Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 28-8 đến ngày 03-9-2017)
TCCSĐT - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương; Chính phủ chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh, công khai vụ VN Pharma; Trí thức trẻ của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã phải được tin tưởng bố trí đúng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Kiểm tra chuyên sâu việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương; Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm tại Ngân hàng Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Hải Phòng; … là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.
Đồng chí Trương Thị Mai thăm các chức sắc tôn giáo tiêu biểu tại phía Nam
Ngày 28-8, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã đến thăm một số chức sắc tiêu biểu tại phía Nam.
Đồng chí Trương Thị Mai bày tỏ hy vọng, với sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, các tỉnh, thành phố cũng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phật sự nhiệm kỳ 2012-2017, góp phần vào việc tổ chức thành công Đại hội Phật giáo Việt Nam sắp diễn ra với tinh thần tất cả vì đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Theo Hòa thượng, trong các mùa đại lễ Vu Lan báo hiếu, các chùa đều tổ chức nghi thức tâm linh như lễ tiếp linh, niệm Phật cầu gia bị, dâng y cúng dường chư tăng.
Cùng ngày, đồng chí Trương Thị Mai đã đến thăm Mục sư Thái Phước Trường, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại Hội sở ở phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhân Đại hội Tổng liên hội lần thứ 5 được tổ chức thành công.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương
Ngày 29-8, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ về quân sự, quốc phòng và công tác xây dựng pháp luật liên quan đến lĩnh vực quốc phòng trong thời gian vừa qua. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương đánh giá cao những kết quả đã đạt được thời gian qua của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Nổi bật là Quân ủy Trung ương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi cả nước.
Về phương hướng, nhiệm vụ, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh trong thời gian tới Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương; các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X đã xác định. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung tiếp tục lãnh đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội; bảo đảm quân đội luôn là lực lượng gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trí thức trẻ của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã phải được tin tưởng bố trí đúng
Sáng 29-8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch ỦY ban Nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương và 300 trí thức trẻ tham dự.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, đầu tháng 10-2012, Bộ Nội vụ đã hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Dự án của 20 tỉnh với tổng số 580 đội viên. Các cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ và đồng thuận chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thu hút trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã thuộc các huyện nghèo trong cả nước. Đây là nguồn nhân lực trẻ để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tính đến ngày 30-6-2017, có 564 đội viên đủ điều kiện để bố trí công tác sau khi kết thúc Dự án, tuy nhiên có 4 đội viên không có nguyện vọng tiếp tục công tác tại địa phương. Sau khi kết thúc Dự án, các tỉnh đã bố trí công tác được 412/560 đội viên (chiếm 73,57%). Trong đó, có 217 đội viên (chiếm 38,75%) được bố trí làm công chức cấp xã; có 13 đội viên (chiếm 2,32%) được bố trí làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã; 17 đội viên (chiếm 3,04%) được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội phụ nữ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Bí thư đoàn xã; 68 đội viên (chiếm 12,14%) tiếp tục được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã; có 86 đội viên (chiếm 15,26%) được bố trí công tác tại các phòng, ban chuyên môn ở cấp huyện; 11 đội viên (chiếm 1,96%) được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành ở cấp tỉnh. Còn 148 đội viên của 26 huyện thuộc 9 tỉnh chưa được bố trí công tác.
Vẫn còn một số tỉnh chậm triển khai thực hiện việc rà soát biên chế, sắp xếp và bố trí đội viên Dự án theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 06-TB/TW và văn bản số 2436/BNV-CTTN của Bộ Nội vụ. Mặt khác, một số tỉnh còn chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch gắn với công tác bố trí, sử dụng đội viên Dự án.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương đào tạo, bồi dưỡng thanh niên. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi trọng việc trọng dụng tài năng trẻ, từng bước thực hiện có tính đột phá trong bố trí cán bộ trẻ trên các lĩnh vực. Thủ tướng đã phê duyệt Dự án 600 Phó Chủ tịch xã nhằm tăng cường nguồn lực có trình độ, giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Điều này thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Chính phủ đối với thế hệ trẻ, những người được đào tạo cơ bản, có lòng nhiệt tình, hăng hái xung phong đến các xã nghèo ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, tham gia xây dựng quê hương đất nước, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo.
