Kiến nghị công khai cơ quan trình, soạn luật không bảo đảm chất lượng
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không thực hiện đúng kế hoạch; chất lượng một số văn bản không cao, thiếu tính khả thi. Đây là hạn chế kéo dài qua nhiều kỳ, nhiều khóa Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Những vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan bàn thảo sâu sắc tại Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật, pháp lệnh và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội diễn ra ngày 08-9 tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.
Chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật
Theo quyết định của Quốc hội, năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật và cho ý kiến về 3 dự án luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, hiện đang phát sinh một số lượng lớn dự án luật được Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đề nghị bổ sung, điều chỉnh.
Ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ trong việc lập dự kiến chương trình, nhiều bộ, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, lúng túng khi thực hiện hoặc đưa ra những kiến nghị chưa thực sự có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn.
Để bảo đảm tiến độ các dự án, Ủy ban Pháp luật đã có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình năm 2017 nhưng nhiều cơ quan vẫn không thực hiện đúng yêu cầu.
Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại kéo dài trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh dẫn đến chương trình phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không thực hiện đúng kế hoạch, chất lượng một số luật chưa cao; một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị; nhiều dự án, văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa được trình đồng thời trong hồ sơ dự án luật; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự kiên quyết trong bảo vệ quan điểm của mình, còn nể nang, ngại va chạm, tính phản biện chưa cao.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Ủy ban Quốc phòng và An ninh) phân tích nhiều dự án luật chất lượng thấp, nội dung sơ sài, mâu thuẫn với các luật khác, báo cáo đánh giá tác động sơ sài, dẫn tới hệ quả là tính khả thi không cao nhưng các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn không mạnh dạn trả lại. “Cái sân bóng khi cho ý kiến lần đầu của kỳ họp Quốc hội thì dự thảo Luật đó lại đá sang các Ủy ban của Quốc hội, mà quỹ thời gian từ kỳ họp thứ nhất sang kỳ họp thứ hai để thường trực các Ủy ban làm nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo không nhiều dẫn tới chất lượng luật không tốt” - đại biểu nhấn mạnh.
Ý kiến khác cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng luật có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của dự án. Các cơ quan liên quan tham gia ý kiến vào dự án luật còn mang tính hình thức, lấy lệ; một số cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình, còn có tâm lý nể nang nên thường đưa ra ý kiến ủng hộ chung chung mà không có sự nghiên cứu, đánh giá tác động một cách khách quan, chính xác.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga kiến nghị những cơ quan đã nhận được văn bản đề nghị góp ý kiến vào các dự án luật thì phải góp ý nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao, có như vậy hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta mới tốt được.
Kiến nghị công bố công khai danh sách cơ quan trình, soạn thảo không bảo đảm chất lượng
Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật.
Chính phủ phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc thảo luận tập thể về mỗi dự án luật, thảo luận kỹ nội dung mà bộ, ngành chuyên môn có ý kiến dù đó có thể chỉ là ý kiến thiểu số; nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào chương trình các dự án luật đã được các cơ quan có thẩm quyền giao trong các văn bản cụ thể, những dự án luật cần thiết sửa đổi hoặc ban hành mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết, khắc phục ngay những bất cập, cản trở đối với sự phát triển của đất nước.
Khi trình dự án luật dẫn đến phải sửa đổi, ban hành mới các đạo luật khác thì phải có đánh giá thận trọng, kỹ càng và có giải pháp thực hiện bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh tình trạng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản nhưng không đủ cơ sở, không bảo đảm đầy đủ hồ sơ đề xuất theo quy định.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị công bố công khai danh sách cơ quan trình, cơ quan soạn thảo không bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước mỗi kỳ họp của Quốc hội và coi đây là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong năm 2018./.
Phát triển quan hệ với Việt Nam đạt được sự đồng thuận ở Hungary  (08/09/2017)
Dự án BOT - Chính sách và giải pháp  (08/09/2017)
Quảng Nam phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  (08/09/2017)
Quảng Nam phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  (08/09/2017)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay