Tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, qua đảng viên - đột phá trực tiếp và trước hết từ người đứng đầu cấp ủy
(Tiếp theo kỳ trước)
II- Người đứng đầu cấp ủy các cấp và sự thực thi vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, nhân tố quyết định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Ông cha ta ngay từ thuở xưa, hết sức coi trọng đội ngũ quan lại và việc tuyển chọn, cắt đặt, sử dụng quan lại. Gần sáu thế kỷ trước, nhà vua Lê Thánh Tông viết: Trăm quan là nguồn gốc của hưng thịnh. Quan có đức, có tài thì nước thịnh. Quan kém đức, kém tài là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Kinh nghiệm lịch sử chính trị thế giới xác nhận: Lý do tồn tại của tổ chức đảng, và các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu (người viết nhấn mạnh - NL) đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng nhiều mặt của tất cả các đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những kiến thức cần thiết, ngoài kiến thức và kinh nghiệm là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp, như V. I. Lê-nin nói.
1- Về sự lãnh đạo của Đảng - nhìn từ vị thế cần có của người đứng đầu cấp ủy
Nói về trọng trách chính trị của Đảng mặc nhiên là nói về vị thế lãnh đạo, vai trò lãnh đạo và trách nhiệm lãnh đạo đối với đất nước. Điều đó đã được Hiến định và bảo đảm bằng pháp luật. Trên nhiều phương diện chính trị và pháp lý về vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề người đứng đầu cấp ủy các cấp giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong Đảng và trong xã hội. Đảng ta khẳng định: Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện cho Đảng và Nhà nước ta.
Chi bộ thôn Đông Lai, xã Bàn Giản (Lập Thạch) phát huy vai trò gương mẫu của Bí thư Chi bộ trong việc thực hiện các quy định của Điều lệ Đảng, xây dựng chi bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh - Nguồn: baovinhphuc.com.vn
Do đó, người đứng đầu cấp ủy tự nó giữ vai trò đi tiên phong hết sức quan trọng đối với việc khẳng định vị thế, nâng cao vai trò và thực thi quan trọng trọng trách lãnh đạo của tổ chức đảng, ở đây trực tiếp là phương thức lãnh đạo của Đảng. Người đứng đầu cấp ủy làm những gì trong vai trò là người lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng? Nó tương đồng hay dị biệt ra sao với công việc quản lý, quản trị?
Về bản chất, sự lãnh đạo là một khái niệm rộng, mở và động.
Sự lãnh đạo xuất hiện bất kỳ khi nào một người hoặc tổ chức cố gắng để tác động hoặc chi phối hành vi của một cá nhân, một nhóm người hay rộng hơn là đất nước, bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào. Còn sự quản lý, đó là quá trình làm việc cùng với và thông qua các cá nhân, các nhóm xã hội và những nguồn lực khác (như thiết bị, vốn, công nghệ...) để đạt được những mục đích của tổ chức.
Về sự lãnh đạo, cũng có thể vì mục tiêu của chính người lãnh đạo hoặc những mục tiêu của ban lãnh đạo hoặc những mục tiêu của đối tượng hoặc nhóm đối tượng, và những mục tiêu này cũng có thể “đồng dạng” hoặc không “đồng dạng” với mục tiêu của tổ chức. Về sự quản lý? Nó được áp dụng cho các tổ chức (dù đó là doanh nghiệp, cơ quan giáo dục hay tổ chức chính trị, quân đội, thậm chí là gia đình); và để thành công, các tổ chức này đòi hỏi những nhà quản lý phải có những kỹ năng giữa cá nhân con người với nhau.
Do đó, sự khác nhau quan trọng giữa hai lĩnh vực lãnh đạo và quản lý là ở chỗ nằm ở mục tiêu của tổ chức. Song, xét theo một ý nghĩa nào đó, sự quản lý là một loại hình lãnh đạo chuyên biệt, trong đó việc đạt được những mục tiêu của tổ chức có ý nghĩa quan trọng nhất. Nói cách khác, việc đạt được các mục tiêu của tổ chức thể hiện và thông qua sự lãnh đạo chính là sự quản lý. Theo đó, mỗi người trong tổ chức đều là một nhà quản lý trong một số hoạt động nhất định.
Diễn đạt một cách khái quát có tính hình tượng, nếu những nhà lãnh đạo chế ngự hoàn cảnh - những ngoại vi không ổn định, bất thường, mơ hồ và đôi khi có vẻ chúng chống lại, thậm chí hạ gục chúng ta, nếu chúng ta lơ là - thì những nhà quản lý lại phục tùng, thậm chí quy phục, đầu hàng hoàn cảnh. Nếu nhà quản lý trông nom thì một nhà lãnh đạo là đổi mới. Nếu nhà quản lý là một bản phô-tô-cóp-pi thì nhà lãnh đạo là bản gốc. Nếu nhà quản lý làm nhiệm vụ duy trì thì nhà lãnh đạo có trọng trách phát triển. Nếu nhà quản lý tập trung vào hệ thống và cấu trúc thì nhà lãnh đạo tập trung vào con người. Nếu nhà lãnh đạo xây dựng lòng tin thì nhà quản lý nặng về kiểm soát. Nếu nhà quản lý có tầm nhìn ngắn hạn thì nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn. Lãnh đạo là dẫn đường, là thách thức, là khai mở chứ không phải là làm theo, là đối phó, bị động. Nếu nhà lãnh đạo đòi hỏi cái gì và tại sao thì nhà quản lý cần làm như thế nào và khi nào. Nhà quản lý nhìn tới dòng cuối cùng thì nhà lãnh đạo nhìn tới tận chân trời. Nếu nhà quản lý cần sự noi gương và làm theo thì nhà lãnh đạo phải cần sự bắt đầu và sáng tạo. Nếu nhà quản lý chấp nhận nguyên trạng thì nhà lãnh đạo thách thức nó. Nếu nhà quản lý làm mọi điều theo cách đúng thì những nhà lãnh đạo cần làm những điều đúng, v.v..
Nói gọn lại, người đứng đầu cấp ủy tổ chức đảng dù ở các cơ quan đảng hay cấp ủy ở cơ quan quản lý, ở Trung ương hay địa phương, ở khu vực hành chính hay doanh nghiệp... rõ ràng, là người lãnh đạo chính trị, người khai phá con đường mới mẻ và dẫn đường cùng tập thể cấp ủy, cái “đầu tàu” của tổ chức đảng, là hạt nhân của cấp ủy, là tấm gương soi, phản chiếu và thể hiện trực tiếp, hiệu ứng tức thì vị thế, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, theo Điều lệ Đảng và pháp luật, trước đảng viên và nhân dân. Thực tiễn dạy rằng, đổi mới là điều tạo ra sự khác biệt giữa người lãnh đạo và người phục tùng. Thực tiễn còn dạy rằng, nếu biết ra lệnh thì chỉ là quan chức, còn biết và chủ động chịu trách nhiệm thì là người lãnh đạo.
Theo đó, xuất phát từ vị thế của người đứng đầu các cấp ủy và những vấn đề đặt ra cần giải quyết trên tầm tổng thể từ thực tiễn thực thi phương thức lãnh đạo của Đảng những năm qua, rõ ràng, sắp tới, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - đột phá trực tiếp và trước hết từ người đứng đầu các cấp ủy có ý nghĩa tiên phong nhằm giải quyết tình hình và tạo sự chuyển động một cách toàn cục, đồng bộ và hiệu quả.
2- Những yêu cầu và tố chất cần và đủ của người đứng đầu cấp ủy trong vị thế là người đại diện lãnh đạo, người dẫn đầu và tấm gương bảo đảm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Với nhận thức như vậy, rõ ràng, người cán bộ lãnh đạo và quản lý nói chung, người đứng đầu cấp ủy nói riêng, cần có những tố chất chuyên biệt phù hợp với yêu cầu và tương dung với đòi hỏi của tiến trình lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Dù làm công tác lãnh đạo hay quản lý, người cán bộ phải thể hiện mình trước hết là một nhà chính trị, một nhà tổ chức thực tiễn và một nhà văn hóa trọn vẹn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn, trước sau luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Do đó, yêu cầu và hệ tố chất của người đứng đầu cấp ủy gồm mấy nhân tố chung nhất:
2.1- Những yêu cầu chung
- Về phẩm chất chính trị và đạo đức: Trước hết là, sự trung thành, mẫn cán và sáng tạo. Thứ hai là, sự trong sáng và không vụ lợi. Thứ ba là, dám chịu trách nhiệm và biết hy sinh. Thứ tư là, trung thực và không xu thời. Thứ năm là tự biết xấu hổ với chính mình. Vì nói như người xưa: Không biết xấu hổ thì không thành người được. Thứ sáu là, tự biết giấu mình, tức không ba hoa, khoe khoang, hợm hĩnh.
- Về năng lực trí tuệ: Trước hết, cần có sự nhạy cảm chính trị, khả năng tiên lượng hợp quy luật và hợp lòng dân. Thứ hai, cần có tầm nhìn xa trông rộng đồng thời có khả năng định chế thiết thực và tính khả thi cao. Thứ ba, có óc thực tế, óc tổ chức, óc phản biện và tính quyền biến, mềm dẻo. Thứ tư, phải vừa bao quát vừa sâu sát, cụ thể hay nói cách khác vừa có óc chiến lược vừa có khả năng ứng phó sách lược an toàn và hiệu quả. Thứ năm, tri thức chính trị phải vừa rộng lại phải vừa sâu ngang tầm với lĩnh vực mình đảm trách. Thứ sáu, vừa đột phá vừa thận trọng vừa quyết đoán trên nền một sức bật chuyên môn hùng hậu, một nền tảng văn hoá chính trị phong phú và dày dạn. Thứ bảy, năng lực ra quyết định và kiểm tra việc thực thi quyết định.
- Về phương pháp và phong cách công tác: Thứ nhất, về phương pháp: Phải có phương pháp vừa khái quát vừa cụ thể. Phải có gan nghĩ việc, có gan quyết đoán, có gan làm việc và có gan chịu trách nhiệm một cách trực tiếp trước tập thể, trước cấp trên và trước toàn xã hội. Thứ hai về phong cách: Mềm dẻo về hành xử nhưng cứng cỏi trong biện luận, thuyết phục. Có gan đối thoại, nghe tất cả, nhìn tất cả nhưng quyết sách phải độc lập, cơ bản trên cơ sở ý kiến dân chủ của tập thể. Phải chủ động trước mọi sức ép để thực hiện kỳ được mục tiêu đã lựa chọn. Bao quát tổng thể nhưng không hời hợt, chung chung. Giữ nghiêm kỷ luật.
Nói gọn lại, phải hội đủ bốn nhân tố cơ bản: Bản lĩnh chính trị - bản lĩnh nghề nghiệp lãnh đạo, quản lý - bản lĩnh sống và là tấm gương trước tổ chức đảng và nhân dân. Đó là những nhân tố cần, có tính chất chung nhất đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, người đứng đầu nói riêng. Bởi lẽ, họ chính là người đại diện cho Đảng, cho Nhà nước bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện thông qua Nhà nước và hệ thống chính trị; là người thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực của Nhà nước trên thực tế; và là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước.
Tổng hòa những yêu cầu cơ bản đó là nền tảng tạo nên vị thế và năng lực của người đứng đầu cấp ủy. Nó là sự đòi hỏi và cũng là thách thức. Việc thực thi tới mức nào sẽ quyết định sự thành hay bại, uy tín cao hay thấp của họ trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày của họ tới mức đó; việc bảo đảm thực hiện đường lối của Đảng, phát huy sức mạnh của Nhà nước và việc thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, khả năng làm việc và uy tín đạo đức của người đứng đầu ở mức độ đó.
2.2- Những tố chất cụ thể chuyên biệt
Nhìn chung, tiêu chuẩn chung của người đứng đầu cấp ủy, như đã trình bày, bao gồm nhiều mặt. Trên từng khía cạnh, diễn đạt cụ thể, những tố chất của người đứng đầu cấp ủy bao hàm những yêu cầu sau:
Thứ nhất là, phẩm chất chính trị - tư tưởng.
Đây là phẩm chất hàng đầu, cơ bản nhất. Bởi, thiếu nó thì không thể nói tới việc định hướng về lý tưởng, về khả năng nhận thức đúng đắn và phấn đấu có hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, càng không thể nói đến việc nghiên cứu, xem xét những đường lối, chủ trương và chính sách đó với tính cách là điểm xuất phát, bao trùm và quán xuyến toàn bộ những hoạt động của mình. Vì thế, phẩm chất chính trị - tư tưởng của người lãnh đạo chính là niềm tin vững chắc lý tưởng xã hội chủ nghĩa, là khả năng nhận thức và phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước một cách kiên quyết và triệt để nhất. Đây là tiền đề kích thích người lãnh đạo nhận thức và dự đoán trước những khuynh hướng mới nhất trong các phạm vi hoạt động tương ứng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... của đất nước. Đồng thời, nó cũng là tiền đề giáo dục và kích thích tinh thần cách mạng. Phẩm chất này hoàn toàn phải được bảo đảm và giữ vững bởi tính nguyên tắc của Đảng, bởi tính không khoan nhượng với bất kỳ một khuyết điểm nào, dù là nhỏ nhất trong công tác; bởi tính đối lập triệt để với tất cả những gì trái với nó là sự mơ hồ về quan điểm chính trị, lập trường cách mạng, quan điểm quần chúng, sự sa sút ý chí chiến đấu, sự suy thoái tư tưởng chính trị và nhiệt tình cách mạng. Và cuối cùng, phẩm chất đó phải được thể hiện bằng hành động thực tế và được đánh giá bằng kết quả cụ thể.
Thứ hai là, nhân cách lãnh đạo và nhân cách sống.
Nhân cách chính trị của người đứng đầu phải được thể hiện trước hết trên phương diện tiềm năng trí lực và văn hóa. Đó là những hiểu biết đầy đủ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là trình độ giác ngộ chính trị - tư tưởng cao, là niềm tin không lay chuyển vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng.
Nhân cách sống đó là trình độ văn hóa tổng hợp rộng lớn đủ để nắm vững và làm chủ sự phát triển phức tạp, đa dạng của xã hội. Đó cũng là trình độ sống của người làm công tác lãnh đạo, một nội dung của khoa học lãnh đạo, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu là năng lực khám phá, sự hiểu biết về con người và tâm lý con người, về các phương pháp làm việc phù hợp với mọi người, từ đó, xây dựng một tập thể hoạt động có mục tiêu rõ ràng và tiềm lực sáng tạo cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng lao động.
Sau nữa là, phong cách công tác. Nó bao hàm: tính nguyên tắc sự tinh tế nhạy bén; sự chú ý đến mọi người, quan tâm tới những yêu cầu cần thiết hằng ngày của tập thể và từng cán bộ, bảo đảm sức khỏe và khả năng làm việc của họ; tính khiêm tốn và thái độ nghiêm khắc đối với tất cả những thiếu sót của bản thân mình, song cũng phải rất độ lượng với những khuyết điểm của cấp dưới và quần chúng v.v..
Hiển nhiên, trong phẩm chất của người đứng đầu không phải chỉ có tiêu chuẩn về chính trị - tư tưởng, về nhân cách, mà cần phải có phẩm chất công tác. Nó được biểu hiện sinh động ở khả năng tiếp cận một cách phù hợp các hoàn cảnh, tình huống xuất hiện, tìm ra con đường ngắn nhất để đạt tới mục tiêu với hiệu suất cao. Dù dưới hình thức này hay hay thức khác, thông qua phong cách lãnh đạo, phẩm chất công tác của người đứng đầu phải đạt tới và phải được thể hiện cụ thể, sinh động bằng uy tín và năng lực tổ chức của họ.
Uy tín của người đứng đầu là một trong những điều kiện có tính chất quyết định thành công đổi mới phương thức lãnh đạo. Bởi vì, không có uy tín thì người lãnh đạo, quản lý không thể lãnh đạo được tốt, nếu không nói là không thể lãnh đạo được ai, được gì. Tất cả những điều kiện về mặt kinh tế - xã hội là điều kiện khách quan để bảo đảm uy tín thật sự của người lãnh đạo, quản lý. Nhưng uy tín cao hay thấp, ngoài điều kiện khách quan nói trên, rõ ràng còn hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự phấn đấu, tu dưỡng chủ quan của mỗi người lãnh đạo. Có người lầm tưởng người lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ càng cao, quyền hành càng lớn thì uy tín cũng lớn. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín thực chất là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Thực tế cho thấy, uy tín của người lãnh đạo, quản lý phải được hình thành trên cơ sở của chính phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ của người đó. Nó giống như ánh sáng của viên ngọc, mùi hương của bông hoa.
Có thể nói gọn lại là, uy tín của người đứng đầu là kết quả tổng hợp của mấy mặt sau đây: trước hết, sự gương mẫu toàn diện, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể; có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, tất cả thể hiện ở chỗ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; liên hệ chặt chẽ với đồng chí, đồng nghiệp, sống trong lòng nhân dân và cấp dưới...