Dự án cũng nhằm đào tạo nguồn lực cán bộ bổ sung cho các cấp lãnh đạo, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút trí thức trẻ. Các đội viên đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dự án đã tạo ra cơ hội để đội ngũ trí thức trẻ có môi trường rèn luyện, trải nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, hình thành đội ngũ công chức trẻ năng động, sáng tạo, gương mẫu, chủ động tích cực và trăn trở cùng chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.
Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương tinh thần nhiệt huyết của 580 đội viên Dự án và những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua; tin tưởng các trí thức trẻ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của đội viên; chưa quan tâm đúng mức, chưa coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương, chưa tin tưởng và mạnh dạn giao việc và bố trí đội viên vào các chức danh lãnh đạo quản lý. Còn gần 40% đội viên dự án bố trí làm công chức chuyên môn ở cấp xã. Một số đội viên còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý công việc.
Để tiếp tục phát huy đội ngũ trí thức trẻ có chất lượng này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, thực hiện tốt chủ trương của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Việc bố trí cán bộ, trí thức trẻ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn lực của địa phương yếu thì phải có chính sách thu hút cán bộ, nhất là trí thức trẻ về tham gia cống hiến, sáng tạo. Dự án kết thúc, địa phương phải có chính sách bố trí sử dụng tốt hơn nhưng cũng phải có chính sách tiếp tục thu hút trí thức trẻ về cống hiến.
Chính phủ chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh, công khai vụ VN Pharma
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tám với sự tham gia của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao..., vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập trong phát biểu của mình.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù vụ việc đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. Vì vậy, vụ việc cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ mọi góc khuất.
Trước đó, ngày 24-8, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9036/VPCP-KGVX yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trước ngày 31-8 về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.
Phó Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ báo cáo về trách nhiệm quản lý Nhà nước. Phó Thủ tướng đã nhận được báo cáo. Nội dung báo cáo cơ bản giống như thông cáo báo chí của Bộ.
Phó Thủ tướng có ý kiến cần thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Mặt khác, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm với tinh thần phải hết sức nghiêm minh và công khai.
Ngay sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế, phải rất nghiêm túc, nhất là khi liên quan tới sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Kiểm tra chuyên sâu việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương
Trước đây, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các phát biểu, kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ không được kiểm tra, đôn đốc, đánh giá nên cách nhìn nhận, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khi kiểm điểm không rõ, từ đó ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, doanh nghiệp với môi trường đầu tư trong nước. Các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài rất băn khoăn, vì đề xuất, kiến nghị của họ không được cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo một cách nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, việc đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm khi vừa nhậm chức, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, hay nói cách khác là rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bãi bỏ những nội dung không hợp lý, không cần thiết, kìm hãm sự phát triển. Một năm trước, ngày 19-8-2016, Người đứng đầu Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương, tính thời điểm từ 01-01-2016. Đây là nhiệm vụ mới so với Chính phủ các khóa trước.
Gọn nhẹ và hiệu quả
Với cơ cấu gọn nhẹ, theo Quyết định số 1289/QĐ-TTg về việc kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổ công tác gồm 1 Tổ trưởng, 2 Tổ phó, 5 thành viên và 3 cán bộ thường trực. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ công tác. Hai Tổ phó là hai Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Nguyễn Cao Lục. Thành viên Tổ công tác gồm Thứ trưởng 5 Bộ là: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn.
Hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao, tính đến hết tháng 8-2017, Tổ công tác đã kiểm tra 31 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, kiểm tra 13 bộ, cơ quan ngang bộ, 6 địa phương, 5 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và tiến hành 7 cuộc kiểm tra chuyên đề theo chỉ đạo từng kỳ của Thủ tướng.
Kiểm tra chuyên sâu hơn
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt là các nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đó là yêu cầu Thủ tướng đặt ra đối với Tổ công tác.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tới đây sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Tổ công tác. Tổ công tác đã họp và chuẩn bị một nội dung rất quan trọng, đó là sẽ tiến hành kiểm tra mang tính sâu hơn, chuyên đề hơn, hiệu quả, đi thẳng vào vấn đề. Chẳng hạn việc cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, trọng tâm sẽ kiểm tra cắt giảm giấy phép con của các bộ chuyên ngành, việc thực hiện của các cơ quan thuế, hải quan; kiểm tra mang tính chuyên đề khác như giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, hiệu lực bộ máy Nhà nước… Hay, như hiện nay, nhiều người đặt vấn đề “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”, do đó, cần tăng cường kiểm tra ở tuyến dưới, đặc biệt là ở huyện, xã, phường, xem chuyển động như thế nào.
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm tại Ngân hàng Nhà nước
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo Kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2010-2015.
Theo Kết luận thanh tra, trong những năm qua, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế- xã hội chung cả nước.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, công tác giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước chưa tổng hợp và phân tích sâu sắc các báo cáo của tổ chức tín dụng để đánh giá chính xác các nội dung: diễn biến về cơ cấu tài sản nợ và tài sản có; chất lượng tài sản có; vốn tự có; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh; việc thực hiện quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác.
Trong thời gian từ ngày 01-01-2010 đến 30-6-2015, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, một số cuộc thanh tra vượt quyết định, không thực hiện hết nội dung được phê duyệt trong kế hoạch. Một số kết luận thanh tra việc kiến nghị, xử lý đối với các vi phạm chưa nghiêm theo các quy định của pháp luật; không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng các văn bản hướng dẫn về kê khai và công khai tài sản, thu nhập của Ngân hàng Nhà nước không tuân thủ các quy định tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ và thông tư của Thanh tra Chính phủ. Điều này dẫn tới việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của Ngân hàng Nhà nước hàng năm chưa đúng về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, chậm thời gian.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát các quy định, hướng dẫn trong công tác thanh tra, giám sát và phòng chống tham nhũng để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, các cá nhân có vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Ngoài việc xử lý các vi phạm của tổ chức tín dụng mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, Thanh tra Giám sát ngân hàng cần sớm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố giám sát, đôn đốc chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra; nếu thấy dấu hiệu tội phạm cần chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo thẩm quyền, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân về các khuyết điểm, vi phạm đã được cơ quan này phát hiện.
Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Hải Phòng
Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02-9, tại TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hoàn thành tuyến đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện; dự lễ khởi công tổ hợp sản xuất ô tô tại Hải Phòng.
Thủ tướng dự lễ hoàn thành đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện (Hải Phòng)
Sáng 02-9, tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ hoàn thành, đưa vào sử dụng đoạn tuyến từ Km 2+810 đến Km 15+630 thuộc Dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo nhân dân TP. Hải Phòng.
Dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, TP. Hải Phòng là một trong hai hợp phần chính của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện, là cảng cửa ngõ quốc tế và tương lai sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc nước ta.
Tổng mức đầu tư của dự án là 11.849 tỷ đồng (bao gồm 50,171 tỷ yên vốn vay ODA Nhật Bản và 1.800 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam). Dự án có tổng chiều dài 15,63 km với điểm đầu tại nút giao Tân Vũ giao với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; điểm cuối tiếp giáp với cổng cảng Lạch Huyện, trong đó riêng phần cầu vượt biển dài 5,443 km thi công bằng công nghệ SBS và đúc hẫng cân bằng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc Bộ Giao thông vận tải và TP. Hải Phòng tổ chức lễ hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường ô tô này đúng vào dịp Quốc khánh 02-9 là rất có ý nghĩa.
Đây là tuyến đường và cầu rất quan trọng, kết nối với hệ thống đường bộ, đường cao tốc của Thành phố cũng như khu vực Bắc Bộ. Công trình đi vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Lễ khởi công tổ hợp sản xuất ô tô tại Hải Phòng
Cũng trong sáng 02-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST của Tập đoàn Vingroup tại khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng).
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 02-9. Thủ tướng nói, trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước, khi thu nhập bình quân của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng ô tô sẽ phổ biến. Cho biết, theo xu hướng thế giới, những nước có trên 50 triệu dân thường có thương hiệu ô tô quốc gia, Thủ tướng nhắc đến câu chuyện trong khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã đến thăm nhà máy GM và quyết định chi ra mấy tỷ USD để giữ thương hiệu ô tô này.
Với tinh thần đó, Thủ tướng biểu dương TP. Hải Phòng, Vingroup đã phối hợp tổ chức tốt lễ khởi công một thương hiệu ô tô quốc gia; biểu dương dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và áp dụng kết quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Vingroup đã hợp tác với các hãng lớn để chọn mẫu mã, công nghệ sản xuất tinh tế nhất của ngành ô tô. Đi theo sản xuất ô tô là hàng trăm nhà máy, xí nghiệp phụ trợ. Dự án có thể giải quyết 20.000 lao động và tương lai không xa, sẽ đóng góp cho ngân sách TP. Hải Phòng bằng tổng mức thu nội địa hiện nay của Thành phố.
Thủ tướng hoan nghênh tiến độ mà nhà đầu tư đưa ra, là đến tháng 9-2018 có sản phẩm xe máy điện và đến năm 2019-2020 có chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu VINFAST. Tiến độ này được xem là kỳ tích.
Thủ tướng cũng lưu ý nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến công nghệ, môi trường mà quan tâm cả thị trường, một yếu tố rất quan trọng góp phần cho thành công của dự án. Nhà đầu tư cần nghiên cứu các xu hướng thế giới, ASEAN, từ đó phân kỳ sản xuất, đầu tư hợp lý.
VINFAST cần hợp tác với các doanh nghiệp ô tô khác trong nước để có sự phân công hợp lý trong sản xuất nhằm phát huy hiệu quả của toàn ngành.
Theo Tập đoàn Vingroup, mục tiêu đưa VINFAST là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Nhằm hỗ trợ chiến lược mới này, VINFAST đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Credit Suisse AG, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, theo đó Credit Suisse sẽ thu xếp cho VINFAST khoản vay lên tới 800 triệu USD.
Giai đoạn 1, nhà máy sẽ xuất xưởng 1 mẫu sedan 5 chỗ; 1 mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện theo tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu châu Âu, công suất dự kiến đạt 100.000-200.000 xe/năm. Sản phẩm VINFAST đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng tới là xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô.
Toàn bộ quy trình sản xuất được đặt tại Nhà máy VINFAST Hải Phòng, quy mô 335 ha, gồm 5 phân xưởng chính: Phân xưởng ép, phân xưởng thân xe, phân xưởng sơn, phân xưởng sản xuất động cơ, phân xưởng lắp ráp. Trong đó, các cấu phần quan trọng như động cơ và hệ thống kết cấu chính sẽ được mua thiết kế từ những nhà thiết kế hàng đầu châu Âu và Mỹ. Riêng kiểu dáng xe được sáng tạo bởi các studio danh tiếng của Italy - nơi sáng tạo nên những thiết kế sang trọng cho Alfa Romeo, Aston Martin, Audi, Bentley, BMW, Cadillac, Ferrari, Jaguar, Lamborghini, Mercedes-Benz, Porsche, Rolls-Royce…
Với chủ trương đón đầu công nghệ và thân thiện với môi trường, VINFAST sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới vào sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải khắt khe Euro 5.0 và Euro 6.0, đồng thời ưu tiên tối đa sử dụng năng lượng xanh trong quy trình sản xuất tại nhà máy. Công ty cũng chủ động đầu tư dây chuyền xử lý pin và ắc quy đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường.
Điện mừng kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 195 Cộng hòa Liên bang Brazil  (07/09/2017)
Việt Nam-Nam Phi quyết tâm đưa kim ngạch thương mại lên mức 2 tỷ USD  (07/09/2017)
Tỉnh Bình Phước: Phát động tháng cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017  (07/09/2017)
Tọa đàm khoa học: Chín năm xây dựng nền giáo dục kháng chiến ở Nam Bộ - Thành quả và kinh nghiệm (1945-1954)  (07/09/2017)
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác  (07/09/2017)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay