, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đẩy mạnh phong trào ông, bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền… xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ gìn phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, góp phần xây dựng xã Hiến Sơn hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Sáng 10-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (2013 - 2018); cùng chủ trì Hội nghị có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá quá trình thực hiện, kết quả đạt được, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, yếu kém để rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp cho thời gian tới.

“Qua 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII đã đề ra. Nhiều mục tiêu đặt ra trong Đề án về cả 3 trụ cột (kinh tế, xã hội, môi trường) đã đạt hoặc gần tiệm cận mục tiêu của năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về mục tiêu kinh tế, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (có thời điểm tăng trưởng âm), nhưng tính chung cả giai đoạn, nông nghiệp vẫn đạt được tăng trưởng 2,55%/năm. Việt Nam đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, có thứ hạng trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước; riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt trên 36 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước; năm 2018 ước đạt 40 tỷ USD.

Về mục tiêu xã hội, cùng với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm, thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 1,71 lần.

Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%); tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã được từng bước được kiểm soát, giám sát, xử lý nghiêm.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục, giải quyết để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trang của các sản phẩn nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.

Quá trình phát triển nông nghiệp vẫn có những yếu kém nội tại chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Chất lượng tái cơ cấu ở một số nơi còn thấp. Sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Ở nhiều địa phương, sản xuất nông nghiệp còn mang tính phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, chưa gắn với thị trường dẫn đến dư thừa sản phẩm, khó tiêu thụ.

Quy mô của nhiều sản phẩm còn nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nên giá trị gia tăng thấp, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, về tầm nhìn phát triển nông nghiệp giai đoạn tới, cần xác định mục tiêu chung là “xây dựng dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng”.

Đánh giá đây là những mục tiêu cao nhưng có thể thực hiện được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân phải thực sự vào cuộc quyết liệt.

“Cơ cấu lại ngành nông nghiệp để góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng; là một quá trình, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực; cần sự chung tay, sự sâu sát của các ban, bộ, ngành và cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển, đồng thời, khắc phục những điểm còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp.

Trên cơ sở tái cơ cấu, Bộ NN&PTNT chủ trì với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức lập các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng kế hoạch để xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư hạ tầng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. “Phải coi doanh nghiệp là động lực chính cho phát triển nông nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới đảm đương được các nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất (vốn, giống, nhân lực, công nghệ…); tổ chức sản xuất; đầu tư ứng dụng KHCN; tổ chức tiêu thụ sản phẩm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải gắn thu hút doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp với hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Cùng với các doanh nghiệp, một lực lượng đóng vai trò quyết định đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chính là khoa học công nghệ. “Tái cơ cấu nông nghiệp cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, đặc biệt là ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến cho phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩn nông nghiệp có năng suất, chất lượng, khối lượng đột phá và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...); bảo vệ người nông dân, bảo vệ người tiêu dùng.

“Người nông dân phải được ăn, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Về nhiệm vụ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải lấy thị trường khu vực và quốc tế là nhân tố quyết định cạnh tranh thành công của nông sản Việt Nam, đồng thời, phải coi trọng thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân.

“Thị trường trong nước với 90 triệu dân phải được đặc biệt coi trọng, người dân phải được sử dụng các sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Muốn thực hiện được mục tiêu này, phải tổ chức lại thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường bán lẻ. Cùng với đó, phải tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. Đối với thị trường thế giới, phải giữ vững các thị trường truyền thống, đồng thời tích cực đàm phán để đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến các thị trường mới; tích cực quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, các bộ, ngành sẽ sẽ tập trung tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để hỗ trợ phát triển nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính… Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sản xuất./.