Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến 11-11-2018
Nghệ An tiến hành sáp nhập, tinh giản biên chế
Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến tháng 11-2018, tại Nghệ An đã có một số cơ quan, đơn vị đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong năm 2018 đã tiến hành sáp nhập Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh vào Công an tỉnh và giảm 34 đơn vị cấp phòng trong Công an tỉnh xuống còn 28 phòng; sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã Cửa Lò với Đài Phát thanh - Truyền hình thị xã Cửa Lò; sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Quỳnh Lưu với Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Quỳnh Lưu. Nhiều huyện trong tỉnh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị…
Trong thời gian tới, Nghệ An đã thống nhất mỗi cơ quan, đơn vị sẽ giảm ít nhất một đầu mối bên trong và giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Tỉnh yêu cầu với những nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy đã rõ, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện ngay, tránh tình trạng kéo dài. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng thống nhất sẽ sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện với Đài Phát thanh - Truyền hình huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông; giải thể Phòng Y tế, chuyển chức năng quản lý nhà nước về y tế và biên chế về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện.
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An tập trung rà soát, thống kê các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, xây dựng kế hoạch, lộ trình sáp nhập theo kế hoạch của Trung ương; rà soát, thống kê, xây dựng lộ trình sáp nhập các khối, xóm, bản không đủ tiêu chuẩn từ nay đến năm 2021 bảo đảm khoa học, hợp lý và xây dựng đề án khoán kinh phí hoạt động của các khối, xóm, bản.
Đối với các đơn vị điểm cấp huyện, Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu mỗi đơn vị lựa chọn thực hiện thí điểm 1 đến 2 mô hình hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân có chức năng nhiệm vụ tương đồng; đối với các đơn vị chưa đủ điều kiện hợp nhất các cơ quan thì thí điểm nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy với cơ quan chuyên môn.
Lào Cai quyết liệt cải cách hành chính
Năm 2018, tỉnh Lào Cai chọn chủ đề “Quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp”. Do vậy, các cấp, ngành đã chủ động, quyết liệt cải cách hành chính, chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, Lào Cai đã phê duyệt danh mục 534 thủ tục hành chính, thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết, trong đó, tập trung vào các thủ tục hành chính có tần suất thực hiện giao dịch nhiều gồm: 387 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 95 thủ tục hành chính cấp huyện, 52 thủ tục hành chính cấp xã.
Kết quả 10 tháng năm 2018 đã có 37.395 lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm, tiết kiệm gần 20 tỷ đồng. Riêng thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng đã rút ngắn thời gian của 11 thủ tục hành chính, đồng thời hoàn thành việc chuẩn hóa, công bố kịp thời, đầy đủ các thủ tục hành chính/danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết.
Tỉnh Lào Cai cũng đã quyết liệt sắp xếp, kiện toàn 25 cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện; sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp huyện theo đúng hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương theo phân cấp ở tỉnh.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Lào Cai đã sắp xếp thu gọn từ 32 phòng khám đa khoa khu vực xuống còn 18 phòng khám đa khoa khu vực; sáp nhập 68 trường học thành 34 trường, gộp 79 điểm trường mầm non và tiểu học.
Nhằm tinh gọn bộ máy hành chính theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Lào Cai đã hợp nhất Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải thành Sở Giao thông, vận tải, xây dựng. Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp lại 90 Ban Chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành cấp tỉnh; 90% thôn, tổ dân phố hoàn thành sắp xếp 3 người đảm nhận 7 chức danh, các thôn, tổ dân phố còn lại đang tiếp tục rà soát, triển khai.
Ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lào Cai được quan tâm và đầu tư hơn. Hệ thống thông tin dùng chung được triển khai nhân rộng, đồng bộ trên cả 3 cấp. Qua đó, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương đã được cải thiện, hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng phục vụ ngày càng rõ nét hơn.
Vĩnh Phúc tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại nhiều cơ quan, đơn vị
UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan đơn vị trên địa bàn. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2553/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư thành Trung tâm Khuyến nông trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 2545/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Nhà hát Chèo và Đoàn nghệ thuật ca, múa, nhạc thành Nhà hát nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc cũng quyết tâm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tỉnh với mong muốn đạt kết quả cao thực sự, được nhiều người dân ủng hộ. Toàn tỉnh có 21/21 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 9/9 huyện, thành, thị được quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Nghị định số 24/2014/ NĐ-CP ngày 04-4-2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05-5-2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sau khi quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các sở, ngành,UBND cấp huyện trong toàn tỉnh đã giảm tới 28 phòng chuyên môn. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đã thực hiện tổ chức rà soát, sắp xếp, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại để giảm 45 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay toàn tỉnh đã giảm 74 đầu mối cơ quan, đơn vị.
Vĩnh Long: Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại
Ngày 06-11, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nền hành chính hiện đại.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nền hành chính hiện đại, triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã, góp phần hạn chế giấy tờ, giải quyết công việc nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Đến nay, 100% cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng hệ thống mạng LAN kết nối mạng WAN của tỉnh. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện thường xuyên sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin đạt 90% và sử dụng internet phục vụ công việc chiếm 95%; 100% cơ quan được cấp chữ ký số triển khai gửi, nhận văn bản có sử dụng chữ ký số trong toàn tỉnh.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Vĩnh Long đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ hành chính điện tử tại Bộ phận một cửa của UBND cấp huyện đúng hạn đạt 95%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nền hành chính hiện đại của tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung triển khai chậm làm ảnh hưởng đến việc triển khai chính quyền điện tử của tỉnh. Chế độ đãi ngộ thấp dẫn đến tình trạng chảy máu nhân lực phụ trách công nghệ thông tin có kinh nghiệm, trình chuyên môn sâu từ cơ quan Nhà nước sang khối tư nhân. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh rất ít do tổ chức và cá nhân vẫn còn thói quen nộp trực tiếp hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đa số người dân còn thiếu kỹ năng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến.
Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các các bộ, ngành trong triển khai Chính phủ điện tử, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu ban hành chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước để có chính sách thu hút nhân lực công nghệ thông tin phục vụ lâu dài. Bộ Nội vụ cần nâng điểm cho các tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua khen thưởng nhằm nâng cao vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay.
Đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đề nghị tỉnh sớm xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu theo kiến trúc chính quyền điện tử để bảo đảm kết nối giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong tỉnh với các bộ, ngành Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, bảo đảm thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn khai thác sử dụng các dịch vụ chính phủ điện tử do cơ quan nhà nước cung cấp, từ đó thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào các dịch vụ Chính phủ điện tử. Vĩnh Long thực hiện kết nối hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính. Ngoài ra, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, phần mềm hệ thống và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Bạc Liêu thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Thực hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết: Theo công bố của VCCI, chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu năm 2017 đạt được 61,09 điểm, tăng 3,43 điểm so với năm 2016 (57,66 điểm). Tuy điểm số tăng nhưng về thứ hạng lại giảm 1 bậc, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố so với năm 2016 (xếp thứ 41), xếp hạng ở nhóm trung bình so với cả nước, đứng thứ 10 so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trên các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang). Trong số 10 chỉ số thành phần có 6 chỉ số tăng, 4 chỉ số giảm.
Thời gian tới, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục triển khai Chương trình hành động số 01/CTr-UBND của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số PCI năm 2017 đến năm 2020, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thuận lợi, thông thoáng, minh bạch. Bên cạnh đó, đưa Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, xã liên thông thủ tục từ tỉnh xuống huyện, xã; đề xuất phương án triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2018.
Tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc thành lập Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ doanh nghiệp, hỗ trợ hồ sơ thủ tục khi doanh nghiệp cần; tiếp tục thực hiện mô hình “cà phê doanh nhân” nơi để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ doanh nghiệp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận phản ánh những khó khăn, vướng mắc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận phản ánh những khó khăn, vướng mắc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh.
Bạc Liêu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đăng tải lên phương tiện thông tin đại chúng về chỉ số PCI của tỉnh, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới ban hành; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cùng với đó tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá và đề ra giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 và những năm tiếp theo nhằm triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI đến các cấp, ngành trong tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, ngành trong tỉnh về chỉ số PCI, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư của tỉnh, môi trường sản xuất kinh doanh được cải thiện./.
Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh  (12/11/2018)
Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh  (12/11/2018)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Đắk Lắk  (11/11/2018)
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Tuyên Quang, Bình Dương  (11/11/2018)
Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp  (11/11/2018)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay