Để phát huy hơn nữa hiệu quả thông tin, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi về cán bộ, chuyên viên, biên tập viên và phương tiện kỹ thuật cho việc tiếp nhận, xử lý thông tin về bầu cử.
Trong đó, các cơ quan báo chí dành thời lượng, thời điểm phát sóng, diện tích phù hợp để phục vụ công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đáp ứng nhu cầu cần được thông tin của nhân dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử; giới thiệu, phổ biến các văn bản hướng dẫn về cuộc bầu cử của Đảng, Nhà nước, văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử tới cử tri cả nước.

Thông tin tuyên truyền cần tập trung làm rõ bản chất Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; quyền dân chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng.

Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các nguyên tắc, quy trình bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm của cử tri trong quá trình tham gia bầu cử.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc về cuộc bầu cử; vi phạm pháp luật trong đề cử, ứng cử, vận động bầu cử, các vi phạm về quyền bầu cử, ứng cử của công dân...

Qua thông tin, tuyên truyền, bảo đảm để cử tri nắm vững nội dung của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức vận động bầu cử đúng pháp luật, bảo đảm dân chủ. Đồng thời, cổ vũ, động viên cử tri tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia các hoạt động bầu cử và chủ động tham gia bầu cử.

Gắn cuộc vận động bầu cử với các phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, lập thành tích chào mừng ngày bầu cử. Các cơ quan báo chí cũng cần biểu dương các đơn vị, địa phương làm tốt công tác bầu cử; phát hiện, phê phán các hành vi gây mất dân chủ, xâm phạm quyền tự do bầu cử, ứng cử của công dân.

Các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền đối ngoại về bầu cử, qua đó, làm cho dư luận và nhân dân thế giới có những nhận thức đúng đắn về tính dân chủ trong hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội của Việt Nam; góp phần đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch.../.