Giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Thái Văn Long PGS,TS. Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
21:13, ngày 24-11-2017

TCCSĐT - Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện vĩ đại có tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Đó là sự kiện có ý nghĩa quốc tế lớn nhất trong thế kỷ XX, ảnh hưởng rộng nhất tới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cổ vũ và thúc đẩy cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý tưởng trở thành hiện thực

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga biến chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý tưởng thành hiện thực: Ước mơ muôn thuở của loài người thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột, bất công; có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc… đã thành sự thật, thành cuộc sống mới của hàng trăm triệu con người. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa cộng sản mới chỉ là ước mơ. Nay, cách mạng thành công ở nước Nga, ước mơ đó trở thành một hiện thực. V. I. Lê-nin đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Mác và phát động thành công cách mạng ở một nước.

Chủ nghĩa Mác trở thành sức mạnh khi nó xâm nhập sâu vào phong trào cách mạng và lý luận đó đã được bổ sung, hoàn thiện một cách phong phú qua Cách mạng Tháng Mười Nga. Chính Cách mạng Tháng Mười Nga đã giải đáp và chứng minh rằng, chỉ có con đường cách mạng vô sản mới giải phóng được giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột và bất công. Cách mạng Tháng Mười thực hiện công cuộc giải phóng triệt để những người vô sản và nông dân nghèo khổ khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, của chế độ phong kiến, nâng họ lên hàng những người chủ thực sự của chế độ xã hội mới. Sức sáng tạo của hàng triệu triệu quần chúng cách mạng là cội nguồn sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga, của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX.

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, còn làm xuất hiện những khả năng mới về sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường phát triển đất nước gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “sự phát triển rút ngắn” của học thuyết Mác đã được vận dụng sáng tạo và thể nghiệm thành công qua Chính sách kinh tế mới (NEP) trong những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước chậm phát triển quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội với những bước “quá độ dần dần”; biết “lợi dụng chủ nghĩa tư bản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội... Nước Nga Xô-viết và sau này là Liên Xô chỉ sau mấy chục năm, từ một nước tư bản phát triển trung bình đã trở thành cường quốc đứng hàng đầu thế giới; xác lập một kiểu tổ chức xã hội mang lại cho quảng đại quần chúng lao động nhiều quyền lợi. Sức sống, triển vọng và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực chính là sự khẳng định, tôn vinh những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga. Nói một cách khác, Cách mạng Tháng Mười Nga đã hiện thực hóa những quan điểm tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, là một bước tiến lớn trong sự phát triển tư tưởng của loài người nên đã thực sự trở thành mục tiêu thu hút, hấp dẫn hàng triệu người đi theo ánh sáng tư tưởng của cuộc cách mạng và tham gia đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp cho độc lập, tự do của dân tộc mình.

Kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, phát huy sáng tạo giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, từ cuối thế kỷ XX đến nay, các đảng cộng sản và dân chủ thế giới đã đổi mới tư duy, những nguyên lý và các giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được nhận thức đúng đắn hơn; những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp trong xây dựng chủ nghĩa xã hội được xác định một cách chân thực hơn; xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, khách quan hơn.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại những bài học mẫu mực về chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng

Có thể nói, những nguyên lý của C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã được V.I. Lê-nin vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng như: vấn đề về sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản; vấn đề thời cơ cách mạng, thay đổi sách lược; vấn đề sử dụng bạo lực cách mạng, vấn đề lợi dụng và khoét sâu mâu thuẫn chủ yếu của địch; vấn đề xây dựng khối liên minh công nông… Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là sự cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế, mà còn để lại những bài học quý báu, chỉ ra cho phong trào cộng sản quốc tế con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản.

Cách mạng Tháng Mười Nga thực sự là điểm khởi đầu cho sự chấm dứt ách bóc lột, đô hộ, thống trị của chủ nghĩa tư bản đối với người lao động và các dân tộc thuộc địa, đồng thời bắt đầu cho việc xây dựng một xã hội mới - Xã hội xã hội chủ nghĩa. Sự “quá độ phát triển” theo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác trên toàn thế giới cũng bắt đầu từ đây. Các đảng cộng sản trong phong trào cộng sản quốc tế đã nhận được những bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga để đối phó với sự đối đầu giữa hai mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đều được định hình từ chính sự đối lập này. Hầu hết các đặc điểm, như tùy thuộc lẫn nhau, hợp tác - liên kết, hay xung đột - chiến tranh khu vực v.v… đều được định hình bắt đầu từ mối quan hệ giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

Đặc biệt, cách thức Nhà nước Xô-viết (giai đoạn đầu) xử lý các vấn đề kinh tế, như tăng trưởng, thương mại, đầu tư; những vấn đề xã hội như công bằng, dân chủ, an sinh, môi trường, giáo dục; những vấn đề về quản lý từ vĩ mô đến vi mô… đều là những bài học quý cho các đảng cộng sản trong quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước mình. Bên cạnh đó, nhiều bài học đắt giá (về sự không thành công) cũng được rút ra từ sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí, từ việc kéo dài quá lâu cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội,…

Những bài học thành công và thất bại nêu trên đang được các đảng cộng sản, nhất là các đảng đang cầm quyền, lãnh đạo công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa nghiêm túc tiếp thu, bổ sung, phát triển cho phù hợp với những biến động phức tạp hiện nay của thế giới.

Từ “chiếc nôi nước Nga” và Liên Xô, chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng tại nhiều không gian địa chính trị trọng yếu, thu được những thành tựu to lớn

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thành công trên một đất nước rộng lớn với diện tích gần một phần sáu địa cầu, trải dài từ Âu sang Á, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Ở đó, Nhà nước công ¬nông đầu tiên trên thế giới đã ra đời, tiến tới thành lập Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, trở thành thành trì cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 -¬ 1945 ), Liên Xô cùng với các nước phe đồng minh đã đập tan chủ nghĩa phát-xít, bảo vệ Tổ quốc Xô-viết; đồng thời góp phần chủ yếu cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa phát-xít, tạo điều kiện cho một loạt nước ở Đông Âu và châu Á, sau đó là Tây bán cầu tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới, đối trọng hữu hiệu trên nhiều lĩnh vực với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Dưới ánh sáng của “ngọn hải đăng Cách mạng Tháng Mười Nga”, quần chúng lao động và các lực lượng cách mạng khác đã xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở 15 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và cả ở châu Mỹ; cộng với nhiều quốc gia định hướng xã hội chủ nghĩa ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.

Liên Xô cũng từng chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao đáng tự hào, đặc biệt là về công nghệ hạt nhân, chinh phục vũ trụ, văn hóa xã hội chủ nghĩa một nền văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc đã từng chinh phục khối óc, trái tim của hàng triệu triệu con người trên trái đất. Trong hơn 70 năm (1917 -¬ 1991) xây dựng và phát triển, đất nước Liên Xô, “con đẻ” của Cách mạng Tháng Mười Nga, từ một nước tư bản trung bình nhanh chóng khẳng định sức sống mãnh liệt của một chế độ xã hội mới, ưu việt, liên tiếp lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang. Tăng trưởng kinh tế đã từng phát triển với tốc độ bình quân hằng năm hàng chục phần trăm và trong nhiều năm là cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới

Từ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cộng sản quốc tế mà nòng cốt là các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong gần 50 năm tồn tại đã giành được nhiều thành tựu vẻ vang, tạo nên sức mạnh tổng lực hùng cường, đưa tới sự cân bằng lực lượng trên thế giới; thúc đẩy các dòng thác cách mạng cùng phát triển. Đó là: phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào độc lập dân tộc và phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó còn là phong trào cuốn hút hàng tỷ người trên hành tinh đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống xâm lược và âm mưu nô dịch của các thế lực đế quốc, thực dân.

Sự sụp đổ của Liên Xô và mô hình xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu khiến thế giới cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đầy biến động, nhưng cũng không vì thế mà có thể phủ nhận giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga - cuộc cách mạng hướng nhân loại tới một tương lai tươi sáng hơn. Tiếp tục cuộc đấu tranh xoá bỏ mọi sự lạc hậu, lỗi thời, áp bức, bất công, bất bình đẳng cũng chính là sự tiếp tục sự nghiệp cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga./.