TCCSĐT - Tiếp tục kỳ họp thứ 11, quốc hội khóa XIII, ngày 25-3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật dược, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).


Buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật dược (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Đây là lần thảo luận cuối cùng để hoàn thiện dự luật trước khi thông qua tại kỳ họp này.

Tại phiên thảo luận, nội dung về chứng chỉ hành nghề dược thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược hiện vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau, đó là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ. Đa số ý kiến phát biểu tán thành với phương án trong dự thảo luật là cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần và nhấn mạnh đây chính là sự thể hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề dược.

Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách, việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần gắn với biện pháp hậu kiểm (quy định thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược đối với“người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp” tại Khoản 11 Điều 31) và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.

Đánh giá về việc kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu của Bộ Y tế, Hải quan bị hạn chế do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất. Với dược liệu đã qua sản xuất thì việc kiểm tra chất lượng còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi cấm nhập khẩu dược liệu đã qua chế xuất, trường hợp Việt Nam không có nguồn dược liệu thay thế thì Chính phủ có thể cho phép nhập khẩu.

Cho ý kiến vào Điều 83 về Quảng cáo thuốc, đại biểu đề nghị cân nhắc việc quảng cáo thuốc thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và theo các quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý kiến cụ thể vào các nội dung như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật dược lâm sàng; chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược.

Buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.

Các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung quy định khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo cơ sở giảm giá thành sản phẩm, giúp tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trình Quốc hội đã đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết, do vậy không phải chờ đến sau khi ký kết Hiệp định TPP mới tiến hành thông qua Luật sửa đổi mà Quốc hội cần thông qua ngay tại kỳ họp này.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết 10 hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định đã và đang thực hiện cam kết cắt giảm thuế, mở cửa thị trường. Việc ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo cơ sở pháp lý cao khi luật hóa những cam kết trong các hiệp định, đồng thời bảo đảm thực hiện được ngay các cam kết trong TPP sau khi hiệp định này được ký kết.

Về đối tượng chịu thuế, một số ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc không áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.

Đóng góp vào quy định miễn thuế nhập khẩu tại Khoản 13 Điều 16, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định miễn thuế với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, là chưa phù hợp với pháp luật đầu tư hiện hành.

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chỉ áp dụng cho dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng được miễn thuế và điều kiện được miễn thuế là hai nội dung khác nhau. Nếu không quy định rõ, việc khuyến khích đầu tư ở những lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư sẽ gặp khó khăn. Để phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư hiện hành và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư, đại biểu đề nghị sửa Điều 13 thành miễn thuế với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Một nội dung nữa của Luật được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại. Đây là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do và thông lệ quốc tế, các biện pháp phòng vệ, trong đó có việc áp các loại thuế này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thương mại tiến hành, có đủ bằng chứng và căn cứ xác đáng.

Nhiều ý kiến cho rằng áp dụng thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng sản xuất trong nước là cần thiết, để bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng, là biện pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, nếu áp dụng thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà không có sự cân nhắc kỹ sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Khi đưa ra thuế phòng vệ phải quan tâm đến thị trường nhiều hơn và phải tận dụng tối đa lợi thế của hội nhập trong kinh tế vĩ mô./.