Đồng thời là năng lực lãnh đạo giữ vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không nói là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định. Ngoài những điểm cần phải có, như niềm tin, lòng trung thành, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm..., cần phải có trình độ nghiệp vụ nữa. Điểm sau cùng này là hết sức quan trọng, vì không có khả năng am hiểu công việc, không thành thạo chuyên môn thì “không thể lãnh đạo được”. Bởi vì, ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn.
Người đứng đầu phải thống nhất giữa lời nói và việc làm, linh hoạt và mềm dẻo, tháo vát, chủ động, đặc biệt là cần phải có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước tập thể trên cơ sở nắm bắt trúng thực tế, không nghiêng ngả trước dư luận thị phi theo kiểu “đẽo cày giữa đường”; tập hợp và xử lý kịp thời thông tin, ra quyết định đúng, trúng và phù hợp. Cùng với những tố chất cần phải có ở trên, để có được một năng lực lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy phải có những “đặc điểm chuyên biệt”. Đó là “sự trực giác về tổ chức” hay sự nhạy bén về tâm lý của người lãnh đạo. Tức là phải biết chọn được con đường ngắn nhất, phù hợp nhất để đi vào tâm lý mọi người một cách hiệu quả nhất, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Muốn có được năng lực tổ chức, phải: hiểu biết tâm lý, có óc thực tiễn, có năng lực hoạt động độc lập, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn về mình, có tài chỉ đạo, xử lý đúng đắn quan hệ giữa mình với những người thuộc quyền, giữ được lòng tin và thiện cảm của họ, xây dựng trong tập thể tinh thần dân chủ, đoàn kết thống nhất và cầu thị.
Cuối cùng, là phẩm chất tâm lý - đạo đức.
Đối với người đứng đầu cấp ủy và người lãnh đạo nói chung, năng lực đối thoại, sự kiên tâm, tính bền bỉ, nhã nhặn, tránh bực tức và nóng nảy thất thường là những đặc tính hết sức cần thiết. Hơn lúc nào hết, lúc này, cần phải nhấn mạnh thêm tính quyết đoán và sự thận trọng, tự chủ và bình tĩnh, giản dị và khiêm tốn, biết lắng nghe, khuyên khích thảo luận, tranh luận... dù trong bất cứ tình huống nào.
Người đứng đầu cấp ủy phải có trách nhiệm gương mẫu tự phê bình và phê bình đúng lúc và đúng mức, lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác với thái độ trân trọng, theo dõi và quan tâm tới mọi người; luôn luôn tập hợp xung quanh mình những người cùng làm việc giỏi, luôn luôn niềm nở và lịch thiệp đối với họ, tự hào về họ, và dĩ nhiên không tự đề cao mình. Sau cùng, phải dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và nhược điểm của mình. Tự mình phải là một tấm gương về đạo đức. Đây là việc rất cơ bản trong công việc lãnh đạo bằng phương pháp nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, một nội dung xây dựng Đảng về đạo đức.
Nói gọn lại, từ toàn bộ những tố chất đó, có thể khái lược thành 18 chữ: Vinh dự - Gương mẫu - Tiền phong - Trí tuệ - Dũng khí - Dân chủ - Liêm sỉ - Trách nhiệm - Kỷ luật.
Đó là tiêu chí để lựa chọn người đứng đầu, cũng là một trong những nội dung quan trọng hợp thành công tác xây dựng Đảng trước hết về đạo đức trong tổng thể xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức hiện nay. Vì vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua đảng viên, bắt đầu từ người đứng đầu cấp ủy, là nhân tố cơ bản, công việc có tính đột phá trực tiếp và trước hết bảo đảm thành công nhằm không ngừng đổi mới và hoàn thiện công việc cầm quyền của Đảng hiện nay.
(Còn nữa)
Thực hiện quản lý phát triển xã hội gắn với tiến bộ, công bằng xã hội theo quan điểm Đại hội XII của Đảng  (08/09/2017)
Một số hoạt động nổi bật trong tháng 8-2017  (08/09/2017)
Kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2017  (08/09/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 28-8 đến ngày 03-9-2017)  (07/09/2017)
Điện mừng kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 195 Cộng hòa Liên bang Brazil  (07/09/2017)
Việt Nam-Nam Phi quyết tâm đưa kim ngạch thương mại lên mức 2 tỷ USD  (07/09/2017)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay